“SA TRƯỜNG” KHÔNG PHẢI LÀ “CHỐN SA TRƯỜNG”!

“SA TRƯỜNG” KHÔNG PHẢI LÀ
“CHỐN SA TRƯỜNG”!

Vương Hàn, nhà thơ đời Đường có bài thơ “Lương Châu từ” nổi tiếng, nguyên văn: 

Bồ đào mỹ tửu dạ quang bôi 
Dục ẩm tì bà mã thượng thôi 
Túy ngọa sa trường quân mạc tiếu 
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.

Chữ “sa trường” trong bài thơ, nhiều người lầm tưởng là “chốn sa trường” hoặc “bãi chiến trường”. Gần đây có người dịch câu 3 bài thơ trên như sau: “Say sưa nằm lăn ở chốn sa trường, anh đừng cười nhé!” (Văn Nghệ TPHCM số 16, 21-6-2007).

Thật ra, “sa trường” ở đây có nghĩa là bãi cát, hoặc bãi đất trống (ở hậu phương), nơi người ta hội ngộ, tiễn đưa. Người chiến sĩ (vị tướng) trước khi xông pha ra tiền tuyến, được bạn bè, người thân đến đưa tiễn. Chứ nếu ở chốn sa trường mà say rượu nằm lăn ra đó, quân địch chắc chắn đến lấy mất đầu, lúc ấy bạn bè chỉ có nước khóc, cười sao nổi!

Bài thơ trên được ông Tôn Thất Lương dịch thành 4 câu thơ lục bát như sau:


Rượu bồ đào, chén dạ quang 
Ngập ngừng muốn uống, tiếng đàn giục đi 
Say nằm bãi cát li bì 
Xưa nay chinh chiến, người đi ai về 

(Chinh phụ ngâm khúc (dẫn giải và chú thích), NXB Tân Việt – Sài Gòn, in trước năm 1975, không ghi rõ năm).

Phan Trọng Hiền


Nhận xét

Bài đăng phổ biến