25. BẠCH TỰ TẠI

25.
BẠCH TỰ TẠI
Tự đại thành cuồng

Trong tiểu thuyết Hiệp khách hành, chưởng môn nhân phái Tuyết Sơn Uy Đức tiên sinh Bạch Tự Tại đúng là mắc bệnh tâm thần : y không chỉ coi mình là người võ công cao cường nhất đương thời, mà còn bắt các đệ tử bản môn hễ gặp y đều phải tung hô : "Chưởngmôn nhân phái Tuyết Sơn, Uy Đức tiên sinh Bạch Tự Tại là đại anh hùng, đại hào kiệt, đại hiệp sĩ, đại tông sư đệ nhất kiếm pháp, đệ nhất quyền cước, đệ nhất nội công, đệ nhất ám khí xưa nay?" Ai không tung hô, y giết luôn; ai tung hô không đúng thế, y giết luôn; ai có ánh mắt không bình thường, y sẽ trừng phạt, nhẹ nhất là đánh cho gãy tay, què chân! Đối phó với lão già nổi điên này, các đệ tử môn hạ không còn cách nào khác, đành bàn nhau bỏ thuốc mê vào đồ ăn thức uống của lão, sau đó dùng xích sắt cột hai chân lại, nhốt vào trong một thạch thất. Bạch Tự Tại phát điên, đương nhiên không phải là tự dưng vô cớ. Nguyên nhân trực tiếp: đồ tôn môn hạ của lão là Thạch Trung Ngọc đã cưỡng gian cháu gái Bạch A Tú của lão, khiến Bạch A Tú nhảy xuống vực, mẹ cô bé phát điên, Bạch Tự Tại trong lúc nóng nảy đã tát vợ là Sử Tiểu Thúy một cái, khiến Sử Tiểu Thúy bỏ nhà đi. Đúng khi ấy, Đinh Bất Tứ, kẻ suốt đời cứ theo đuổi Sử Tiểu Thúy, và anh của y là Đinh Bất Tam, đến thành Lăng Tiêu của phái Tuyết Sơn, tuyên bố với Bạch Tự Tại rằng Sử Tiểu Thúy đã theo anh em họ đến núi Bích Lũy trên đảo Tử Yên. Bạch Tự Tại tuy đánh cho Đinh Bất Tứ hộc máu, rồi đuổi ra khỏi thành, nhưng chính lão từ đó tâm thần không yên, chẳng bao lâu sau tâm tính đột biến, động một tí là nổi điên giết người bừa bãi, cuối cùng phát điên thật sự.

I

Nguyên nhân Bạch Tự Tại phát điên, cần được truy tìm đến cùng. Phía trên vừa nói là nguyên nhân cụ thể : lão bị kích động mà phát điên. Còn tại sao chỉ bị kích động mà đã phát điên, thì nói ra khá dài. Đại thể Bạch Tự Tại phát điên do ba nguyên nhân: một là tự ngã bành trướng, hai là thiếu hụt tình cảm, ba là tâm lý kinh sợ. Tự ngã bành trướng là nguyên nhân chủ yếu khiến Bạch Tự Tại phát điên. Bạch Tự Tại tự ngã bành trướng, đến mức tự đại thành cuồng, dĩ nhiên có nguyên nhân nhất định. Mà nguyên nhân chính, theo như trong sách viết, ấy là do lão tình cờ ăn một loại trái cây nào đó, làm cho nội lực tăng mạnh, vượt xa các sư huynh đệ đồng môn của mình. Từ đó, cùng một môn võ công của phái Tuyết Sơn, nhưng Bạch Tự Tại sử dụng thì có hiệu quả phi phàm, khác hẳn mọi người. Do đó, không lâu sau nhờ võ công đột xuất, Bạch Tự Tại trở thành vị chưởng môn trẻ tuổi của phái Tuyết Sơn. Đây là cách viết nói chung trong tiểu thuyết võ hiệp, thứ trái cây thần kỳ kia đương nhiên chỉ có thể xuất hiện trong truyện truyền kỳ. Thực ra, chúng ta có thể lý giải, rằng đấy là nhờ Bạch Tự Tại có năng lực thiên phú về luyện võ nên có thể phát huy trình độ võ công tới mức đặc biệt. Năng lực thiên phú cộng với vận may giúp Bạch Tự Tại luyện võ giỏi hơn mọi người, nhưng đó cũng chính là lý do khiến lão tự tin quá mức. Một lý do nữa, là từ ngày bước chân vào giang hồ, lão hiếm khi gặp đối thủ, tự nhiên càng thêm đắc ý tự tin, tưởng rằng mình là vô địch trong thiên hạ. Cứ thế lâu dần, dẫn tới tự ngã bành trướng. Đương nhiên, tự cao tự đại, dần dần sẽ đi đến phát điên phát cuồng. Nguyên nhân thứ hai là thiếu hụt tình cảm. Sự thiếu hụt tình cảm của Bạch Tự Tại lại liên quan tới thói tự cao tự đại của y. Hồi trẻ, Bạch Tự Tại và Đinh Bất Tứ cùng thích mỹ nhân Sử Tiểu Thúy nổi tiếng chốn giang hồ, cuối cùng Bạch Tự Tại đắc thắng, lấy được Sử Tiểu Thúy như mong muốn. Có điều không phải do nàng Sử Tiểu Thúy quá yêu gì Bạch Tự Tại, mà là do cha mẹ nàng ham gả con cho vị chưởng môn trẻ tuổi của phái Tuyết Sơn để cầu lợi. Thực tế khi hứa hôn, Sử Tiểu Thúy không mặn mà gì .Giá như sau khi thành hôn, Bạch Tự Tại quan tâm ái hộ Sử TiểuThấy, thì thái độ khó chịu không đáng kể kia sẽ nhanh chóng tiêu tan. Nhưng Bạch Tự Tại lại đắc ý, chỉ nghĩ đến thành tựu võ công và tiền trình tương lai ngon lành của mình, thậm chí coi cả việc lấy được mỹ nhân cũng là cái vốn để y kiêu ngạo, căn bản không coi trọng Sứ Tiểu Thúy. Đôi khi chỉ dẫn võ công cho vợ Bạch Tự Tại đắc ý, nói năng xúc phạm đến lòng tự tôn của Sử Tiểu Thúy, mà nàng thì lại là người hết sức tự tôn, vô cùng mẫn cảm, chẳng những không chấp nhận thói kiêu căng tự đại của chồng, mà lắm lúc còn cố ý nhắc đến các ưu điểm của Đinh Bất Tứ, khiến cho Bạch Tự Tại mất cả an nhiên tự tại. Mấy chục năm sau khi cưới, Bạch Tự Tại vẫn không thật sự giành được trái tim của vợ, thành thử lão bị một sự thiếu hụt tình cảm nghiêm trọng. Vốn kiêu căng tự đại, Bạch Tự Tại quyết không thừa nhận sự thiếu hụt tình cảm đó có ảnh hưởng thế nào tới lão, nhưng những người ở gần thì hiển nhiên biết đó là đòn đánh mạnh vào lòng tự tin, tự ái của lão. Sự thiếu hụt tình cảm gây nỗi đau trong lòng, tích tụ mãi thành bệnh tâm thần. Sử Tiểu Thúy sau khi lấy chồng, không rời thành Lăng Tiêu của phái Tuyết Sơn một bước, chuyện đó không sao, vừa rồi việc Thạch Trung Ngọc cưỡng gian Bạch A Tú dẫn tới lục đục trong quan hệ giữa hai vợ chồng Bạch Tự Tại, lão lại tát tai Sử Tiểu Thúy khiến bà bỏ nhà đi, sự thiếu hụt tình cảm trở thành công khai, thế nên Bạch Tự Tại phát bệnh. Lại nói đến tâm lý kinh sợ. Có người sẽ hỏi, một kẻ tự ngã bành trướng như Bạch Tự Tại, sao lại có tâm lý kinh sợ? Vậy mà có đấy. Thực ra, loại người bành trướng này càng hay có tâm lý kinh sợ nghiêm trọng hơn thường nhân. Nguyên nhân rất đơn giản, quả bóng cao su sau khi bơm vào, nở to ra (bành trướng), sẽ mỏng đi; càng nở to, càng yếu, đến mức dễ nổ tung. Thực tế đáng sợ nhất đối với Bạch Tự Tại, là vợ lão, nàng Sử Tiểu Thúy ra đảo Tử Yên với Đinh Bất Tứ, điều đó không chỉ có nghĩa công khai hóa sự thiếu hụt tình cảm, mà còn làm cho Bạch Tự Tại mất hết thể diện, để mọi người chê cười. Thử hỏi một kẻ kiêu căng tự đại như Bạch Tự Tại, làm sao chịu nổi cái đòn nặng nề đó? Ngoài ra, Bạch Tự Tại tuy đánh hộc máu Đinh Bất Tứ, tỏ ra võ công cao hơn Đinh Bất Tứ một bậc, song Đinh Bất Tam từ đầu chí cuối chỉ đứng bên cạnh, chưa động thủ; mà ai cũng biết Đinh Bất Tam võ công cao hơn em mình. Nếu cả hai anh em Đinh Bất Tứ liên thủ đấu với Bạch Tự Tại thì sao? Bạch Tự Tại nghĩ đến đó đã toát mồ hôi lạnh. Cuối cùng, tuy trong sách không nói rõ, nhưng tình hình lúc ấy là hầu như mọi người chốn giang hồ đều đang thấp thỏm lo sợ “kiếp nạn” mười năm một lần liên quan đến đảo Hiệp Khách. Bạch Tự Tại là chưởng môn phái Tuyết Sơn, tuy huyênh hoang mình là vô địch trong thiên hạ, nhưng nghe đồn sứ giả đảo Hiệp Khách giết người như ngóe, bao nhiêu cao thủ một đi không trở về, thì Bạch Tự Tại cũng kinh sợ. Sau sự việc Thạch Trung Ngọc cưỡng gian Bạch A Tú, uy tín của phái Tuyết Sơn và của người chưởng môn Bạch Tự Tại trên giang hồ sa sút hẳn. Cái danh "Uy Đức tiên sinh" lừng lẫy bao năm, nay làm sao tiếp nhận nổi cái hiện thực vô uy vô đức kia chứ? Thế là tâm lý kinh sợ biến thành một sức mạnh phi lý tính, phá tan sự đề phòng lý tính cuối cùng của Bạch Tự Tại. Nói cách khác, Bạch Tự Tại kiêu căng tự đại phải vất bỏ chút thần chí tỉnh táo cuối cùng, để trốn vào bức thành vọng tưởng, hoang đường. Thế là cái chuyện thần thoại, hoang đường "Chưởng môn nhân phái Tuyết Sơn, Uy Đức tiên sinh Bạch Tự Tại là đại anh hùng, đại hào kiệt, đại hiệp sĩ, đại tông sư đệ nhất kiếm pháp, đệ nhất quyền cước, đệ nhất nội công, đệ nhất ám khí xưa nay” ra đời. Ai trong đám đệ tử không tung hô, Bạch Tự Tại đều chém giết bừa bãi, tức là lão đã điên thật.


II

Điều lý thú là sách này không chỉ thuật lại quá trình Bạch Tự Tại phát điên, mà còn triển hiện quá trình lành bệnh kiêu căng tự đại của Bạch Tự Tại, tạo nên một bệnh sử hoàn chỉnh và hoàn mỹ. Phương pháp trị liệu cụ thể, đương nhiên là đối với tâm bệnh phải dùng tâm dược, gọi là bệnh nào thuốc ấy, lấy độc trị độc, kỳ thực vô cùng giản đơn, tức là làm xẹp dần quả bóng bơm căng Bạch Tự Tại. Bước thứ nhất trị liệu cho Bạch Tự Tại là Sử Tiểu Thúy và Bạch A Tú an toàn trở về , Bạch A Tú làm chứng cho việc Sử Tiểu Thúy thà chết không đi theo Đinh Bất Tứ ra đảo Tử Yên, việc này trước hết loại trừ nguyên nhân trực tiếp khiến cho Bạch Tự Tại phát điên - mất thân nhân, mất thể diện và tâm lý kinh sợ; đồng thời bù đắp và che giấu bớt sự thiếu hụt tình cảm cho Bạch Tự Tại; chí ít thì người vợ cũng còn có tình với lão. Niềm an ủi này có thể trị "biểu”, giúp Bạch Tự Tại phần nào phục hồi thần chí, giao tiếp bình thường với mọi người. Bước thứ hai, sau khi trị "biểu”, thì tiến hành trị "lý”. Sử Tiểu Thúy chữa bệnh kiêu căng tự đại cho Bạch Tự Tại bằng cách thông báo cho lão biết, chàng thiếu niên Thạch Phá Thiên sử dụng võ công phái Kim Ô do bà tạo nên đã đánh bại cao thủ võ công phái Tuyết Sơn, việc này được con trai của hai ông bà là Bạch Vạn Kiếm, cao thủ số một của phái Tuyết Sơn hiện giờ, làm chứng. Tin này rõ ràng làm cho Bạch Tự Tại chấn động mạnh. Tiếp đó, lại để cho Thạch Phá Thiên có nội công đặc biệt tỷ đấu nội lực với Bạch Tự Tại. Bạch Tự Tại bị nội lực của Thạch Phá Thiên làm cho tức thở ngất đi, khi tỉnh lại, thần chí được phục hồi mấy phần. Điều này đủ để Bạch Tự Tại nghĩ đến sai lầm và trách nhiệm của mình, cuối cùng tiếp nhận thiếp mời của đảo Hiệp Khách, tự nguyện hiến thân để đệ tử của phái Tuyết Sơn thoát khỏi bị sát hại. Bước thứ ba, sau khi trị "lý", thì phải trị căn. Không ai ngờ, kể cả bản thân Bạch Tự Tại, chuyến đi ra đảo Hiệp Khách mới nghe đã sởn tóc gáy, lại là cơ hội tốt để lão chữa bệnh tận gốc. Nói ra rất đơn giản, Bạch Tự Tại nhìn thấy tuyệt kỹ của hai vị Long, Mộc đảo chủ đảo Hiệp Khách và đệ tử của họ, thấy các vị anh hùng hiệp sĩ tài ba trong giang hồ, thì quả bóng bơm căng Bạch Tự Tại cứ xẹp dần. Bạch Tự Tại tự vứt bỏ cái mũ lão đội lên đầu mình "Chưởng môn nhân phái Tuyết Sơn, Uy Đức tiên sinh Bạch Tự Tại là đại anh hùng, đại hào kiệt, đại hiệp sĩ, đại tông sư đệ nhất kiếm pháp, đệ nhất quyền cước, đệ nhất nội công, đệ nhất ám khí xưa nay!" Quả bóng bơm căng Bạch Tự Tại xẹp dần, cái mũ huyênh hoang ném đi, sau khi căn bệnh được chữa trị tận gốc, chúng ta thấy ông lão Bạch Tự Tại thực ra cũng còn có điểm đáng yêu đáng kính.

III

Thấy Bạch Tự Tại trở lại bình thường, đương nhiên ta cảm thấy đáng mừng, nhưng liên tưởng một chút, lại thấy có rất nhiều cái đáng lo. Tiểu thuyết Hiệp khách hành không chỉ là chuyện truyền kỳ võ hiệp, mà còn là chuyện ngụ ngôn về thế giới nhân sinh. Chứng bệnh như của Bạch Tự Tại, chúng ta thấy nhan nhản trong lịch sử và cuộc sống hàng ngày của chúng ta. “Nước đom đóm" trong chuyện ngụ ngôn tuy không còn, nhưng ai dám bảo đảm rằng gien bệnh kiêu ngạo "đom đóm" đã theo đó mà bị diệt vong? Bên trên tôi đã phân tích mấy nguyên nhân chủ yếu làm cho Bạch Tự Tại kiêu ngạo hóa điên; song còn vài nguyên nhân thứ yếu cũng cần được nói tới. Tôi muốn nói tới yếu tố hoàn cảnh. Trước tiên là hoàn cảnh địa lý tự nhiên. Phái Tuyết Sơn đóng ở trong thành Lăng Tiêu trên một vùng cao tách biệt. Hoàn cảnh địa lý tự nhiên ấy có ảnh hưởng vi diệu đến tâm lý con người. Nói nôm na là thế này : ở một vùng cao, ở chỗ cao, nó dễ làm cho người ta tưởng mình là trung tâm của thế giới, tất nhiên sẽ cho là mình đúng, kiêu ngạo hóa điên. Chuyện đom đóm kiêu ngạo ra đời trong hoàn cảnh đó. Không phải một mình Bạch Tự Tại kiêu ngạo hóa điên, mà các đệ tử phái Tuyết Sơn trước khi xuống núi cũng đều tưởng mình là tài giỏi trên đời, không biết trời cao bao nhiêu, đất dày ngần nào. Tầm mắt hạn chế và tâm lý kiêu ngạo làm cho vi khuẩn bệnh tâm thần phát triển. Mà tầm mắt hạn chế suy cho cùng cũng là một thứ hạn chế về tri thức. Đệ tử phái Tuyết Sơn hiển nhiên không biết điển tích rừng không có hổ thì khỉ làm vua (Thằng chột làm vua xứ mù). Bản thân Bạch Tự Tại chẳng phải thế đó sao? Trước hết, lão không biết công lực siêu nhân của mình từ đâu ra, quên biến đi, hoặc cố ý quên rằng mình đứng trên vai tiền nhân, cứ tưởng võ công của mình là do trời phú. Thứ nữa, phái Tuyết Sơn bế quan tỏa quốc, không biết thế giới rộng lớn, nhân tài rất đông, ảo tưởng mình vô địch thiên hạ, trong khi thực ra Bạch Tự Tại còn chưa được người ta xếp vào hàng cao thủ đáng mời tới đảo Hiệp Khách, thế mà lại tự cho mình là "đệ nhất xưa nay", chẳng tức cười và đáng buồn lắm ru? Thứ nữa, Bạch Tự Tại kiêu ngạo phát điên còn do môi trường nhân văn ở chỗ lão ta. Phái Tuyết Sơn bế quan tỏa quốc, ít giao tiếp với thế giới bên ngoài, Bạch Tự Tại làm chưởng môn phái, vị cao quyền trọng, như ông vua cả vùng, mỗi lời nói ra là một chỉ thị, không ai được nghi ngờ, tranh luận, cái đó đẻ ra tệ sùng bái cá nhân và mê tín cá nhân. Mấy sư đệ bên cạnh Bạch Tự Tại tuy ngang vai, nhưng võ công kém hơn, địa vị thấp hơn, căn bản không dám tranh cãi với sư huynh. Phái Tuyết Sơn không hề có cơ chế dân chủ, do đó cũng không có chút gì không khí dân chủ. Trong cái thế giới bị khép kín ấy, mọi người chỉ còn biết vâng theo Bạch Tự Tại, vái lão sát đất, vô hình trung tôn lão lên vị trí tối cao. Quả bóng Bạch Tự Tại do chính các đệ tử Phái Tuyết Sơn bơm căng lên, ban đầu là do họ tự nguyện, về sau là họ bị buộc phải làm như vậy. Kết quả là Bạch Tự Tại vốn chỉ là cao thủ một môn phái, hóa thành vô địch đương thời, từ vô địch đương thời hóa thành vô địch mọi thời, là "đệ nhất xưa nay".. Quả bóng bơm căng Bạch Tự Tại cứ bơm mãi, khiến lão phát điên, thành hung thủ giết người, sát hại bao nhiêu người rồi mới tỉnh ngộ dần. Vấn đề là bài học lịch sử đẫm máu ấy, sự thôi miên tập thể ấy sau đó có bao nhiêu người trăn trở nghĩ đến hay không?

Nhận xét

Bài đăng phổ biến