MỘT NGHỊCH LÝ THƠ

 MỘT NGHỊCH LÝ THƠ
VŨ QUẦN PHƯƠNG
Từ khi thực thi quốc sách Đổi Mới, văn chương nước ta đã có những bước phát triển dài… Trong văn chương đã có những tài năng tác giả và phẩm chất tác phẩm ghi nhận được đặc điểm vừa thần kỳ vừa kỳ quái của một hiện thực đang rung chuyển, đang làm thay đổi cả cách nghĩ, cách nhận định và cách hành động của toàn xã hội. Văn chương đã bộc lộ được nhiều sắc thái tâm hồn, nhiều cung bậc trí tuệ và cũng nhiều mặt nạ.
 Dư luận đương thời, qua ba chục năm vừa qua, coi đó là những thành tựu mang dấu bước đi lên trong tiến trình phát triển văn học nước nhà… Nhưng có chút nghịch lý trong tình hình làm thơ và đọc thơ bây giờ. Nghịch lý chỉ một chút thôi nhưng lại cần tìm giải pháp, một giải pháp đủ tinh tế, để khắc phục.
Quả có một nghịch lý trong giới thơ. Ấy là những người làm thơ ngày một tăng, và đều được gọi là nhà thơ. Hiện nay số lượng các nhà thơ trong nước ta phải tính bằng đơn vị vạn và các tập thơ xuất bản hàng năm cũng phải dùng tới đơn vị nghìn. Tỉ lệ nhà thơ bình quân trên số dân ở ta bây giờ hẳn là lớn nhất thế giới... Đến chín phần mười, có khi hơn thế, lượng nhà thơ bây giờ là do các câu lạc bộ thơ cung cấp.
Ở ta bây giờ ở đâu cũng có câu lạc bộ thơ. Và vào câu lạc bộ rồi thì thành nhà thơ. Họ không ăn lương thơ vào ngân sách nhà nước. Họ có lương hưu. Hoạt động của họ như hội họp, đọc thơ, in thơ… cũng là tiền riêng của họ. Làm thơ, với họ, như một cuộc chơi. Câu lạc bộ thơ cũng chỉ là một sân chơi. Mà chơi trong cõi tinh thần, chơi tình cảm, chơi trí tuệ… Viết một bài thơ là sống lại một chặng sống của mình, là nghĩ ngợi lại việc đời mà mình đã trải. Nó như một cuộc tự kiểm điểm về đạo lý, về phép ứng xử...
Bản thân việc ra đời các câu lạc bộ thơ không hề làm tổn hại thành tựu của nền thơ nước ta. Nhưng số lượng các ấn phẩm thơ xuất hiện trên thị trường sách thì có ảnh hưởng tới việc tiêu thụ thơ. Hiện nay số tập thơ ấn hành hàng năm gấp từ 30 đến 40 lần các giai đoạn trước (thí dụ 50 và 1.500 đến 2.000), Công tác biên tập bị coi nhẹ. Thơ chưa đạt chuẩn vẫn đưa ra thị trường bán chung với các tập “chính phẩm”. Để có được tập thơ đọc được, người đọc phải vượt qua ba, bốn mươi tập non lép hoặc rất non lép. Ít ai có đủ kiên nhẫn. Thơ bị ế. Các hiệu sách có sáng kiến: không nhập thơ, không bán thơ nữa. Trừ những hiệu sách tự làm lấy bản thảo và liên kết với các nhà xuất bản lớn để in và phát hành.
Như vậy số người làm thơ tăng lên, sách thơ xuất bản cũng tăng lên, nhưng người đọc thơ lại giảm đi. Giảm chưa từng có. Nhiều bạn hẳn đã nghe một câu ca dao mới lưu hành thầm trong giới thơ lúc này: “Gặp nhau tay bắt mặt mừngTặng gì thì tặng xin đừng tặng thơ
Nghĩ cũng tủi cho phận làm thơ. Những tập “đọc được” thì như đang ngạt thở dưới ba bốn chục tập xoàng che lấp ở phía trên. Đã thế lại không một chỉ dẫn nào của giới xuất bản hay phát hành giúp cho bạn đọc cách tìm ra nó.
Ai làm nên nỗi?
Từ xưa, thời chống Pháp chống Mỹ cũng thế. Văn chương phong trào và văn chương tác giả (tạm gọi thế, chứ giờ đây văn chương nào cũng có tác giả cả) đều có chức năng và mục đích khác nhau. Không sợ ai chiếm “ghế” của ai. Thời chống Pháp: Đèo cao thì mặc đèo cao/ Trèo lên đến đỉnh ta cao hơn đèo. Lục bát mà điệp vần là vụng nhưng người tiêu thụ khi ấy đang cần cái ý chí mà câu hò này mang lại đến nỗi không ai bận tâm đến cái vần cao lỗi vận kia.
Còn bây giờ: thơ ông Bảo Sinh: Vợ là cơm nguội nhà ta/ Nhưng là phở tái thằng cha láng giềng. Người ta chưa kịp bắt bẻ tác giả về tính tư tưởng, về tình đồng bào thì đã phải phá lên cười vì cái tính hiện thực thẳng thừng, cả hiện thực tâm trạng lẫn hiện thực xã hội... Khái quát được tình hình thương nghiệp thời bao cấp tem phiếu, sắc sảo nhất có lẽ là mấy câu vô danh này: Tôn Đản là chợ của quan/ Nhà Thờ chợ của trung gian nịnh thần/ Đồng Xuân chợ của thương nhân/ Vỉa hè chợ của nhân dân anh hung
Đáng tiếc là cái mạch thơ xốc vác vốn có của thơ phong trào ấy lại bị bỏ qua. Nhưng dù thế, dù thơ có chưa hay hoặc chưa nhiều bài hay thì cũng không hại gì cho cả nền thơ. Chỉ có hại khi nó được dễ dãi in ra và trộn lẫn thứ phẩm vào chính phẩm để phát hành. Nhưng việc này lại thuộc quyền quản lý của ngành xuất bản và phát hành. Việc ấy cần giải quyết và có thể giải quyết được. Nhiều nước kinh tế thị trường đã có nhiều sáng kiến điều chỉnh giá sách theo chất lượng tác phẩm rất uyển chuyển và hữu hiệu, có tác động khích lệ tích cực tới chất lượng văn chương, ta rất nên áp dụng.
Sau khi bỏ nghề y sang làm thơ, tôi có tới hơn 12 năm liền (1972-1984) làm biên tập ở buổi Tiếng Thơ Đài Tiếng nói Việt Nam. Khi ấy truyền hình mới phát thể nghiệm, Tiếng nói Việt Nam là kênh thông tin gần người dân nhất. Buổi Tiếng Thơ cũng là một trong các buổi nhận được nhiều thư bạn nghe Đài. Thư trao đổi, nhận xét không nhiều nhưng thơ sáng tác gửi về thì nhiều lắm. Phần lớn chưa dùng được nhưng tấm lòng của bà con mong muốn chuyện của làng mình, buồn vui của lòng mình được Đài chuyển tới mọi người, thì anh em biên tập viên chúng tôi ai cũng nhận ra, ai cũng xúc động.
Chúng tôi nhận ra lòng trông cậy vào thơ của bà con ta, để được an ủi, được bảo vệ, được chia sẻ trước những cảnh ngộ thương xót hoặc niềm tự hào. Tôi đã có nhiều cuộc nói chuyện thơ với bà con ở mọi địa phương trong nước và các cộng đồng bà con ta ở nước ngoài, có cuộc tình cờ mà thành. Có cuộc do sở văn hóa hay thư viện tỉnh tổ chức nói liền nhiều ngày ở nhiều địa điểm của địa phương. Có buổi bà con phải chân trần lội bùn đường rừng mà vào. Hội trường ngoài trời, rộng, ghế gỗ dài gắn trên ván dốc lên cao dần. Thế rồi bùn ướt cứ tự nhiên mà thành bùn khô trên chân người yêu thơ… Tiếng cười tiếng vỗ tay càng khuya càng nồng nhiệt. Diễn viên ngâm thơ, diễn viên đàn sáo và cả người nói, say tình cử tọa, nói diễn như nhập đồng.
Chính trong bối cảnh mê say đó đã nảy sinh những kiểu sinh hoạt thơ do bà con yêu thơ tự tạo. Từ khi có quốc sách Đổi Mới thì hình thành phong trào câu lạc bộ thơ khắp nơi, trong mọi tầng lớp nhân dân, có đóng rất lớn về sinh hoạt văn hóa đại chúng. Bỏ qua những dị biệt chi tiết, có thể nhận ra ba chặng phát triển chung của các câu lạc bộ thơ.
Chặng một, thiên về tìm hiểu để hưởng thụ cái hay cái đẹp, cái ý nghĩa thâm thúy của thơ. Đây là chặng nâng cao năng lực thẩm mỹ của bạn đọc, tạo tiền đề cho thơ phát triển. Chặng này đã khai sinh ra tuần báo Thơ của Hội nhà văn Việt Nam.
Chặng hainhững độc giả cần mẫn của thơ bỗng thích thành tác giả. Số lượng thơ xuất bản tăng chóng mặt. Xuất hiện các dịch vụ làm sách; biên tập, chọn bài, trình bày, làm tuyền và các loại hội thảo… Vui nhưng hơi tốn. Cũng đã thấy mấy ông ranh ma kiếm chác: có ông tự khoe Phật nhập vào bút mình nên thơ đâm hay quá Hội Nhà văn phải hội thảo và ông phải vất vả để gửi thi Nobel. Gần đây không biết công ty du lịch nào lại phởn chí phong một lão bà là “nhà thơ thế giới” với rất nhiều chức danh thuộc ngành câu lạc bộ năm châu (!) Sau các buổi giới thiệu tác phẩm tưng bừng thì các hiệu sách lại từ chối nhận bán thơ, tạo nên cái nghịch lý mà ta đang bàn cách tháo gỡ.
Chặng ba: Không biết từ lúc nào, các hội viên câu lạc bộ lại chuyển cảm hứng xin vào các Hội nhà văn (Hội các tỉnh, thành và hội toàn quốc). Số đơn xin gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam cuối năm 2022 là hơn chín trăm. Có bạn tuyên bố: Sẽ vào Hội bằng bất kỳ giá nào (!). Cái sức ép “bất kỳ giá nào” ấy không hứa hẹn cho thịnh vượng văn chương lắm. Rất cần các quý hội nhà văn ta tìm ra quy chế kết nạp thỏa đáng, phù hợp với thực chất phát triển của nghề mình.
Tách bạch chỗ tiến chỗ lùi của phong trào câu lạc bộ thơ qua mỗi chặng không dễ. Có chỗ hăng tiến quá lại hóa lùi. Mà có khi điềm đạm lùi lại hóa tiến. Nghề này vừa phải say lại vừa phải tỉnh. Say quá hóa buồn cười mà tỉnh quá thì hết văn chương. Có mỗi việc ấy là khó thôi. Còn thì nhờ trời cho.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến