40. VI TIỂU BẢO BÊN TÌNH BÊN HIẾU BÊN NÀO NẶNG HƠN?

40.
VI TIỂU BẢO
BÊN TÌNH BÊN HIẾU
BÊN NÀO NẶNG HƠN?

Vi Tiểu Bảo không phải là một người Bất Trung, Bất Hiếu, Bất Nhân, Bất Nghĩa cũng như không phải là một người không có đầu óc. Ngược lại Vi Tiểu Bảo là một người Trí tuệ hơn người. Tuy nhiên cách hành sự của gã là một tên tiểu nhân chứ không phải bậc Quân tử nếu căn cứ theo khuôn phép của đạo Khổng.

Vi Tiểu Bảo từ lúc sơ sinh đến thiếu niên trưởng thành trong kỷ viện. Mẹ là một kỷ nữ lỡ thời không học vấn, những cái mà gã học được là những mưu mẹo, lừa lọc, nịnh nọt và phát tài là mục tiêu lớn trong đời gã. Vì gã thấy đều hiển nhiên không có tiền thì không có sự kính trọng. Bao nhiêu quan quyền ra vào Lệ Xuân Viện mà không bài bạc, không đàn đúm, không chửi chó mắng mèo gã! Và khi bất đắc dĩ làm thái giám gã lại thấy ai cũng vì mấy chữ vinh hoa phú quí mà bán rẻ bằng hữu, bất nghĩa phu thê. Môi trường như thế chẳng thành một tên tưng tửng sao?

Trí của Vi Tiểu Bảo vào hàng bậc nhất thiên hạ. Không biết chữ nhưng gã nhớ tất cả những gì mà gã gặp trong đời. Đừng nói chi đến nếu được sinh ra trong Danh gia vọng tộc, nếu chỉ sinh ở hàng dân dã học hành đôi chút thôi thì với khí chất thông minh đó, Vi Tiểu Bảo sẽ là một vị quan đường đường chính chính. Thử hỏi nếu là chúng ta có được thân thế trong một gia đình Cha Mẹ đều là những bậc anh minh lỗi lạc, có những mối quan hệ cao, đi đâu hẳn chúng ta cũng được trọng vọng! Đâu có ai có thể lựa chọn được Cha Mẹ của mình phải không?

Về chữ Trung, đặt lối suy nghĩ của Vi tiểu Bảo xa hơn một chút, vì gã đứng giữa Thiên Địa Hội và vua Khang Hy. Chính sự ảnh hưởng của người thầy cũng là người duy nhất gã kính trọng nhất trong đời là Trần Cận Nam đã cho gã thấy được nên đặt chữ Trung ở chỗ nào. Một quốc gia nếu chỉ lựa chọn ở một ông vua như Khang Hy và một ông vua như hoàng tộc Đài Loan thì Khang Hy vẫn tốt hơn rất nhiều. Vả lại còn đỡ một cuộc binh đao vô ích, mà người lãnh hậu quả đau thương chẳng phải là bá tánh lãnh trọn hay sao? Vứt bỏ tất cả, không Tiểu Huyền Tử, không Thiên Địa Hội, một người chỉ biết đến tiền tài như Vi Tiểu Bảo mà không màn cái đam mê nhất trong đời, vứt lộc đỉnh xuống, giả vờ chết, chấp nhận cách trốn chui nhủi, thử hỏi trong thiên hạ có mấy ai không luyến tiếc, dám làm như gã chăng?

Về chữ Hiếu, đọc từ đầu chí cuối có câu nào gã "oán trách mẹ là đã sinh ra gã mà vô trách nhiệm chưa?" Không hề có. Đừng thấy Vi Tiểu Bảo mắng chửi Mẹ gã thì gọi gã bất hiếu nhé, không phải như thế chút nào, không một ai dù gặp hay không gã đều chửi tất, ngoài sư phụ Trần Cận Nam bị gã chỉ mắng một lần duy nhất trong đời khi chưa biết ông là người thế nào. Ngay cả bản thân gã cũng chửi mắng không ngớt lời. Trong thâm tâm gã bao giờ cũng mong mau chóng phát tài để chuộc thân cho mẹ ở tuổi về chiều được hưởng sung sướng. Nhưng vì cả đời bà đã gắn liền chốn nhộn nhịp thị phi lâu dần thành nghiện nên bà không chịu đi. Vi Tiểu Bảo đành mở thêm vài kỷ viện để Mẹ vui. Đó không phải bất hiếu. Chẳng mấy ai trên đời này có thể đồng tình cho cha mẹ vui vẻ sở thích của họ. Họ có làm đi nữa thì họa chăng chỉ là làm cho cha mẹ những thứ vì bản thận họ yêu thích mà thôi! Than ôi! quá nhiều quá nhiều những điều như thế ở trên đời này!

Trần Cận Nam là bậc anh hùng ảnh hưởng nhiều nhất tới Trung Hiếu trong Vi Tiểu Bảo. Cái chết của ông đã đánh thức lòng căm phẩn và sự nhận ra chính tà thực sự trên đời của Vi Tiểu Bảo. Nhưng cũng vì gã có cuộc sống bị giẫm đạp từ bé nên đã quen với những điều nhơ bẩn sự bức xúc vì một người đáng kính bị bức tử làm gã nổi điên. Dằn vặt căm phẫn khi không trả được mối thù cho thầy tạo ra sự uất ức đau đớn trong Vi Tiểu Bảo. Cũng nhờ cái chết của thầy mà gã nhìn chữ trung ngày một rõ hơn. Đấy chẳng phải Hiếu ư?

Về Nhân ái, những ai đã từng kết bái với Vi Tiểu Bảo đều cùng gã hưởng vinh hoa lợi lộc. Dù là dưới danh nghĩa nào thì cũng được cùng chia sẻ những gì mà gã có. Thời nay lắm kẻ vì 2 chữ danh lợi ôm cả những phần hoa lợi của người thân, bạn bè chí cốt về mình thậm chí cướp trắng công sức của họ gầy dựng suốt một đời mà mặt mày nhơn nhơn tự đắc. 

Về Nghĩa, những người phụ nữ đi theo gã đều tự nguyện, tất cả đều được Vi Tiểu Bảo rất thương yêu, hoạn nạn lâm đầu vẫn không từ bỏ một ai, đối xử như nhau. Nghĩa cử như thế mấy ai bằng không?

Về Trí, chữ này thì Vi Tiểu Bảo là cao thủ, chưa một nhân vật nào của Kim Dung được như vậy. "Tất cả đều là thượng sách nếu cứu được mạng lão nhân gia". Trong khi đó Khổng giáo bảo "Tham sinh quí tử là hạ tiện", "Sĩ khả sát bất khả nhục", Vi tiểu Bảo một câu thành ngữ buôn ra chẳng biết một nữa làm sao hiểu thế nào là quân tử hay tiểu nhân, vả lại tên của gã đã là Vi rồi thì cần gì nhắc đến 2 chữ quân tử làm chi.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến