GIÁ TRỊ VÀ TRỊ GIÁ

GIÁ TRỊ VÀ TRỊ GIÁ
Dường như khá nhiều “nhà” đã nhầm lẫn hoặc sử dụng thiếu suy nghĩ hai từ “giá trị” và “trị giá”.
Ta thường bắt gặp trên báo viết, nghe trên báo nói (tivi, đài phát thanh) những câu kiểu rằng “chiếc xe Lexus của ông Trịnh Xuân Thanh giá trị hơn 5 tỉ đồng”, “biệt thự của ca sĩ X giá trị nửa tỉ USD”… Họ nhầm từ “giá trị” với “giá”. Nếu bỏ chữ “trị” đi thì ổn, nhưng viết đủ cả “giá trị” thì có sự nhầm lẫn.

Trong tiếng Việt, "giá trị" là từ nhằm biểu hiện thứ làm nên phẩm chất của vật thể hoặc phi vật thể ở khía cạnh nào đó, có ý nghĩa về mặt này nọ, ở phần tích cực. Theo Từ điển tiếng Việt, "giá trị" là cái làm cho một vật có ích lợi, có ý nghĩa, là đáng quý về một mặt nào đó. Chúng ta hay nói: giá trị sử dụng, giá trị tuyên truyền, giá trị giáo dục, giá trị thực phẩm, giá trị đạo đức, giá trị y học… Ví dụ: Hôn nhau có giá trị kéo dài tuổi thọ. Thực phẩm chức năng không có giá trị chữa bệnh. Khi có phong trào chống tham nhũng, báo Nhân Dân có nhắc lại vụ tham nhũng của đại tá Trần Dụ Châu và thái độ kiên quyết xử lý của Bác Hồ thời kháng chiến chống Pháp, cho rằng "bài học Trần Dụ Châu đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị".

"Trị giá" là từ để nói về thứ gì đó được định giá bằng tiền, vàng hoặc thứ được đưa ra làm chuẩn. Từ điển tiếng Việt định nghĩa "trị giá" là thứ gì đó được định giá thành tiền hoặc vật ngang giá có tính chất như tiền tệ. Ví dụ: chiếc xe máy trị giá 15 triệu đồng, tấm lụa trị giá bằng 2 thúng thóc, bộ bàn ghế gỗ quý trị giá cả tỉ...

Chỉ cần nhớ rằng, khi muốn nhấn mạnh đến yếu tố tiền bạc của vật chất thì dùng từ trị giá, còn đến phẩm chất của nó thì dùng từ giá trị.

Nguyễn Thông

Nhận xét

Bài đăng phổ biến