CHO THUÊ ĐẤT GẦN THẾ KỶ THUỘC QUYỀN NHÂN DÂN


CHO THUÊ ĐẤT GẦN THẾ KỶ
THUỘC QUYỀN NHÂN DÂN

Năm trăm Đại biểu Quốc Hội Việt Nam 'không đủ thẩm quyền' quyết định thông qua đạo luật cho thuê đất đặc khu xuyên thế kỷ và dự luật này cần phải được trưng cầu ý kiến của 'ông chủ' tức là người dân, một nguyên Đại biểu Quốc Hội Việt Nam nói với Bàn tròn Thứ Năm của BBC Tiếng Việt.

Mô hình đặc khu kiểu Thâm Quyến ở Trung Quốc có bối cảnh đặc thù lịch sử, trong khi ngày nay môi trường kinh tế liên thông của thế giới đã đổi khác, do đó rất khó có thể nói việc tiến hành các đặc khu và cho thuê đất lâu dài tới 99 năm như nhà nước Việt Nam đang đề nghị sẽ thành công hay không, theo một nhà nghiên cứu Trung Quốc học từ Đại học Quốc gia ở Việt Nam.

Việt Nam nên có điều khoản phòng ngừa hầu dĩ có thể cứu xét và thay đổi được hợp đồng, giao kèo cho thuê đất các đặc khu cứ 5 năm và 10 năm một lần do thời hạn cho thuê đất được đề nghị là quá lâu dài, một kinh tế gia và nhà phân tích từ California nói với Tọa đàm của BBC.

Đảng Cộng sản Việt Nam nên thay đổi lề lối làm việc mà đi ngược với xu thế 'Đảng không can thiệp vào công việc của nhà nước', điều đã thể hiện qua việc 'thúc ép', 'can thiệp quá sâu' vào công việc làm luật của Quốc Hội Việt Nam nhằm 'cho ra luật' về ba đặc khu mà đang gặp một làn sóng phản đối mạnh mẽ đến mức Thủ tướng Chính phủ phải thừa nhận, theo một nhà nghiên cứu chính sách, pháp luật.

Mở đầu thảo luận tại Bàn Tròn hôm thứ Năm 07/6/2018, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nêu quan điểm về các căn cứ, cơ sở của Dự luật về ba Đặc khu hành chính - kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc:

"Tôi có lý giải vì sao nhiều người không đồng tình như vậy, tôi thấy cụ thể đạo luật này thiếu cơ sở pháp lý, cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn. Nó cũng không phù hợp với nguyện vọng của người dân."

Về cơ sở pháp lý, vị nguyên Phó Chủ Nhiệm Ủy Ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc Hội Việt Nam nói:

"Chúng ta thấy các quy định ở trong luật Đặc khu kinh tế liên quan đến chủ quyền, an ninh quốc gia và liên quan đến việc chiếm hữu đất đai. Đây là những vấn đề thuộc quyền quyết định của nhân dân, Hiến Pháp năm 2013 đã long trọng tuyên bố Nước CHXHCN Việt Nam do nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân.

"Riêng về đất đai, điều 53 của Hiến Pháp cũng đã quy định rõ đất đai là thuộc sở hữu toàn dân, giao cho nhà nước quản lý. Thế thì người quản lý không thể tự mình quyết định cho thuê đất tới gần một thế kỷ và quyết định những vấn đề mà nó liên quan mực thiết đến chủ quyền, lãnh thổ, đến an ninh quốc gia mà lại không xin ý kiến ông chủ.

"Tuy người dân đã bầu ra Quốc Hội để đại diện cho mình, nhưng tôi nghĩ rằng 500 Đại biểu Quốc Hội không có đủ thẩm quyền và cũng không thể chịu trách nhiệm về một quyết định có tầm vóc lớn lao xuyên thế kỷ như là những vấn đề mà luật này đề ra.
"Thế thì theo quy định tại điều 6 của Luật Trưng cầu ý dân, những vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền lãnh thổ quốc gia, về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích quốc gia, thì là một trong bốn trường hợp phải trưng cầu ý dân."

'Thế giới đã thay đổi'

Từ Đại học Quốc Gia Hà Nội (ĐHQGHN), nhà nghiên cứu Trung Quốc học, Tiến sỹ Nghiêm Thúy Hằng đưa ra so sánh về mô hình đặc khu của Trung Quốc nhiều thập niên trước và bình luận về khác biệt thời điểm, tính chất so với ý tưởng vẫn mở đặc khu và cho thuê đất như nhà nước Việt Nam đang đề nghị thông qua luật và dự án hiện nay:

"Bối cảnh ở Trung Quốc năm 1978, sau những đợt đói khổ từ năm 1959-1961, sau đợt 10 năm Cách mạng Văn hóa của Trung Quốc, sau những đợt thanh trừng đưa trí thức xuống [nông thôn] để cho nông dân dạy lại, nền kinh tế Trung Quốc thời điểm cải cách mở cửa khi ông Đặng Tiểu Bình kêu gọi toàn dân kêu gọi cải cách mở cửa, nó là một kinh tế thực sự sắp sửa sụp đổ.

"Ông Đặng Tiểu Bình đã phải nói câu là "Trước mắt chúng ta chỉ có một con đường chết mà thôi, thế và việc cần thiết phải mở đặc khu kinh tế, rồi gọi vốn đầu tư của Mỹ hay quốc gia khác, với người Trung Quốc, bản thân thời kỳ đó cũng rất nhạy cảm, nhiều người cũng rất lo lắng.

"Tuy nhiên thời điểm đó là phải đến 95% dân chúng Trung Quốc, kể cả những người ở tầng lớp cao cấp đều ủng hộ chính sách của ông Đặng Tiểu Bình và đều thấy là cần phải đồng thuận, chỉ có một vài lãnh đạo như là Uông Đông Hưng hay một vài lãnh đạo khác, họ ngại ngần, nhưng tỷ lệ dân chúng khi ủng hộ ông Đặng Tiểu Bình thời đó là rất lớn.

"Chính vì thế mà những đề xuất của ông ở Thâm Quyến, hay những khu vực Chu Hải, Giắn Đầu, những thành công ấy là do đặc thù của Trung Quốc thời đó, những bối cảnh trước đó và những lợi thế về địa chính trị, rồi lợi thế về 'Thiên thời, địa lợi, nhân hòa' đều hội tụ. Hơn nữa lại được đồng bào Hong Kong, rồi Đài Loan ủng hộ rất nhiều thì mới có thể thành công được.

"Thế còn trong bối cảnh hiện nay thế giới đã [thay] đổi rồi, nền kinh tế Việt Nam rất là mở, hiện nay là [thời đại] 4.0, bây giờ người ta nói đến chuyện cho thuê Server (máy chủ), hay làm về những cái Internet vạn vật, hay là nói tới nền kinh tế kết nối (inter-economies), thế mà bây giờ vẫn còn nghĩ đến mỗi chuyện cho thuê đất thôi thì tôi nghĩ là liệu nó có thành công được hay không?

"Việc này rất khó nói, bởi vì thành công được phải là hội tụ rất nhiều yếu tố như tôi đã phân tích. Còn bốn đặc khu khác của Trung Quốc không hề thành công lắm, và cũng có những mô hình khác chúng ta phải học tập," nhà Trung Quốc học từ Khoa Đông Phương học, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc ĐHQGHN nói.

Làm gì khi Bộ Chính trị đã quyết?

Truyền thông Việt Nam đưa tin Chủ tịch Quốc Hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói rằng đã có ý kiến kết luận, chủ trương của Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam về việc cần 'bàn cho được' và thông qua Dự luật về ba Đặc khu Hành chính - Kinh tế Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, trước câu hỏi nếu có chủ trương như vậy, có thể có lời khuyên hay tư vấn gì cho Việt Nam, kinh gia, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Nghĩa từ California nói:

"Qua những thông tin xác thực là Bộ Chính trị đã nghiên cứu chuyện này và đã có phê chuẩn, quyết định rồi thì tôi nghĩ nếu chúng ta tưởng tượng Việt Nam là một doanh nghiệp, thì Hội đồng Quản trị của doanh nghiệp đó là Bộ Chính trị.

"Đặc tính của Bộ Chính trị, một vị khách mời đã nhắc đến, là mười mấy người chưa bao giờ sinh hoạt trong nền kinh tế thị trường, và chưa bao giờ tiếp cận với đời sống thật, mà lấy những quyết định như vậy rồi chỉ thị cho người Chủ tịch Hội đồng điều hành hoặc là Tổng quản trị vân vân gì đó, cái đó là để thi hành những điều mà ở trên đã quyết định.

"Trong khi đó Hội đồng cổ đông, tức là tất cả những người chủ của cả doanh nghiệp đó, tức là 93 triệu dân người Việt Nam, hoàn toàn không biết gì về điều đó cả, thì tôi cho rằng đó là một hiện tượng rất là đau lòng. Nhìn thấy từ ở bên ngoài, nó là một hiện tượng đã lỗi thời, chúng ta tiếp tục đi vào con đường đi ngược như vậy, tôi cho đó là điều sai. Cái đó tôi nghĩ là phải suy nghĩ lại về chuyện đó.

"Đi vào vào chuyện cụ thể là bây giờ đã lỡ rồi, đã có một hệ thống kinh tế - chính trị lấy những quyết định như vậy, thì chúng ta có thể làm thế nào giải quyết được việc đó ra làm sao để cho nó đỡ t nhất, tức là tôi dùng từ đó trong tinh thần rất là bi quan, tôi không nghĩ đến giải pháp lạc quan, thì tôi cho rằng nên mở rộng việc thảo luận, để cho nhiều người khác tham dự thêm ý kiến.

"Thứ hai đó là nếu mà chưa được chuyện thảo luận cho thông thoáng, rõ ràng hơn, thì tại sao lại có một kỳ hạn là ngày 15 tháng Sáu này là phải biểu quyết chẳng hạn thế, thì có nên điều chỉnh hay không và ai có quy cho phép điều chỉnh.

"Thứ ba là có nên có những điều khoản phòng ngừa, tại vì không một ai trong tất cả mọi doanh nghiệp ở trên thế giới mà đi thuê đất, thuê nhà, thuê cửa v.v..., mà lại có thể có quyết định về lâu về dài như vậy được, thì tức là phải có điều khoản phòng ngừa, dự trù quy định quyền duyệt xét lại sau 5 năm, 10 năm và có một cơ chế theo dõi việc duyệt xét đó là cái lợi ban đầu được đưa ra khi mà Quốc Hội đang thảo luận bây giờ với những cái hại lâu dài và tiềm ẩn ở bên trong nó như thế nào.

"Và theo đó đòi hỏi phải có những chuyện cải tiến lại cái hợp đồng, cái giao kèo ký kết. Thứ tư, tôi nghĩ là Việt Nam có nhiều điều không theo kịp thiên hạ, thì tại sao không mời một cơ chế quốc tế vào làm tư vấn, miễn là các cơ chế tư vấn quốc tế chuyên môn đó không nằm ở trong 'sổ lương', hay nằm trong những nội dung ủng hộ những giải pháp của Trung Quốc là điều mà chúng ta đã thấy ở nhiều nơi khác..."

'Nên thay đổi cách làm'

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển, PGS. TS. Hoàng Ngọc Giao cho rằng dự luật thiếu sót nhiều điểm từ việc chưa giải trình thỏa đáng vì sao lại chọn đặc khu giao đất 99 năm ở ba địa điểm trên, vì sao cho phép thời hạn kéo dài hạng chục năm như vậy, cho đến thế nào là thực sự là nhà đầu tư chiến lược xứng đáng và thiếu những điều mà ông gọi là những cái 'chốt chặn' để bảo đảm an ninh quốc gia, chủ quyền lãnh thổ, an ninh kinh tế, xã hội, để tránh rơi vào 'bẫy nợ của nhà đầu tư nước ngoài' v.v...

Nhận xét về cung cách xây dựng luật dưới sự 'can dự' mà ông choa là n'gày càng sâu' của Đảng Cộng sản Việt Nam vào công việc của nhà nước, nhà nghiên cứu này nói:

"Quay lại câu chuyện về thể chế, tôi thấy là việc can dự và chỉ đạo các công việc cụ thể vào việc thực hiện ở các cơ quan nhà nước, cũng như chỉ đạo vào việc làm luật từ phía Đảng, theo tôi là nên thay đổi cách làm.

"Nên chăng là khi có những vấn đề gì mà Bộ Chính trị hay cấp ủy cần quyết, thì việc đó hãy để những chuyên gia nghiên cứu có những đánh giá, báo cáo, hãy để lấy ý kiến của người dân, và trên cơ sở đó, Bộ Chính trị hay cấp ủy các địa phương nghiên cứu và ra một quyết định, ra một chỉ đạo mang tính đường lối, thì có lẽ như vậy sẽ tốt hơn.

"Lúc ấy thì có thể đáp ứng được cái mà Đảng vẫn mong muốn là 'Ý Đảng, lòng dân', chứ còn trong trường hợp như vừa rồi, từ cách đây vài năm đã có chỉ đạo của Bộ Chính trị để làm luật về Đặc khu kinh tế, đến bây giờ luật ra đời, thì người dân phản đối.

"Như vậy trong trường hợp hiện nay theo tôi quan sát, thì rõ ràng ý Đảng khác với lòng dân rất xa. Dân không đồng tình với dự án này và Thủ tướng cũng đã nói rằng một làn sóng phản ứng quyết liệt.

"Vậy thì nếu thông qua luật này, phải chăng là ý Đảng đã trái ngược với lòng dân? Đấy chính là vấn đề mà nhân dân đang bức xúc," ông Hoàng Ngọc Giao nói.

Ngay trước đó, cũng tại Bàn tròn này, ý kiến của nhà nghiên cứu Trung Quốc học, Tiến sỹ Nghiêm Thúy Hằng từ ĐHQG Hà Nội, khi so sánh Trung Quốc với Việt Nam trong việc làm đặc khu kinh tế, cho rằng vào thời điểm làm đặc khu ở Trung Quốc, ông Đặng Tiểu Bình và ban lãnh đạo Trung Quốc được lòng của đại đa số hay toàn bộ nhân dân Trung Quốc, nhưng điều trái ngược thì lại đang xảy ra với Đảng và nhà nước Việt Nam hiện nay với dự luật và dự án ba đặc khu.

Mời quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi toàn văn Bàn tròn của BBC Tiếng Việt bình luận về các Dự luật về Ba Đặc khu và dự luật về An ninh mạng của Việt Nam.



Nhận xét

Bài đăng phổ biến