Bài 7 -CHIẾN DỊCH PHAN RANG – XUÂN LỘC [Phần 1]


Bài 7
CHIẾN DỊCH 
PHAN RANG – XUÂN LỘC
[Phần 1]
Chiến dịch Phan Rang - Xuân Lộc là chiến dịch quyết định giữa Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam và Quân lực Việt Nam Cộng hòa trước cửa ngõ Sài Gòn trong Cuộc tổng tấn công và nổi dậy mùa xuân 1975. Trong chiến dịch này, hai bên lần lượt đưa những lực lượng mạnh nhất của mình vào trận. Vì đây là địa bàn trọng điểm, là hai cánh cửa cuối cùng của toàn bộ tuyến phòng thủ còn lại trong kế hoạch nỗ lực tối đa để có thể bảo vệ được nửa lãnh thổ phía Nam còn lại và đi đến một cuộc đàm phán công bằng với Hà Nội nên QLVNCH được lệnh phải tử thủ ở Xuân Lộc. Trong khi đó thì Hà Nội kiên quyết không thương lượng. Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam quyết tâm thực hiện đến cùng các mục tiêu đã được đề ra trong nghị quyết tháng 3 năm 1975 của họ, dù có phải hy sinh nhiều trong một cuộc tổng tấn công còn hơn là mất thì giờ để tìm kiếm thắng lợi qua việc lập một chính phủ liên hiệp.

Do đó cả Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam và QLVNCH đều nhận được mệnh lệnh từ cấp trên của mình là đánh bại đối phương. Như thường thấy trong các cuộc chiến tranh, khi hai bên đều nhận được mệnh lệnh giống nhau thì chỉ có một trong hai mệnh lệnh ấy được thực hiện đến cùng. Và chiến dịch Phan Rang - Xuân Lộc lại là một chiến thắng quan trọng nữa của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam trong chuỗi các trận thắng như chẻ tre trong mùa xuân năm 1975.

BỐI CẢNH

Xuân Lộc là thủ phủ tỉnh Long Khánh (nay là thị xã thuộc tỉnh Đồng Nai). Thị xã này có quốc lộ số 1 và đường sắt xuyên Việt đi qua, có ngã ba Dầu Giây là điểm cuối của đường 20 từ Đà Lạt về, có đường 56 nối với Vũng Tàu; cách Sài Gòn 60 km về phía Đông - Đông Bắc, cách Biên Hòa 25 km về phía Đông. Địa hình khu vực này không quá phức tạp, gồm nhiều đồi thấp xen giữa các cánh đồng, bãi sắn, vườn cây. Phía Nam có điểm cao Tân Phong (độ cao tuyệt đối 300 m), phía Tây có điểm cao Núi Thị rất thuận lợi cho quan sát chiến trường, tổ chức chỉ huy phòng thủ. Với mục tiêu biến Xuân Lộc thành "cánh cửa thép" che chở cho Sài Gòn từ hướng Đông, được sự ủng hộ của tướng Fredrick C. Weayend, QLVNCH đã nâng cấp cấu trúc Xuân Lộc thành cụm cứ điểm mạnh với hai trung tâm chính là tiểu khu quân sự Long Khánh và căn cứ sư đoàn 18 bộ binh, hai tiền đồn quan trọng là Núi Thị và Tân Phong với nhiều boong ke, lô cốt, hầm ngầm.

Phan Rang là thị xã thủ phủ tỉnh Ninh Thuận, cách Sài Gòn 361 km về phía Đông Bắc, cũng có đường quốc lộ số 1 và đường sắt xuyên Việt đi qua. Địa hình khu vực tương đối phức tạp gồm các dải đồi cát và chân ruộng nhỏ hẹp ven biển, phía Bắc có khu căn cứ Bác Ái do Mặt trận Dân tộc giải phóng Miền Nam kiểm soát, phía Tây có đèo Ngoạn Mục trên đường 27 nối với Đơn Dương và Đà Lạt - Lâm Đồng qua đường 20. Tại đây có các căn cứ quan trọng như chi khu quân sự Du Long án ngữ phía Bắc thị xã, sân bay Thành Sơn (căn cứ của Sư đoàn 6 Không quân VNCH), cảng dân sự Tân Thành, quân cảng Ninh Chữ và tiểu khu quân sự Ninh Thuận. Trong kế hoạch phòng thủ "Nỗ lực tối đa" của QLVNCH đầu năm 1975, Phan Rang trở thành lá chắn phía Đông để ngăn chặn cánh quân duyên hải của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, hỗ trợ phòng ngự cho cụm cứ điểm Xuân Lộc và che chở từ xa cho Sài Gòn.

THẾ VÀ LỰC CỦA QUÂN GIẢI PHÓNG MIỀN NAM

Chỉ trong một thời gian ngắn non 1 tháng, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã tiêu diệt và làm tan rã hai quân đoàn và hai quân khu, trên 35% bộ binh, 40% lực lượng binh chủng, thu và phá hủy 43% cơ sở vật chất kĩ thuật của đối phương, giải phóng 12 tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa và toàn bộ Tây Nguyên. Đến ngày 8 tháng 4 năm 1975, Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam đã kiểm soát quá nửa diện tích lãnh thổ tại miền Nam Việt Nam với 16 tỉnh thuộc Quân khu I (toàn bộ), Quân khu II (10/12 tỉnh) và tỉnh Phước Long thuộc Quân khu III. Ngoài ra còn một số không nhỏ các "lõm giải phóng" có quy mô cấp quận, cấp tổng nằm rải rác ở vùng ven đang tranh chấp hoặc ở sâu trong vùng QLVNCH đang kiểm soát.

Ngày 1 tháng 4 năm 1975, đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng điện cho Bộ chỉ huy mặt trận Sài Gòn: "Vấn đề quyết định là phải kịp thời nắm lấy thời cơ, quán triệt đầu đủ tư tưởng chỉ đạo: Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng".

Lực lượng chiến đấu của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam có mặt tại miền Nam Việt Nam đã lên đến 3 quân đoàn, đều đã có mặt hoặc đang trên đường tiến quân đến tuyến phòng thủ Phan Rang - Xuân Lộc.

Quân đoàn 4 đã có mặt ở Đông Nam Bộ trong Chiến dịch đường 14-Phước Long đang lần lượt đánh chiếm các tiền đồn của QLVNCH tại Tây Ninh và Bình Long và Bắc Long Khánh, hình thành thế bao vây cụm phòng thủ Xuân Lộc từ các hướng Đông Bắc, Bắc và Tây Bắc.

Quân đoàn 2 chỉ để lại sư đoàn 324 làm nhiệm vụ bảo vệ Trị Thiên Huế và Đà Nẵng; đã sử dụng 2.588 xe ô tô, xe tăng, xe thiết giáp, xe kéo pháo và các loại phương tiện cơ giới có trong tay, chia thành 5 khối hành quân dọc đường số 1, nhanh chóng tiếp cận phòng tuyến Phan Rang.

Quân đoàn 3 (thành lập ngày 26 tháng 3 năm 1975) sau khi đã chiếm trọn tỉnh cuối cùng tại Tây Nguyên (Tuyên Đức) và hai tỉnh ven biển (Phú Yên và Khánh Hoà) đã nhanh chóng thu quân, điều động lực lượng về hướng Tây và Tây Bắc Sài Gòn tại Dầu Tiếng và Bến Súc thay cho Quân đoàn 4 di chuyển về mặt trận Xuân Lộc. Phía sau lưng các cánh quân này, Quân đoàn 1 tại Ninh Bình đã nhận được lệnh lên đường vào chiến trường ngày 31 tháng 3 năm 1975, chỉ để lại sư đoàn 308 bảo vệ miền Bắc. 0 giờ 30 phút ngày 7 tháng 4, đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam gửi bức điện số 157/ĐK:TK cho các cánh quân trong đó có đoạn viết: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa".

TÌNH HÌNH CHÍNH QUYỀN VÀ QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA

Tình hình nội bộ của chính quyền Việt Nam Cộng hòa đầu năm 1975 cũng có những diễn biến phức tạp không thua kém tình hình trên các mặt trận. Đã có ít nhất hai âm mưu ám sát Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu bị phát giác. Ngày 23 tháng 1, một sĩ quan QLVNCH đã ám sát hụt tổng thống của mình bằng súng ngắn. Anh này lập tức bị đưa ra tòa án binh xét xử. Ngày 4 tháng 4, phe đối lập định đặt bom tại Dinh Độc Lập nhưng bị lộ. Ngày 8 tháng 4, phi công Nguyễn Thành Trung dùng máy bay F-5E ném bom Dinh Độc Lập. Tất cả những động thái nói trên làm cho Nguyễn Văn Thiệu càng tăng thêm nghi ngờ một số tướng lĩnh có âm mưu đảo chính chống lại mình.

Ngày 2 tháng 4 năm 1975, Thượng nghị viện VNCH ra một kiến nghị đòi thay đổi chính phủ. Ngay ngày 2 tháng 4, thủ tướng Trần Thiện Khiêm xin từ chức và được Nguyễn Văn Thiệu lập tức chấp thuận. Cũng trong ngày hôm đó, Thượng nghị viện thông qua đạo luật giao cho ông Nguyễn Bá Cẩn, chủ tịch quốc hội kiêm nhiệm chức thủ tướng. Trong bài diễn văn đọc trên truyền hình Sài Gòn tối ngày 4 tháng 4, Nguyễn Văn Thiệu nhân danh Tổng thống Việt Nam Cộng hòa yêu cầu bắt giam 3 sĩ quan cao cấp quân đội gồm: tướng Phạm Văn Phú vì đã để mất toàn bộ Tây Nguyên; tướng Phạm Quốc Thuần vì đã bất tuân thượng lệnh, không chịu tổ chức phòng thủ Nha Trang; tướng Dư Quốc Đống về tội để mất Phước Long. Nguyễn Văn Thiệu còn muốn bắt giam cả tướng Ngô Quang Trưởng nhưng vì ông này đang nằm điều trị tại bệnh viện nên không bị động đến.

Giải quyết tạm ổn vấn đề nội trị, ngày 3 tháng 4 năm 1975, Nguyễn Văn Thiệu đã trình bày trước phó đại sứ Hoa Kỳ Lehman và tướng Fredrick C. Weyand bản kế hoạch "Nỗ lực tối đa" nhằm giữ vững những phần đất còn lại. Ông ta cho rằng cần phải lấy Xuân Lộc làm trung tâm phòng ngự, hai bên sườn phải giữ được Tây Ninh và Phan Rang. Cuộc họp trở nên căng thẳng khi Nguyễn Văn Thiệu đưa ra bức thư của cựu tổng thống Richard Nixon hứa sẽ can thiệp bằng quân sự nếu VNDCCH vi phạm Hiệp định Paris và hỏi chính quyền Hoa Kỳ còn nhớ đến lời hứa này không. Chưa hết, đáp lại lời tuyên bố cùng ngày của tổng thống Gerald Ford rằng "quyết định đơn phương về việc rút quân của tổng thống Thiệu đã tạo ra hậu quả là một tấn thảm kịch không thể tưởng tượng được", ông Thiệu còn tuyên bố rằng chính quyền Hoa Kỳ đã đem con bỏ chợ và rằng bản thân ông ta đã bị Henry Kissinger viết chung vào một hóa đơn và bán đứt cho VNDCCH cùng với Hiệp định Paris rồi.

Theo giới phân tích quân sự, kế hoạch trên đây rất khó thực hiện vì từ quân số hơn một triệu, QLVNCH đã bị tiêu diệt, bị bắt và tan rã một nửa. Theo đại tá Lê Trung Hiền, người phát ngôn của Bộ Tổng tham mưu QLVNCH thì đã có đến sáu sư đoàn rưỡi mất hiệu lực tác chiến. Giới quân sự cũng nghi ngờ khả năng chiến đấu thực tế của sư đoàn 5 và sư đoàn 25 vì hai viên tướng tư lệnh của họ là Lê Văn Tư và Trần Quốc Lịch đang ngồi tù do mắc tội tham nhũng, bị cả cơ quan điều tra VNCH và Hoa Kỳ cáo buộc là đã bán gạo và vật liệu cho đối phương. Ngay cả tướng Nguyễn Vĩnh Nghi, trong thời gian làm tư lệnh Quân đoàn IV (1973-1974) cũng bị nghi ngờ vì đã để "biến mất" 8000 máy bộ đàm cầm tay và 25000 khẩu tiểu liên M-16. Sư đoàn 2 phòng thủ Phan Rang thì chỉ còn 2 trung đoàn (trong đó có trung đoàn 4 vừa tái lập) và vẫn đang trong giai đoạn chỉnh trang. Ba sư đoàn khác không phải là các đội quân thiện chiến đang nằm ở đồng bằng sông Cửu Long và khó có thể di chuyển về bảo vệ Sài Gòn do bị đối phương liên tục tập kích. Tất cả chỉ còn trông vào sư đoàn 18 do chuẩn tướng Lê Minh Đảo (người đã từng cùng chuẩn tướng Lê Văn Hưng phòng thủ An Lộc) chỉ huy. Đây chính là đơn vị được chọn để tử thủ tại Xuân Lộc cùng với các lực lượng dù, thủy quân lục chiến, biệt động quân, tăng thiết giáp và không quân còn lại.



LỰC LƯỢNG VÀ PHƯƠNG ÁN TÁC CHIẾN CỦA HAI BÊN
QUÂN GIẢI PHÓNG MIỀN NAM VIỆT NAM

Tại mặt trận Xuân Lộc

Do Quân đoàn 4 tiếp cận chiến trường sớm nhất nên Quân ủy Trung ương và Bộ Tư lệnh miền quyết định sử dụng quân đoàn này làm lực lượng chủ công tại mặt trận Xuân Lộc gồm các đơn vị:

Các sư đoàn bộ binh 7, 341 và 6 (trong đó sư đoàn 6 nguyên thuộc Khu 7, được điều động về Quân đoàn 4 thay thế sư đoàn 9 chuyển thuộc Đoàn 232)
Lữ đoàn phòng không 71.
Hai tiểu đoàn bộ binh của Tỉnh đội Long Khánh.
Các lữ đoàn Công binh 24, 25
Lữ đoàn thông tin 26.
Hai tiểu đoàn pháo gồm 4 khẩu 130 mm, 18 khẩu 105 và 122 mm và 12 khẩu 85 mm.
Hai tiểu đoàn xe tăng (mỗi tiểu đoàn chỉ còn 8 chiếc hoạt động được)
Ngày 3 tháng 4, Bộ Tư lệnh quân đoàn 4 đã vạch ra hai phương án tác chiến để đánh chiếm Xuân Lộc:

Phương án 1:
Đánh vòng ngoài là chủ yếu, lấy bao vây cô lập là chính. Nếu thời cơ xuất hiện sẽ tiến công dứt điểm. Đây là phương án "đánh chắc, tiến chắc" được rút ra từ bài học kinh nghiệm trên mặt trận Bình Long năm 1972.

Phương án 2:
Nếu đối phương hoang mang, dao động, cần khẩn trương dùng bộ binh có xe tăng đột kích mở đường, pháo binh yểm hộ tối đa đánh thẳng vào trung tâm phòng ngự của đối phương.

Kế hoạch tấn công ban đầu của Quân đoàn là sử dụng sư đoàn 7 tấn công trên hướng chủ yếu từ phía Đông với mục tiêu đánh chiếm Sở chỉ huy sư đoàn 18. Sư đoàn 341 từ phía Bắc đánh chiếm tiểu khu quân sự Long Khánh và các mục tiêu trong thị xã. Sư đoàn 6 và trung đoàn 95 (mới được điều từ Tây Nguyên vào) làm nhiệm vụ dự bị chiến dịch, dự kiến được tung vào trận đánh để quyết định số phận chiến trường hoặc phản kích đẩy lùi các lực lượng dự bị cơ động của QLVNCH được điều đến tham chiến. Trong tiến trình trận đánh, ngày 12 tháng 4, Bộ tư lệnh Quân đoàn thay đổi một phần kế hoạch; chuyển hướng đánh của sư đoàn 341 từ hướng thứ yếu thành hướng chủ yếu. Việc chuyển hướng này đã quyết định thắng lợi của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam trên mặt trận Xuân Lộc.

Tại mặt trận Phan Rang

Do chỉ có sư đoàn 3 Sao Vàng (vốn thuộc Quân khu 5) tiếp cận mặt trận sớm hơn cả (ngày 11 tháng 4), Bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 quyết định sử dụng sư đoàn này đánh trận mở màn tại Phan Rang với lực lượng gồm có:

Các trung đoàn bộ binh 2, 12, 25 và 141.
Một trung đoàn pháo binh gồm 2 cụm pháo có 36 khẩu 155 mm, 105 mm, 85 mm và pháo phản lực H-12.
Tiểu đoàn cao xạ 37 mm gồm 18 khẩu.

Vì không có xe tăng chi viện, Bộ tư lệnh sư đoàn 3 vạch kế hoạch sử dụng trung đoàn 2 đánh chiếm chi khu quân sự Du Long, chiếm lĩnh vị trí đầu cầu để tiến công thị xã từ hướng Bắc. Trung đoàn 141 đánh vu hồi vời hướng Đông Nam thị xã, cắt đứt đường rút ra biển của đối phương. Trung đoàn 25 tấn công ở chính diện, đánh chiếm sân bay Thành Sơn. Trung đoàn 12 làm lực lượng dự bị, sẵn sàng được tung vào hướng cần thiết. Trung đoàn pháo binh yểm hộ từ hai hướng Tây và Tây Bắc. Hai khẩu đội pháo nòng dài 85 mm và một đại đội cao xạ 37 mm được tách ra để khống chế sân bay Thành Sơn. Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 cho sư đoàn 3 một ngày chuẩn bị trận đánh.


QUÂN LỰC VIỆT NAM CÔNG HÒA

Tại mặt trận Xuân Lộc

Với vị trí là cụm phòng thủ trung tâm trong số ba cụm Tây Ninh, Xuân Lộc, Phan Rang; đến ngày 8 tháng 4 năm 1975, QLVNCH bố trí tại đây binh lực mạnh nhất có trong tay gồm:

Sư đoàn bộ binh 18 còn nguyên vẹn với ba trung đoàn 43, 48 và 52
Thiết đoàn 3 kỵ binh (thiết giáp)
Bốn tiểu đoàn bảo an 340, 342, 343, 367
Hai tiểu đoàn pháo binh 181 và 182 với 42 khẩu pháo các loại trong đó có hai khẩu M107 175mm
Hai liên đoàn dân vệ.

Trong tiến trình trận đánh, ngày 12 tháng 4, QLVNCH tăng viện cho mặt trận này lữ đoàn 1 dù, lữ đoàn 3 kỵ binh - thiết giáp có đủ ba thiết đoàn 15, 18 và 22, chiến đoàn 8 bộ binh (sư đoàn 5), liên đoàn 33 biệt động quân và hai tiểu đoàn pháo binh. Toàn bộ lực lượng không quân của Quân đoàn III gồm các sư đoàn 5 (tại Biên Hoà) và 3 (tại Tân Sơn Nhất) được dùng để yểm trợ cho Xuân Lộc. Hai lữ đoàn thủy quân lục chiến mới tái lập (258 và 369) được điều lên bảo vệ tổng kho Long Bình và sân bay Biên Hòa.

Tổng số binh lực của QLVNCH tại khu vực Biên Hòa - Xuân Lộc lên đến 25.000 quân, chiếm 30% lực lượng bộ binh của Quân đoàn III, 57% số lượng xe tăng - thiết giáp, 40% pháo binh. Số quân này được bố trí như sau:

Sư đoàn 18 (thiếu trung đoàn 52), lữ đoàn 3 kỵ binh thiết giáp giữ Xuân Lộc. Từ ngày 12 tháng 4 có thêm lữ dù 1 tham gia phòng thủ.

Trung đoàn 52 (sư đoàn 18) giữ các cứ điểm Tân Phong, Núi Thị và các chốt dọc đường số 1 từ Trảng Bom đi Xuân Lộc. Từ ngày 12 tháng 4 có thêm lữ đoàn 3 thiết giáp, trung đoàn 8 (sư đoàn 5), liên đoàn 33 biệt động quân tham chiến.

Các lữ đoàn 258 và 369 thủy quân lục chiến bảo vệ căn cứ Biên Hòa và tổng kho Long Bình.[24]

Tại mặt trận Phan Rang

Ngày 2 tháng 4, tướng Nguyễn Văn Toàn, tư lệnh Quân đoàn III-QLVNCH bay ra Phan Rang thị sát chiến trường. Ngày 6 tháng 4, tướng Nguyễn Vĩnh Nghi (phó tư lệnh Quân đoàn III) và tướng Phạm Ngọc Sang (tư lệnh sư đoàn 6 không quân) phúc trình với Bộ Tổng tham mưu QLVNCH kế hoạch phối trí phòng thủ Phan Rang như sau:

Trung đoàn 5 (sư đoàn 2 mới tái lập) và Liên đoàn 31 biệt động quân bố trí dọc hai bên đường số 1 ở Bắc Phan Rang 20 km, lấy đường hẻm Du Long làm trận địa phòng ngự. Tiểu đoàn pháo binh của Liên đoàn biệt động 31 gồm 4 khẩu 155 mm và 8 khẩu 105 mm bố trí phía sau cánh quân này.

Trung đoàn 4 (sư đoàn 2) giữ đường 20 phía Nam đèo Ngoạn Mục.
Lữ đoàn 2 dù (mới được điều từ Sài Gòn ra thay lữ đoàn 3 rút về chỉnh trang) giữ sân bay Thành Sơn

Tiểu đoàn pháo của Lữ dù 2 bố trí trong thị xã.
Chi đoàn thiết giáp thuộc sư đoàn 2 làm dự bị.

Bốn tiểu đoàn bảo an của chi khu Ninh Thuận giữ các chốt Suối Đá, Ba Râu, Hội Diên, Cà Đú, Đới Sơn và ngã tư Ga Tháp Chàm.
Lực lượng còn lại của Sư đoàn 6 không quân gồm hơn 150 máy bay các loại đóng tại sân bay Thành Sơn.

WIKIPEDIA


Nhận xét

Bài đăng phổ biến