XIN ĐỪNG NÓI NEYMAR PHỤC HỒI CHẤN THƯƠNG


Tiếng Việt mùa World Cup:
XIN ĐỪNG NÓI NEYMAR PHỤC HỒI CHẤN THƯƠNG
1.
Bình phục là một từ Hán Việt, gồm bình (5 nét, bộ can) và phục (12 nét, bộ xích). Trong tiếng Hán, bình phục có nghĩa là khỏi bệnh (nghĩa 1); bình tĩnh trở lại (nghĩa 2) hoặc dẹp yên (nghĩa 3).

Từ bình phục có mặt trong Giản yếu Hán Việt từ điển quyển thượng của Đào Duy Anh (1904-1988) xuất bản năm 1932 và được giảng nghĩa là khỏi bệnh. Điều này cho thấy bình phục (với tư cách từ Hán Việt) xuất hiện ở nước ta không trễ hơn năm 1932 và chỉ còn mang nghĩa thứ nhất trong số ba nghĩa trong tiếng Hán.

Từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học định nghĩa động từ bình phục là "trở lại trạng thái sức khỏe bình thường như trước khi bị ốm" và cho ba ví dụ: "người ốm đã bình phục", "chúc chóng bình phục", "sức khỏe chưa bình phục hẳn".

Định nghĩa và các ví dụ này cho thấy động từ bình phục không cần bổ ngữ. Câu "vận động viên A đã bình phục" hoàn toàn đủ nghĩa.

Tuy nhiên, nhiều người hay dùng cụm từ "bình phục chấn thương" khi đề cập đến thể thao. Liên quan đến trận đấu thứ hai của bảng A cúp bóng đá thế giới 2018 giữa tuyển Ai Cập và tuyển Uruguay, một số tờ báo viết "Mohamed Salah bình phục chấn thương".

Có lẽ nên viết: "Mohamed Salah đã bình phục". Nếu muốn chi tiết hơn, có thể viết: "Chấn thương vai của Mohamed Salah đã được chữa khỏi".
2.
Phục hồi là một từ Hán Việt, gồm phục (12 nét, bộ xích) và hồi (5 nét, bộ vi), có nghĩa là trở lại như trước. L‎ý Bạch (701-762) mở đầu bài Tương tiến tửu (Sắp mời rượu) bằng hai câu: Quân bất kiến Hoàng hà chi thủy thiên thượng lai/ Bôn lưu đáo hải bất phục hồi (Anh không thấy nước Hoàng hà từ trên trời chảy xuống/ Chảy ra đến biển chẳng quay về).

Hai câu này được Cao Bá Quát (1809-1855) dẫn lại trong Uống rượu tiêu sầu bài 2.
Điều thú vị là Giản yếu Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh không có mục từ hồi phục hoặc phục hồi. Ngược lại, Từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học có cả hai mục từ này.

Hồi phục được định nghĩa là "trở lại hoặc làm cho trở lại được như cũ sau một thời kỳ bị sút kém" kèm theo hai ví dụ: "sức khỏe đã hồi phục", "phong trào dần dần hồi phục".

Phục hồi được định nghĩa là "khôi phục cái đã mất đi" kèm theo ba ví dụ: "sức khỏe được phục hồi", "phục hồi nhân phẩm", "âm mưu phục hồi chủ nghĩa quân phiệt".

Hiện nay, nhiều người dùng cụm từ phục hồi chấn thương hoặc hồi phục chấn thương để diễn đạt tình trạng chấn thương đã được chữa khỏi, nhất là trong bóng đá.

Chẳng hạn, "Neymar hồi phục chấn thương nhanh hơn dự kiến". Nếu căn cứ vào Từ điển tiếng Việt, cách diễn đạt này mang nghĩa ngược lại: chấn thương của Neymar sẽ nhanh chóng trở lại tình trạng như lúc mới bị.
3.
Cơ hội cũng là một từ Hán Việt, gồm cơ (16 nét, bộ mộc) và hội (13 nét, bộ viết), có nghĩa là dịp may, thời cơ, vận hội. Giản yếu Hán Việt từ điển quyển thượng của Đào Duy Anh giảng nghĩa cơ hội là "thời hội thích đáng để làm việc".

Từ điển tiếng Việt của Viện ngôn ngữ học định nghĩa cơ hội là "hoàn cảnh thuận tiện gặp được để làm việc gì thường mong ước" và cho ba ví dụ: "có cơ hội đi du lịch", "cơ hội ngàn năm có một", "bỏ lỡ cơ hội".

Xét theo các định nghĩa trên, "cơ hội nguy hiểm" là một cách diễn đạt khó hiểu. Tuy vậy, đôi khi ta vẫn nghe bình luận viên bóng đá nói: đội tuyển A đã tạo ra nhiều cơ hội nguy hiểm trước khung thành đội tuyển B.

Có lẽ nên nói "đội tuyển A đã tạo ra nhiều cơ hội sút tung lưới đội tuyển B" hoặc "đội tuyển A đã tạo ra nhiều tình huống nguy hiểm trước khung thành đội tuyển B".

TRƯỜNG LÂN


Nhận xét

Bài đăng phổ biến