2-TÀU XÂM LƯỢC VN-1979-Thời điểm & Lực lượng tham chiến
TÀU XÂM LƯỢC VIỆT NAM-1979:
2
THỜI ĐIỂM VÀ LỰC LƯỢNG THAM CHIẾN
Chuẩn
bị chiến tranh
Trung Quốc thể hiện rõ sự chủ động trong chuẩn bị chiến tranh và chọn
thời điểm khai hỏa. Về chuẩn bị, Bắc Kinh đã chuẩn bị cho cuộc chiến tranh này ít
nhất một năm trước khi xảy ra thông qua các hoạt động chính trị, quân sự, ngoại
giao.[1] Các
hoạt động này càng đẩy mạnh dồn dập trong khoảng 3 tháng từ sau khi có Hiệp ước
Việt-Xô tháng 11/1978.
Trung Quốc đã nỗ lực tạo ra các điều kiện quốc tế thuận lợi cho chiến
tranh. Đầu tiên là tranh thủ sự ủng hộ của Mỹ và Nhật. Tháng 5/1978, Trung Quốc
thuyết phục lãnh đạo Mỹ từ bỏ ý định bình thường hóa quan hệ với Việt Nam. Tháng
8/1978, Trung Quốc ký với Nhật Hiệp ước Hữu nghị và Hòa bình, thuyết phục Nhật
Bản không viện trợ cho Việt Nam. Đầu tháng 11 năm 1978, Đặng Tiểu Bình thăm chính
thức Thái Lan, Malaysia và Singapore.
Trong chuyến thăm viếng, Đặng đã thuyết phục các nước chủ nhà rằng
Trung Quốc sẽ sử dụng vũ lực chống lại sự xâm lược của Việt Nam nếu nước này tấn
công Campuchia.[2] Ngày
8 tháng 11 năm 1978 tại Bangkok, Thái Lan, Đặng Tiểu Bình tuyên bố Hiệp ước Việt-Xô
gây đe dọa cho hòa bình và an ninh thế giới. Ông nhận định Việt Nam đang trở thành
một Cuba ở phương Đông và thi hành mệnh lệnh của Liên Xô. Trung Quốc đã khéo léo
từ bỏ chính sách can thiệp vào các nước Đông Nam Á; thúc đẩy quan hệ kinh tế,
tranh thủ vốn từ các nước này phục vụ chiến lược “bốn hiện đại hóa”; đồng thời,
tập hợp được lực lượng chống Việt Nam.[3] Ngày
1/1/1979, Washington chính thức bình thường hóa ngoại giao với Bắc Kinh chấm dứt
ba thập niên phong tỏa và cấm vận từ ngày “mất Trung Hoa”.[4] Ngày
28/1/1979 Đặng Tiểu Bình thăm Mỹ, thông báo với Mỹ ý định đánh Việt Nam. Trên đường
về đầu tháng 2/1979, qua Tokyo, ông tuyên bố “Cần dạy cho Việt Nam một bài học.”
Lãnh đạo Trung Quốc khẳng định sẽ đánh Việt Nam, qua đó hạ thấp vai trò của Liên
Xô, chứng minh mâu thuẫn Trung – Xô gay gắt và Mỹ, Nhật sẽ được hưởng lợi.[5]
Chiến tranh biên giới Việt –Trung 1979 là một cuộc chiến tranh hạn chế
về không gian và thời gian mà ẩn đằng sau nó là hai trục (Bắc Kinh –Phnom Penh;
Hà Nội – Moskva). Hai nước trực tiếp tham chiến đều phải dàn lực ra hai hướng
(dù mức độ có khác nhau), tính đến mối đe dọa từ hai phía. Trung Quốc tấn công
Việt Nam nhưng luôn nghe ngóng phản ứng của Liên Xô; Việt Nam chống trả Trung
Quốc song vẫn phải tiếp tục đối phó với Khơme Đỏ ở phía Tây Nam. Trung Quốc tính
toán rằng phần lớn quân chính quy Liên Xô tập trung ở phía Tây chống lại sự tấn
công của Mỹ và phương Tây cũng như làm rào chắn cho khối Đông Âu XHCN. Liên Xô
có khoảng 1 triệu quân[6] canh
giữ biên giới Xô-Trung khá dài nên không đủ lính để gác từng km. Liên Xô sẽ không
đưa ra một cuộc tấn công nếu không chắc thắng và kéo dài. Liên Xô đang ở vào các
giai đoạn cuối cùng tế nhị trong các cuộc thường thảo hiệp ước cắt giảm vũ khí
hạt nhân SALT II với Hoa Kỳ, và được phán đoán có ít xác suất muốn gây gián đoạn
cho tiến trình đó bằng việc phản ứng một cách mạnh mẽ chống lại Trung Quốc.[7] Đặng
Tiểu Bình trong một cuộc họp bí mật đánh giá: “Chúng ta nhận thức được họ không
muốn có bất kỳ một chiến dịch quy mô lớn nào nhưng nếu có chúng ta sẽ đương đầu,
chúng ta đã có sự chuẩn bị thỏa đáng”.[8]
Trung Quốc tự tin trong các tính toán và hành động vì: Một là,
Trung Quốc đã “rào dậu” kỹ càng về ngoại giao với hai đối tác quan trọng là Mỹ,
Nhật trên cơ sở liên minh “chống chủ nghĩa bá quyền”. Hai là, chuẩn bị dư luận
thế giới về một cuộc “phản kích tự vệ” đuổi quân Việt Nam ra khỏi lãnh thổ
Trung Quốc. Ba là, tiếp tục những cuộc hội đàm thường lệ với Liên Xô về vấn đề
biên giới, tỏ rõ cho Liên Xô biết cuộc tấn công Việt Nam là một vấn đề riêng biệt,
không ảnh hưởng đến việc cải thiện quan hệ giữa hai nước. Bốn là, nắm bắt nhu cầu
của Liên Xô trong “đàm phán hạn chế vũ khí hạt nhân lần thứ hai” với Mỹ – nhu cầu
ấy không cho phép Liên Xô mạo hiểm phá vỡ mối quan hệ Mỹ – Xô. Năm là, lực lượng
của Liên Xô ở biên giới Xô-Trung không đủ cho một cuộc chiến tranh với Trung Quốc.
Nếu muốn mở mặt trận, Liên Xô cần một tháng để điều quân từ Đông Âu sang. Đây là
một trong những lý do Trung Quốc hạn chế thời gian chiến sự, muốn đánh nhanh giải
quyết nhanh trong vòng 1 tháng.
Có thể nói vào tháng 1/1979, Trung Quốc đã yên tâm phát động chiến
tranh xâm lược Việt Nam mà không e ngại sự lên án hoặc chống đối từ Mỹ, Nhật
hay ASEAN. Trung Quốc đã giành được sự ủng hộ của Mỹ trong việc “dạy cho Việt
Nam một bài học” với cách thức đánh nhanh, và một cuộc tấn công trừng phạt như
vậy sẽ không gây phương hại đến các quan hệ ngoại giao mới được thiết lập với Mỹ.[9]
Theo các tài liệu được công bố, Hoa Kỳ đã ngầm đồng thuận khi cung cấp tin tinh
báo cho Trung Quốc rằng Liên Xô chỉ có 54 sư đoàn không đủ quân số ở biên giới
Xô – Trung và vì vậy sẽ không có động thái quân sự lớn nào. Đặng Tiểu Bình chắc
chắn có con bài Mỹ trong tính toán chiến lược để chống lại bất kỳ động tác quân
sự có thể nào của Liên Xô.[10] Ngày
16/3/1979, tổng kết chiến tranh, Đặng Tiểu Bình tiết lộ: Khi quân đội Trung Quốc
tấn công Việt Nam cũng là lúc “Hoa Kỳ đã gửi Hạm đội 7 thực hiện tuần tra, giám
sát nhằm đối trọng với Hải quân Liên Xô đang có mặt tại phía Nam biển Nam Trung
Hoa”.
Thực tế, chỉ mười ngay sau giao tranh, Mỹ, Nhật, ASEAN mới dần thay đổi
thái độ từ ủng hộ Trung Quốc sang biện pháp trung lập. Chính phủ Mỹ phản đối hành
động của Trung Quốc một cách nhẹ nhàng, phê chuẩn một chính sách mới, nhằm “làm
cho ảnh hưởng của cuộc chiến tranh này giảm tới mức thấp nhất sự trầm trọng thêm
trong quan hệ Mỹ – Xô và Mỹ – Trung; đảm bảo quân Trung Quốc rút khỏi Việt Nam,
quân Việt Nam rút khỏi Campuchia và ngăn chặn Liên Xô mở rộng cuộc xung đột”.
Tokyo và ASEAN phản đối chiến tranh, yêu cầu ngừng chiến tranh và đề nghị quân đội
nước ngoài rút khỏi Đông Dương (Trung Quốc rút khỏi Việt Nam và Việt Nam rút khỏi
Campuchia).[11] Đây
thực sự là một sự đánh đồng bản chất của hai cuộc chiến.
Trong khi lên án việc Việt Nam tiến đánh Khmer Đỏ là “một mối đe dọa
cho hòa bình và ổn định”, tuyên bố của Mỹ về cuộc tấn công của Trung Quốc có hàm
ý bào chữa rằng “việc Trung Quốc tấn công Việt Nam là kết quả của việc Việt Nam
xâm lược Campuchia”. Một lần nữa Mỹ lại bật đèn xanh cho Trung Quốc xâm phạm chủ
quyền Việt Nam sau khi đã ngầm ủng hộ Trung Quốc cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa.
