ĐÊ CHO CÁC BẢN DỊCH BỚT SẠN

ĐÊ CHO CÁC BẢN DỊCH
BỚT SẠN

Dịch thuật [DT] chưa bao giờ rộ nở như mấy năm gần đây. Bối cảnh đó vừa giúp cho nhiều tài năng DT trẻ nảy nở, nhưng  cũng lại là mảnh đất màu mỡ cho mọi hạt “sạn” với đủ các kích cỡ  (như báo chí đã chỉ ra) xuất hiện.

Bài này sẽ không làm tiếp công việc nhặt sạn nữa (vì báo chí đã nói đủ rồi), mà chỉ thử đưa ra vài tiêu chuẩn cụ thể đòi hỏi các bản dịch (tác phẩm văn chương từ tiếng nước ngoài ra tiếng Việt) phải đáp ứng.

DT, như mọi người đều biết, là chuyển mọi thông tin chứa trong nguyên tác [NT] sang bản dịch [BD] bằng bản ngữ sao cho các thông tin ấy ít bị hao hụt nhất. Định nghĩa này tuy khá sách vở, nhưng lại giúp chúng ta dễ dàng suy ra rằng: một BD tốt phải là BD trung thành đến mức tối đa với NT không chỉ về nội dung được diễn đạt mà cả về cách diễn đạt cái nội dung ấy, cùng giọng điệu, thái độ và cả ý định (lắm khi rất kín đáo) của tác giả nữa, như nhà ngữ học kiêm DG tài hoa Cao Xuân Hạo từng chỉ rõ (xin xem: “Khi biên tập viên là một người thầy” trong tuyển tập “Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt”, NXB Trẻ, năm 2001, tr. 271).

Muốn đòi hỏi đó được đáp ứng, mọi DG đều phải hiểu thấu đáo NT. Để thoả điều kiện đó, đương nhiên họ phải có một trình độ ngoại ngữ đạt tới mức mức bậc thầy, tức phải ngang bằng/xấp xỉ ngang bằng với tác giả, ít ra là trong địa hạt tri thức mà NT đang bàn đến. Ngoài đòi hỏi đó ra, DG còn phải nhuần nhuyễn bản ngữ bởi lẽ nếu không thế anh ta sẽ khó lòng diễn đạt trọn vẹn mọi thông tin trong NT sang tiếng nước mình (như là tiếng Việt chẳng hạn, nếu là dịch sang tiếng Việt), bao gồm cả giọng điệu, thái độ lẫn ý định (lắm khi hết sức kín đáo) của tác giả nguyên bản, như trên vừa nói. 

Mấy đòi hỏi trên rõ ràng là cụ thể hơn, nên tất nhiên cũng dễ hình dung hơn so với chủ trương coi dịch như là “sự tiếp biến và là cuộc thương lượng giữa hai nền văn hóa” (như DG Phạm Xuân Nguyên đề ra (có lẽ là) dựa trên chủ trương của giáo sư kiêm tiểu thuyết gia Ý Umberto Eco) cũng như quan niệm coi dịch là công việc “phục tùng một cách sáng tạo” và “phục tùng đến đâu, sáng tạo đến đâu, đó chính là cái “độ” của mỗi DG” (như DG Lê Hồng Sâm chủ trương).

Căn cứ vào cách hình dung vừa nhắc, chúng ta có thể dễ dàng nhận biết rõ hơn do đâu mà các BD “Vô tri” của Kundera, “Bản đồ và vùng đất” của Houellebecq, “Mật mã Da Vinci” của Brown, “Những thứ họ mang” của O’Brien hay “Văn phạm Phần Lan bằng tiếng Việt” của Giáo sư ngữ học Karlsson lại bị dư luận chê trách nặng lời đến thế. Nói cách khác, BD các tác phẩm vừa nhắc sở dĩ bị dư luận phê phán gay gắt chính vì trình độ ngoại ngữ cùng trình độ tiếng mẹ đẻ của các DG vừa kể chắc hẳn phải còn lâu nữa mới đáp ứng được mấy đòi hỏi vừa bàn.  

Thêm vào đó, cách hình dung vừa nhắc còn giúp chúng ta hiểu rõ thêm nhờ đâu mà BD của các DG tiền bối (như Cao Xuân Hạo chẳng hạn) ít/hầu như hoàn toàn không mắc lỗi, tuy họ cũng bị cả thời gian lẫn hợp đồng DT với các nhà xuất bản thúc bách chẳng kém gì các DG hiện thời.

Nhân đây cũng xin bàn qua đôi lời về vai trò của người biên tập [NBT]. Như tất cả chúng ta đều biết, mọi BD sở dĩ đến được với công chúng độc giả dưới cái dáng dấp chững chạc và sáng sủa như ta thường thấy chính là (hay chủ yếu là) nhờ bàn tay NBT. Cho nên, BD của các DG tiền bối sở dĩ ít/hầu như không mắc lỗi chính là (hay chủ yếu là) nhờ bàn tay của các BT viên tầm cỡ như Hướng Minh của NXB Văn học trước đây. Ví thử thiếu vắng ông, chắc hẳn các DG tiền bối cũng khó mà thoát được cái vòng kim cô TÍN–ĐẠT–NHÃ “đáng sợ” của Hồ Thích, vì như Hướng Minh chủ trương, “trong ba chữ ấy chỉ nên giữ một chữ TÍN là đủ, bởi thêm ĐẠT nữa là thừa, còn chữ NHÃ là sai”. Sở dĩ Hồ Thích thấy cần thêm chữ ĐẠT sau chữ TÍN chung quy chỉ vì ông hiểu TÍN là “sát từng chữ”, thế nhưng bất kỳ một anh sinh viên các năm cuối khoa ngoại ngữ nào cũng thừa biết dịch sát từng chữ thường là cách chắc chắn nhất để dịch sai hoàn toàn, bởi lẽ đối tượng làm việc nhỏ nhất của người phiên dịch là câu, chứ không phải là từ. Còn tại sao lại phải NHÃ một khi văn phong của NT chẳng hề NHÃ một cách cố ý? Từng tác giả, từng tác phẩm có thể có vô số văn phong, vậy thì tại sao lại bắt DG chỉ được phép viết bằng mỗi một thứ văn phong độc nhất là NHÃ?

Xem vậy đủ thấy tình trạng đầy sạn trong các BD có cả khiếm khuyết của NBT, chứ chẳng riêng gì của các DG! Và có lẽ cần xem xét các thứ sạn DT như thế hoạ may mới công bằng. 


NGUYỄN ĐỨC DƯƠNG

Nhận xét

Bài đăng phổ biến