NỔ, QUĂNG BOM, CHẶT, CHÉM, CẮT CỔ … NÓI CHƠI MÀ… “BẠO LỰC” QUÁ!

NỔ, QUĂNG BOM, CHẶT, CHÉM, CẮT CỔ …
NÓI CHƠI MÀ… “BẠO LỰC” QUÁ!

Mới đây, đi du lịch ở thành phố nọ nằm dọc biển thơ mộng, lúc bước vào quán hải sản thấy rành rành tấm bảng thông báo: “Quý khách yên tâm, quán nhà cam đoan không chặt chém”.

Phải nói thật rằng, cách sử dụng tiếng Việt hiện nay nghe ra "bạo lực" lắm lắm.

Từ nghĩa phổ thông là dùng gươm, dao, đao, mác chém cho lìa, cho đứt, nay "lái" qua nghĩa không bán giá quá cao. 

Còn với thực khách, nếu lúc cầm hóa đơn tính tiền, thấy tính giá "trên trời" có thể đỏ mặt tía tai với người "chặt chém": "Bộ muốn cắt cổ người ta à?". Nghe rợn tóc gáy.
Có lúc, bạn bè rôm rả cùng nhau, nói chuyện phiếm "tào lao bí đao", "nói chuyện Sơn Tây chết cây Hà Nội", chỉ "tám" cho vui.

Nhưng rồi, nếu ai đó nói vống lên, "nổ" quá sức "hoành tráng" thì lại bị phê "chém gió". Dù ngụ ý cười cợt, không nặng nề chỉ trích nhưng từ "chém/chặt chém" bạo lực vẫn xuất hiện chình ình đó.

Lại có ngữ cảnh thoạt nghe cũng đã thấy oải trời đậu, chẳng hạn, cô X tham gia thi một sô truyền hình, MC hỏi: "Bạn có quen với giám khảo Y không?". Cô X gật đầu cái rụp. 

Lập tức giám khảo Y nói ngay: "Ừ, quen thì quen nhưng thí sinh nào thì tôi cũng chém ngang nhau". Có thể hiểu "chém" ở đây là vẫn truy, vẫn hỏi tới cùng nhằm dồn thí sinh vào thế bí để bộc lộ hết khả năng. Nghe ra bạo liệt lắm.

Lại nữa, một khi ai đó, vì lý do gì đó bị bàn dân thiên hạ ùa vào chỉ trích, phê phán thì nay xuất hiện cụm từ cũng đằng đằng sát khí không kém: "ném đá". 

Ném, có nhiều cách ném nhưng đáng ghét, đáng khinh, xấu tính nhất xưa nay vẫn là "Ném đá giấu tay" - làm một/những việc mờ ám một cách lén lút, không ra mặt, bề ngoài vẫn tỏ ra vô can, cứ như thể không nghe, không thấy, không biết. 

Nhưng xin đừng quên ông bà ta dặn dò, cái sự ném cho đã nư ấy cũng nên chừng mực, không nhất thiết phải "tận cùng bằng số", cho bằng chết mới thôi: "Yêu nhau thì ném bã trầu/Đừng ném đất đá vỡ đầu nhau ra".

Một khi đã chặt chém, cắt cổ, quăng bom, ném lựu đạn, ném đá…, e rằng có lúc đổ máu chăng? 

Với từ máu/máu me một khi nghe đến đã thoáng nổi da gà, bởi phần lớn chẳng báo hiệu điềm lành gì cả, này: Dây máu ăn phần, Máu chảy ruột mềm, Máu chảy ruồi bâu, Máu ai thâm thịt nấy… 

Ngày trước ở miền Nam có câu thành ngữ phản ánh được kỷ cương của một thời: "Chảy máu sáu quan, chảy mủ sáu chục", Đại Nam quấc âm tự vị giải thích: "Tiếng nói theo thói cũ: Hễ đánh ai chảy máu thì phải chịu phạt sáu quan, bằng đánh nặng hơn, làm ra thương tích nặng thì phải vạ một chục quan chẵn".

Máu, như ta đã hiểu rành rành ra đó, kỳ cục thay, nay lại nhảy qua một hướng khác rất ư trật cù chìa. 

Hãy nghe đứa "trẻ trâu" ưỡn ngực hùng hùng hổ hổ như thể "xem trời bằng vung": "Cháu đã máu thì đừng hỏi bố cháu là ai". 

Kiêu ngạo chửa? Thì, "máu" ở đây lại chỉ một sự quyết tâm cao độ, quyết "ăn thua đủ", hành động tới bến...

Qua một vài dẫn chứng trên, ta có thể thấy rằng dù nói về những sự việc bình thường trong sinh hoạt, nhưng cách sử dụng từ ngữ hiện nay lại nhuốm sắc màu bạo lực, u ám, dữ tợn. 

Nếu lời ăn tiếng nói phản ánh tâm lý, tính cách của người sử dụng thì sự thể hiện trên có đáng lo hay không?
_____________________

Gần đây, từ "nổ" được dùng khá phổ biến trong lời ăn tiếng nói.

Tại sao sử dụng từ "nổ"? Có lẽ xuất phát từ câu cửa miệng đã có từ xa xưa: "Nói như pháo nổ", Đại Nam quấc âm tự vị (1895) giải thích: "Nói lớn lối, nói phách, nói gõ mõ".
Trong xu thế lúc giao tiếp, từ "Nói như pháo nổ/Nổ như bắp rang" được lược gọn lại, dần dà chỉ còn lại mỗi từ "nổ".

Nay, tùy theo mức độ mà "nổ" được "nâng cấp" với nhiều sắc thái như nổ banh chành, nổ trời gầm, nổ như bom, nổ như tạc đạn, nổ banh ta-lon...
Những từ ấy "hầm hố" quá đi thôi, nghe rổn rảng âm thanh tiếng động.
Gần đây, vừa thấy một từ khác cũng hàm ý đó lại không bộc lộ/lộ rõ ý chê bai như nổ. Vậy, đó là từ gì?

Sau khi nghe chàng trai đổi giọng "nổ" tơi bời hoa lá cành, cô gái lại tủm tỉm: "Có phải anh vừa "quăng bom" đó không?", hay "Ủa, anh ném lựu đạn à?".


LÊ MINH QUỐC

Nhận xét

Bài đăng phổ biến