TRANH LUẬN VỀ TỪ “THẤU CẢM” TRONG ĐỀ THI NGỮ VĂN

TRANH LUẬN VỀ TỪ “THẤU CẢM”
TRONG ĐỀ THI NGỮ VĂN

Sau ngày thi đầu tiên, nhiều ý kiến tranh luận trên mạng xã hội về câu hỏi trong phần Đọc hiểu của đề thi THPT quốc gia môn Ngữ văn.

Từ “thấu cảm” trong câu Đọc hiểu, trích từ văn bản Thiện, Ác và Smartphone của tác giả Đặng Hoàng Giang (NXB Hội nhà văn, 2017, tr.275).

Tại sao lại bắt học sinh lý giải từ ngữ... lạ?

Thầy Lê Văn, giáo viên Ngữ văn tại Hà Nội, cho rằng hơn 20 năm công tác trong nghề, ông chưa từng nghe thấy từ “thấu cảm” như trong đề thi đã đưa.

Trong câu đọc hiểu, tác giả đưa ra 3 định nghĩa. Thứ nhất, thấu cảm là khả năng nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ.

Thứ hai, thấu cảm là sự hiểu biết thấu đáo, trọn vẹn một ai đó, khiến ta hiểu được những suy nghĩ của họ, cảm được những cảm xúc của họ và tất cả xảy ra mà không có sự phán xét.

Thứ ba, thấu cảm khiến ta hồi hộp khi quan sát một người đang đi trên dây ở trên cao, làm chúng ta cùng vui buồn với một nhân vật trong truyện.

Câu hỏi của đề thi Ngữ văn gây tranh cãi.
"Việc giải thích này khiến người nghe càng đọc càng... khó hiểu. Nếu thấu cảm như tác giả hiểu tường tận đến cùng và trọn vẹn suy nghĩ, cảm xúc của người khác thì hoàn toàn sai lầm vì đó là điều không thể. Vậy thấu cảm chỉ có thể là... nhà ngoại cảm mà thôi", thầy Lê Văn lý giải. 

TS Trịnh Thu Tuyết - giáo viên dạy Ngữ văn tại trường THPT Chu Văn An, Hà Nội, nêu quan điểm: "Thấu cảm" chỉ là cách ghép từ khá chủ quan thường gặp trong ngôn ngữ giao tiếp. Vì là cách cắt - ghép chủ quan nên cách hiểu nhiều khi phải mặc định, cũng khá chủ quan. Chỉ trở về khởi thuỷ, tạm hiểu theo cách chiết tự với hai yếu tố là hiểu và cảm.

Đoạn văn của tác giả Đặng Hoàng Giang khiến người đọc khó "thấu cảm" được bởi không thể "nhìn thế giới bằng con mắt của người khác, đặt mình vào cuộc đời của họ" được. Mỗi con người hãy cứ là chính mình với những quan sát, thấu hiểu, cảm thông.

Thứ hai, càng không thể "hiểu thấu đáo, trọn vẹn một ai đó", thậm chí đó là điều không tưởng với chính mình.

Thêm nữa, theo TS Trịnh Thu Tuyết, đây là đoạn văn thiếu logic, không chặt chẽ và chủ quan. 

Trên Facebook, một nhà thơ có tiếng cũng cho rằng thấu cảm là từ không có trong mọi cuốn từ điển tiếng Việt, càng không phải là từ Hán Việt. Vậy tại sao lại bắt học sinh giải nghĩa từ này?

'Thấu cảm' ít được dùng nhưng có trong từ điển

Trao đổi với Zing.vn, PGS.TS Phạm Văn Tình - Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam - cho biết Thiện, Ác và Smartphone của tác giả Đặng Hoàng Giang (NXB Hội nhà văn, 2017, tr.275) là văn bản chấp nhận được.

Theo TS Tình, một số ý kiến cho rằng văn bản đưa một số từ Hán Việt là "thấu cảm", "trắc ẩn" ảnh hưởng sự trong sáng của tiếng Việt, khó hiểu, lạ lẫm.

Từ Hán Việt (chiếm một tỷ lệ lớn trong từ vựng tiếng Việt) là một bộ phận của tiếng Việt. Mặc dù có xuất xứ từ nguyên là tiếng Hán, các từ này đã được Việt hóa cả về cách đọc và cách dùng (về ngữ nghĩa, theo cách của người Việt). Giới Việt ngữ học cho từ Hán Việt đã là tài sản của tiếng Việt.

TS Tình giải thích: Trắc là sự thâm sâu có thể đo được, thấy được; ẩn là kín đáo, có nghĩa "thương xót một cách kín đáo trong lòng".

Thấu là xuyên qua; cảm là cảm nhận, cảm thụ, cảm thấy, có nghĩa "thấu hiểu và cảm thông một cách sâu sắc". Đây là hai từ thể hiện chủ đề và góp phần làm nên thần thái đoạn trích này.

Hơn nữa, các từ thấu cảm, trắc ẩn đã có trong Từ điển tiếng Việt (Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng 2015, 2017).  

Riêng từ thấu cảm (thấu hiểu và cảm thông sâu sắc) có thể còn hơi lạ. Nhưng đó là cái mới cần lưu ý, học sinh hoàn toàn có thể suy luận và hiểu (vì các em đều hiểu 2 từ thấu hiểu và cảm thông để từ đó suy luận ra từ ghép thấu cảm). Nếu học sinh nào có cảm quan ngôn ngữ tốt, đây chính là cơ hội để các em "ghi điểm" bằng sự thể hiện riêng mình (sẽ giúp cho việc phân loại).

Theo TS Phạm Văn Tình, việc sử dụng những từ mượn này vào văn bản không ảnh hưởng nhiều tới thông điệp trong đoạn văn. Cái quan trọng là cách viết câu, cách diễn giải trong văn bản rõ ràng, mạch lạc và có lý lẽ. Văn bản được chọn cho đề thi trên cơ bản đáp ứng được điều đó.

Về đề thi THPT quốc gia, TS Phạm Văn Tình góp ý: Nội dung của câu 4 của bài Đọc hiểu: "Anh/chị có đồng tình với ý kiến 'Lòng trắc ẩn có nguồn gốc từ sự thấu cảm' không? Vì sao?" khá trùng với nội dung của câu 1, phần Làm văn: "Từ nội dung đoạn trích phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ về ý nghĩa của sự thấu cảm trong cuộc sống.

Đề thi nên hỏi ý khác thì hay hơn.

Theo Zing

Nhận xét

Bài đăng phổ biến