Xâu chuỗi các sự kiện Washington tiếp tục cự tuyệt các nỗ lực bình thường hóa
quan hệ của Hà Nội, chính quyền Carter tiếp tục chính sách cấm vận kinh tế bao
vây Việt Nam, bình thường hóa quan hệ Mỹ-Trung ngày 1/1/1979,[12] điều
chuyển lực lượng Hạm đội 7 có thể cho thấy Mỹ vẫn nuôi mộng thông qua bàn tay
Trung Quốc để trả món hận với cựu thù Việt Nam trong thời gian đó. Chính Henry
Kissinger đã nhận xét: “Chiến tranh Việt Nam lần thứ ba cũng là đỉnh cao của hợp
tác chiến lược Trung-Mỹ trong Chiến tranh Lạnh”.[13] Việt
Nam hoàn toàn bị cô lập trong cuộc chiến biên giới 1979 bởi tính toán chiến lược
của các siêu cường.
Thời điểm
chiến tranh
Ngày 7/12/1978, Quân ủy Trung ương Ðảng Cộng sản Trung Quốc triệu tập một
cuộc họp kéo dài bốn, năm tiếng, quyết định mở một cuộc chiến tranh hạn chế ở
phía nam biên giới để “phản kích tự vệ” Việt Nam. Ngày 8/12/1978, quân khu Quảng
Châu và Côn Minh được lệnh phải hoàn tất việc chuẩn bị trước ngày 10/1/1979.[14] Chỉ
thị nhấn mạnh rằng chiến tranh phải hết sức hạn chế, chỉ được diễn ra cách biên
giới không quá 50km và kéo dài trong hai tuần.[15] Nhằm
giảm thiểu những phản ứng tiêu cực ở trong và ngoài nước, Đặng Tiểu Bình đặt tên
cuộc tấn công xâm lược của mình là “một cuộc phản công tự vệ,” và hạn chế quy mô,
thời gian và không gian của cuộc chiến. Đặng có thể đã rút kinh nghiệm từ hai
cuộc chiến tranh biên giới với Ấn Độ năm 1962 và Liên Xô năm 1969.
Một cuộc chiến hạn chế sẽ không đủ để khiêu khích Liên Xô có sự can thiệp
và tránh được sự nổi giận của cộng đồng quốc tế.[16] Thời
điểm lệnh tấn công cho thấy Bắc Kinh đã dự trù, tính toán từ trước và việc đánh
Việt Nam là không tránh khỏi, phụ thuộc rất ít vào việc quân tình nguyện Việt
Nam tiến quân vào Phnom Penh ngày 7/1/1979, cứu dân tộc Campuchia khỏi nạn diệt
chủng. Có lẽ Trung Quốc cũng không ngờ tới nghệ thuật tác chiến của Việt
Nam kết thúc nhanh chóng trận chiến ở Phnom Penh và sự đổ vỡ nhanh chóng của quân
đội Khmer Đỏ. Việt Nam đã thoát được cái bẫy gọng kìm mà Bắc Kinh giăng ra
trong gang tấc nhưng không thể ngăn chặn xảy ra một cuộc chiến ở biên giới phía
Bắc. Robert Ross đã đi đến kết luận chính kết quả của việc Liên Xô thành công
trong bao vây Trung Quốc đã dẫn đến sự cần thiết phải có một cuộc xâm lược hạn
chế chống Việt Nam.[17]
Ngày 11/02/1979, hai ngày sau khi Đặng trở về Bắc Kinh từ chuyến đi Mỹ
và Nhật, cuộc họp Bộ Chính Trị mở rộng đã được triệu tập. Mệnh lệnh phát động
cuộc tấn công Việt Nam vào ngày 17/02/1979 đã được gửi tới các tư lệnh quân khu
Quảng Tây và Vân Nam.
Mùa xuân là thời điểm thích hợp khi Trung Quốc tấn công Việt Nam mà không
sợ có phản ứng mạnh từ Liên Xô. Nếu từ tháng Tư trở đi, mùa mưa có thể bất lợi
cho việc tiến hành các chiến dịch quân sự, hoặc nếu tấn công sớm quá thì quân đội
Liên Xô có thể dễ dàng vượt qua những con sông dọc biên giới Trung-Xô khi đó đang
còn đóng băng. Miền Bắc Việt Nam đang vào xuân, thời tiết thuận lợi. Đây cũng là
thời điểm sau Tết, nhiều hoạt động vui chơi, dễ mất cảnh giác.
Trung Quốc cũng tính toán tấn công chớp nhoáng Việt Nam khi Hiệp ước hữu
nghị và hợp tác Việt-Xô chưa kịp có hiệu lực và viện trợ quân sự của Liên Xô đến
Việt Nam chưa nhiều. Chiến tranh cũng nổ ra 2 ngày sau khi Hiệp ước Hợp tác hữu
nghị, đồng minh và giúp đỡ lẫn nhau Xô-Trung có thời hạn 30 năm hết hiệu lực
(15/2/1979). Liên Xô muốn kéo dài thời gian hiệu lực của Hiệp ước nhưng Trung
Quốc không muốn. Đây là dịp tốt để Trung Quốc chấm dứt hoàn toàn mọi khả năng ký
lại Hiệp ước này.[18] Ngày
18/02/1979 Trung Quốc đưa ra Tuyên bố chiến tranh hạn chế với Việt Nam, đồng thời
răn đe khả năng một cuộc chiến tranh tổng lực chống Liên Xô.[19] Trung
Quốc tập trung dọc tuyến biên giới Xô – Trung khoảng 1,5 triệu quân trên
tổng số quân thường trực chiến đấu là 3,6 triệu người để đối phó với hơn
40 sư đoàn Hồng quân Liên Xô triển khai ở đây.[20]
Quân đội Việt Nam đang tập trung ở biên giới Tây Nam. Tại miền Bắc chỉ
còn Quân đoàn 1 quân số thiếu làm nhiệm vụ bảo vệ Hà Nội. Ngoài một sư đoàn 3
Sao Vàng được điều về sau,[21] biên
giới hầu như chỉ còn lính biên phòng và dân quân tự vệ mà Bắc Kinh đánh giá không
phải là đối thủ. Việc di chuyển quân từ Tây Nam ra Bắc qua hàng ngàn km đòi hỏi
thời gian lớn ngay cả khi Việt Nam được Liên Xô hỗ trợ lập cầu hàng không. Cửa
ngõ đến Hà Nội hầu như bỏ ngỏ.
Việt Nam có bị bất ngờ về chiến tranh biên giới không? Căn cứ vào các Bị
vong lục của Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc chuyển các công điện
khẩn của Bộ Ngoại giao Việt Nam tới Tổng Thư ký Liên hợp quốc,[22] Việt
Nam đã được báo động trước về khả năng có xung đột biên giới. Công điện chuyển
thư của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh nêu rõ Trung Quốc đã
tập trung hơn 20 sư đoàn tại biên giới và đe dọa sử dụng vũ lực với Việt Nam, đi
ngược lại các nguyên tắc của Hiến chương Liên Hợp Quốc. Bị vong lục của Bộ Ngoại
giao Việt Nam ngày 14/2/1979 lưu chiểu Liên Hợp Quốc ngày 16/2/1979, trích dẫn
rất nhiều nguồn tin quốc tế nêu rõ đến ngày 9/2/1979 Trung Quốc đã triển khai
khoảng 160.000 quân và 700 máy bay chiến đấu gồm cả máy bay ném bom F9 do Trung
Quốc sản xuất tới biên giới Việt Nam, đào hầm hào, chuẩn bị tiến đánh sâu vào lãnh
thổ Việt Nam,[23] Tuy
nhiên tình cảm quốc tế vô sản và niềm tin vào những người anh em XHCN sâu đậm đã
làm Việt Nam mất cảnh giác, không tin vào khả năng chiến tranh thực sự mà chỉ là
những xung đột, đe dọa. Có thể kết luận Việt Nam bị bất ngờ về thời điểm và quy
mô chiến tranh.
Lãnh đạo Việt Nam đều phân tán không có mặt đủ ở Hà Nội. Ngày
16/2/1979, Hiệp Ước Hữu Nghị và Hợp Tác Campuchia và Việt Nam được ký tại Phnom
Penh. Tham dự lễ ký có Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại
giao Nguyễn Duy Trinh, Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị và Tổng tham mưu trưởng QĐND
Việt Nam Văn Tiến Dũng. Phái đoàn chỉ kịp quay về nước vào ngày 20/2/1979.
Đám cưới con của Tổng Bí thư Lê Duẩn trong tối 17/2/1979 cũng là một nhân
tố[24] có
thể được tính đến với giả định thu hút các lãnh đạo Đảng và Chính phủ Việt Nam
tham dự sự kiện mang tính gia đình đó.
Cũng là một sự trùng hợp khi đồn trưởng các đồn biên phòng được triệu tập
về tỉnh trong ngày 15-16/2 để tham dự họp vào sáng Chủ nhật ngày 17/2/1979 đối
phó với tình hình căng thẳng ở biên giới và nghe phổ biến nhận định Trung Quốc
có thể tấn công.[25] Khi
chiến tranh nổ ra, chỉ huy tác chiến chủ yếu là các chính trị viên và cấp phó.
Cấp trưởng chỉ kịp hủy họp trở về chỉ huy chiến đấu sau khi quân Trung Quốc đã
tiến sâu vào lãnh thổ. Yếu tố này cho thấy, mặc dù có nhiều dấu hiệu Trung Quốc
sẽ tấn công nhưng tình báo Việt Nam đã không có tin tức đúng ngày khai chiến.
Phần lớn người Việt Nam không tin rằng giữa hai người anh em đỏ lại đánh nhau dù
vẫn có các cuộc xung đột biên giới nhỏ.[26] Trung
Quốc đã chủ động quyết định tiến đánh và thời điểm khai chiến trong khi Việt
Nam bị động và bất ngờ vào những ngày đầu cuộc chiến.
Song cũng sẽ là sai lầm nếu kết luận Việt Nam không dự phòng và có kế
hoạch đối phó. Tổng Bí thư Lê Duẩn đã có dự kiến: “Trong thời gian sắp tới,
Trung Quốc có thể sẽ phát động một cuộc chiến tranh trong phạm vi và không gian
lớn. Có thể chúng ta phải đụng với 1 – 1,5 triệu quân của Trung Quốc. Các tỉnh
biên giới phải hết sức cảnh giác và sẵn sàng cho cuộc chiến đấu”.[27] Tại
mặt trận Lạng Sơn, Việt Nam đã chủ động đào sẵn hơn 60 cây số chiến hào phòng
thủ cùng với khoảng 2.000 cứ điểm chiến đấu. Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu Đại sứ
Việt Nam tại Trung Quốc thời điểm đó đánh giá: “Cuộc chiến tranh biên giới đẫm
máu ngày 17/2/1979 do nhà cầm quyền Trung Quốc – mà người chủ xướng là Đặng Tiểu
Bình, phát động, về tổng thể không bất ngờ đối với chúng tôi, nhưng về thời
gian cụ thể và nhất là về qui mô binh lực mà Trung Quốc sử dụng thì quả là không
tính tới…”.
Lực lượng
tham chiến
Tổng số quân đội Trung Quốc vào thời điểm 1979 ước khoảng 4,5 triệu[28] trong
đó số quân được tập trung ở biên giới Việt-Trung khoảng 250.000. Trung Quốc có
121 sư đoàn bộ binh, 11 sư đoàn thiết giáp, 40 sư đoàn pháo binh, 3 sư đoàn không
quân với 5.000 máy bay chiến đấu, 400.000 lính phòng không và 300.000 lính hải
quân. Vào đầu cuộc chiến tranh, Trung Quốc huy động quân của hai đại quân khu
Quảng Tây và Vân Nam, gồm 9 quân đoàn chủ lực và 32 sư đoàn bộ binh độc lập; 6
trung đoàn xe tăng, 4 sư đoàn, nhiều trung đoàn pháo binh, phòng không cùng hàng
trăm pháo hạng nặng, hàng nghìn súng cối và dàn hỏa tiễn.[29]
Quân Trung Quốc ước lượng có 600.000 người.[30] Hải
quân phái một lực lượng đặc nhiệm (gồm hai tàu khu trục tên lửa cùng ba đội tàu
phóng lôi nhanh có hỏa tiễn) tới quần đảo Hoàng Sa (mà Bắc Kinh xâm chiếm từ tháng
1/1974) để phòng trường hợp Liên Xô can thiệp bằng hải quân. Hai tỉnh Quảng Tây
và Vân Nam đã huy động hàng chục ngàn quân và dân công để hỗ trợ hoạt động quân
sự.[31]Không quân Trung Quốc không tham dự trực
tiếp nhưng đã có 8.500 chuyến bay trinh thám và 228 chuyến bay trực thăng vận tải.[32]
Quân đội Nhân dân Việt Nam được đánh giá có khoảng 600.000 bộ binh,
3.000 lính thủy, 300 máy bay và 12.000 lính phòng không, trong đó 19 sư đoàn tập
trung ở biên giới Tây Nam, 4 sư đoàn ở biên giới Lào trước cuộc chiến tranh Việt-Trung.[33] Lực lượng còn lại giữ Hà Nội và các
tỉnh Bắc Bộ chỉ khoảng 100.000. Niên giám châu Á năm 1980 cho biết lực lượng Việt
Nam đóng ở biên giới gồm sư đoàn 3 (đóng tại Lạng Sơn) và sư đoàn 316A (đóng tại
Sa Pa), sư đoàn 346 ở Cao Bằng, 325B ở Quảng Ninh, 345 ở Lào Cai, 326 ở Phong
Thổ, Lai Châu. Các lực lượng còn lại gồm bộ đội địa phương, công an vũ trang (bộ
đội biên phòng), dân quân tự vệ và nhân dân 6 tỉnh biên giới Lai Châu, Hoàng Liên
Sơn (Lào Cai, Yên Bái), Hà Tuyên (Hà Giang – Tuyên Quang), Cao Bằng, Lạng Sơn,
Quảng Ninh. Con số tổng lực lượng phòng thủ của Việt Nam tại các tỉnh biên
giới phía Bắc chỉ có khoảng 50.000 quân.[34] Như vậy, quân Trung Quốc tham chiến
gấp hơn 10 lần lực lượng tham chiến thực tế của Việt Nam.
Quân đội Việt Nam được đánh giá là thiện nghệ, có kinh nghiệm chiến đấu,
có vũ khí trang bị hiện đại từ kho chiến lợi phẩm thu được từ Mỹ và sự giúp đỡ
của Liên Xô. Tuy nhiên các yếu tố này không phát huy được nhiều tại biên giới
Việt-Trung lúc xảy ra chiến sự vì hầu như chỉ có quân địa phương, công an vũ
trang trang bị vũ khí nhẹ và dân quân tự vệ bảo vệ biên giới.[35]
Quân đội Trung Quốc là bậc thầy về sử dụng pháo binh. Trong chiến
tranh, Trung Quốc đã huy động 18.000 khẩu pháo các loại từ 37, 57, 82 ly cho đến
130, 160, 180 ly, dàn hỏa tiễn. Khoảng 700 máy bay đã được huy động nhưng không
tung vào tham chiến vì e ngại lưới lửa phòng không và lực lượng không quân có
tiếng của Việt Nam. Từ chiến tranh biên giới Trung – Ấn năm 1962, quân đội
Trung Quốc không đánh trận, không có kinh nghiệm chiến trường. Hậu quả 10 năm cách
mạng văn hóa cũng làm quân đội Trung Quốc suy yếu, nhiều lính mới nhập ngũ. Bù
lại, Trung Quốc có đội quân “sơn cước” tuyển mộ từ những người Hoa ở Việt Nam lâu
năm quen biết địa hình, thông thổ, dẫn đường cho quân đội.
Địa hình miền núi phía Bắc Việt Nam phức tạp, không thuận lợi cho Trung
Quốc triển khai các đơn vị tăng thiết giáp và ngăn cản các thiết bị thông tin lạc
hậu. Tuy nhiên, các tướng lĩnh Trung Quốc với chiến thuật biển người truyền thống
tin tưởng rằng họ sẽ đè bẹp đối phương trong thời gian ngắn.
So sánh lực lượng, Trung Quốc có thế áp đảo hơn Việt Nam nhiều lần. Đặng
Tiểu Bình đặt quyết tâm chỉ có thể thắng—hoặc có thể giải thích là đã thắng
trong cuộc chiến—để dẹp tan mọi dư luận chống đối. Tình hình nội bộ Trung Quốc
còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ sau khi Đặng quay lại nắm quyền lần thứ hai. Bè lũ bốn
tên đã bị loại khỏi quyền lực, nhưng nhóm Hoa Quốc Phong-Uông Ðông Hưng còn đó;
đang chờ cơ hội phản công. Đặng Tiểu Bình đã quá lớn tuổi không cho phép làm lại
lần thứ ba. Cuộc tấn công Việt Nam là một biện pháp tranh giành quyền lực và thúc
đẩy bốn hiện đại hóa quân đội Trung Quốc, củng cố quyền lực cho Đặng.
Phương châm quân sự chủ đạo của quân đội Trung Quốc là tập trung binh lực,
đánh đòn phủ đầu, nhanh chóng chia cắt, tiêu diệt sinh lực đối phương. Tướng Hứa
Thế Hữu đã triển khai cụ thể phương châm này bằng một chiến thuật gọi là “ngưu đao
sát kê” (dùng dao mổ trâu để cắt tiết gà). Hứa Thế Hữu chủ trương: “Ðánh nhanh
toàn tuyến, chiến thuật biển người, bao gạo súng trường, người Hoa dẫn đường”.[36] Nguyên tắc chủ đạo khi giao chiến gồm
ba điểm: tập trung tấn công vào vị trí quan trọng nhưng không phải điểm mạnh của
quân địch; sử dụng lực lượng và hỏa lực áp đảo (tiền pháo hậu xung) để đập tan
hàng phòng ngự của địch tại những những điểm mấu chốt; các đơn vị xung kích phải
hết sức nhanh chóng thọc sâu và tấn công tất cả các con đường dẫn đến sào huyệt
kẻ thù. Theo cách này Hứa tin rằng quân đội của ông ta có thể cắt nhỏ hệ thống
phòng thủ của Việt Nam thành từng mảnh, đập tan mọi sự kháng cự, và sau đó tiêu
diệt hết quân địch. Lãnh đạo quân đội Trung Quốc còn tuyên bố rất mạnh bạo với
quân lính “sáng ăn cơm Đồng Đăng, chiều ăn cơm Hà Nội”.
Các sử gia phương Tây kết luận chiến tranh năm 1979 không phải là một
cuộc phản kích tự vệ hạn chế như Trung Quốc tuyên truyền. Chiến dịch năm 1979 đã
là một hoạt động quân sự lớn liên quan đến gần mười một đoàn quân Trung Quốc, có
quy mô tương đương với cuộc tấn công của quân Trung Quốc trong chiến tranh Triều
Tiên tháng 11/1950, và vượt quá sâu biên giới Trung Quốc – Việt Nam.[37]
=============================
[1] Theo
King C. Chen, thời gian chuẩn bị cho một sự “trừng phạt” từ Trung Quốc là hai
năm (1977-1979). King C. Chen, China’s War Against Vietnam: A Military
Analysis, The Journal of East Asian Affairs, Vol. 3, Issue 1, 1983, p.
233-263. Ngô Bắc dịch; Xiaoming Zhang, “China’s 1979 War with Vietnam: A
Reassessment”
(Tháng 9/1978, BTTM Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc đã có cuộc họp về vấn đề “làm sao đối phó với nạn xâm chiếm lãnh thổ của quân đội Việt Nam”
(Tháng 9/1978, BTTM Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc đã có cuộc họp về vấn đề “làm sao đối phó với nạn xâm chiếm lãnh thổ của quân đội Việt Nam”
[2] Christopher
Marsh, Unparalleled Reforms, New York: Lexington, 2005, p. 72
[3]Chang
Pao-min, Kampuchea Between China and Vietnam (Singapore, Singapore
University Press, 1985), 46-47.
Ramesh
Thaku and Carlyle Thayer, Soviet Relations with India and Vietnam, New
York, St. Martin’s Press, 1992, p. 287
[4] Joint
Communiqué on the Establishment of Diplomatic Relations between the United
States of America and the People’s Republic of China, January 1, 1979
[5] Henry
Kisinger, On China, p. 488-499.
[6]Robert
A. Scalapino “Asia in a Global Context: Strategic Issue for the Soviet Union,”
in Richard H. Solomon and Masataka Kosaka, eds., The Soviet Far East
Military Buildup, Dover, MA, Auburn House Publishing Company, 1986, p.28.
[7]Harlan
W. Jencks, China’s “Punitive” War on Vietnam,: A Military Assessment, Asian
Survey [U. C. Berkeley], Vol. XIX, No. 8, August 1979, các trang 801-815.
Ngô Bắc dịch
[8]Li
Man Kin, Sino-Vietnanese War, Kingsway International Publications,
Hongkong 1981, ISBN 962-7051-02-2, p. 32
[9] Henry
Kisinger, On China, p. 496
[10]Herbert
S. Yee,The Sino-Vietnamese Border War: China’s Motives, Calculations and
Strategies, China Report (xuất bản tại New Delhi, India), Tom 16,
Volume 1, 1980, p. 15-32.
[11] Robert
Hoppens, The 1979 Sino-Vietnamese War and the transformation of Japan’s
relations with China in diplomacy and discourse, Department
of History and Philosophy, University
of Texas Pan American Volume 14,
Issue 2 (Article 6 in 2014),
https://japanesestudies.org.uk/ejcjs/vol14/iss2/hoppens.html
[12]Bruce
Burton, Contending explanations of the 1979 Sino – VietnameseWar,
International Journal, Volume XXXIV, no. 4/Autumn 1979, p. 699-722.
[13] Heney
Kissinger, On China, p. 373, 503-504
[14] Xiaoming
Zhang, China’s 1979 War with Vietnam: A Reassessment, The China Quarterly,
No. 184 (Dec., 2005), pp. 857
[15]Sông
Hồng, Chiến tranh biên giới Việt-Trung 1979, 1999-2005; Nayan Chanda,Brother Enemy:
The War After The War, A History of Indonchina after the fall of Saigon, San
Diego – New York – London, Harcourt Brace Jovanovic Publishers 1986, 479 p.
[16] Xiaoming
Zhang, China’s 1979 War with Vietnam: A Reassessment, The China
Quarterly, No. 184 (Dec., 2005), pp. 859.
[17]Xiaoming
Zhang, “China’s 1979 War with Vietnam: A Reassessment”
(Trương Hiếu Minh, Nhìn lại cuộc chiến Việt-Trung năm 1979) The China Quarterly, bộ 184, tháng 12 năm 2005 Air War College Montgomery, Alabama, Mỹ, tr. 851-874; Ross, Robert S. (1988)The Indochina Tangle: China’s Vietnam Policy, 1975-79; Bruce Elleman, Sino-Soviet Relations and the February 1979 Sino-Vietnamese Conflict, 20 April 1996 (tham luận của tác giả Bruce Elleman, đọc tại Cuộc Hội Thảo 1996 Vietnam Symposium, “After the Cold War: Reassessing Vietnam”, được tổ chức vào các ngày 18-20 Tháng Tư, 1996 tại Vietnam Center, Texas Rech University, Lubbock, Texas, Ngô Bắc dịch http://www.vietnam.ttu.edu/events/1996_Symposium/96papers/elleviet.php
(Trương Hiếu Minh, Nhìn lại cuộc chiến Việt-Trung năm 1979) The China Quarterly, bộ 184, tháng 12 năm 2005 Air War College Montgomery, Alabama, Mỹ, tr. 851-874; Ross, Robert S. (1988)The Indochina Tangle: China’s Vietnam Policy, 1975-79; Bruce Elleman, Sino-Soviet Relations and the February 1979 Sino-Vietnamese Conflict, 20 April 1996 (tham luận của tác giả Bruce Elleman, đọc tại Cuộc Hội Thảo 1996 Vietnam Symposium, “After the Cold War: Reassessing Vietnam”, được tổ chức vào các ngày 18-20 Tháng Tư, 1996 tại Vietnam Center, Texas Rech University, Lubbock, Texas, Ngô Bắc dịch http://www.vietnam.ttu.edu/events/1996_Symposium/96papers/elleviet.php
[18] Mongolian
Memorandum of conversation with O.B. Rakhmanin, April 12, 1979 Moscow,
http://digitalarchive.wilsoncenter.org/document/113324.
[19]Bruce
Elleman (20 tháng 4 năm 1996). “Sino-Soviet
Relations and the February 1979 Sino-Vietnamese Conflict”. 1996 Vietnam
Symposium – Vietnam Center and Archive, Texas Tech University.
[20] Theo
tình báo Mỹ (đã dẫn ở trên) là 54 sư đoàn quân số thiếu.
[21]Theo
Thượng tướng Khuất Duy Tiến, nguyên Cục trưởng Cục Quân lực Bộ Tổng tham mưu
(Bộ Quốc phòng), Tư lệnh Quân đoàn 3, Chiến tranh biên giới 1979 không thể quên
lãng, Tuần Việt Nam, ngày 17/2/2015
[22] Note
030/79/ HC of the Permanent Mission of SRV to the United Nation dated 10
February 1979, http://digitalarchive.wilsoncenter.org/document/118475,
accessed date 18 February 2018
[23]
Bị vong lục của Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 14/2/1979, Memorandum of the Ministry
of Foreign Affairs of the Socialist Republic of Vietnam on the Chinese
Authoritie’s intensified armed activities on the Vietnam border and their
frantic war preparations against Vietnam (14 February 1979), http://digitalarchive.wilsoncenter.org/document/118479
[24] Ông
Lê Kiên Thành nói về cha và ngày 17/2/1979, Tuần Việt Nam 17/2/2018,
http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/doithoai/chien-tranh-bien-gioi-17-2-ong-e-kien-thanh-noi-ve-cha-va-ngay-17-2-1979-356936.html
[25] Huy
Đức, Bên thắng cuộc, Quyển I – Giải phóng, tr. 98
[26] Tài
liệu cần kiểm chứng qua Video lời kể của Đại tá Quách Hải Lượng, Nguyên Trưởng
phòng tác chiến quân chủng PKKQ cho biết, tháng 2 sau Tết đã có lệnh hạ cấp báo
động chiến đấu cấp 2 cho bộ đội nghỉ ngơi, bồi bổ sức khỏe. Xem
https://nvphamvietdao5.blogspot.com/2016/12/ai-ta-tinh-bao-quach-hai-luong-truoc.html
[27] Theo
lời kể của Thiếu tướng Lê Mã Lương, Anh hùng LLVT, Giám đốc Viện bảo tàng quân
sự Việt Nam, “Tướng Lương: Dù TBT Lê Duẫn đã dự kiến tôi vẫn chưa tin Trung Quốc
đánh”, ngày 30/7/2014, http://nguyentandung.org/tuong-luong-du-tong-bi-thu-le-duan-da-du-kien-toi-van-chua-tin-trung-quoc-danh.html
Tài
liệu cần kiểm chứng qua Video lời kể của Đại tá Quách Hải Lượng, Nguyên Trưởng
phòng tác chiến quân chủng PKKQ,
https://nvphamvietdao5.blogspot.com/2016/12/dai-ta-tinh-bao-quach-hai-luong-truoc.html
[28]Li
Man Kin, Sino-Vietnanese War, Kingsway International Publications,
Hongkong 1981, ISBN 962-7051-02-2, p. 33
[29]http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/35-nam-cuoc-chien-bien-gioi-phia-bac-2950346-p2.html ngày
truy cập 27/7/2015
[30]“Chống
chủ nghĩa bành trướng bá quyền Trung Quốc” Tạp chí Cộng sản 5/1979 (Hà
Nội: 1979), tr. 25; Trường Chinh, “Nhân Dân Việt Nam kiên quyết đánh bại mọi
mưu mô xâm lược của chủ nghĩa bành trướng và chủ nghĩa bá quyền Trung Quốc (Hà
Nội: 1982),Tạp chí Cộng sản 3/1982, tr. 35
[31] Về vạch kế hoạch và chuẩn bị đánh Việt Nam của quân
đội Trung Quốc xin xem Zhang, Xiaoming, Deng Xiaoping’s Long War: The Military
Conflict between China and Vietnam, 1979-1991 (The New Cold War History). The
University of North Carolina Press, 2015, p. 67-89
[33]Li Man Kin, Sino-Vietnanese War, Kingsway
International Publications, Hongkong 1981, ISBN 962-7051-02-2, p. 33-34.
[34]http://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/35-nam-cuoc-chien-bien-gioi-phia-bac-2950346-p2.html ngày
truy cập 27/7/2015
[35] Theo nguồn tài liệu của Liên Xô Ðến ngày
20/2/1979, các cố vấn Liên Xô kết luận rằng lực lượng phòng ngự của Việt Nam,
chủ yếu là du kích và không được phối hợp, không thể cản bước tiến của Trung Cộng.
Ðã có đề nghị vận chuyển đường không một quân đoàn (30.000 quân) từ Kampuchia để
tăng cường lực lượng phòng ngự từ Lạng Sơn về Hà Nội. Dẫn từ Xiaoming Zhang, “China’s
1979 War with Vietnam: A Reassessment”, p. 851-874
[37]Edward C. O’Dowd,Chinese Military
Strategy In The Third Indochina War, The Last Maoist War, Routledge: New York,
2007, Chapter 4: The 1979 Campaign,p. 45-73;Ngô Bắc dịch
Nhận xét
Đăng nhận xét