27. ĐINH BẤT TỨ

27.
ĐINH BẤT TỨ
Du hồn vô chủ

Đã nói đến Đinh Bất Tứ, không thể không nhắc tới Đinh Bất Tam. Anh em nhà này tuy anh không ra anh, em chẳng ra em, mỗi người tự cho mình là đúng, giễu cợt nhau, coi nhau như kẻ thù; nhưng thực ra người em Đinh Bất Tứ thường thường bắt chước người anh Đinh Bất Tam. Ví dụ rõ nhất, người anh Đinh Bất Tam tự đề cho mình một giới luật là "một ngày không giết quá ba người", thì Đinh Bất Tứ cũng lập tức nói là mình sẽ "một ngày không giết quá bốn người".

Rõ ràng bắt chước người anh, nhưng luôn luôn muốn tỏ ra hơn anh, tức là anh giết ba người, thì em phải giết bốn người, nên mới gọi là Đinh Bất Tứ. Tác giả phân biệt tên hai anh em là Bất Tứ, Bất Tam, rõ ràng có ý trào phúng, cũng thể hiện phương pháp cơ bản và cách đánh giá cơ bản đối với hai nhân vật này. Nói chung hai nhân vật này chỉ làm trò cười cho giới giang hồ, nhưng vì võ công tổ truyền của họ hết sức gớm ghiếc, họ thường tự cho là mình phi phàm, kiệt xuất trong võ lâm, khiến người ta khóc dở mếu dở. Cái trò ỷ mạnh hiếp yếu, giết người như ngóe, là mối họa trong võ lâm của họ không thể không làm cho người ta tức giận. Đương nhiên, câu chuyện tức cười và đáng giận của họ còn có nhiều điều khiến người ta phải suy nghĩ.

I

Tôi sở dĩ bàn về Đinh Bất Tứ mà không bàn về Đinh Bất Tam, trước hết vì Đinh Bất Tứ xuất hiện nhiều lần hơn Đinh Bất Tam, chuyện về y hiển nhiên phong phú hơn. Quan trọng hơn, là tính cách của Đinh Bất Tứ so với Đinh Bất Tam có điều nổi bật hơn, đáng nói hơn. Ví dụ tiêu biểu: Đinh Bất Tam phát hiện Thạch Phá Thiên là một gã khờ có nội công thâm hậu, liền bảo Thạch phá Thiên không xứng đáng làm cháu rể của lão ta, để Thạch Phá Thiên sống chỉ tổ làm mất mặt lão ta, nên nhất định phải giết chàng đi. Còn Đinh Bất Tứ gặp Thạch Phá Thiên thì nói: "Ngươi cho rằng ta sẽ giết ngươi, song ta không giết ngươi đâu”. Đinh Bất Tứ không giết Thạch Phá Thiên chẳng phải vì y có lòng hiệp nghĩa hay vì qui tắc võ lâm nào cả, mà chỉ vì y cố tỏ ra khác với Đinh Bất Tam, người mà Đinh Bất Tam nhất định muốn giết, thì Đinh Bất Tứ sẽ không giết; hai là cố thể hiện tâm ý của y khiến cho thiên hạ không thể đoán biết.

Mà thiên hạ không thể đoán biết, là vì ngươi nghĩ thế này, Đinh Bất Tứ ta nghĩ thế khác, nghĩa là Đinh Bất Tứ có giết người hay không, còn tùy vào hoàn cảnh, tùy vào tâm trạng của Đinh Bất Tứ mà định. Điều lý thú là Đinh Bất Tứ có duyên với độc giả thiếu nhi. Con gái rượu của tôi nói cháu thích nhất Lão Ngoan đồng, người thứ hai được cháu thích là Đinh Bất Tứ, sở dĩ thế, tôi đoán chắc là vì Đinh Bất Tứ biết chơi đùa, hay đùa giỡn, chứ không nghiêm trang như những người lớn khác. Đinh Bất Tứ vừa xuất hiện lần đầu trong sách đã khiến người ta thích thú.

