BÀNG QUAN & BẰNG QUANG

 BÀNG QUAN & BẰNG QUANG
Trong tiếng Việt, “bàng quan” và “bàng quang” đều là những từ Việt gốc Hán; nghĩa của chúng khác nhau hoàn toàn, nhưng lại có âm đọc và chữ viết gần giống nhau.
Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên – Bản chú chữ Hán cho những từ Hán Việt – Trung tâm từ điển học Vietlex) giảng:
-“bàng quan • 旁觀 đg. tự coi mình là người ngoài cuộc, coi là không dính líu đến mình. bàng quan với thời cuộc ~ thái độ bàng quan, thiếu trách nhiệm. Đn: thờ ơ”.
-“bàng quang • 膀胱 d. bọc chứa nước tiểu trong cơ thể người và một số động vật. viêm bàng quang. Đn: bóng đái, bọng đái”.
Các yếu tố cấu tạo từ “bàng”, “quan”, “quang”, chưa được Việt hoá, lại đồng âm dị tự, dị nghĩa, và không có khả năng độc lập trong hành chức, nên càng gây khó khăn trong việc phân biệt từ ngữ.
Lỗi nhầm lẫn bàng quan (thờ ơ, đứng ngoài cuộc) thành bàng quang (bọng đái), hoặc hiểu lầm bàng quan vừa có nghĩa là đứng ngoài cuộc, vừa có nghĩa là bọng đái, không chỉ xảy ra với người viết thông thường, mà còn với cả các nhà biên soạn từ điển. Ví dụ:
-Sách Thành ngữ cách ngôn gốc Hán (Nguyễn Văn Bảo – NXB Đại học Quốc gia Hà Nội - 1999), giảng chữ “bàng” trong  thành ngữ Bàng nhược vô nhân - 旁若無人 (chỉ thái độ kiêu ngạo, coi như không có ai [bên cạnh]), là “bàng quang”(cái bọng đái), trong khi chính xác phải là “bàng quan” (bên cạnh).
-Sách Việt Nam tân tự điển (Thanh Nghị - Nhà sách Khai trí – Sài Gòn, 1967) cho “bàng-quan” hai nghĩa: 1 “Kẻ đứng bên ngoài mà xem chớ không dự vào, cũng nói là khách bàng-quan”, và nghĩa 2 là “Bong-bóng trong bụng người hay thú”, trong khi nghĩa 2 đáng ra phải thuộc mục “bàng quang” mới đúng.
Để không bao giờ nhầm lẫn bàng quan với bàng quang, việc nắm được nghĩa từ nguyên trong từng yếu tố cấu tạo từ là hết sức quan trọng:
-Với từ bàng quan, thì chữ bàng  có nghĩa là bên cạnhquan nghĩa là xemnhìn, quan sátbàng quan nghĩa là đứng bên cạnh mà xem, mà quan sát (tự coi mình là người đứng ngoài cuộc). Chữ bàng  với nghĩa là bên cạnh (trong từ bàng quan) còn có nghĩa là gần, ngang, phụ, xuất hiện trong một số từ ngữ khác, như: giờ bàng [từ cũ] nghĩa là giờ phụ (đối với giờ chính); huyệt bàng [phong thuỷ] chỉ huyệt bên cạnh, gần huyệt chínhrễ bàng [thực vật] chỉ loại rễ phụ mọc ngang mà nông; cây bàng (tên gọi theo đặc điểm cây có cành mọc ngang),v.v…
-Với từ bàng quang. Sự rắc rối ở chỗ bàng  là chữ Hình thanh, gồm: bộ nhục  nghĩa là thịt (vốn có tự hình ) chỉ nghĩa (nói về bộ phận cơ thể con người), và mượn chính chữ bàng  (nghĩa là bên cạnh) làm âm đọc, nhưng nghĩa gốc lại là (cái) vai; chữ quang  cũng gồm bộ nhục (thịt) ghi nghĩa, và chữ quang  (sáng) ghi âm. Trong Hán ngữ cũng như tiếng Việt, quang là yếu tố phụ thuộc, khi đi với bàng mới có nghĩa là bọng đái, bóng đái.  
Từ bàng quan, vốn có nghĩa trung tính, chỉ người ngoài cuộc, đứng bên ngoài quan sát. Ví dụ  Đương cục giả mê, bàng quan giả thanh當局者迷旁觀者清 (Người trong cuộc thì mụ mẫm, người đứng ngoài thì sáng suốt). Về sau bàng quan thường được dùng để chỉ thái độ thờ ơ, vô trách nhiệm trước một vấn đề đáng lẽ ra phải ra tay, giúp sức.
Như vậy, để không nhầm lẫn bàng quan với bàng quang, mỗi khi cần dùng đến một trong hai từ này, chúng ta nên ngưng bút trong giây lát để nhớ lại nghĩa của từng yếu tố cấu tạo từ:
-Với từ bàng quan, thì bàng = bên cạnhquan = quan sát, suy ra → phải viết là bàng quan mới có nghĩa là thờ ơ, đứng bên cạnh mà nhìn.
-Với từ bàng quang (chỉ cái bọng đái), thì ta suy luận, phải viết là quang, chứ không thể là quan, vì quan là quan sát, không thể xuất hiện trong từ chỉ bộ phận bài tiết được.
Tóm lại, bàng quan và bàng quang là cặp từ mà chúng chỉ khác nhau mỗi chữ cái G, âm đọc na ná như nhau, nhưng nếu nhầm lẫn thì sẽ tạo thành tình thế “sai một li đi một dặm”, vô cùng bi hài. Tuy nhiên, nếu chúng ta nắm được nghĩa của yếu tố cấu tạo từ như đã phân tích ở trên, thì sẽ tự tin hạ bút mà không bao giờ sợ nhầm lẫn.
Hoàng Tuấn Công/10/2023

Nhận xét

Bài đăng phổ biến