LUẬT AN NINH MẠNG: AI DÁM CHẮC THAM NHŨNG QUYỀN LỰC KHÔNG PHÁT SINH?


LUẬT AN NINH MẠNG:
AI DÁM CHẮC THAM NHŨNG QUYỀN LỰC
KHÔNG PHÁT SINH?

“Biết đâu sẽ tạo điều kiện cho sự lạm quyền về xâm phạm tự do cá nhân, là môi trường tạo ra các giấy phép con lại có điều kiện sinh sôi nhũng nhiễu? Ai dám chắc tham nhũng quyền lực sẽ không phát sinh trong một điều kiện hợp pháp của Luật an ninh mạng?”, ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền lo ngại.

Dân có thể thành tội phạm nếu không am hiểu luật

Trao đổi với phóng viên báo điện tử Một Thế Giới về Dự thảo luật An ninh mạng, ĐBQH Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cho rằng, nếu dự luật còn nhận được nhiều ý kiến khác nhau thì Quốc hội nên hết sức thận trọng và cân nhắc.

Theo bà Hiền, so với bản dự thảo luật đã trình tại kỳ họp thứ 4, dự thảo lần này đã có những tiếp thu, chỉnh lý nghiêm túc nhằm đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất với hệ thống pháp luật Việt Nam, phù hợp với pháp luật quốc tế và các cam kết thỏa thuận mà Việt Nam là quốc gia thành viên.

Tuy nhiên, bà Hiền cho rằng, một số điều trong dự thảo luật vẫn chưa nhận được sự đồng tình cao, hay nói cách khác là còn nhiều tranh cãi trong dư luận xã hội, thì ban soạn thảo nên tiếp tục lắng nghe và có những giải đáp thỏa đáng.

Lý do, theo bà Hiền, đây là dự án luật có phần hạn chế quyền con người trên không gian mạng, sự an toàn về thông tin cá nhân, quyền riêng tư cá nhân của người dùng internet có thể bị xâm phạm khi có những điều khoản trao quyền cho cơ quan chức năng tiếp cận tài khoản của người dùng mạng.

“Những điều khoản có tính chất can thiệp đến sự riêng tư, bí mật của con người nếu không được minh định rõ ràng, cụ thể mà chỉ nêu chung chung không chỉ gây bất an mà còn mang đến những rủi ro khó lường cho người sử dụng internet”, bà Hiền nói.
Cũng theo đại biểu này, trong bối cảnh kinh tế xã hội ở nước ta hiện nay, với một chiếc điện thoại thông minh rẻ tiền thì cũng có thể trở thành một kênh truyền thông cá nhân thì nguy cơ trở thành tội phạm sẽ đến với bất kỳ ai nếu họ không hiểu rõ về luật, mà những hiểu biết pháp luật về công nghệ cao thì đâu phải ai, người dân nào cũng được tiếp cận và có kiến thức cơ bản, hiểu biết nhất định.

Lạm quyền, tiếp tay cho tội phạm?

Vẫn theo đại biểu Hiền, giả sử rằng, khi luật được bấm nút thông qua, những điều khoản quy định như “cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản” (mục a, khoản 2, điều 26) hay những điều khoản quy định trao quyền can thiệp của cơ quan chức năng đối với những hoạt động kinh doanh trên mạng internet thì có thật sự áp dụng được vào cuộc sống hay không?

“Biết đâu sẽ tạo điều kiện cho sự lạm quyền về xâm phạm tự do cá nhân, là môi trường tạo ra các giấy phép con lại có điều kiện sinh sôi nhũng nhiễu, các loại thanh kiểm tra xuất hiện gây phiền toái doanh nghiệp. Ai dám chắc rằng tham nhũng quyền lực sẽ không phát sinh trong một điều kiện hợp pháp của Luật an ninh mạng, biết đâu đây sẽ là môi trường dễ gây ra những biến dạng về hình thái quyền lực mới”, bà Hiền lo ngại.

Tiếp tục, đại biểu của Phú Yên cho biết: “Tôi nói điều này là dựa trên cơ sở chúng ta đã từng rất sốc khi mới đây đã chứng kiến hàng loạt vụ khởi tố và bắt tạm giam những “tội phạm công nghệ cao” trong đường dây đánh bạc lớn nhất Việt Nam. Điều đáng nói là người được trao quyền phòng chống tội phạm công nghệ cao lại là người bao che, tiếp tay cho tội ác này. Đó là vụ án có thật, tội phạm lạm dụng chức vụ quyền hạn trong lĩnh vực này là có thật, bài học kinh nghiệm đã từng xảy ra rất gần trước mắt”.

Theo bà Hiền, quan chức cấp cao trong cơ quan có chức năng bảo vệ pháp luật lại bao che tiếp tay cho tội phạm vi phạm pháp luật, lại là ở lĩnh vực công nghệ cao thì có dễ phát hiện ra không? Quốc hội giám sát tối cao có thể phát hiện ra không? Tôi thật sự thấy lo lắng về điều này.

Đại biểu này cho rằng, sự phát triển mạnh mẽ của kết nối internet và phân tích dữ liệu có thể dẫn chiếu đến thông tin nhạy cảm và việc sử dụng những thông tin này có thể vi phạm những nguyên tắc cơ bản, quyền riêng tư sẽ bị đe dọa và an ninh chính trị, an toàn trật tự xã hội trên không gian mạng khó kiểm soát nếu không có luật pháp điều chỉnh.

Tuy nhiên, việc xây dựng luật cũng cần phải xem xét và cân nhắc thật kỹ với quy trình quản lý năng động và thích ứng, phù hợp đối với môi trường không gian mạng.
“Một dự luật tốt và khả thi, trước hết phải mang lại lợi ích cho người dân, nếu người dân cảm thấy chưa hài lòng thì cần phải lắng nghe nhiều hơn chứ không nên quá vội”, bà Hiền cho hay.

Lưu trữ dữ liệu người dùng tại Việt Nam: Không khả thi

Dự thảo mới nhất của Luật An ninh mạng đã bỏ quy định phải đặt máy chủ ở Việt Nam, tuy nhiên vẫn yêu cầu đặt cơ quan đại diện và lưu trữ dữ liệu người dùng Việt Nam trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, chuyên gia Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) cho rằng đây chỉ là việc thay đổi cách viết.

“Dù không trực tiếp yêu cầu đặt máy chủ, dữ liệu tại Việt Nam, nhưng yêu cầu “lưu trữ tại Việt Nam đối với thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam” có hàm ý pháp lý rằng dữ liệu và máy chủ phải đặt tại Việt Nam”, ông Đồng nói.

Theo chuyên gia này, trên thực tế, chi phí doanh nghiệp để bỏ ra để làm được vậy là rất cao. Và không phải doanh nghiệp nào cũng làm thế. Hãy đặt vấn đề ngược lại, doanh nghiệp không tuân thủ thì sao? Rủi ro vi phạm luật lúc đó bị đẩy sang doanh nghiệp, tổ chức Việt Nam.

Ví dụ: Hiện nay, hầu như ai cũng lưu trữ dữ liệu trên đám mây, ví dụ như icloud của iphone hay google drive của Google; các dịch vụ máy chủ ảo và lưu dữ liệu của amazon, hoặc đơn giản là các dịch vụ như email của gmail, yahoo… Thông tin cá nhân của người dùng - chắc chắn đi kèm với những dịch vụ đó.

Khi đó, nếu các doanh nghiệp này không chịu đặt văn phòng và lưu trữ dữ liệu tại Việt Nam thì có doanh nghiệp Việt Nam sử dụng dịch vụ này là phạm luật? Còn nếu không dùng, doanh nghiệp sử dụng gì để thay thế? Như vậy có phải luật này đẩy doanh nghiệp của Việt Nam vào rủi ro phạm luật.

Phát biểu tại Quốc hội, ĐB Cao Đình Thưởng cho rằng, khi đã đưa ra quy định này mà phía các doanh nghiệp nước ngoài Google hoặc Facebook họ không thực hiện thì giải pháp của Việt Nam ở đây là gì, liệu có cho ngừng cung cấp dịch vụ trên lãnh thổ Việt Nam hay không? Vì vậy, cần phải có quy định phù hợp với thực tiễn Việt Nam và mối quan hệ hiện nay cũng như những cam kết của Việt Nam với nước ngoài và pháp luật quốc tế.

Không ít băn khoăn!

Đại biểu Phạm Thị Thanh Thủy - Thanh Hóa:
Với công nghệ phát triển hiện nay máy chủ không phải là máy cụ thể mà theo thuật toán đám mây, máy chủ là máy ảo cho phép người sử dụng truy cập các dịch vụ công nghệ từ nhà cung cấp nào đó và xu hướng này là xu hướng của thế giới trong đó có nước ta”, bà Thủy nói.

Theo đại biểu này, nếu các doanh nghiệp nước ngoài không tuân thủ quy định này thì có thể sẽ không được phép cung cấp dịch vụ tại Việt Nam, ảnh hưởng rất lớn đối với việc truy cập thông tin và sử dụng dịch vụ của người dân, nhất là trong bối cảnh nước ta chưa có được bất kỳ thương hiệu nào đáp ứng nhu cầu truy cập thông tin và sử dụng dịch vụ của người dân.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn - Đà Nẵng:
Điểm c khoản 2 Điều 26 là yêu cầu doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet, dịch vụ viễn thông ngừng cung cấp dịch vụ cho khách hàng với lý do người dùng đăng tải trên không gian mạng các nội dung tuyên truyền, chống phá nhà nước, kích động, gây bạo loạn, phá rối an ninh... nhưng cần phải quy định rõ là cơ quan nào, người nào có thẩm quyền và những trường hợp cụ thể nào thì được ngừng, tránh tình trạng trong quá trình áp dụng luật sẽ bị áp dụng một cách tùy tiện, dẫn đến thiệt hại cho doanh nghiệp, cho cá nhân.

Chuyên gia Nguyễn Quang Đồng - Viện IPS:
Chúng ta nói nhiều đến cách mạng công nghiệp 4.0, mà động lực của 4.0 là ở doanh nghiệp chứ không phải Nhà nước. Với những quy định thế này thì không doanh nghiệp nào không sai. Vậy thì họ sẽ nghĩ tại sao phải khởi nghiệp ở đây mà không phải là Singapore chẳng hạn. Nhiều doanh nghiệp sẽ sang đó để khởi nghiệp với những chính sách pháp lý thông thoáng hơn, chúng ta sẽ mất mát rất nhiều.

Trí Lâm




Nhận xét

Bài đăng phổ biến