Võ công của Đinh Bất Tứ rõ ràng cao hơn Sử Tiểu Thúy, Sử Tiểu Thúy lại đang bị tẩu hỏa nhập ma, vậy mà Đinh Bất Tứ hoàn toàn không gây khó dễ, lại bỏ sở trường của y, chỉ dùng sở đoản, đấu võ miệng với Sử Tiểu Thúy, về phương diện này, Đinh Bất Tứ làm sao địch nổi Sử Tiểu Thúy kia chứ ? Do đó y nhanh chóng thua trận. Sau đó Đinh Bất Tứ tỷ võ với Thạch Phá Thiên, càng tức cười hơn: Sử Tiểu Thúy không chỉ buộc Đinh Bất Tứ phải dạy trước đánh sau, mà còn để cho Thạch Phá Thiên "dùng gậy ông đập lưng ông', khiến Đinh Bất Tứ tay chân luống cuống. Nếu không nhanh trí đối phó, thì Đinh Bất Tứ đã phải ôm đầu bỏ chạy rồi.

Mặc dù vậy, vô Số biểu hiện của Đinh Bất Tứ cứ làm cho người ta cười đau cả bụng, chỉ là vì Đinh Bất Tứ tự cho mình là anh hùng cái thế, không muốn mất phong độ trước mặt Sử Tiểu Thúy, chứ gặp người khác, đời nào y chịu bị lừa như thế? Vì muốn giữ thể diện và phong độ anh hùng cái thế, Đinh Bất Tứ từng chịu không ít khốn khổ. Nào đấu võ với Thạch Phá Thiên chút nữa không có chỗ mà độn thổ, nào tỷ võ với cao thủ số một, nhưng rất trẻ tuổi, của phái Tuyết Sơn là Bạch Vạn Kiếm, con trai của Bạch Tự Tại, Đinh Bất Tứ cậy mình là trưởng bối, khăng khăng không chịu sử dụng binh khí, kết quả là y hết sức bị động, liên tiếp bị nhiều vết thương. Kỳ thực nếu Đinh Bất Tứ sử dụng binh khí quen thuộc của y là cây roi Cửu tiết tiên, thì y đã nhanh chóng đánh bại Bạch Vạn Kiếm. Chỉ vì y một hiếu thắng, hai muốn giữ thể diện, ba ham đấu, bốn ham giỡn, nên mới làm trò cười cho thiên hạ.

2.

Chuyện cuộc đời Đinh Bất Tứ dĩ nhiên không chỉ có hiếu thắng, ham đùa giỡn. Điều quan trọng nhất là quan hệ giữa Đinh Bất Tứ với hai người phụ nữ Sử Tiểu Thúy và Mai Văn Hinh. Trong quan hệ với Sử Tiểu Thúy, Đinh Bất Tứ tựa hồ là một kẻ đa tình, suốt đời nhớ mãi, nhớ khổ nhớ sở, từ lúc trẻ đến khi bạc đầu vẫn một lòng si mê Sử Tiểu Thúy. Trong quan hệ đối với Mai Văn Hinh, Đinh Bất Tứ lại giống như một tên đại bịp vô tình vô nghĩa, đùa giỡn với Mai Văn Hinh, sinh ra đứa con gái Mai Phương Cô, rồi bạc tình phụ nghĩa vứt bỏ hai mẹ con họ, không chỉ hủy hoại cuộc đời của Mai Văn Hinh, mà thực ra còn hủy hoại cuộc đời của Mai Phương Cô. Có điều đối với nhân vật Đinh Bất Tứ thì phê phán y về mặt đạo đức, không bằng hãy phân tích tâm lý của y. Nếu phân tích kỹ hành vi, tâm lý của Đinh Bất Tứ, chúng ta sẽ phát hiện tình cảm của y đối với Sử Tiểu Thúy hoàn toàn không phải nhất mực yêu thương theo nghĩa thông thường, mà quan hệ giữa y với Mai Văn Hinh cũng không đơn giản là sự lừa bịp.

