33 NAM LAN

33
NAM LAN 
Một đời mộng chẳng thành

Từ khi ở Thương gia bảo bị Hồ Phỉ trước mặt mọi người nhiếc một câu "Mụ là người thiếu lương tâm,Thiên lôi sẽ đánh chết mụ”, suốt đời Nam Lan chỉ e sẽ không thể ngủ yên. Điều nghiêm trọng là lời phán xét ấy của Hồ Phỉ sẽ ảnh hưởng đến thái độ của rất nhiều độc giả, họ sẽ coi thiếu phụ Nam Lan là một người xấu xa. Dưới con mắt một số bạn đọc, Nam Lan là một phụ nữ đã có chồng, lại bỏ đi theo trai, là vô đạo đức Hơn nữa người chồng bị phản bội lại là Miêu Nhân Phụng, gã trai là Điền Qui Nông, một kẻ tiểu nhân thấp kém, thật là dại dột. Nam Lan bỏ đi theo trai, nghe tiếng con gọi cũng mặc kệ, đương nhiên không còn cả tình mẹ. Một phụ nữ như thế, cuối cùng thân tàn ma dại, hối hận đã muộn, chẳng phải là ác giả ác báo đó sao? Nhưng các bạn đọc hiểu rõ Hồ Phỉ, nhất định sẽ nghĩ kỹ một chút, Hồ Phỉ chỉ là một cậu bé, tuy có dũng khí và lòng hiệp nghĩa, nhưng rất nông nổi, thô lỗ, nói sai, làm hỏng nhiều lần. Hơn nữa, Hồ Phỉ khi đó chưa biết hoàn cảnh cụ thể ra sao, chưa biết tí gì về thân thế của Nam Lan, tâm sự của nàng. Lời phán xét của Hồ Phỉ, sao đủ để làm căn cứ Nam Lan rốt cuộc là người như thế nào, rõ ràng ta cần hiểu đã, rồi hãy đánh giá. Nếu biết hoàn cảnh của Nam Lan, ta sẽ thấy nàng quả là một phụ nữ bất hạnh. Sự bất hạnh của nàng, trước hết là số phận đẩy nàng vào thế giới võ lâm xa lạ, một thế giới mà nàng căm ghét.

Là tiểu thư con nhà quan, trưởng thành trong dòng chủ lưu của xã hội, nàng vốn theo cha lên kinh chờ việc bổ nhiệm, nào ngờ chỉ trong một đêm cha bị giết, nàng thành cánh bèo bơ vơ. Nguyên nhân chỉ tại cha nàng có mang theo một thanh bảo đao, tính lên kinh đô hối lộ quan viên, đổi lấy công danh, cho nên có một bọn trong võ lâm thèm muốn thanh bảo đao ấy, tìm cách cướp đoạt khiến cha nàng bỏ mạng. May có Miêu Nhân Phụng ngẫu nhiên lưu ý, kịp thời ra tay cứu mạng, nếu không thì bảo đao và mỹ nữ đều đã được chia phần cho mấy tên cường đạo, số phận của Nam Lan sẽ thảm thương hết chỗ nói. Thực tế, tuy được Miêu Nhân Phụng cứu sống, nhưng số phận một đời của Nam Lan cũng đã thay đổi tận gốc. Hơn nữa, tất cả đều không thể cứu vãn được nữa. Nam Lan nhanh chóng trở thành vợ của Miêu Nhân Phụng, trước tiên là nàng muốn báo hiếu, cảm tạ ơn cứu mạng của đối phương; thứ hai là tình huống cấp bách, nàng giúp Miêu Nhân Phụng hút chất độc, đã có sự "đụng chạm thể xác", không thể không lấy chàng ta. "Chàng ta dẫu có là tướng cướp, ác tặc, nàng cũng không còn đường nào khác". (Xem Phi hồ ngoại truyện) . Thứ ba là vì cha nàng đã chết, nàng không còn ai thân thích trên thế gian, không biết dựa vào đâu, thôi đành làm vợ Miêu Nhân Phụng. Một số người cho rằng Nam Lan được Miêu Nhân Phụng cứu sống, thành hôn với chàng ta, phải coi là may mắn nhất đời. Miêu Nhân Phụng không chỉ là vị anh hùng khắp thiên hạ không có đối thủ, mà còn nổi tiếng là "Kim diện Phật" đại hiệp trên giang hồ. Càng trọng yếu là Miêu Nhân Phụng đối với nàng không chỉ có ơn cứu mạng, mà sau khi thành hôn, còn nhất mực yêu thương nàng. Nhưng Nam Lan khi quyết định lấy Miêu Nhân Phụng chỉ là bất đắc dĩ, bởi nguyên nhân quan trọng nhất: tiểu thư Nam Lan không phải là người trong thế giới võ lâm của Miêu Nhân Phụng.

Trong sách viết : "Nếu Nam tiểu thư biết võ công, hoặc biết thán phục bản sự của chồng, thì nàng sẽ hiểu vì sao chàng là một đấng nam từ kỳ nhân đội trời đạp đất; nhưng nàng lại chẳng coi trọng võ công chút nào, thậm chí trong đáy lòng còn căm ghét võ công. Bởi lẽ cha nàng đã bị người trong võ lâm giết hại để cướp thanh đao, nàng phải lấy một người không hiểu gì tâm sự của nàng, vì người ấy đã dùng võ công cứu nàng". (Xem Phi hồ ngoại truyện). Giữa Nam Lan và Miêu Nhân Phụng có sự khác biệt rất lớn về văn hóa, bao gồm địa vị xã hội, thói quen sinh hoạt, hứng thú quan điểm giá trị, mục đích sống v...v... Tóm lại là hai người không cùng một thế giới, đến với nhau chỉ do trời xui đất khiến mà thôi. Trong sách có một tình tiết rất quan trọng. Hôm ấy, khi Miêu Nhân Phụng đã bị thương, có bảo Nam Lan hãy dùng đao chém tên tướng cướp Tưởng Điều Hầu đã bị thương cho hắn chết đi, thì tiểu thư Nam Lan nói nàng không dám giết người, Miêu Nhân Phụng bèn quát to : "Cô nương không giết hắn, thì hãy giết ta đi!" (Xem Phi hồ ngoại truyện). Kết quả tiểu thư Nam Lan giật mình, run rẩy, thanh đao rơi khỏi tay, vừa hay bổ xuống vỡ sọ Tưởng Điều Hầu. Tưởng Điều Hầu chết, Nam Lan cũng ngất đi luôn. Đó là sự khác biệt văn hóa giữa hai người, đối với Miêu Nhân Phụng, giết người là chuyện cơm bữa; còn đối với Nam Lan, thì giết người, dù là giết kẻ đã giết cha mình, thậm chí giết người để tự cứu, nàng cũng không thể hạ thủ, không dám hạ thủ, không nỡ hạ thủ. Thực tế, từ khi hai người bắt đầu sống với nhau, sự khác biệt văn hóa hiện diện trong mọi chuyện. Sau tai họa kinh tâm động phách nọ, Nam Lan như mang tâm bệnh, "hễ nhắm mắt nàng lại nhìn thấy thảm kịch xảy ra trên tuyết, thấy cha nàng bị giặc giết hại, thanh đao trong tay mình rơi xuống, chém chết một người. Nàng thường thường khóc trong lúc nằm mơ". (Xem Phi hồ ngoại truyện).

Mấy chuyện đó, Miêu Nhân Phụng không hề biết, dẫu có biết, chàng ta cũng không thể hiểu, tại sao cảnh tượng quá quen thuộc với chàng, lại trở thành ác mộng đối với Nam Lan, nên cũng không thể an ủi nàng. Ngược lại, khi huynh đệ họ Chung đến trả thù, trong khi Miêu Nhân Phụng bị thương chưa khỏi, Nam Lan định cưỡi ngựa chạy đi, thì Miêu Nhân Phụng lắc đầu không nói. Chàng biết tiểu thư Nam Lan sẽ không hiểu được rằng người "khắp thiên hạ không có đối thử' thì không thể bỏ chạy. Theo cách viết trong sách, thì rạn nứt trong quan hệ vợ chồng Miêu Nhân Phụng bắt đầu từ lúc Miêu Nhân Phụng đứng trước mộ phần vợ chồng Hồ Nhất Đao đã vô tình ca ngợi phu nhân Hồ Nhất Đao : "Một nữ kiệt như phu nhân, dẫu trượng phu ở trong lửa, cũng sẽ nhảy vào lửa, dẫu trượng phu ở trong nước, cũng sẽ nhảy vào nước ..." Câu nói ấy vô tình khiến Nam Lan động lòng, bởi vì có một lần nhà cháy, Nam Lan đã bỏ Miêu Nhân Phụng mà chạy ra trước. Rõ ràng cuộc sống của Nam Lan sau khi lấy chồng là không sung sướng. Hứng thú và yêu cầu của nàng không được chồng thông cảm và tôn trọng. Ở bên cạnh người chồng anh hùng mà nàng vẫn bị ác mộng giày vò, mà tâm sự thầm kín của nàng vẫn không được người chồng chia xẻ. Tóm lại, sinh hoạt hôn nhân của nàng không thể đem lại hạnh phúc cho Miêu Nhân Phụng, và hoàn toàn không như nàng mong mỏi.

II Nam Lan rời bỏ chồng và đứa con gái, sở dĩ gà theo gà, lấy chó theo chó, lấy cái đòn gánh thì phải làm quang" cố hữu trong đầu óc mọi người, còn có một nguyên nhân quan trọng nữa, là do họ không hiểu sự khác nhau giữa hai vợ chồng Miêu Nhân Phụng và hứng thú cuộc sống và quan điểm giá trị. Họ không hiểu rằng một tiểu thư như Nam Lan lấy một anh hùng như Miêu Nhân Phụng, tuy không thề nói là tai họa, song rõ ràng cũng không phải là chuyện hay ho. Võ công cái thế, "khắp thiên hạ không có đối thủ”, giới võ lâm đều kính ngưỡng "Kim diện Phật" Miêu Nhân Phụng. Nhưng người phương Tây có câu ngạn ngữ "Dưới mắt tôi tớ không có vĩ nhân", ngụ ý "Bụt chùa nhà không thiêng”. Đầy tớ ngày ngày chứng kiến sinh hoạt của vĩ nhân, thấy phương diện phàm tục mà những người khác không thể biết, thấy vĩ nhân cũng chẳng khác gì thường nhân cả. Từ đó suy ra, vợ của vĩ nhân còn gần gũi hơn nhiều, còn thấy rõ nhiều chuyện của vĩ nhân hơn. Nói cách khác, trước mặt vợ mình, vĩ nhân anh hùng tất nhiên ứng xử thoải mái, không phải lên gân, làm điệu làm bộ gì cả, như đứng trước mọi người. Tóm lại, làm vợ Miêu Nhân Phụng có sung sướng hay không, chỉ có Nam Lan hay biết. "Miêu Nhân Phụng bản tính trầm lặng ít nói, suốt ngày lầm lì, người vợ thì muốn chồng vui vẻ nói cười, phong nhã nhẹ nhàng, hiểu tâm ý phụ nữ. Miêu Nhân Phụng đầy mình võ công, khắp thiên hạ không có đối thử, song những gì người vợ cần thì chàng lại hoàn toàn không có (Xem Phi hồ ngoại truyện).

Tuy không thể nói Miêu Nhân Phụng không có hứng thú, chí ít chàng cũng có một vài hứng thú, tiếc rằng lại không phù hợp với mong muốn của Nam Lan. Như đã nói, giữa hai người có sự cách biệt về văn hóa. Điền Qui Nông tới, hay nói theo ngôn ngữ bây giờ, là Điền Qui Nông tán tỉnh, làm cho Nam Lan như bông hoa bừng nở, vươn ra ngoài bờ tường, tiếp đến cảnh bỏ chạy theo Điền Qui Nông. Nhưng chúng ta cần thấy, bất kể là Điền Qui Nông dụ dỗ, hay lòng xuân của Nam Lan loạn động, thì đó cũng chỉ là kết quả chứ không phải là nguyên nhân đích thực. Nguyên nhân đích thực dĩ nhiên là sự bất hòa trong cuộc sống giữa hai vợ chồng Miêu Nhân Phụng. Trong suy nghĩ của Nam Lan, Miêu Nhân Phụng chẳng phải là phụng hoàng gì hết, mà chỉ là một gã nông phu; ngược lại, Điền Qui Nông tuy tên là về với nhà nông, song thực chất lại phong lưu tuấn nhã như phượng hoàng. Câu nói nào của Điền Qui Nông cũng khiến người ta thích thú, cái nhìn nào của Điền Qui Nông cũng khiến trái tim phụ nữ thổn thức, các phẩm chất của Điền Qui Nông chính là những thứ Nam Lan mong đợi, những thứ mà Miêu Nhân Phụng chồng nàng không có. Điều này khiến nàng nhận ra, vấn đề không phải ở chỗ nàng không được Miêu Nhân Phụng quan tâm, mà là ở chỗ nàng hoàn toàn không yêu Miêu Nhân Phụng. Hiện tại, chúng ta đối diện trực tiếp với câu hỏi : hành vi của Nam Lan bỏ đi theo Điền Qui Nông có sai hay không? Nam Lan hạ quyết tâm bỏ chồng, bỏ con gái, bất chấp danh dự và gia đình, theo đuổi tình yêu, sự dịu dàng ấm áp, khoái lạc và hạnh phúc cho mình; hạ quyết tâm "Chỉ cần được ở bên cạnh Qui Nông, ngắn ngủi vài hôm cũng được, chỉ cần được ở bên cạnh Qui Nông, rồi chồng nàng Miêu Nhân Phụng có giết hay làm gì nàng cũng được", vậy nàng sai ở chỗ nào? Nàng không yêu Miêu Nhân Phụng, mà yêu Điền Qui Nông, "Nàng rất yêu con gái, nhưng nó là con của Miêu Nhân Phụng, chứ không phải đứa con do nàng và Điền Qui Nông sinh ra". (Xem Phi hồ ngoại truyện).

Nên cuối cùng nàng dứt áo bỏ đi. Đấy là một sự lựa chọn của nàng, sự lựa chọn này đáng được con người hiện đại thông cảm và tôn trọng, giống như ta tôn trọng sự lựa chọn của nhân vật Anna Karenina trong tác phẩm cùng tên của Lev Tolstoi vậy. III Nam Lan giống như Anna Karenina, vì sự lựa chọn của mình mà phải trả giá cực đắt, cuối cùng hoàn toàn không nhận được những gì mình kỳ vọng. Nguyên nhân gồm có, thứ nhất, sống lâu ngày với Điền Qui Nông, sinh hoạt đi vào nếp thông thường, nhiệt tình của Điền Qui Nông từ từ giảm đi, mà cảm giác mới lạ của Nam Lan cũng giảm dần. Thứ hai, Điền Qui Nông trước sau chỉ lo Miêu Nhân Phụng đến trả thù, nên phải tăng cường luyện công, hết sức đề phòng, điều đó ảnh hưởng rất nhiều đến hứng thú cuộc sống, đến mức Nam Lan phát hiện Điền Qui Nông cũng giống như Miêu Nhân Phụng, thậm chí có chỗ còn không bằng chồng cũ. Thứ ba, việc Nam Lan bỏ đi theo trai, không chỉ bỏ chồng bỏ con, mà còn vứt bỏ danh dự, thậm chí gây rủi ro cho sinh mạng. Cái khoản "đầu tư” rủi ro quá lớn này đương nhiên chỉ mong nhận được "lợi tức", nếu không nhận đủ "lợi tức”, sự thất vọng sẽ rất lớn. Thứ tư, rời bỏ Miêu Nhân Phụng coi như xong, nhưng việc rời bỏ đứa con gái để lại trong lòng Nam Lan nỗi day dứt khôn nguôi, bởi vì nó không chỉ là con của Miêu Nhân Phụng, mà còn là con đẻ rứt ruột của nàng. Thứ năm, tuy không có ai trong cuộc sống hàng ngày moi móc “lai lịch" của Nam Lan, áp lực thanh danh đạo đức cũng là một thứ sức ép tâm lý. Tất cả những thứ trên là nguyên nhân khiến Nam Lan "bất hạnh", tiều tụy, cơ thể sinh bệnh, tâm hồn đau khổ, cuối cùng chết yểu. Đối với Miêu Nhân Phụng, Nam Lan đương nhiên cũng có sự ray rứt, dẫu sao Miêu Nhân Phụng cũng là ân nhân cứu mạng, là chồng nàng. Nam Lan trốn đi theo Điền Qui Nông, song Miêu Nhân Phụng không hề truy cứu, càng không truy cứu, thì Nam Lan càng bị ray rứt. Nhưng sự ray rứt này trong sách có tả sao đó để nó phát triển thành sự hối hận về mặt đạo đức hay không, thì không nói rõ. Nam Lan có nói với Hồ Phỉ :"Nói ra ngươi có thể không tin, nhưng mấy năm qua, ta vẫn ngày đêm nghĩ tới hai người đó" (tức Miêu Nhân Phụng và đứa con gái). (Xem Phi hồ ngoại truyện).

Giả sử Nam Lan phát hiện Điền Qui Nông không thật sự yêu nàng, liệu nàng có hối hận hay chăng? Điều đó còn là một nghi vấn. Bởi vì nàng không yêu Miêu Nhân Phụng, mà chỉ yêu Điền Qui Nông, đấy là sự thật hiển nhiên. Nếu Nam Lan vì thế mà lại hối hận về mặt đạo đức, thì sẽ phủ định toàn bộ lập trường tình cảm và sự lựa chọn cuộc sống tự chủ của nàng. Nếu thế, Nam Lan sẽ thành người gì? Chẳng hóa ra biến thành công cụ để tác giả rao giảng đạo đức ư? Thực ra, bi kịch của Nam Lan, cũng giống như Anna Karenina, là do không có ý chí sống và năng lực sống thật sự độc lập, lại coi tình yêu là nội dung của toàn bộ cuộc sống, gửi gắm cả sinh mạng mình vào đó, cho nên một khi phát hiện nội dung ấy, chỗ gửi gắm ấy không vững vàng, thì sẽ rơi vào vực sâu tuyệt vọng.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến