30. HỒ PHỈ

30.
HỒ PHỈ
Không hiểu chuyện thế gian

Kim Dung tiên sinh nói rằng trong tiểu thuyết Tuyết sơn phi hồ, ông tả nhân vật Hồ Phỉ không hay, nên phải viết thêm quyển Phi hồ ngoại truyện. Nhưng theo tôi, trong quyển sau, hình tượng Hồ Phỉ tả vẫn chưa hay. Mà nguyên nhân tả chưa hay, chính là ở chỗ tả Hồ Phỉ thành một người "nghĩa hiệp chân chính" sẵn sàng cứu nạn chốn giang hồ. Nói cụ thể, trừ cái việc, nói như Mạnh Tử, đại trượng phu phải "phú quí bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất", còn để cho Hồ Phỉ "không vì mỹ sắc mà động lòng, không vì van xin mà động lòng, không vì thể diện mà động lòng”.(Xem Phi hồ ngoại truyện).

Đem một nhân vật trong bộ tiểu thuyết diễn dịch thành quan niệm đạo đức, thì dù thiết kế khéo đến mấy, cũng khó làm cho hình tượng nhân vật ấy thật sự có nội hàm tính cách phong phú. Dầu vậy, tôi vẫn rất thích con người Hồ Phỉ. Nguyên nhân tôi thích có thể không giống như nguyên nhân mà Kim Dung tiên sinh thích. Tôi dĩ nhiên cũng thích Hồ Phỉ trượng nghĩa hành hiệp, chính khí hào hùng, kiên định quả cảm; nhưng nguyên nhân thực sự khiến tôi thích Hồ Phỉ là vì chàng biết phạm sai lầm. Vì biết phạm sai lầm, nhân vật này sẽ đáng tin hơn, càng đáng yêu hơn. Cho nên hay nhất là hãy nhìn Hồ Phỉ bằng con mắt khác.

I

Hồ Phỉ xuất hiện lần đầu vào thời điểm trời đang mưa to, sấm sét đùng đùng, trước mặt bao người dám chỉ trích Miêu Nhân Phụng phu nhân Nam Lan là không có mẫu ái, lương tâm. Thời điểm ấy, tất cả mọi người có mặt tại chỗ, nào các tiêu khách giang hồ, nào võ quan triều đình, nào thủ lĩnh trộm cướp, nào nhân sĩ võ lâm, đều khinh bỉ hành vi của Nam Lan, song không một ai dám công khai bày tỏ quan điểm của mình. Lý do rất đơn giản, gã trai mà Nam Lan trốn đi cùng không phải ai khác, mà chính là đệ nhất cao thủ võ công Điền Qui Nông. Ai dám nói một câu làm cho Điền Qui Nông nổi giận, có khác gì vuốt râu hùm, muốn chết hay sao?

Chỉ có một chàng thiếu niên vô danh gầy gò, vàng võ, bộ dạng như kẻ ăn mày, không nhịn được nói ra điều mình nghĩ, đương nhiên làm chấn động nhân tâm. Đây tất nhiên không phải là một sai lầm, mà là hành vi hiệp nghĩa đầu tiên, dám làm cái việc người khác không dám làm, dám nói những lời người khác không dám nói. Hành vi của Hồ Phỉ cũng chứng minh tính trượng nghĩa bẩm sinh của chàng. Ấy thế mà nhiều vị lớn tuổi, am hiểu thế sự, có mặt tại chỗ, như Mã Hành Không lão luyện giang hồ, lại cho rằng Hồ Phỉ làm như thế chẳng qua là vì trẻ người non dạ, hành động sai trái. Sai lầm của Hồ Phỉ là đem xóa ba chữ "Hồ Nhất Đao" trên tấm bia phóng tiêu trong phòng luyện công của Thương Gia Bảo, thay bằng ba chữ "Thương Kiếm Minh", khiến cho Thương lão thái vừa kinh ngạc vừa tức giận, nghiêm khắc truy hỏi. Khi Thương lão thái nghi ngờ Mã Hành Không, thì Hồ Phỉ lại bước ra, nói Thương lão thái không dám động thủ với người ta, lại đi viết tên người ta lên bia để phóng tiêu cho đỡ tức, "như thế là hèn, là giở trò ma". (Xem Phi hồ ngoại truyện.).

Cuối cùng thấy Thương lão thái không có vẻ giận dữ, Hồ Phỉ lại tới gần bà ta, không một chút đề phòng, bị bà ta tóm được, treo lên mà đánh một trận khổ sở. Đấy là một ví dụ điển hình. Nếu Hồ Phỉ có kinh nghiệm giang hồ, thì chàng không nên xóa tên Hồ Nhất Đao, vì làm thế là rút dây động rừng. Quân tử báo thù, mười năm chưa muộn. Hơn nữa, nếu có kinh nghiệm, dù đã xóa đi rồi, cũng chưa ai nghi ngờ chàng, chàng không nên đứng ra nhận, cứ để choThương lão thái nghi nghi ngờ ngờ có hay hơn không? Nhưng Hồ Phỉ hành động như thế, là biểu hiện tất nhiên của tính cách chàng. Là con của đại hiệp Hồ Nhất Đao, chàng há có thể để tên tuổi của người cha anh hùng bị kẻ khác viết lên bia mà bắn phá hay sao? Hơn nữa, việc ấy chàng đã làm, Thương lão thái lại nghi ngờ cho người khác; hảo hán làm hảo hán chịu, sao lại để người khác chịu trách nhiệm? Nếu thế, không còn là hành động anh hùng, Hồ Phỉ không còn là Hồ Phỉ. Thế nên chàng mới nhận, rồi mất "cảnh giác", bị Thương lão thái tóm cổ đánh cho một trận, được một bài học nhớ đời.

Dựa vào võ công của Hồ Phỉ khi đó, nếu là đối địch chính diện, hoặc có đề phòng một chút, làm sao Thương lão thái tóm được chàng. Nhưng kể ra việc đó cũng là điều tất nhiên, chàng còn quá trẻ, hầu như chưa có kinh nghiệm giang hồ . Tuy nói là Hồ Phỉ khi bị treo lên đánh đòn, "mỗi một roi quất vào người, Hồ Phỉ lại hận là mình ngu xuẩn, không chút đề phòng, để rơi vào tay địch", (XemPhi hồ ngoại truyện) song chúng ta thấy Hồ Phỉ vẫn chưa biết rút ra bài học xương máu. Sau khi tự thoát thân, cứu Bình Tứ thúc ra rồi, lại nện cho Thương Bảo Chấn một trận cho bõ tức, chàng lại tới, tự chui đầu vào lưới, suýt nữa bị tóm lại và bỏ mạng dưới đao của Thương lão thái. Hành động này của Hồ Phỉ không phải là khí khái anh hùng, mà là liều mạng, hữu dũng vô mưu.

Đương nhiên, tất cả đều là biểu hiện tính cách của Hồ Phỉ. Một mặt, Hồ Phỉ là con trai của vị đại hiệp Liêu Đông, lời nói việc làm đều cho ta thấy dòng máu anh hùng chảy trong người chàng. Mặt khác, chúng ta cũng nên thấy, chính vì cha mẹ mất sớm, Hồ Phỉ theo Bình Tứ thúc không chút kinh nghiệm võ lâm đi lưu lạc giang hồ, thiếu sự giáo dưỡng trí tuệ chỉ bảo cần thiết, nên mới cả tin, khinh địch, tự tin, hành động thô thiển như vậy. Có điều là tính cách như thế của Hồ Phỉ quá xa với hình tượng "phi hồ" (con cáo bay) mà tác giả thiết kế, ám chỉ trong sách. Bởi vì Hồ Phỉ không giống con cáo mưu trí khôn ngoan biết bay, mà chỉ giống một con báo hung hăng thô lỗ.


2.

Hồ Phỉ thời thơ ấu như thế, còn Hồ Phỉ lúc trưởng thành thì sao? Chúng ta thấy Hồ Phỉ đã thành người lớn mà vẫn giống như lúc thiếu niên, vẫn chỉ là con báo ấu trĩ, hoàn toàn chưa biến thành con cáo khôn ngoan. Hồ Phỉ vẫn hành động nông nổi, thiếu suy nghĩ như hồi nhỏ. Tại trấn Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông, rõ ràng trong túi không có tiền, người ta không cho chàng lên "Anh hùng lâu” sang trọng, chàng lại hùng hổ gây sự, thật là giống côn đồ hơn giống anh hùng. Cho nên mới xảy ra rắc rối với lão chủ "Anh hùng lâu Phụng Thiên Nam.

Độc giả tiểu thuyết võ hiệp dĩ nhiên sẽ coi Hồ Phỉ như một hiệp sĩ anh hùng, còn coi Phụng Thiên Nam là thân hào ác bá. Nhưng, dù là thế đi nữa, thì Hồ Phỉ lỗ mãng thành tính, vẫn tiếp tục cái kiểu có hảo tâm nhưng toàn gây chuyện tệ hại, vô tình làm chết cả nhà Chung A Tứ, một gia đình nghèo ở trấn Phật Sơn. Đương nhiên không phải là bảo Hồ Phỉ đừng chủ trì lẽ công bằng cho gia đình Chung A Tứ, cũng không bảo chàng để yên cho cha con tên ác bá địa phương Phụng Thiên Nam, cũng không bảo chàng đừng đến miếu Bắc Đế xem xét hiện trường, công khai phán xử; mà là bảo chàng không nên giữa chừng lại dễ dàng mắc mưu điệu hổ ly sơn, bỏ mặc nguyên cáo và bị cáo ở trong miếu, đuổi theo kẻ khác. Đến lúc phát hiện mình bị lừa, trở lại miếu, thì hai vợ chồng Chung A Tứ và cậu con trai đã bị giết hại ! Giá như Hồ Phỉ không can thiệp vào vụ này, gia đình Chung A Tứ tuy bị hàm oan, nhưng cũng không đến nỗi bị chết thảm cả nhà.

Chỉ vì Hồ Phỉ muốn làm cứu tinh, nhưng giữa chừng phạm sai lầm, đầu voi đuôi chuột, mới dẫn họ đến đại họa. Về điểm này, Hồ Phỉ cũng đành phải thừa nhận, vừa khóc vừa nói : “Chung Tứ ca, Chung Tứ tẩu, Chung gia huynh đệ, là Hồ Phỉ ta bất tài, đã làm các vị phải bỏ mạng”. Rồi nhìn ba cái thi thể chết không nhắm mắt kia, chàng thề trước tượng thần Bắc Đế :"Bắc Đế gia gia, hôm nay con xin Người chứng giám cho con, Hồ Phỉ con nếu không giết cha con Phụng Thiên Nam để báo thù cho cả nhà Chung A Tứ, thì con sẽ về đây tự vẫn trước Người". (Xem Phi hồ ngoại truyện) Như thế, việc Hồ Phỉ truy sát Phụng Thiên Nam khác xa với thiết kế ban đầu của tác giả. Tác giả muốn Hồ Phỉ là người thật sự hiệp nghĩa, không bị thứ này thứ kia kích động, nay lại làm thế, một phần là để chuộc tội cho mình, một phần cho bõ tức, vì cha con Phụng Thiên Nam mà chàng bị lừa. Đáng chú ý là cuối cùng Hồ Phỉ cũng không giết cha con Phụng Thiên Nam (Phụng Thiên Nam bị người khác giết), căn bản cũng không tra cứu Phụng Nhất Minh ở đâu, song Hồ Phỉ không trở về miếu Bắc Đế Ở trấn Phật Sơn tỉnh Quảng Đông để tự vẫn. Đủ thấy hành động "thật sự hiệp nghĩa" chưa hẳn đã có thực, lời thề của người anh hùng cũng như gió thoảng bên tai.

Chúng ta không cần dùng tiêu chuẩn hiệp nghĩa lý tưởng để đòi hỏi Hồ Phỉ, mà chỉ dùng tiêu chuẩn người bình thường, cũng đã thấy tính cách của Hồ Phỉ có khuyết điểm rõ ràng. Mặc dù mỗi lần hành động, chàng ta cơ hồ đều có động cơ hiệp nghĩa, nhưng lần nào kết quả cũng trái với ý muốn. Ngoài việc làm chết cả nhà Chung A Tứ, trên đường đuổi theo Phụng Thiên Nam, Hồ Phỉ lại từ động cơ hiệp nghĩa, ngăn cản Chung Tam Hùng (lại họ Chung !), hộ vệ vợ chồng Lưu Hạc Thiên đem tin cho đại hiệp Miêu Nhân Phụng, kết quả không ngờ làm cho Miêu Nhân Phụng trúng độc mù mắt ! Rồi lại xuất phát từ hảo tâm, muốn giúp vợ chồng Mã Xuân Hoa, kết quả đã không cứu sống được Từ Tranh, còn làm hỏng "hảo sụ” của Mã Xuân Hoa. Hồ Phỉ đi cùng Viên Tử Y, mà trước sau vẫn không phát hiện đối phương là ni cô. Cuối cùng, lại tưởng lầm đại đầu lĩnh Trần Gia Lạc của Hoa Hồng Hội là kẻ tâm phúc của Phúc Khang An ở triều đình mà chửi bới và đánh nhau một trận tơi bời. Đối với Hồ Phỉ, những chuyện như thế không có gì lạ. Nếu chúng ta đòi hỏi Hồ Phỉ phải biết thân phận của Viên Tử Y, sự thật giả của Phúc Khang An, chỉ e quá khe khắt. Từ đầu chí cuối, Hồ Phỉ đều không phải là mộtngười có kinh nghiệm, đều không biết suy xét gì cả.

May mà Hồ Phỉ tuy trẻ người nông nổi, liên tiếp phạm sai lầm, nhưng được cái biết sai thì sửa. Đã làm mù mắt Miêu Nhân Phụng, thì chàng đi mời đệ tử của "Độc thủ dược vương” đến cứu chữa cho Miêu Nhân Phụng. Đối với Mã Xuân Hoa, chàng càng giúp đến cùng. Về mặt tâm địa, Hồ Phỉ đương nhiên là một người tốt, thậm chí có thể gọi là một hiệp sĩ chân chính; nhưng về tính cách, vị hiệp sĩ này quá thô lỗ. Như chuyện viết trong sách, bảo Hồ Phỉ luôn luôn trượng nghĩa giang hồ, thì không đúng, mà nên nói Hồ Phỉ là một kẻ thô lỗ, luôn luôn phải lập công chuộc tội.


CUỐI

Bây giờ vấn đề đã tương đối rõ, động cơ hành hiệp của Hồ Phỉ tuy tốt, nhưng kết quả cuối cùng thường là nguy hại. Dẫu có thể bổ cứu, nhưng đã không còn là thuần túy hành hiệp. Nếu tác giả tỉnh táo nhận thức điều này, chứ không nhắm mắt miêu tả nhân vật Hồ Phỉ thành một "hiệp sĩ chân chính", thì hình tượng Hồ Phỉ chắc sẽ chân thực, đáng yêu hơn nhiều. Tuy tác giả có vô tình tả đến khuyết điểm của Hồ Phỉ, nhưng vì đã quá đề cao cảnh giới tư tưởng của nhân vật này, nên hình tượng nhân vật không đạt được chiều sâu cần phải có.

Thứ nhất, e rằng tác giả không ý thức được đặc trưng tính cách của Hồ Phỉ trên giang hồ là càng làm càng sai, đã sai còn hay làm. Hồ Phỉ thiếu kinh nghiệm giang hồ, tính cách xốc nổi, thô lỗ. Nếu tác giả tả Hồ Phỉ biết nhận ra khuyết điểm của mình, trong quá trình hành hiệp giang hồ, luôn luôn tự kiểm thảo, đấu tranh với khuyết điểm đó, thì hình tượng nhân vật Hồ Phỉ tất nhiên sẽ đạt hơn. Thứ hai, tác giả tả Hồ Phỉ phạm sai lầm cũng được, nhưng sai lầm của Hồ Phỉ đối với Miêu Nhân Phụng lại chỉ tả là do bị lừa, tuy xem ra có vẻ phù hợp với đặc trưng tính cách thiếu kinh nghiệm giang hồ , song không hề tả mâu thuẫn tâm lý cần có, xung đột phức tạp và sự lựa chọn đầy khó khăn của Hồ Phỉ. Bởi vì Miêu Nhân Phụng không phải ai khác, mà chính là cao thủ vô địch thiên hạ, là kẻ thù đã giết cha chàng. Dẫu rằng Hồ Phỉ biết về điều này không nhiều, và Miêu Nhân Phụng cũng thành tâm ân hận, song Hồ Phỉ cũng phải lâm vào tâm trạng phức tạp và khủng hoảng tâm lý.

Không nói đâu xa, chuyện của Dương Quá là ví dụ so sánh rất rõ: Trong lòng Dương Quá, mối thù giết cha trước sau cứ gặm nhấm tâm trí chàng, hình ảnh người cha chỉ là tưởng tượng. Còn Hồ Nhất Đao thì hiển nhiên là anh hùng hơn hẳn Dương Khang, song bị chết bởi tay Miêu Nhân Phụng, thì sự việc ắt phải rắc rối, khó phân biệt hơn rất nhiều. Trong khi đó tính cách của Hồ Phỉ thô thiển hơn hẳn so với Dương Quá, kết quả ra sao, làm gì chẳng đoán được? Thực ra, sai lầm lớn nhất của tác giả là không nên chỉ coi đó như một tình tiết nhỏ trong quá trình truy sát Phụng Thiên Nam; lẽ ra phải lấy đó là hạt nhân, hoặc là tình tiết trọng yếu để cấu tứ thêm thắt. Bởi vì dẫu xét về võ công hoặc tính cách của Hồ Phỉ,thì sau khi luyện thành võ công, việc hệ trọng số một trong đời phải là làm rõ chân tướng cái chết của cha mẹ mình, quyết ý đi tìm kẻ thù giết cha mình, chứ sao lại đi lang thang vô mục đích trên giang hồ, đến trấn Phật Sơn sắm vai cảnh sát và quan tòa như vậy.

Tiếp đó, đối với cái ơn của Mã Xuân Hoa, Hồ Phỉ cả đời ghi nhớ và tìm cách báo đáp, dĩ nhiên đấy là một phẩm chất đạo đức cao quí. Nhưng việc Hồ Phỉ bênh vực Mã Xuân Hoa, lẽ ra còn phải có động cơ tâm lý phức tạp ẩn giấu và mâu thuẫn tâm lý sâu sắc của nó. Hồ Phỉ lần đầu gặp Mã Xuân Hoa, nàng đang như bông hoa chớm nở, chàng trai Hồ Phỉ mới lớn lập tức phải lòng, thầm yêu trộm nhớ, như thế thì việc Hồ Phỉ ghi nhớ sâu sắc ân tình của Mã Xuân Hoa mới có chỗ dựa tâm lý. Sau này Hồ Phỉ trưởng thành, Mã Xuân Hoa vẫn xinh tươi như ngày nào, trong việc báo ân, bênh vực Mã Xuân Hoa của Hồ Phỉ nếu có dư âm ký ức tuổi trẻ, thì nội hàm nhân văn của nó sẽ cao hơn nhiều. Dĩ nhiên, nếu viết như thế, Hồ Phỉ sẽ không còn là "hiệp sĩ chân chính" dưới con mắt của tác giả nữa.

Cũng có nghĩa là, chính vì muốn tả một "hiệp sĩ chân chính", tác giả mới hi sinh cái "con người chân thực" của Hồ Phỉ. Điều này thường gặp trong các tiểu thuyết võ hiệp, nhưng phải coi đó là một sai lầm không nhỏ trong tiểu thuyết của Kim Dung.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến