'Nháo nhác' tìm mồ mả tổ tiên
Sau khi cơ quan chức năng tổ chức cưỡng chế thu hồi đất để
phục vụ dự án cụm công nghiệp Minh Hải 1 (H.Văn Lâm, Hưng Yên), hàng chục người
dân hốt hoảng phát hiện mồ mả tổ tiên bị hư hại, không còn xác định được vị
trí.
Dựng lều trông mồ mả sau buổi cưỡng chế thu hồi đất
Nhiều ngày qua, hàng chục người dân ở xã Minh Hải (H.Văn Lâm, Hưng Yên)
luân phiên nhau túc trực dưới túp lều tạm trên đường dẫn ra cánh đồng làng để bảo
vệ hiện trường, nơi có nhiều mồ mả bị hư hại sau buổi cưỡng chế thu hồi đất phục
vụ dự án cụm công nghiệp Minh Hải 1 vào ngày 6.6.
Nhớ lại giây phút nghe tin, ông Đoàn Văn Duy (70 tuổi) cảm thấy bàng
hoàng rồi tức tốc thu xếp từ Hà Nội về quê nhà. Chứng kiến cảnh tượng mồ mả của
dân làng bị xâm hại khi tổ chức cưỡng chế, ông Duy cho biết việc này thể hiện sự
coi thường người dân.
Tại hiện trường, ông Duy kiểm tra thì thấy mồ mả của 2 người mẹ (bố ông lấy
2 vợ) bị hư hại. Trong đó 1 ngôi mộ bị múc nghiêng, nứt vỡ; ngôi còn lại có dấu
hiệu bị gầu xúc "băm, bổ", sây xước lởm chởm.
"Theo đạo lý, đạo đức và văn hóa tâm linh thì trước khi thu hồi đất,
cơ quan chức năng phải bố trí nơi tập kết để người dân di dời mồ mả tổ tiên,
người thân. Đằng này, gia đình tôi và bà con ở đây thì chưa thấy thông báo sẽ
tiến hành thế nào, di dời mồ mả đến đâu", ông Duy bức xúc nói và cho rằng
"không có lý do gì để bao biện" cho việc mồ mả bị hư hại.

Là hộ gia đình có khoảng hơn 2.400 m2 đất ruộng bị thu hồi, bà Nguyễn Thị
Sơn (65 tuổi) cho biết lý do gia đình không nhận tiền đền bù vì mức giá bồi thường
không thỏa đáng.
Ngày tổ chức cưỡng chế, bà Sơn bị mời ra khỏi ruộng vườn của gia đình
đang canh tác. Chiều cùng ngày, khi nghe tin dân làng loan báo "mồ mả cha
ông bị san phẳng", bà tức tốc chạy đến hiện trường rồi bất lực gào khóc.
Hiện 2 ngôi mộ đất của gia đình bà đã bị san gạt, không còn phương hướng ác định
vị trí.
Theo ghi nhận vào chiều 10.6, khu vực có nhiều mồ mả bị hư hại nằm ở vị
trí đầu làng. Do bị máy móc quần thảo, cào bới nên trên mặt đất, cây cối nằm ngổn
ngang.
Một số ngôi mộ trát xi măng bị nứt, vỡ toác, thậm chí có ngôi còn nhìn
sâu được vào bên trong. Xung quanh khu vực này, một số vị trí được người dân cắm
hương để đánh dấu, được cho là vị trí của những ngôi mộ đắp đất.
Công an tỉnh Hưng Yên vào cuộc
Theo ông Nguyễn Văn Hanh (65 tuổi, tổ an ninh ở xã Minh Hải), qua thống
kê, sau buổi cưỡng chế thu hồi đất có gần chục ngôi mộ xây bằng xi măng bị hư hại
và hàng chục ngôi mộ đất của dân làng bị máy móc san phẳng.
"Điều này khiến bà con bức xúc. Ngày 6.6, tôi đã lập biên bản hiện
trường về vụ việc có dấu hiệu xâm hại mồ mả và hướng dẫn người dân khai báo, thống
kê tiếp những ngôi mộ bị ảnh hưởng", ông Hanh cho hay.
Cũng theo ông Hanh, sau khi vụ việc xảy ra, công tác tổ chức cưỡng chế bị
tạm dừng.
"Tinh thần của bà con bây giờ đang phẫn nộ đỉnh điểm. Đây là khu
nghĩa trang cũ, có ngôi mộ như là cái bát úp, giờ bị san phẳng không xác định
được vị trí thì rất khó để biết đâu là mộ của gia đình mình, đâu là mộ của hàng
xóm", ông Hanh nói và đề nghị phải xử lý nghiêm hành động xâm hại mồ mả.
Trao đổi với Thanh Niên chiều 10.6, ông Lê Quang Đào, Chủ tịch UBND xã
Minh Hải, xác nhận sau vụ cưỡng chế thu hồi đất, phía xã đã có mặt tại hiện trường
và ghi nhận có 8 ngôi mộ xi măng bị "sây xước". Đối với trường hợp mồ
mả đất bị san phẳng thì chưa thể khẳng định số lượng.
Ông Đào cho biết thêm, sau khi vụ việc xảy ra, Công an tỉnh Hưng Yên đã cử
cán bộ xuống ghi nhận hiện trường để xử lý theo quy định.
Được biết, Cụm công nghiệp Minh Hải 1 được UBND tỉnh Hưng Yên ra quyết định
thành lập vào năm 2019, với diện tích gần 69 ha, do Công ty CP đầu tư hạ tầng
Kim Long l làm chủ đầu tư.
Cụm công nghiệp nhằm mục tiêu phục vụ di dời, đầu tư, mở rộng sản xuất,
kinh doanh của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, cơ sở sản xuất hộ gia
đình.
Quá trình thực hiện dự án, nhiều hộ dân không nhận kinh phí bồi thường, hỗ
trợ và đề nghị được thỏa thuận với chủ đầu tư để tăng giá bồi thường.
Nhận xét
Đăng nhận xét