THƠ TÌNH FACEBOOK

 THƠ TÌNH FACEBOOK
NGÔ TRÍ MINH
1. 
Nếu không có thơ thì đời sống này sẽ ra sao, nhỉ? Nếu không có thơ thì chúng ta vẫn sống, vẫn làm việc, vẫn phải lấm lưng kiếm tiền, vẫn uống rượu, vẫn cà phê cóc với bạn bè, vẫn nay yêu mỹ nhân này mai hẹn hò với nhan sắc khác… Nhưng chắc chắn, sẽ buồn lắm. Không có thơ, thì chúng ta biết vứt cảm xúc của mình vào đâu. Ngôn ngữ nói, không chuyển tải hết được những gì chúng ta muốn thể hiện. Và giả mà không có thơ, chúng ta sẽ tán gái như thế nào.
Tán gái, là một việc hệ trọng. Không chỉ là hệ trọng, mà là vô cùng hệ trọng. Chắc chắn, bi kịch lớn nhất của một gã đàn ông là không tán được gái. Đương nhiên, cũng có một cơ số đàn ông không cần tán gái, nhưng cơ số này chúng ta không bàn đến.
Muốn có những tận cùng niềm vui, tận cùng hạnh phúc, tận cùng khổ đau,… chúng ta phải được yêu. Không được yêu, thì lấy gì biết chuyện tận cùng. Bạn đừng tranh cãi với tôi, bạn có rất nhiều nỗi đau, rất nhiều phiền muộn, rất nhiều nỗi niềm. Nhưng chắc chắn, đó chưa phải là nỗi đau tận cùng, phiền muộn tận cùng hay nỗi niềm tận cùng.
Không có gì khiến bạn cảm thấy cô đơn hơn, khi vừa chia tay mối tình đầu. Không có gì khiến bạn lâm vào tình trạng sống không được, chết không xong khi chứng kiến cảnh người bạn yêu về làm dâu nhà người khác. Không có gì bóp nghẹt bạn hơn nỗi nhớ quay quắt về một khuôn mặt thương yêu.
Và phải có những sự tận cùng, thì chúng ta mới ý thức rằng chúng ta tồn tại. Chúng ta không sợ những biến động của đời sống, tiền nhân dạy rồi: “Vật cùng tắc biến”. Chúng ta chỉ sợ một cuộc đời nhàn nhạt, đều đều và không có gì nổi bật. Yêu đương giúp chúng ta thoát khỏi cảm giác buồn chán này. Yêu đơn phương hay yêu được hồi đáp, thì quan trọng gì cơ chứ. Cái cốt yếu là chúng ta được yêu. Yêu một cách vô điều kiện, yêu không vụ lợi…
Nói nãy giờ, chỉ để muốn khẳng định chuyện, tán gái là việc vô cùng hệ trọng. Chính vì tán gái là việc vô cùng hệ trọng, nên làm thơ để tán gái là việc vô cùng nghiêm túc.
Bạn cứ hỏi những nhà thơ nổi tiếng khắp Việt Nam này, họ sẽ không làm được các câu thơ hay, nếu như họ không tán gái. Tất nhiên, tôi không nhắc đến chuyện họ thất tình, họ bị phụ tình hay thậm chí là họ là đối tượng chính chơi trò tình phụ.
Facebook là nơi bạn thể hiện cảm xúc hay chỉ là để giải tỏa những cơn stress của công việc. Bạn có thể chém gió trên facebook, bạn có thể tán tỉnh trên facebook, bạn có thể tự nhận mình đẹp trai nhất ViệtNam trên facebook, như tôi chẳng hạn. Nhưng tôi nghiệm ra rằng, facebook không đơn thuần chỉ là thế giới ảo.
Dẫu muốn dẫu không thì chúng ta cũng phải thừa nhận rằng, facebook đã trở thành một phần của cuộc sống (không chỉ là cuộc sống thị dân, mà còn là cuộc sống của những cá nhân ở khắp mọi miền). Sự tương tác của facebook giúp mọi người có được nỗi hưng phấn của đời sống.
Nhà thơ Hồng Thanh Quang, có câu với đại ý rất hay: Sáng tác trên facebook giúp nhà thơ có một tâm thế khác. Khi mình viết trên facebook, sự phản hồi của bạn đọc là cực nhanh. Thậm chí, chắc chắn có rất nhiều người đang chờ đón những gì mình viết.
Thế nên, còn gì tuyệt vời hơn khi kết hợp giữa thơ tình và facebook.

2
Theo thói quen, tôi vẫn thường ngồi với anh Phạm Thanh Long, Lê Minh Quốc, ít nhất là mỗi tuần một lần, vào những buổi sáng khác nhau. Từ cái dạo, anh Long phát động cuộc thi “Thơ tình facebook”, anh em ngồi toàn nói về chuyện này. Chỉ trong một khoảng thời gian cực ngắn, từ ngày 1/5 đến 1/6/2013, cuộc thi đã có hơn 10 nghìn tác phẩm của nhiều tác giả gửi đến dự thi. 30 ngày cho 10 nghìn tác phẩm, nhẩm tính là hơn 300 bài/ngày. Đây là con số mơ ước với tất cả các cuộc thi văn chương, không chỉ gói gọn trong phạm vi nước ta mà cả nước ngoài cũng vậy. Nếu không có facebook, hẳn nhiên lượng thơ gửi về tham dự cuộc thi không nhiều đến thế.

Phạm Thanh Long, là một nhân vật tôi đã viết trong bài ký chân dung Phạm Thanh Long - Người không được quyền chết, in trên Chuyên đề An ninh Thế giới Giữa tháng và Cuối tháng cách đây ít lâu. Anh là một cá nhân đặc biệt đối với anh em văn nghệ sĩ tại thành phố Hồ Chí Minh. Anh yêu quý mọi người thật lòng, nên tình cảm mọi người dành cho anh cũng chân thật.
Anh tổ chức “Thơ tình facebook”, đúng tiêu chí là sân chơi dành cho mọi người yêu thơ biết công nghệ (mà thời điểm này, còn có mấy người không chơi facebook đâu). Anh bỏ ra hàng trăm triệu để lo cho cuộc thi, anh tự soạn thảo giấy mời, liên lạc với tác giả gửi thơ dự thi, anh xin giấy phép in tuyển tập 115 bài thơ tình facebook…
Anh cứ làm quần quật từ sớm cho đến khuya, tôi hay đùa: “Xong cuộc thi này, anh trẻ ra vài năm nhưng già đi nhiều tuổi”. Anh cười, đáp: “Chủ yếu là vui thôi”. Đời sống vốn hữu hạn, không vui thì còn gì là đời sống. Có những thời điểm, vui giúp chúng ta quên đi thực tại.
Có một chi tiết ít người biết, khi cuộc thi thơ được sự ủng hộ của các thí sinh, những đơn vị truyền thông… thì ít nhất hơn một lần Phạm Thanh Long từ chối sự tài trợ của các hãng điện tử lớn. Anh không thích được tài trợ, bởi vấn đề không phải là tiền, vấn đề chính là: “Anh không muốn để cuộc thi bị chi phối bởi chuyện tài trợ này kia kia nọ”.
Phải có được lối suy nghĩ phóng khoáng và rất thơ đó, thì cuộc thi do anh khởi xướng mới quy tụ được thành phần Ban giám khảo gồm những nhà thơ tên tuổi, mà bất cứ cuộc thi thơ nào cũng mong muốn mời được. Bao gồm: nhà thơ Văn Lê, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, nhà thơ Hồng Thanh Quang, nhà thơ Lê Minh Quốc và nhà thơ Nguyễn Phong Việt. Những nhà thơ đầy tài hoa và đến với thơ bằng sự hồn nhiên của gã trai tơ lần đầu tiên biết đến bàn tay con gái.

Tối trước ngày trao giải của cuộc thi (ngày 18/7/2013), tôi được ngồi với tất cả các nhà thơ nằm trong Ban giám khảo, toàn nói những câu chuyện phù phiếm, hoàn toàn không nhắc đến ai sẽ được giải mấy, ai sẽ được giải gì. Tính nghiêm minh của cuộc thi là tuyệt đối. Phạm Thanh Long tối ấy đến muộn, anh còn bận lo chuyện sân khấu để trao giải vào sáng hôm sau. Anh rủ rỉ với tôi: “Có tổ chức mới biết, dân nước mình yêu thơ đến mức nào”. Nếu tôi nhớ không nhầm, thì nhà văn Nguyễn Huy Thiệp từng khẳng định: “Dân tộc ta là một dân tộc mê thơ, mê đến độ nói cũng ra thơ”.
Có cô gái Việt ở Nga, tiếc đến xót xa vì không về được để tham dự lễ trao giải. Có cô giáo ở Nha Trang bằng mọi giá phải đặt vé máy bay để kịp vào thành phố Hồ Chí Minh, có bác cao tuổi được con cháu dìu đến hôm trao giải để đọc một bài thơ của cố thi sĩ Xuân Diệu góp vui, có cây bút trẻ bị bại liệt, ngồi xe lăn đến dự… Có rất nhiều những cá nhân làm đủ ngành nghề, từ lãnh đạo cho đến lính trơn, từ có danh vị trong đến đang lập danh, đều đến để “vui với thơ”. Là vui với thơ thôi, chứ họ không quan tâm gì đến chuyện giải thưởng hay không giải thưởng. Thơ mà, điều quan trọng nhất khi đến với thơ là không được tư lợi. Cảm xúc ép câu chữ bật ra, chứ làm sao sử dụng những thuộc tính thông thường mà ép chữ xuất hiện.
Cho dù tác giả Sâm Cầm có đoạt giải nhất hay không? Cho dù tác giả Hoàng Anh Tuấn có đoạt giải nhì hay không? Cho dù tác giả Phạm Trang có đoạt giải ba hay không? Cho dù 15 tác giả có đoạt giải khuyến khích hay không? Hẳn nhiên đó là điều không còn quan trọng nữa. Bởi đây là ngày hội của những người yêu thơ, bấy nhiêu đó là đã quá đủ đầy rồi. Thậm chí, chuyện Tổ chức Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục: “Cuộc thi thơ lần đầu tiên tổ chức trên facebook với số lượng người tham gia và tác phẩm nhiều nhất”, trao cho anh Phạm Thanh Long hay không, cũng không phải là mục đích mà những người khởi xướng cuộc thi này hướng đến.
Tôi thích vô cùng những câu thơ của Hoàng Anh Tuấn, những câu thơ đậm dấu phong tình héo hắt xa xưa: “Anh xuống huyện theo bạn bè làm thợ/ Nợ áo cơm ít có dịp thăm nhà/ Chiều nay tắt đường rừng qua bản Phố/ Váy em kìa, phơi trước cửa người ta?” (Trích Mùa Phơi Váy). Hay những câu thơ với chữ và tứ đầy trong trẻo của Sâm Cầm: “Em định dạng Sài Gòn cho riêng em/ Dù nắng, dù mưa, hay vô khối ngày ẩm ương anh đều có mặt/ Tất nhiên, những buổi đêm anh biến mất/ Sài Gòn sẽ cuống cuồng tìm anh... Trong giấc mơ em” (Trích Sài Gòn, Sài Gòn).
Có quá đáng lắm không khi nói, thơ tình facebook như làn gió tươi mới rất cần thiết để thổi cảm xúc vào lòng tất cả mọi người. Để biết rằng, facebook hoàn toàn không phải là một thế giới ảo đơn thuần, mà đó chính là nơi để gặp gỡ và góp nhặt những yêu thương thuần khiết

Nhận xét

Bài đăng phổ biến