C.P. Việt Nam xử lý heo bệnh bằng cách 'nấu cho cá ăn':
Đúng hay sai, có nguy hại gì?
Đại diện C.P. Việt Nam tại Hậu Giang xác nhận với báo chí rằng
hình heo bệnh lan truyền là có thật, được chụp tại cơ sở giết mổ Dững Nga và đã
được đem tiêu hủy theo quy định. Tuy nhiên, việc tiêu hủy bằng cách "nấu
cho cá ăn" đã đặt ra nhiều câu hỏi.
Ngày 2/6, ngành chức năng tỉnh Hậu Giang đã kiểm tra hai lò giết mổ gia
công cho Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam. Động thái này diễn ra sau khi
một cựu nhân viên của C.P. đăng bài tố công ty này trộn heo bệnh vào sản phẩm
bán ra thị trường.
Tại buổi làm việc với đoàn kiểm tra, ông Hà Hữu Tâm, đại diện C.P. Việt
Nam tại Hậu Giang, cho biết hình ảnh heo lan truyền trên mạng xã hội do ông
L.Q.N., một cựu nhân viên của công ty, đăng tải.
Ông Tâm khẳng định hình ảnh đó được chụp tại cơ sở giết mổ Dững Nga, lưu
lại để báo cáo công ty.
Theo ông Tâm, hai mảnh heo bị viêm da nặng với tổng trọng lượng 72,7 kg,
sau đó đã được tiêu hủy tại chỗ theo đúng quy trình và khẳng định sản phẩm này
không được vận chuyển đi nơi khác.
"Khi phát hiện con heo không được sạch như những con heo bình thường,
phía lò mổ, công ty, thú y phối hợp xử lý hủy tại lò bằng cách nung nấu và chuyển
cho cá ăn," theo ông Tâm.
Ông Tâm cũng cho biết thời điểm đó cả ba bên xác định "con heo không
thể đảm bảo đưa ra thị trường" nên đã cùng ký văn bản quyết định tiêu hủy,
theo báo Dân Trí.
Về vấn đề tiêu hủy gia súc bị bệnh, Luật Thú y 2015 và Thông tư 07/2016 của
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường)
nêu rõ:
"Tổ chức, cá nhân khi phát hiện động vật mắc bệnh, chết, có dấu hiệu
mắc bệnh truyền nhiễm hoặc động vật nuôi bị chết bất thường mà không rõ nguyên
nhân phải thực hiện ngay việc khai báo dịch bệnh động vật cho nhân viên thú y cấp
xã, Ủy ban nhân dân (UBND) cấp xã hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành thú y nơi gần
nhất theo quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật Thú y."
Một luật sư không muốn nêu tên nói với BBC News Tiếng Việt rằng, theo quy
trình, nếu phát hiện hoặc nghi ngờ heo nhiễm bệnh thì cần khai báo ngay với cơ
quan thú y để đơn vị này lấy mẫu vật phẩm phân tích, kiểm tra xem có mầm bệnh
truyền nhiễm hay không và phải có biên bản giám sát dịch bệnh.
"Nếu phát hiện bệnh truyền nhiễm phải xử lý ngay theo quy định như
chôn lấp, xử lý nhiệt, trải bạt, rải hóa chất, phun khử khuẩn... tuyệt đối
không được giết mổ."
Về vấn đề này, ngày 3/6, tại cuộc họp thường kỳ của Bộ Nông nghiệp và Môi
trường, bà Nguyễn Thu Thủy, Cục phó Cục Chăn nuôi - Thú y (Bộ Nông nghiệp và
Môi trường), cho biết vụ việc đã xảy ra từ năm 2022, ở một cơ sở giết mổ ở Hậu
Giang.
Bà Thủy cho biết tại thời điểm báo cáo, cơ sở giết mổ chỉ báo cáo có triệu
chứng ở ngoài da chứ không báo cáo dịch bệnh, thế nên xin xử lý nhiệt và cho cá
ăn, đây là việc đã có hướng dẫn của Cục Thú y.
Theo bà Nguyễn Thu Thủy, căn cứ theo các dấu hiệu hình ảnh cung cấp thì
đó là thịt lợn bệnh, phải xử lý tiêu hủy và phải đóng dấu hình tam giác, song dấu
thân thịt lại là dấu vuông (dấu được phép lưu thông trên thị trường) là đóng
sai dấu.
Tuy nhiên, khi kiểm tra cơ sở giết mổ thì Cục Chăn nuôi và Thú ý nhận được
báo cáo là "chưa có biên bản xử lý".
"Cơ quan chức năng đang đề nghị cơ sở giết mổ này làm rõ và cung cấp
đầy đủ hồ sơ của việc xử lý hai thân thịt có hiện tượng mắc bệnh như vậy",
bà Thủy cho hay.
Theo Tuổi Trẻ, về cách xử lý hai thân thịt trên bằng cách cho cá ăn, Thứ
trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cho rằng "việc này là
sai", trường hợp như vậy phải xử lý bằng vôi, hóa chất hoặc đốt.
"Đã như thế là bệnh, không có triệu chứng gì cả... Nhìn thân thịt
con heo mẩn đỏ hết, triệu chứng xuất huyết, không vi rút thì vi khuẩn, không đổ
cho cá ăn được" - ông Tiến nói thêm.
Vị luật sư nói trên chia sẻ thêm: "Thông tin công khai trên báo chí
chỉ nói việc ba bên: chủ lò mổ, công ty C.P. và thú y ký văn bản quyết định
tiêu hủy nhưng không thấy được việc lấy mẫu phân tích, làm rõ tình trạng của
heo bị bệnh. Nếu thông tin công khai ấy là chính xác thì có thể thấy có sự tắc
trách, không tuân thủ đúng pháp luật về thú y và vấn đề phòng chống dịch bệnh."
Luật sư này nhấn mạnh rằng, thay vì thực hiện chôn lấp và khử trùng theo
đúng quy định, công ty lại mang heo bệnh đi đun nấu để làm thức ăn cho cá – một
cách làm trái với quy định về tiêu hủy động vật mắc bệnh. Việc này không chỉ tiềm
ẩn nguy cơ làm lây lan mầm bệnh sang các vật nuôi khác mà còn có thể gây ô nhiễm
môi trường nghiêm trọng.
Ngày 3/6, Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Sóc Trăng đã có báo cáo nhanh
kết quả kiểm tra tại các địa điểm kinh doanh của C.P. Việt Nam trên địa bàn tỉnh
Sóc Trăng. Theo đó, Công ty C.P. có bốn địa điểm kinh doanh. Qua kiểm tra, đoàn
chức năng không phát hiện sản phẩm heo, gà bệnh hay hết hạn sử dụng.
Tuy nhiên, ba cơ sở (số 12, 21 và 8) có giấy chứng nhận an toàn thực phẩm
đã hết hạn, ba cơ sở chưa xuất trình bản gốc giấy đăng ký kinh doanh và cả bốn
cơ sở đều thiếu giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm cho chủ và
nhân viên theo quy định.
Tập đoàn Charoen Pokphand (C.P.) Thái Lan đầu tư vào Việt Nam từ năm
1988, sau khi Việt Nam mở cửa năm 1986 theo chủ trương đổi mới, với hình thức mở
văn phòng đại diện tại TP HCM. Năm 1993, C.P. thành lập Công ty TNHH chăn nuôi
C.P., xây nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2, TP
Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai.
Nhận xét
Đăng nhận xét