Năm xưa quan hệ giao tình giữa Đinh Bất Tứ với Sử Tiểu Thúy ra sao, có chuyện gì, sách không viết rõ. Chỉ biết xung quanh Sử Tiểu Thúy có không ít chàng trai anh tuấn theo đuổi, trong đó Bạch Tự Tại và Đinh Bất Tứ nổi bật hơn cả. Cuối cùng, do sự can thiệp của cha mẹ Sứ Tiểu Thúy, Đinh Bất Tứ thất bại. Chúng ta giả định ngay từ đầu Đinh Bất Tứ đã si mê Sử Tiểu Thúy thật sự, đối với những người trẻ tuổi, mối tình đầu say đắm có thể mãi mãi không quên. Tuy vậy, cũng rất có thể, tương tự như Sử Tiểu Thúy, cái tâm lý cách sông ngắm cảnh, cái gì không đạt tới bao giờ cũng đẹp hơn, quí hơn, cứ được tưởng tượng thêm ra, là tâm lý phổ biến của con người. Đối với Đinh Bất Tứ, điều đó càng rõ. Đinh Bất Tứ từng tương thân tương ái với Mai Văn Hình, nhưng trong lòng vẫn không quên được Sử Tiểu Thúy. Khi không hài lòng về thực tế trước mắt, người ta thường mơ tưởng, càng mơ tưởng thì lại càng bất mãn với hiện thực.

Trong tam giác tình yêu kia, Đinh Bất Tứ là kẻ thất bại, nhưng cá tính của y là quyết không chịu nhận là mình thua, thế là để cho cái tơ lòng cứ vương vấn mãi. Cũng có thể Đinh Bất Tứ căn bản cũng không biết y yêu Sử Tiểu Thúy đến mức nào, có yêu thật hay không. Y đau khổ chẳng qua vì y thua Bạch Tự Tại, y mất thể diện, nghĩa là thực ra sự việc không liên quan đến Sử Tiểu Thúy, mà chỉ là sự tranh giành giữa Đỉnh Bất Tứ với Bạch Tự Tại. Đối với Đinh Bất Tứ mà nói, Sử Tiểu Thúy chỉ là chiến lợi phẩm của cuộc tranh giành kia mà thôi. Tôi nói thế là có căn cứ. Ấy là mấy chục năm về sau, khi Sử Tiểu Thúy tái xuất giang hồ, Đinh Bất Tứ lại bám riết Sứ Tiểu Thúy, nói là lửa tình bùng cháy thì không phải, y không tìm Sử Tiểu Thúy để nói chuyện yêu đương, mà chỉ tìm mọi cách lừa cho Sử Tiểu Thúy theo y ra đảo Tử Yên, lên núi Bích Lụy, để chứng minhlà y chiến thắng.

Ban đầu y tưởng sẽ dễ dàng, không ngờ Sứ Tiểu Thúy quyết không đi theo y, y đành hẹn tỷ thí để quyết định. Cuối cùng, Sứ Tiểu Thúy bị tẩu hỏa nhập ma, tỷ võ không thành, Đinh Bất Tứ bèn dùng vũ lực bắt Sử Tiểu Thúy đi theo. Trên thế gian này lại có phương pháp giành lấy tình yêu như thế sao? Sử Tiểu Thúy nhảy xuống sông được cứu thoát, thì Đinh Bất Tứ lại còn rủ anh mình là Đinh Bất Tam cùng đến thành Lăng Tiêu phái Tuyết Sơn để bắt cóc Sử Tiểu Thúy, quyết đưa Sử Tiểu Thúy về núi Bích Lụy cho thỏa chí bình sinh. Khi đó Sử Tiểu Thúy còn chưa về đến thành Lăng Tiêu, Đinh Bất Tứ lại bịa ra chuyện Sử Tiểu Thúy đã đi theo tiếng gọi tình yêu của y. Tuy y bị Bạch Tự Tại đánh cho hộc máu, song Bạch Tự Tại vì nghe lời bịa đặt của y mà đau khổ phát điên.

Như trên ta thấy Đinh Bất Tứ làm gì có tình yêu chân chính đối với Sử Tiểu Thúy? Hắn chỉ muốn hơn thua với Bạch Tự Tại, vì vậy sẵn sàng bịa đặt để đánh lừa đối phương. Giả sử Đinh Bất Tứ thật lòng yêu Sử Tiểu Thúy, y sẽ không cưỡng ép Sử Tiểu Thúy phải theo y ra đảo Tử Yên, cũng sẽ không đến thành Lăng Tiêu phái Tuyết Sơn, nơi Sử Tiểu Thúy sống yên ổn mấy chục năm, để gây chuyện như thế. Hành động kiểu đó chỉl à trò tranh cường hiếu thắng mà thôi. Lại nói về quan hệ giữa Đinh Bất Tứ với Mai Văn Hinh. Hai người quen biết nhau, ăn ở với nhau, tại sao chia lìa, trong sách không nói rõ. Chỉ ở phần kết có vài câu về chuyện này: "Đinh Bất Tứ khổ luyến Sử Tiểu Thúy, nửa chừng bỏ Mai Văn Hinh, sự việc cách đây đã mấy chục năm, giờ mới gặp lại". (Xem Hiệp khách hành).

Như vậy việc Đinh Bất Tứ ruồng bỏ Mai Văn Hinh là chuyện hiển nhiên không chút nghi ngờ. Nếu không, Mai Văn Hinh đã chẳng mấy chục năm trời không thèm liên lạc gì với Đinh Bất Tứ, mà chuyên tâm sáng lập mấy pho võ công tuyệt học để đối phó với võ công của họ Đinh, báo thù rửa hận. Điều khiến Mai Văn Hinh không thể tha thứ, cố nhiên là đứa con gái Mai Phương Cô của vợ chồng họ hai mươi năm liền bặt vô âm tín, mà Đinh Bất Tứ cứ thản nhiên tiêu dao giang hồ, không lý gì đến hai mẹ con Mai Văn Hinh. Nhưng Mai Văn Hinh căm hận nhất là việc Đinh Bất Tứ thủy chung không quên Sử Tiểu Thúy. Như đã nói, Đinh Bất Tứ không quên Sử Tiểu Thúy, thực ra chỉ là cách sông ngắm cảnh, không sang được tới bờ bên kia, thì chán cảnh sinh hoạt bên này.

Cuối sách tả lúc Đinh, Mai hai người gặp lại, trước mặt quần hùng thiên hạ, ta thấy Mại Văn Hinh véo tai Đinh Bất Tứ, đủ biết mấy chục năm trước, Mai Văn Hinh cũng chả hiền lành gì. Cái đó không bào chữa cho tội Đinh Bất Tứ ruồng bỏ Mai Văn Hinh, mà chỉ chứng tỏ Đinh Bất Tứ là người không hiểu tình yêu và hôn nhân, càng không hiểu trách nhiệm và nghĩa vụ. Trong tình cảm, Đinh Bất Tứ thiếu lý trí nghiêm trọng, mà lý do căn bản là nhân cách của y chưa độc lập, chưa trưởng thành. Nói nôm na, Đinh Bất Tứ thực ra còn là một vị thành niên về mặt tâm lý.


CUỐI.

Hoàn toàn không phải hễ ai bạc đầu, thì người ấy đã trưởng thành về mặt tinh thần, tâm lý hoặc nhân cách. Lão Ngoan đồng trong bộ tiểu thuyết Anh hùng xạ điêu là một ví dụ điển hình. Đinh Bất Tứ là một điển hình nữa. Như đã nói ở đầu mục, Đinh Bất chẳng qua chỉ là cái bóng của Đinh Bất Tam. Đinh Bất Tam đã chưa ra hồn, thì Đinh Bất Tứ càng tệ hơn. Cuộc sống của Đinh Bất Tứ chẳng qua là theo ham muốn bản năng xốc nổi mà đùa giỡn, chơi bời; nhưng luật chơi thường thường lại để người khác qui định hoặc chi phối. Trước mặt Sử Tiểu Thúy, tỷ võ với Thạch Phá Thiên, hoặc trước mặt Đinh Bất Tam tỷ võ với đệ tử phái Tuyết Sơn, Đinh Bất Tứ cứ như làm duyên cho người khác xem vậy.

Rõ ràng y thua kém người khác, không bằng người khác, song lại cứ tưởng là mình thắng, mình hơn. Càng như thế, chỉ càng chứng tỏ về mặt tâm lý y chưa chín muồi, về mặt nhân cách y chưa độc lập, trong cuộc chơi, y nhanh chóng quên mục đích, mà chỉ chú tâm vào bản thân quá trình chơi đùa, không khác gì trẻ con. Đinh Bất Tứ sở dĩ không bị người ta căm ghét mười phần như Đinh Bất Tam, cũng là do vậy. Thể hiện rõ nhất tính cách của Đinh Bất Tứ là chương thứ mười bốn "Bốn đại môn phái Quan Đông". Đinh Bất Tứ ngẫu nhiên gặp và vô cớ sinh sự với chưởng môn bốn đại môn phái Quan Đông. Nói là vô cớ sinh sự thì chưa chính xác.

Đinh Bất Tứ sinh sự là có cớ, nhưng cái cớ ấy làm cho người ta tức cười. Chỉ vì chưởng môn Thanh Long môn là Phong Lương, người Cẩm Châu, Liêu Đông, sử dụng binh khí là cây roi mềm chín nấc, chẳng may giốngnhư binh khí của Đinh Bất Tứ, nên y nổi giận kêu lớn : "Tức quá! Tức chết được! Tức chết được!" (Xem Hiệp khách hành). Đinh Bất Tứ đã sử dụng cửu tiết tiên, thì người trong võ lâm thiên hạ không ai được sử dụng nữa; nếu không, kẻ khác sử dụng mà bị đánh bại, thì sẽ làm mất cả thể diện của Đinh Bất Tứ ? Cho nên Đinh Bất Tứ thấy ai sử dụng cửu tiết tiên, là nổi cơn lôi đình. Theo y nói, y từng giết huynh đệ họ Bành ở Trường Sa, võ quan họ Chương ở Tứ Xuyên và từng chặt hai tay một nữ nhân ở huyện Phụng Dương tỉnh An Huy vì mấy người ấy có "tội" sử dụng cửu tiết tiên.

Nay gặp Phong Lương sử dụng cửu tiết tiên, đươngnhiên Đinh Bất Tứ phát tác. Bốn vị chưởng môn bốn đại môn phái Quan Đông cùng đi với nhau, thật vừa hay, trùng với ngoại hiệu "Nhất nhật bất quá tứ” (Một ngày giết không quá bốn người). Thứ lôgich của Đinh Bất Tứ đúng là lôgich của con nít vậy. May mà khi bốn vị chưởng môn các môn phái Quan Đông đang bị Đinh Bất Tứ dồn vào tình thế nguy cấp, thì Thạch Phá Thiên xuất hiện, cứu họ. Đinh Bất Tứ thấy võ công của Thạch Phá Thiên cực kỳ lợi hại, y không địch nổi, đành nén giận bỏ đi. Không biết phát tiết vào đâu, Đinh Bất Tứ bèn đánh chết một đệ tử của phái Quan Đông và ba người đứng xem, vừa vặn đúng với ngoại hiệu "Nhất nhật bất quá tứ" để tự an ủi.

Cái thói vô cớ sinh sự, mềm nắn rắn buông ấy là thói hoành hành bá đạo của kẻ ác chốn giang hồ, cũng là thói xấu của trẻ con, ngoài Đinh Bất Tứ ra, có người lớn nào giở cái trò đó? Cho nên gọi Đinh Bất Tứ là Lão Ngoan đồng thứ hai cũng chưa thích hợp, mà nên gọi y là thứ du hồn vô chủ chốn giang hồ.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến