38. CÔN LUÂN TAM THÁNH HÀ TÚC ĐẠO THIÊN TÀI CÔ ĐƠN

38.
CÔN LUÂN TAM THÁNH
HÀ TÚC ĐẠO
THIÊN TÀI CÔ ĐƠN

Hà Túc Đạo ngoảnh mặt nhìn trời, cười khổ: 

- Hà Túc Đạo ơi là Hà Túc Đạo, ngươi thật quá ngông cuồng.

Người thốt ra những lời đầy thương tâm đó chẳng ai xa lạ, chính là Côn Luân Tam Thánh Hà Túc Đạo. Chàng trai trạc 30 tuổi thôi nhưng đã được các đồng đạo gán cho cái tên khá kiêu hùng: “tam thánh”, vì chàng nổi bật với cầm, kỳ và kiếm. Bản tính hào sảng, phong lưu và khoái lạc, nhưng cũng không vì thế mà chàng không biết “ngoài trời còn có trời”, ba chữ Hà Túc Đạo có nghĩa là hà tất phải bàn đến. 

Chỉ không đầy 70 trang sách nhưng Kim Dung đã rất thành công với một kỳ thủ của võ lâm. Hà Túc Đạo xuất hiện chỉ bằng vài nét chấm phá, chàng chẳng là danh gia chính phái mà cũng không là kẻ bàng môn tả đạo, chàng chỉ đơn giản là một tay kiếm ẩn cư nơi Tây Vực xa xôi. Một kẻ mà trong 30 năm qua, dường như chỉ gặp mặt được 3 người: đó là 2 tên trộm cắp Doãn Khắc Tây, Tiêu Tương Tử và người thứ 3 là cô bé cô khổ vì tương tư –Quách Tương.

Cuộc đời còn trẻ của chàng gắn liền với đỉnh Kinh Thần Phong ngàn dặm xa xôi về phía Tây. Nơi rừng núi bao la, điều hiu và quạnh quẽ, nơi chẳng bóng người khách vãng lai, nơi mênh mông những dãy núi tuyết phủ và chẳng thấy đâu bóng dáng 1 nụ cười. Nhưng không vì thế mà chàng đánh mất cái ngạo nghễ trời sinh, phong thái chàng vẫn đỉnh đạc và hào sảng hơn cả những tay kiếm khách phồn hoa nơi Trung Nguyên đầy náo nhiệt. Ấn tượng đầu tiên của Quách nhị tiểu thư về chàng là một bạch y áo trắng, ngồi lẻ loi cầm đàn nhưng không kém phần tao nhã. Hai khúc nhạc “Không sơn điểu ngữ” và “Bách điểu triều phụng” của chàng tuy không thể sánh với khúc Tiếu Ngạo Giang Hồ của Lưu Chính Phong và Khúc Dương hay không bằng khúc Bích Hải Triều Sinh của lão tà Hòang Dược Sư, nhưng nó cũng có những đặc trưng rất riêng của nhân vật mang ngoại hiệu “cầm thánh”. Chiếc đàn cổ và có nhiều vết rạn nứt tấu lên điệu nhac ai oán và sầu não như lời nhận xét của người mục thính duy nhất lúc đó: “Hóa ra người kia cũng cô đơn lẻ bóng như ta, ngồi gãy đàn chốn núi hoang, lấy chim muông làm tri âm”. Không biết đó là người thứ mấy được nghe tiếng đàn của chàng, nhưng chắc hẳn là ít lắm. Ngay cả hoàng oanh, đỗ quyên, hỷ thước, sơn ca, sáo sậu…những loài vốn tự hào về những tiếng hót thánh thót và du dương cũng phải sà vào hòa nhịp với tiếng đàn. Khi tiếng đàn lên cao dần, từ trên không trung từ bắc đến nam không biết cơ man nào là chim cùng bay đến, chúng không hót nữa mà chỉ im bặt, tất cả cùng ngất ngây theo tiếng “thánh nhạc” của thiết huyền cầm.

Hoàn tất kiệt tác vĩ đại đó, chỉ nghe tiếng sầu đơn côi: “Ôm trường kiếm, ngước nhìn trời, kìa nước xanh, nọ đá trắng, sao chẳng ở bên nhau. Thế gian không có tri âm tri kỷ, dù sống ngàn năm phỏng có ích gì?”. Một hình ảnh chạnh lòng giống như trong điển tích, Bá Nha đàn 1 mình đơn côi trên chốn hồng trần và tiếc thương người bạn Tử Kỳ đã mãi mãi ra đi. Cuộc sống hân hoan chăng khi không có bạn tâm giao? Hà Túc Đạo ôm nỗi đoạn trường mông lung như thế.

Nhưng chàng cũng may mắn vì không gian đó vẫn có 1 người đồng bệnh tương liêu đang lắng nghe những nỗi lòng. Người con gái thông minh đó như một cơn gió thoảng xuất hiện trong quãng đời hiu quạnh của chàng. Có chăng sự sắp đặt của định mệnh, khi tất cả cũng chỉ như bèo nước gặp nhau? Tương ngộ làm chi, nó càng làm hằn lên trái tim chàng những vết thương giày xé. Thượng đế khéo lộng nhân, sắp xếp cho chàng một số kiếp quá dày vò.

Câu chào hỏi đầu tiên của cô gái 16 tuổi dành cho chàng: “Sao không bỏ Trung Nguyên mà giành lấy Tây Vực?”. Lời nói “nhắc tuồng” khi chơi cờ cũng chính là định mệnh. Chàng cầm kiếm, vạch 38 đường trên mặt đất tạo thành một bàn cờ vây, tự mình tận hưởng chính mình qua những thế cờ vây. Cuộc sống chẳng gì buồn hơn sự lẻ loi, huống hồ lại là chơi cờ với chính mình. 16 năm điên cuồng vì nhớ Tiểu Long Nữ, Dương Quá cũng có Điêu huynh, hắn làm việc tốt để qua đi thời gian. Còn Hà Túc Đạo có lẽ đã sống lẻ loi và chơi cờ một mình như thế cũng không dưới khoảng thời gian đó. Trong lòng hắn ngổn ngang trăm mối trong từng nước cờ. Người đọc không thể hiểu được hắn “kỳ thánh” đến mức nào, không biết có “cao siêu” như Hư Trúc để phá được thế cờ Trân Lung? Không biết hắn ưu tư đến độ nào mà một nước cờ nhỏ là đặt 2 quân cờ ở phía Tây để giành cục diện cân bằng nhưng vẫn phải nhờ lời mách nước của 1 cô gái nhỏ. Nhưng, chỉ với thuật phân tâm nhị dụng, chàng xứng đáng với cái ngoại hiệu khá kiêu đó. Một mình làm 2 việc, cao thủ xưa nay chỉ có 4 người là Châu Bá Thông, Quách Tĩnh, Tiểu Long Nữ và chàng. Nếu chỉ xét riêng ở Tây Vực, chàng là số một. Một người dũng cảm cầm kiếm vẽ bàn cờ, rồi tự đánh với chính mình trong bao năm qua, bấy nhiêu đó cũng đủ làm nên Hà Túc Đạo khác người. 

Chàng nho sinh văn nhã đó, xem ra cũng chẳng có gì khác mọi người về ngoại hình. Chàng cũng chỉ là một chàng trai bình thường, biết giữ lời hứa để 1 lần đặt chân vào Trung Nguyên, biết nhớ nhung 1 người con gái thông hiểu mình, biết đánh những kẻ vô lại hiếp đáp cô gái nhỏ… Nhưng chàng chẳng hổ danh với cái ngoại hiệu “thánh kiếm” khi chỉ nửa đoạn kiếm gãy và chỉ dùng tay trái nhưng đã có thể chiến thắng 1 trong 3 cao tăng của Thiếu Lâm Tây Vực là Phan Thiên Canh. Tuyệt kỹ “Vi đà phục ma kiếm” oai chấn giang hồ, không đáng cho chàng dùng đến 3 phần tập trung toàn lực. Chàng tay phải vẫn gãy đàn, miệng không ngừng thổi vào dây đàn để không lạc phách, tay trái với nửa thanh kiếm đã có thể khác chế võ công tinh hoa của Thiếu Lâm Tự. Lão tăng Vô Tướng hồ đồ: “Mang kiếm ra đây! Ta muốn lĩnh giáo kiếm thuật của “Kiếm thánh”, xem “thánh” đến mức nào”. Cuộc tranh chấp đó đã không diễn ra, và mãi mãi không có cơ hội diễn ra, nhưng dường như ai cũng biết được kẻ thất thủ sẽ phải là Vô Tướng. 

Hắn cùng một cô gái ngây thơ đến viếng cảnh thưởng ngoạn và chỉ gửi 1 lời “Quyển kinh để trong dầu” đến Giác Viễn đại sư nhưng cũng đủ làm cả núi Thiếu Thất phải vọng động. Các đệ tử của Thiên Minh phương trượng đi hết từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Đầu tiên là mảnh giấy nhỏ được nhét trong bàn tay của Phật Giáng Long La Hán cách mặt đất hơn ba trượng. Các đệ tử trong chùa ngày đêm dàn trận, tập luyện để được đọ sức cùng “ba vị thánh Côn Luân”. Nhưng không, đó là một và chỉ một người, chàng nho sinh văn nhã vừa thốt lời chào đã có 108 đệ tử La Hán Dường, 18 tăng nhân Đạt Ma Đường, 7 lão tăng Tâm Thiền Đường, thủ tọa Đạt Ma đường Vô Tướng, thủ tọa La Hán đường Vô Sắc, 3 lão tăng Tây Vực và Thiên Minh phương trượng bày trận ứng phó. Tất cả các hảo thủ bật nhất đều có mặt, để thi thố với chàng trai chỉ mới tam tuần. Mặt mũi của người mang cái tên “Không đáng bàn” thật không nhỏ chút nào.

Tuy rất hào sảng, không câu nệ tiểu tiết, luôn đả kích những kẻ sáo rỗng nhưng chàng vẫn giữ khuôn phép của một người văn hoa. Chàng không thẳng thừng bài bác hoặc cố tình làm trái đạo lý như Lão Đông Tà. Với chàng, vẫn có luân thường và phải trái. Ngay từ lời chào hỏi đầu tiên, những nhà sư xem chàng như đại kình địch đã phải giật mình: “Gã cuồng sinh này nói năng đâu có ngông cuồng”. Hay như trong rừng vắng, vừa nghe lời chỉ giáo của Quách Tương, chàng đã chắp tay cám ơn, cũng như hòa nhã xin được lắng nghe nàng đàn 1 nhạc khúc. Hay như việc hắn dạy cho Vệ Thiên Vọng 1 bài học về việc ăn hiếp đứa trẻ nữ nhưng lại rất hòa khí với Phan Thiên Canh vì lão không bắt nạt Quách Tương. Đáng khâm phục nhất là việc hắn tự nhận mình thất thủ trước Trương Quân Bảo dù có thể “cưỡng từ đoạt lý” vì “đứa nhóc” đã té ngã trong đúng 10 chiêu mà chàng đã hẹn ước.

Nhưng thánh thần cũng phải có điểm yếu, huống chi Côn Luân Tam Thánh chỉ là người phàm xác thịt. Cái nhược của hắn là quá say mê 3 món công phu của mình. Chính cái sự si mê cuồng dại này đã gây cho hắn một nỗi thất vọng nơi Thiếu Lâm Tự. Cũng nhờ 3 tuyệt kỹ đó mà hắn có duyên tao ngộ với kỳ nữ Quách Tương, nhưng cũng chính sự say mê nồng cháy những bản lĩnh đó đã làm hắn mất nàng mãi mãi. Đời người thật bể dâu, gặp gỡ nhau để làm chi, để rồi mang bao quyến luyến. Lắm lúc đi tìm mòn cả hài sắt vẫn không tìm ra nhau, nhưng khi tìm ra nhau rồi thì họ phát hiện chẳng thể là của nhau. Chữ tình luyến ái làm chi mang cho con người bao nỗi vấn vương!? Cũng như Quách Tương, nàng tìm Dương đại ca khắp chân trời gốc bể, nhưng rồi nàng cũng không thể hiểu được chính mình, gặp nhau để làm chi khi trong lòng đại ca chỉ có mỗi Long tỷ tỷ. Chính “tam thánh tuyệt kỹ” đã làm nên nét rực rỡ cho Hà Túc Đạo, nhưng cũng chính điều này đã giết dần giết mòn con tim đang héo khô vì bao u sầu của chàng.

Thế lại đặt ra 1 câu hỏi, phải chăng tài năng thường đi kèm với bi ai? Cũng không hẳn 100% là thế nhưng đa phần là thế. Thượng đế rất công bằng, người “ban phát” hạnh phúc và sầu khổ đều như nhau cho mỗi chúng sinh. Võ công vô địch thiên hạ là mơ ước của mọi người nhưng khi đạt được rồi, họ cũng chẳng có gì làm vui sướng. Có ai nghĩ là sống như Hư Trúc, Lệnh Hồ Xung hay Dương Quá hoặc cả Quách Tĩnh là sung sướng. Nhạc Bất Quần và Đông Phương Bất Lực thiên hạ klhông đối thủ nhưng chẳng có một người bạn nói chuyện sẻ chia. Trần Gia Lạc, Hồ Phỉ, ai dám tự nói mình là hạnh phúc. Kiều Phong, Miêu Nhân Phượng và Hoàng Dược Sư, nếu đem tất cả tuyệt kỹ để đổi lấy A Châu, Nam Lan và Phùng Thị Mai Hương, chắc các ông không dại gì mà không “say yes”. Dòng họ Tiêu và Mộ Dung đại địch cựu thù, ai vui sướng hơn ai? Ngay cả lão tăng vô danh không màng thế sự cũng có nỗi khổ vì 2 “kẻ trộm” luyện công không đúng. Kẻ trời đánh và thất học như Vi Tiểu Bảo vậy mà lại sung sướng. Ngẫm chuyện đời, ai cũng muốn giàu có, tài năng, đức cao, vọng trọng… nhưng nào ai biết được, họ sẽ đổi cái gì để có được những thứ đó. Vài chục tỉ đồng trong tài khỏan nhưng túi bụi với công việc, chẳng 1 ngày ăn cơn chung với vợ, ngày nào cũng phải uống thuốc điều dưỡng, con hư vì giàu có…so với việc trong ngôi nhà giản đơn, cháu nhổ tóc cho bà, đấm lưng cho ông, vợ nấu cơm, cha dạy con học bài… cái nào hạnh phúc hơn?

Hà Túc Đạo giữ đúng lời hứa, không đặt nửa bước chân vào Trung Nguyên. Chàng lập nên phái Côn Luân oai danh thiên hạ. Nhưng những ngày tháng nơi tuyết rơi sương phủ của chàng chắc sẽ thê lương lắm. Vẫn bàn cờ vây trên mặt đất có thể đánh khắp mọi nơi sau 38 nhát kiếm, nhưng thuật phân tâm nhị dụng của chàng có lẽ sẽ phải đến “tam dụng”, vì chàng phải mãi hoài tơ tưởng đến 2 con cờ được cô bé yêu kiều năm xưa chỉ điểm. Vẫn chim muông bao quanh khi tiếng đàn réo rắt, nhưng tiếng đàn sẽ não nùng lắm. Bầy chim có lẽ cũng chẳng còn im bặt nữa mà sẽ hòa cùng dòng lệ nhớ thương với chàng. Điệu đàn muôn phương nhưng không ngoài hợp tấu “Khảo Bàn” và “Kiêm Hà”. Làm sao quên được khúc Khảo Bàn tri ngộ năm xưa, lần đầu tiên trong đời, một tri âm như tiên nữ thanh thoát tấu lên để ca ngợi đấng trượng phu du sơn ngoạn thủy, làm sao quên điệu “Kiêm Hà” mềm mại bày tỏ sự tơ tình tri kỷ pha lẫn chút tơ vương. Chiếc thất huyền cầm cũ kỹ và ngày càng có giá trị theo thời gian, dây đàn bị đứt lìa theo năm tháng nhưng làm sao có thể quên dây đàn thứ 5 mà ngày nào cô bé cưỡi lừa đã so dây lại cho chàng. Cầm thánh và kỳ thánh làm chi khi mà mọi ngã đường đều dẫn về vô vọng và nỗi nhớ đâm chiêu?

Chưởng môn phái Côn Luân sẽ ngày ngày mài kiếm luyện võ. Nhưng thử hỏi bảo kiếm nào trên đời có thể sánh được với nửa thanh kiếm gãy của “nàng” nơi Thạch đình năm xưa. Đối phương cho dù là kẻ không lượng sức hay cao thủ tuyệt đỉnh nhưng chàng có quên được 3 lão trọc vô lại năm xưa. Cái lần mà duy nhất trong đời chàng được phục vụ giai nhân, coi sống chết như về, chỉ mãi mê đàn và không màng đến đối thủ. Kiếm trận hung hãn và nếu lần đó chàng nhận 1 nhát kiếm để Quách Tương mãi nhớ về chàng thì chắc là cái chết đó sẽ nhẹ nhàng hơn nỗi khổ dày vò không 1 ai hiểu cho. Anh hùng sẽ chẳng là anh hùng nếu không vương gót ngà của mỹ nhân. Chàng cũng vậy, Quách Tương làm cho chàng sầu thảm hơn, nhưng nếu không có nàng thì làm sao có 1 Hà Túc Đạo oai hùng và bản lĩnh trong mắt độc giả.

Hà Túc Đạo đã tự cho là chàng không đáng, nhưng thật ra chàng không hổ danh chút nào. Con người phong lưu tiêu sái đó đáng xếp vào hàng ngũ những kỳ nhân của võ lâm Trung Nguyên. Chàng không phải không đáng mà là không đủ, vì chàng có thể nhận thêm ngoại hiệu “Tình thánh”. Lời thổ lộ của chàng mộc mạc, không kiêu kỳ, không câu nệ nhưng tình yêu cô khổ của chàng dày vò suốt 1 kiếp người.

Sẽ chẳng mấy người nhớ tới Hà Túc Đạo, bởi chàng như 1 dòng nước thoảng qua trong cả một bộ tiểu thuyết dài. Qua cái tên không đáng để nói tới cũng cho thấy mọi người chẳng cần thiết phải suy nghĩ về chàng. Nhưng cuộc đời rất quan trọng và ý nghĩa với những người khiêm tốn như thế, tôn sùng làm gì những kẻ thùng rỗng kêu to. Những việc làm nhỏ nhoi và ít ỏi của chàng cũng đủ làm nên những nét đẹp của 1 con người toàn tài. 

“Hà Túc Đạo ơi là Hà Túc Đạo, ngươi thật quá ngông cuồng”.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến