28 MAI PHUƠNG CÔ

28
MAI PHUƠNG CÔ 
Cô đơn thê thảm

Mãi đến cuối bộ tiểu thuyết Hiệp khách hành, người thường xuyên được nhắc đến là Mai Phương Cô mới xuất hiện, nhưng xuất hiện lần đầu tiên và cũng là lần cuối cùng, vì liền đó người phụ nữ tính nóng như lửa này tự sát. Với việc tự sát của nàng, thân thế của nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết không còn có lời giải đáp chính xác nữa, câu hỏi "Ta là ai" sẽ tiếp tục khiến Thạch Phá Thiên trăn trở mãi mãi. Đồng thời, động cơ của hàng loạt hành động khó hiểu của Mai Phương Cô, nguồn gốc tính cách cổ quái, tâm linh bí ẩn của nàng cũng như toàn bộ đời sống tình cảm thê lương đơn độc của nàng cũng sẽ trở thành câu đố lớn. Chúng ta chỉ biết mỗi một điều, bộ mặt xấu xí đầy sẹo của nàng vốn không phải ngay từ đầu đã như vậy.

I

Hình tượng văn học đặc biệt này tuy chính thức xuất hiện muộn nhất, nhưng ngay từ đầu sách đã là đối tượng tìm kiếm của rất nhiều người; tuy Mai Phương Cô xuất hiện ngắn nhất, nhưng là người có ảnh hưởng mạnh nhất và lâu dài nhất tới nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết; tuy nàng là người cô độc, nhưng lại có mối liên quan rộng nhất. Nhân vật này hoàn toàn không có gì bí hiểm, là mẹ nuôi của nhân vật chính Thạch Phá Thiên, là kẻ thù của vợ chồng Huyền Tố trang chủ Thạch Thanh, Mẫn Nhu, là con gái của nhân vật lừng lẫy giang hồ Đinh Bất Tứ và Mai Văn Hinh, thân phận nàng có hồ sơ tra cứu, có người làm chứng. Thực tế, Mai Phương Cô là mẹ nuôi của Thạch Phá Thiên, không thể gọi là mẹ ruột của chàng; là tình địch của Mẫn Nhu, song lại không thể gọi là nhân tình của Thạch Thanh, chỉ là con gái của Mai Văn Hinh, mà không hề được hưởng tình yêu và sự dạy bảo của người cha là Đinh Bất Tứ. Có thể nói thân thế của Mai Phương Cô cứ dở dở dang dang như vậy, mới khiến cho hành động, tính nết, tâm lý của nàng hết sức khó hiểu. Cậu bé Thạch Phá Thiên có tên là "Cẩu tạp chủng” ,nếu cái tên "Cẩu tạp chủng" là do mẹ cậu đặt ra và xưng hô hàng ngày như thế, chắc độc giả đều há miệng kinh ngạc. Trên thế gian sao lại có người mẹ đặt cho con cái tên "Cẩu tạp chủng"? Ai cũng sẽ nghĩ rằng người mẹ đó hoặc giả bộ xấu xa, hoặc điên điên khùng khùng. Cuối cùng đã chứng minh rằng thân phận, tính cách của người mẹ nhân vật chính đúng là kiêm cả hai thứ đó. Cho nên cuộc sống của hai mẹ con nhân vật chính phải nói là chỉ có một không hai trên đời: người mẹ không hề dạy con học văn luyện võ, thậm chí không dạy con những điều thường thức nhất, mà cứ động một tí lại đánh đập chửi bới con, hoặc người mẹ tự khóc òa lên tức tưởi. Quái lạ nhất là khi đứa con mở miệng xin mẹ cái gì, người mẹ đều nổi điên, nói : "Cẩu tạp chủng, ngươi xin gì ta, ngươi đi mà xin cái tên tiểu tặc ấy!" (Xem Hiệp khách hành). Khiến đứa con cũng như độc giả chả hiểu mô tê gì cả. Những hành động của Mai Phương Cô không hợp với lẽ thường trong cuộc sống, nhưng lại hoàn toàn phù hợp lôgich tâm trạng, tính cách của nàng. Đứa bé trai này không phải là con ruột của nàng, thậm chí cũng không phải là con nuôi của nàng, mà là con của Thạch Thanh với Mẫn Nhu, kẻ thù của nàng. Nó là công cụ để nàng báo thù rửa hận, là đối tượng để nàng trút giận. Điều rất không hợp lôgich là tại sao mối tương tư sâu sắc của Mai Phương Cô đối với Thạch Thanh lại biến thành mối thù tận xương tủy đối với vợ chồng Thạch Thanh. Về chuyện này, trong sách không nói rõ, chỉ có một điểm chắc chắn là ngày trước Thạch Thanh không hề có gì gắn bó với Mai Phương Cô. Ở cuối cuốn tiểu thuyết, Thạch Thanh có nói với Mai Phương Cô như sau : "Ta nói rõ một lần nữa cho nàng nghe, trên thế gian này, trong lòng Thạch Thanh ta chỉ có một người là Mẫn Nhu. Suốt đời Thạch Thanh ta trước giờ chưa hề có người phụ nữ thứ hai. Nếu nàng thích ta, thì chỉ có hại cho ta mà thôi. Điều này ta đã nói với nàng hai mươi hai năm trước, hôm nay ta nhắc lại như vậy". (Xem Hiệp khách hành). Thạch Thanh nói câu này khi có mặt Mai Phương Cô, Mẫn Nhu, Bạch Tự Tại, Thạch Phá Thiên, Đinh Bất Tứ và Mai Văn Hinh, vậy không thể là giả. Rõ ràng hai mươi hai năm trước, Thạch Thanh từng từ chối Mai Phương Cô, hai mươi hai năm nay không hề thay đổi, vẫn một thái độ như cũ. Nghĩa là Thạch Thanh không hề ruồng rẫy gì Mai Phương Cô, cũng không hề đùa giỡn với tình cảm của nàng, không có cam kết hứa hẹn gì cả. Cũng tức thị yêu Thạch Thanh, thù Thạch Thanh là chuyện đơn phương của Mai Phương Cô, không hề do lỗi của Thạch Thanh. Thạch Thanh không tiếp nhận tình yêu của Mai Phương Cô, đương nhiên có làm cho Mai Phương Cô đau khổ, lòng tự trọng và tình cảm bị tổn thương. Nhưng bất cứ ai có lý trí cũng phải hiểu rằng cái đó hoàn toàn không do Thạch Thanh cố ý gây ra, thậm chí căn bản không dính dáng đến Thạch Thanh. Mai Phương Cô chỉ nên tự trách mình say mê người khác mà chọn lầm đối tượng. Người ta yêu chưa chắc yêu ta, cũng như người yêu ta, chưa chắc ta đã yêu họ. Đấy là chuyện thường tình trên thế gian. Quả tình không chín, thì dù cố nuốt, cũng vẫn đắng chát nghẹn họng. Không thể và cũng không có cái lý nào ép người ta phải yêu ta. Mai Phương Cô xem ra không hiểu điều này, lại vì chuyện ThạchThanh từ chối tình yêu của mình mà hủy hoại khuôn mặt xinh xắn của mình đi, coi đối phương như kẻ thù, bắt cóc con nhỏ của đối phương mang về làm đối tượng trút giận của mình.

II

Những gì Mai Phương Cô làm, nói là do tính cách cũng được, song nói là do một thứ bệnh tâm thần thì đúng hơn. Nó cũng giống như Hà Hồng Dược trong Bích huyết kiếm, Lý Mạc Sầu trong Thần điêu hiệp lữ, căn bệnh này thể hiện ở Mai Phương Cô càng rõ hơn. Những người như Mai Phương Cô sở dĩ như thế, đều do cùng một nguyên nhân, là ngay từ đầu đã ảo tưởng cõi nhân gian là thiên đường, trong thiên đường ấy ai ai cũng tâm mãn ý túc, ai ai cũng muốn gì được nấy. Sau đó họ phát hiện cõi nhân gian không phải là thiên đường, thì họ căn bản không thể tiếp thụ, cũng từ chối tiếp thụ, do đó họ bị rơi xuống cái địa ngục do tâm trí họ tạo ra. Như vậy, họ không chỉ đày đọa mình trong địa ngục, mà còn biến mình thành cái địa ngục đối với người khác. Họ căn bản không hiểu rằng cõi nhân gian không phải là thiên đường, mọi người hoặc ít hoặc nhiều đều sẽ có đau khổ và thất vọng, song nếu vì muốn gì không được, cứ khăng khăng cưỡng cầu, đi tới cực đoan, thì sẽ biến tâm linh mình, cuộc sống của mình và cả thế giới này thành địa ngục chốn trần gian. Mà để bảo đảm cõi nhân gian tuy không phải là thiên đường, song cũng không biến thành địa ngục, thì trước hết phải biết qui tắc ở cõi nhân gian. Muốn bảo đảm người tuy không phải là thần thánh, song cũng không biến thành ma quỉ, đương nhiên phải giáo dục cho nên người. Nguyên nhân đầu tiên khiến Mai Phương Cô mắc bệnh tâm thần là nàng không hiểu cuộc sống con người, sự không hiểu này rõ ràng là do thiếu sự giáo dục. Căn nguyên là không có sự giáo dục và yêu thương của cha mẹ. Cha nàng, Đinh Bất Tứ đã ruồng bỏ mẹ con nàng, Mai Phương Cô từ thơ ấu đã thành đứa trẻ không cha. Sự "mồ côi cha" để lại vết thương âm ỉ trong tâm trí Mai Phương Cô, chỉ gặp dịp là phát tác ác tính. Tiếp đó, Mai Phương Cô thuở nhỏ tuy sống với mẹ, nhưng mẹ nàng là Mai Văn Hinh đã dạy nàng những gì? Dạy nàng luyện võ, làm cho nàng thành cao thủ Mai Hoa quyền; dạy nàng học chữ, nữ công, kỹ thuật nấu ăn. Nhưng mẹ nàng không hề dạy nàng nên yêu một con người cụ thể, yêu đồng loại như thế nào. Bởi vì, trong tâm trí Mai Văn Hinh, Đinh Bất Tứ là một tên đại bịp, một kẻ khốn kiếp, không khéo còn cho rằng mọi nam tử đều xấu xa tệ bạc - đại đa số nữ nhân bị hại đều có kết luận như vậy do bản năng. Còn nữ nhân thì sao? Nghĩ đến Sử Tiểu Thúy, thì Mai Văn Hinh không thể nào tâm bình khí hòa, ắt sẽ cho rằng nữ nhân cũng xấu xa nốt. Như thế là Mai Phương Cô từ nhỏ tuy được dạy dỗ đâu ra đó về kỹ thuật, nhưng lại không được giáo dục cái cơ bản nhất là những kiến thức xã hội và nhân văn tương ứng. Mục kích thực tế sinh hoạt của Mai Văn Hinh, cảm nhận nỗi thống khổ tinh thần của mẹ, tiếp thụ cái gương đầy oán độc của người mẹ, Mai Phương Cô nếu có được, chắc cũng chỉ là tâm lý phản tính người, phản xã hội, phản nhân loại, hoặc căn bản không biết gì, hoặc bị cấm kỵ, kinh sợ mỗi khi nhắc đến tính người, xã hội, nhân loại. Cho nên, khi Mai Phương Cô một mình bước vào giới giang hồ, đối diện với đường đời độc lập của mình, tính cách và tâm lý của nàng tất nhiên dễ ngả sang phía cực đoan. Giá như bấy giờ Thạch Thanh tiếp nhận tình yêu của Mai Phương Cô, đáp lại bằng một tình yêu nồng nàn, sưởi ấm dần toàn bộ tâm trạng của nàng, làm lành dần vết thương, tiêu trừ căn bệnh, thì số phận của Mai Phương Cô đã hoàn toàn thay đổi. Nhưng Thạch Thanh lại không tiếp nhận tình yêu say đắm của Mai Phương Cô, khiến cho vết thương lòng của nàng bị khoét sâu thêm, trăm thứ bệnh liền bộc phát. Mai Phương Cô bị cự tuyệt, cảm thấy toàn bộ các giá trị cuộc sống của mình, như tình ý, sắc đẹp, trí tuệ, năng lực, lòng tự trọng, lòng tự tin, mơ ước, đều bị phủ định. Như một con bạc khát nước, ném toàn bộ tài sản vào một canh bạc, thua thì khuynh gia bại sản. Lúc ấy, một thiếu nữ xinh đẹp, trong trắng đa tình sẽ biến thành một kẻ liều mạng mất trí. Lúc ấy, vào giờ phút quyết định đó, giá như cha mẹ Mai Phương Cô kịp thời quan tâm, yêu thương, hướng dẫn và cứu chữa cho con, thì cuộc khủng hoảng tinh thần của nàng sẽ không tiến triển, càng không bộc phát thành cuồng, hết thuốc chữa. Nhưng bấy giờ Đinh Bất Tứ cha nàng không biết đang lang thang nơi đâu, Mai Văn Hinh mẹ nàng vì người chồng bạc tình mà giả chết ẩn cư, tự giam mình trong địa ngục tinh thần; trong thực tế cha mẹ Mai Phương Cô đã biến nàng thành cô nhi, thế là nàng tự hủy hoại dung mạo, chỉ có thể báo thù bằng cách bắt đứa con của kẻ thù làm con tin, đem nó vào rừng sâu sống với mình, cách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Lối sống cách biệt với thế giới của Mai Phương Cô gần giống như sự giả chết ẩn cư của Mai Văn Hinh. Hai mẹ con một căn bệnh và số phận giống nhau.

III

Điều đáng chú ý là Mai Phương Cô tuy tâm thần thất thường, song không phải là không có khả năng phục hồi. Thực ra, trong quá trình sống với "Cẩu tạp chủng" - Thạch Phá Thiên, tuy hay phát tác, nhưng cũng có đôi lúc tỉnh táo, dịu dàng. Tuy hay đánh chửi Thạch Phá Thiên, nhưng Mai Phương Cô cũng có lúc dạy cậu bé cách nấu ăn - kỹ năng sinh tồn. Có lần"Cẩu tạp chủng" còn được Mai Phương Cô dạy cho bài học nhân sinh sâu sắc thế này : "Cẩu tạp chủng, kiếp này ngươi đừng bao giờ cầu xin kẻ khác cái gì cả. Nếu người ta có ý cho ngươi, thì ngươi không cầu xin, người ta cũng sẽ tự cho; người ta đã không chịu, dù ngươi có van xin lạy lục, cũng chỉ uổng công vô ích, lại còn bị người ta ghét bỏ". (Xem Hiệp khách hành). Đấy là kinh nghiệm sống đau khổ nhất của Mai Phương Cô, cũng là bài học duy nhất mà nàng đem dạy cho cho "Cẩu tạp chủng”, bài học ngắn gọn, song đã có giá trị hơn mọi kỹ năng mà mẹ nàng từng dạy cho nàng. Mai Phương Cô đối với "Cẩu tạp chủng" Thạch Phá Thiên có chút tình mẫu tử mà chính nàng không rõ hay chăng? Hai người sống với nhau mười mấy năm, lẽ nào không có tình cảm gì? Nếu không, tại sao cậu thiếu niên "Cẩu tạp chủng" thủy chung cứ cảm thấy thân thiết với người mẹ ”Mai Phương Cô? Có thể chỉ "Cẩu tạp chủng" Thạch Phá Thiên trực giác nhạy bén mới cảm nhận được sự đánh chửi của Mai Phương Cô vẫn có chứa đựng chút tình yêu không dễ thấy của người mẹ đối với con. Tôi thậm chí đoán rằng, giả sử Mai Phương Cô không thất tán với "Cẩu tạp chủng", mà cứ sống với cậu, thì sẽ .có ngày nàng phục hồi được lý trí. Cũng tức là nói rằng chính sự thất tán mới làm cho Mai Phương Cô mất nốt chỗ dựa cuối cùng trong cuộc sống, nên lại phát điên chăng? Cuối cùng, tất cả những người liên quan với Mai Phương Cô trên đời đều đến trước mặt nàng. Cùng lúc nàng nhìn thấy cha mẹ, người yêu, kẻ thù, đứa con nuôi "Cẩu tạp chủng" của mình, biết bao cảm xúc lẫn lộn. Nàng hiểu ra, cả cuộc đời nàng cứ dở dở dang dang, nửa thực nửa hư, trừ cách tự sát, đâu còn sự lựa chọn nào khác? Lúc ấy Mai Phương Cô tỉnh táo và bình tĩnh hơn bao giờ hết, nàng lưu lại trên thế gian, ngoài lời nguyền rủa và sự tuyệt vọng, có sự lưu luyến, chúc phúc, nhiều điều mê hoặc và suy nghĩ... ...

Nhận xét

Bài đăng phổ biến