PHÍ BIẾN THÀNH GIÁ CUỘC SỐNG ĐẢO LỘN


PHÍ BIẾN THÀNH GIÁ
CUỘC SỐNG ĐẢO LỘN

Đang rộ lên chuyện "phí" = "giá". Cái này tôi đã báo động từ lâu. Nhưng tôi chờ mãi chưa có bạn nào phân tích rõ. Không có nhà ngôn ngữ học nào lên tiếng. Đành đánh trống qua cửa nhà sấm.

Phí và giá đều là từ Việt gốc Hán. "Phí" có 15 chữ khác nhau cùng âm. Ở đây chỉ bàn chữ phí thông thường trong đời sống. Đa số trường hợp "phí" dùng như động từ để chỉ hành động tiêu hao cái gì đó, như "phí công sức", "phí tiền", hoặc hoang phí, hao phí... Trường hợp dùng như danh từ thì để chỉ đồng tiền dùng trong các lĩnh vực cụ thể, tình huống cụ thể, như kinh phí, lộ phí, học phí... Trường hợp là danh từ thì "phí" có nghĩa là tiền chi dùng rồi.

"Giá" trong từ điển có 22 chữ đồng âm. Giá hiểu nôm na là một hình dung từ để so sánh trong trường hợp chung đơn vị đo. Ví dụ: phẩm giá, danh giá, trị giá... Danh giá đo bằng gì? Bằng một hệ thống thông số làm đơn vị đo. Trong kinh tế, giá cả là sự so sánh vật chất với đơn vị đo bằng tiền. Giá trị hiểu thông thường thì có thể đo bằng nhiều thông số, có thể là tiền và những thứ khác. Lý luận Mác xít có hẳn một pho sách bàn về giá trị, giá cả. Như vậy, "giá" chỉ có 1 trường hợp cụ thể hướng đến việc đánh giá bằng tiền, còn chung nhất là một danh từ dùng để hình dung, so sánh sự vật. Từ điển Hán Việt của Thiều Chửu định nghĩa bằng phương pháp mô tả: cái gì đáng bao nhiêu gọi là giá.

Như vậy, thu phí là có nghĩa thu tiền, rất cụ thể; còn thu giá chả lẽ là thu đi cái thuộc tính đáng bao nhiêu của sự vật, nói trắng phớ là chả có nghĩa gì.

Làm đúng hơn, thu phí trong giao thông là thu khoản lộ phí, thu phí trong học đường là thu khoản học phí... Nói thu phí là nói thu tiền trong nhiều trường hợp, đâu chỉ thu ở trạm BOT. Nay mới phát hiện các ngài làm luật, cụ thể là Bộ trưởng giao thông Nguyễn Văn Thể, bó gọn từ "phí" vào việc thu trong lĩnh vực công, trong luật chi tiêu công, như thế là người làm luật đã sai. Thông thường phải lấy cuộc sống làm thước đo, chữ "phí" trong cuộc sống phải là chuẩn, đằng này vì một định nghĩa lại chữ "phí" chữ "giá" mà người ta lấy ý chí áp vào cuộc sống, xét về phương pháp luận là sai, đánh giá năng lực là người quản lý nhà nước yếu kém, còn về mặt đạo đức thì người quản lý nhà nước đã đến mức coi thường xã hội quá rồi.

Mở rộng bàn thêm, chữ "giá" ở VN không có đến 22 chữ như Tàu, nhưng cũng có vài chữ hay dùng. Giá - cái vật đỡ, ví dụ giá áo túi cơm, giá sách. Giá - đỗ mầm. Giá - nếu. Giá - lấy chồng. Giá - cây mía... Nay theo cách giải nghĩa của ông Thể, đi qua trạm "xuất giá", lại đi nữa thì "tái giá", thu nhiều tiền thì "cam giá" vậy. Cuộc sống đang đảo lộn.

Nguyễn Xuân Hưng



Nhận xét

Bài đăng phổ biến