“ĐẠI” TRONG “ĐẠI SỐ” LÀ GÌ?

“ĐẠI” TRONG “ĐẠI SỐ” LÀ GÌ?

Nhiều danh từ toán học Hán Việt được dùng rộng rãi nhưng nghĩa của chúng có thể bị quên hoặc hiểu nhầm.

Mặc dù nhà Hồ (1400-1407) có tổ chức thi toán và thời Quang Trung (1788-1792) có dùng chữ Nôm, giáo dục Việt Nam trước năm 1919 thiên về Nho học và sử dụng chủ yếu chữ Hán.

Sau năm 1919, chính quyền Pháp áp đặt chương trình giáo dục của họ trên toàn Việt Nam với ngôn ngữ giảng dạy là tiếng Pháp.

Năm 1942, giáo sư Hoàng Xuân Hãn (1908-1996) xuất bản quyển Danh từ khoa học: toán, lý, hóa, cơ, thiên văn gồm khoảng 6.000 từ.

Ông lấy ý từ tiếng Pháp, loại đi nghĩa mơ hồ trong ngôn ngữ nguồn, rồi biên dịch, chuyển ngữ, phiên âm hoặc sáng tạo từ tiếng Việt tương đương bằng cách dùng các tiền tố, hậu tố Hán Việt.

Đến nay, nhiều danh từ toán học Hán Việt được dùng rộng rãi nhưng nghĩa của chúng có thể bị quên hoặc hiểu nhầm.
1. 
Từ Toán:  (14 nét, bộ trúc)
trong toán học có nghĩa là tính toán. Cung Tự Trân (1782-1841) đời Thanh có câu:

Chỉ trù nhất lãm thập phu đa
Tế toán thiên tao độ thử hà
(Mỗi dây thuyền kéo tạm mười người
Nghìn chiếc sang sông thử tính coi).

Toán trong toán học cũng cùng nghĩa với toán trong dự toán, kế toán, quyết toán... Một số nhà nghiên cứu còn phân biệt tính và toán: từ đầu tiên chỉ các phép tính, từ thứ hai chỉ thuật toán.
2. 
Có người cho rằng đại trong đại số có nghĩa là lớn. Thật ra, Đại: (5 nét, bộ nhân) trong đại số không phải là lớn mà là thay thế cho.

Đây cũng là từ có mặt trong đại biểu, đại diện, đại lý... Nghĩa này thể hiện một đặc trưng của đại số là dùng chữ thay số: a, b, c... dùng biểu diễn các số đã biết và x, y, z... dùng biểu diễn các số chưa biết.

Từ đại số trong tiếng Pháp là algèbre, bắt nguồn từ tiếng Latin algebra và xa hơn nữa từ tiếng Ả Rập al-jabr, có nghĩa gốc là giảm gãy vỡ, ghép các mảnh, tái thiết, kết nối, phục chế.

Như vậy, từ đại số trong tiếng Việt thể hiện nội hàm khái niệm rõ hơn từ algèbre trong tiếng Pháp.
3. 
Hàm: (có tổng 11 nét, 8 nét + bộ Thủy)
trong hàm số có nghĩa là bao gồm, chứa đựng, giống như hàm trong công hàm.

Nghĩa này muốn nói rằng khi biến độc lập nhận một giá trị, biến phụ thuộc sẽ nhận một giá trị tương ứng: hàm số “chứa đựng” các giá trị của biến phụ thuộc khi biến độc lập thay đổi.
4. 
Với động từ Đồng Quy:
đồng là cùng, quy là gom vào một chỗ. Trong toán học, đồng quy có nghĩa là cùng gặp nhau tại một điểm.

Vì vậy, “đồng quy tại một điểm” là cách diễn đạt thừa. Tuy nhiên, công cụ tìm kiếm Google thống kê được khoảng 37.500 kết quả có cụm từ “đồng quy tại một điểm”.
5. 
Huyền: (8 nét, bộ cung)
có nghĩa là dây cung, dây đàn.

Đây cũng là từ huyền trong thượng huyền (chỉ ngày 8 hoặc 9 âm lịch, khi mặt trăng có hình vòng cung) và hạ huyền (chỉ ngày 22, 23 âm lịch). Trong từ cạnh huyền, huyền có nghĩa là cạnh đối diện góc vuông trong tam giác vuông.

Nghĩa này liên quan ít nhiều với hypoténuse (cạnh huyền trong tiếng Pháp), vốn bắt nguồn từ hypotenusa của tiếng Latin và xa hơn nữa, từ hupoteinousacủa tiếng Hi Lạp cổ, có nghĩa là cạnh được căng ra bởi góc vuông.

Trong khi ấy, từ tương đương với cạnh huyền trong sách giáo khoa toán Trung Quốc là tà biên (xiébiān), có nghĩa là cạnh xiên.
6.
Tuyến: (8 nét, bộ mịch)
trong trung tuyến có nghĩa là đường, tia. Vì vậy, “đường trung tuyến” là một cách diễn đạt thừa, giống như “ngày sinh nhật”. Tuy nhiên, cách diễn đạt này vẫn được dùng trong sách giáo khoa Toán 7, tập 2, trang 65-67.

Danh từ toán học Hán Việt là thành quả của nhiều thế hệ nhà khoa học, trong đó có giáo sư Hoàng Xuân Hãn.

Khuôn khổ bài viết không cho phép dẫn chứng nhiều hơn nhưng những ví dụ ít ỏi trên đây cho thấy tiền nhân của chúng ta không sao chép nguyên xi mà đã sử dụng sáng tạo tiếng nước ngoài để làm giàu cho tiếng Việt.

TRƯỜNG LÂN

Nhận xét

Bài đăng phổ biến