Con Rắn từ thơ ứng tác đến thơ trữ tình
Con Rắn từ thơ ứng tác đến thơ trữ tình
Lẽ thường, rắn sẽ là con vật rất khó đi vào văn chương nghệ
thuật. Thế nhưng, trong một số trường hợp đặc biệt, rắn vẫn đi vào các thi phẩm
và tạo nên những hiệu ứng độc đáo, gây ấn tượng mạnh mẽ với nhiều độc giả, thậm
chí là người đọc của nhiều thế hệ.
Trong 12 con giáp của bảng can chi, rắn (cùng chuột) là một trong hai con
vật được xem là có hại nhiều hơn có lợi, bị người ta ghét hoặc ghê sợ. Điều này
có thể thấy rõ qua hàng loạt câu thành ngữ tục ngữ có sự xuất hiện của rắn như:
rắn đổ nọc cho lươn; cõng rắn cắn gà nhà; khẩu Phật tâm xà; miệng hùm nọc rắn;
ác như rắn hổ mang; đánh rắn phải đánh khúc giữa…
Lẽ thường, rắn sẽ là con vật rất khó đi vào văn chương nghệ thuật. Thế
nhưng, trong một số trường hợp đặc biệt, rắn vẫn đi vào các thi phẩm và tạo nên
những hiệu ứng độc đáo, gây ấn tượng mạnh mẽ với nhiều độc giả, thậm chí là người
đọc của nhiều thế hệ.
Xin được mở đầu với con rắn trong bài thơ ứng tác được tương truyền là của
Lê Quý Đôn (1726 -1784), người được coi là nhà bác học lớn của Việt Nam trong
thế kỷ 18. Chuyện kể rằng khi Lê Quý Đôn mới 10 tuổi, vì phạm lỗi trêu chọc người
khách của cha, ông bị phạt và phải làm theo một bài thơ Nôm theo thể thất ngôn
bát cú với nhan đề “Rắn đầu biếng học” theo yêu cầu của người khách.
Trong giây lát, Lê Quý Đôn đã ứng khẩu đọc luôn như sau: “Chẳng phải liu
điu cũng giống nhà/ Rắn đầu biếng học lẽ không tha/ Thẹn đèn hổ lửa đau lòng mẹ/
Nay thét mai gầm rát cổ cha/ Ráo mép chỉ quen tuồng lếu láo/ Lằn lưng cam chịu
vệt năm ba/ Từ nay Trâu, Lỗ xin siêng học/ Kẻo hổ mang danh tiếng thế gia”.
Cái tài tình của bài thơ là câu nào cũng có chữ rắn hoặc nhắc đến một
loài rắn, nhưng đồng thời đơn vị chỉ rắn/loài rắn ấy lại được dùng phép chơi chữ
để thể hiện thêm một ý nghĩa khác: liu điu vừa là tên một loài rắn vừa gợi ý
nghĩa bé nhỏ, hổ lửa vừa là tên loài rắn vừa có ý nghĩa hổ thẹn với ngọn đèn
(đèn vốn được coi là biểu tượng của sự học), mai gầm vừa là tên loài rắn vừa chỉ
việc lười học khiến cha phải quát tháo (gầm), ráo vừa là tên loài rắn vừa có
nghĩa tính từ là khô, lằn vừa là tên loài rắn (thằn lằn) vừa là động từ chỉ việc
bị phạt roi, Trâu vừa chỉ rắn hổ trâu vừa nhắc đến quê hương của Khổng Tử (nước
Trâu), hổ mang vừa là tên một loài rắn vừa thể hiện ý nghĩa “xấu hổ, mang tiếng”.
Bài thơ vừa đúng niêm luật của thể thất ngôn bát cú, vừa tuân theo chủ đề
chăm học mà người ra đề yêu cầu, đồng thời thể hiện một trí tuệ thông minh và
tài ứng đối tuyệt vời của cậu bé thần đồng, sau này sẽ trở thành một nhà sử học,
nhà thơ, nhà giáo, nhà tư tưởng xuất sắc của thời phong kiến Việt Nam.
Sau Lê Quý Đôn gần hai thế kỷ, Phạm Công Thiện (1941 - 2011), một gương mặt
độc đáo và xuất sắc của văn nghệ Sài Gòn trước 1975 đã xuất bản một tập thơ với
cái tên “Ngày sinh của rắn” (1966). Bản thân Phạm Công Thiện cũng mang tuổi rắn,
là người thông thạo nhiều ngoại ngữ, nghiên cứu rất sâu về triết học. 12 bài
thơ được đánh số trong tập “Ngày sinh của rắn” vì thế không phải là thứ thơ dễ
đọc với độc giả phổ thông. Thơ ông thuộc dòng thơ ý niệm, đan cài nhiều triết
lý, đồng thời gửi gắm nhiều hoang mang, bất ổn của tâm trạng con người trong đời
sống thực tại. Các bài số 5, số 7 và số 9 trong tập thơ này là những bài thơ có
xuất hiện hình ảnh con rắn.
Ở bài số 5, con rắn gắn với sự tìm về một miền ký ức với những vẻ đẹp chỉ
còn trong mơ ước: “Paris đuổi mất mây mộng hoang đường/ Đập vỡ cơn điên trên
triền đá sương/ Tôi trốn giặc đời/ Tắm trong hồn hương/ Trái đu đủ/ Trong khu
vườn xưa/ Con rắn nhỏ”. Ở bài số 7, con rắn lại gắn với những ngày sắp đến, là
một tương lai với khá nhiều mịt mờ: “Ồ cây mồng tơi/ Của thời trẻ dại/ Tôi gọi
thầm/ Rắn cuộn tròn/ Tương lai”. Ở bài số 9, đây là bài thơ duy nhất của tập viết
theo thể lục bát với hình ảnh con rắn xuất hiện ngay từ câu thơ đầu tiên: “Rắn
trườn vỡ trứng chim rừng/ Tôi nghe tiếng hát hoang đường nửa đêm/ Khuya buồn tủi
nhục môi em/ Mưa bay nhỏ nhẹ qua thềm bơ vơ”.
Con rắn trong thơ Phạm Công Thiện và toàn bộ tập thơ “Ngày sinh của rắn”
nói chung, có thể xem là một cuộc tìm về bản thể, giãi bày cái tôi của chính
tác giả với nhiều vùng kín nhiệm, bí mật, chìm khuất, trong đó có rất nhiều đổ
vỡ và xa xót của những tâm sự khó nói hết thành lời.
Phải sau tập “Ngày sinh của rắn” hơn nửa thế kỷ, thơ Việt mới lại có một
tác giả gây được ấn tượng đậm nét với những bài thơ viết về rắn. Đó là Trương
Xuân Thiên (1979) với tập thơ lục bát “Áo hồ ly” (NXB Văn học, 2017). Trước đó,
tác giả họ Trương đã cho ra mắt hai tập thơ: “Tư duy S” (NXB Văn học, 2005) và
“Homo Sapiens - Người tinh khôn” (NXB Văn học, 2009), nhưng đến “Áo hồ ly” thì
đây là một tập thơ thuần lục bát.
Lục bát của Trương Xuân Thiên đã từng được thi sĩ Du Tử Lê dành những lời
khen ngợi: “Lục bát của Trương được ngọn hải đăng siêu thực dẫn đường cho mọi
lênh đênh tìm về của thể Sáu Tám, vốn đẫm đẫm tâm cảnh và cảm thức lạc lõng bấp
bênh của tuổi trẻ đương thời, trước những vấn nạn lớn lao, muôn đời của kiếp
nhân sinh”. Trong tập “Áo hồ ly”, có tới 4 bài lục bát viết về rắn. Đó là các
bài Hổ mang 1, Hổ mang 2, Hổ mang 3 và Hổ mang 4.
Trong một bài viết giới thiệu về tập “Áo hồ ly” in trên Báo Văn nghệ số
26 năm 2017, tôi đã từng gọi lục bát Trương Xuân Thiên là thứ lục bát kỳ ảo, đi
giữa đôi bờ của tượng trưng và siêu thực, sử dụng nhiều kỹ thuật tu từ và thủ
pháp của các loại hình khác nhau như hội họa, điện ảnh, tâm lý/ cận tâm lý để tạo
nên những câu thơ đột sáng. Bốn bài thơ “Hổ mang” cũng không đi ra ngoài phong
cách chủ đạo ấy.
Xin được giới thiệu bài “Hổ mang 1”: “Đêm rằm cuội trắng vu quy/ Mà lòng
suối cạn vân vi mấy mùa/ Hổ mang ngậm ngải lên chùa/ Bời bời mây trắng bỏ bùa
trần ai/ Đêm qua tỉnh giấc mê dài/ Mơ thành chính quả ngự đài hoa sen/ Sáng ra
hai mắt ướt nhèm/ Từ dòng máu lạnh gọi tên di đà”. Không chỉ nhân cách hóa con
rắn, Trương Xuân Thiên còn thổi vào những dòng lục bát một không khí liêu trai,
huyễn hoặc, hơi có phần ma quái, nói về ước mơ của rắn mà phải chăng chính là
ngụ ý những mơ ước không thể nào chạm tới của mỗi kiếp người. Với mỗi bài thơ,
con rắn vừa là hình tượng trung tâm, đồng thời tác giả còn muốn kể với người đọc
một câu chuyện bí mật, ly kỳ.
Tiếp theo là bài “Hổ mang 2”: “Một nàng rắn chúa hổ mang/ Nằm mơ ú ớ đổi
sang lốt người/ Tỉnh ra dở khóc dở cười/ Vừa mới chớp mắt đã mười năm trôi/ Hổ
mang bò đến chân đồi/ Ngậm hòn cuội trắng bồi hồi vu quy/ Thế là đêm ấy thiên
di/ Chín năm sinh hạ hòn bi ngọc xà”. Vẫn là một giấc mơ, nhưng trong màn sương
mờ ảo của ngôn ngữ, ta nhận ra rõ hơn một khát khao về tình yêu, về hạnh phúc
đôi lứa, về ước mơ được làm vợ làm mẹ. Nhưng câu trả lời cho khát khao ấy vẫn
còn là một điều bí mật.
Ý thơ đan xen giữa mộng và thực, xa và gần, thiêng liêng và trần tục, hứa
hẹn những câu chuyện sẽ còn được kể tiếp trong bài Hổ mang 3: Một chiều lũ rắn
đưa tang/ Đại vương rắn chúa hổ mang băng hà/ Từ đồi tới bãi tha ma/ Bời bời
máu lạnh la đà khóc than/ Thủy triều dâng ngập thế gian/ Núi sông cất tiếng
than van âu sầu/ Ta nằm mộng thấy vực sâu/ Mặt trời khoác chiếc áo nâu ướt đầm.
Tới bài này, các nhân vật được mở rộng hơn, xuất hiện cả một “lũ rắn” với “đại
vương rắn chúa”. Không còn là câu chuyện về những tự sự của một cá nhân, một số
phận mà hình như đã chạm tới các ẩn dụ về thế sự về thời cuộc. Giữa cái lớn lao
và cái nhỏ bé, cái quyền lực và cái phục tùng, thân phận con người vẫn không thể
thoát được những quy luật sinh - diệt của trời đất.
Nếu như ba bài “Hổ mang” phía trên, mỗi bài chỉ có 8 câu, thì bài “Hổ
mang” cuối cùng dài tới 12 câu với sự xuất hiện của hai nhân vật chính - một cặp
rắn mào: “Ngày xưa có cặp rắn mào/ Yêu nhau từ độ trăng sao lọt lòng/ Đào hang ở
phía bờ sông/ Trồng hoa ở phía đồi thông phấn vàng/ Đêm đêm máu lạnh mơ màng/ Cầm
tay nhau hát hỗn mang an lành/ Rắn chồng mặc áo thiên thanh/ Bắc cầu Ô Thước
qua nhành mai hoa/ Hoan ca đến buổi mù lòa/ Hạ sinh được một tiểu xà tinh anh/
Rắn mào lễ tạ trời xanh/ Một đêm trăng lạnh quyên sanh trên đồi”.
Một câu chuyện tình yêu thật đẹp với đủ những ngọt ngào và mất mát. Tình
yêu ấy đơm hoa kết trái để cho ra đời một “tiểu xà tinh anh”, dù sau đó sẵn
sàng chấp nhận hy sinh như một lời nguyền, một hẹn thề nào đó từ trong tiền kiếp.
Nói về câu chuyện của loài rắn nhưng thực ra cũng là ngụ ý những câu chuyện
muôn đời của kiếp người.
Thơ về rắn trong dòng chảy văn học sử, tuy không nhiều về số lượng song
cũng đã lưu lại được những ấn tượng khó phai, gắn với những sáng tạo riêng biệt
và bút pháp độc đáo của mỗi thi sĩ.
Nhận xét
Đăng nhận xét