BỎ RƠI VIỆT NAM:-69-LỆNH MỚI TỪ HÀ NỘI

 
BỎ RƠI VIỆT NAM:
SÀI GÒN THẤT THỦ
69-LỆNH MỚI TỪ HÀ NỘI

Quan sát sự sụp đổ nhanh chóng của nửa phần phía bắc Nam Việt Nam và nhận ra rằng Thiệu và lực lượng của ông ta đang ở thế bí, Bộ Chính trị Bắc Việt quyết định rằng việc chờ đợi đến năm 1976 để phát động cuộc tấn công cuối cùng không còn cần thiết nữa. Theo tướng Trần Văn Trà của QĐNDVN, Tướng Giáp là người đầu tiên nhận ra rằng đã đến lúc phải giáng đòn cuối cùng. Tin rằng sự can thiệp của Hoa Kỳ vào chiến trường là rất khó xảy ra, Giáp kết luận rằng lực lượng Nam Việt Nam, với tốc độ hơn một tiểu đoàn tan rã mỗi ngày, đã bị suy yếu đến mức họ “không thể đối phó với các lực lượng ngày càng mạnh hơn của cách mạng Việt Nam, về mặt quân sự hoặc chính trị.” Lê Duẩn đồng ý với Giáp;  cùng nhau họ thuyết phục các đồng chí của mình  trong ban lãnh đạo Bắc Việt rằng đã đến lúc đập tan chính quyền “bù nhìn” bằng một chiến dịch quyết định được thiết kế để chấm dứt chiến tranh một lần và mãi mãi. Vào ngày 25 tháng 3, Bộ Chính trị đã gửi điện cho Tướng Dũng ở miền Nam để “tiến lên một bước lớn” nhằm nắm bắt “cơ hội ngàn năm có một nhằm giải phóng Sài Gòn trước mùa mưa”, do đó đảm bảo “thống nhất Tổ quốc”. Dũng, háo hức chiếm Sài Gòn, đã đồng ý với đánh giá của Bộ Chính trị, nhưng ông muốn có thêm vài ngày để “tấn công, tiêu diệt, và làm tan rã” các lực lượng Nam Việt Nam còn lại trên bờ biển giữa Tuy Hòa và Cam Ranh trước khi phát động một cuộc tấn công mới. Viết trong hồi ký của mình sau chiến tranh, ông giải thích rằng “Kẻ thù lúc này đang hoang mang và hoảng loạn và đang bị lực lượng của chúng tôi truy đuổi sát bên lưng… Lực lượng chúng tôi chỉ chịu các thiệt hại nhỏ trong chiến đấu;  tinh thần chiến đấu của quân đội chúng tôi đã tăng lên rất nhiều. Chúng tôi vẫn mạnh về mặt hậu cần—chỉ một phần đạn dược dành cho kế hoạch đã được sử dụng, và một lượng đạn dược khá lớn đã được thu giữ từ kẻ thù,” nhưng “kẻ thù sẽ không tan rã và bỏ chạy nếu chúng tôi không gây ra những đòn chí mạng, nhanh chóng và liên tục.”
 
Bộ Chính trị đồng ý, thúc giục Dũng tiêu diệt lực lượng kháng cự còn lại và tiến về Sài Gòn càng nhanh càng tốt. Dũng đã làm đúng như vậy, đẩy lực lượng của mình hơn một nghìn dặm dọc theo bờ biển một cách nhanh chóng, hoàn thành một trong những chiến công hậu cần lớn nhất và phức tạp nhất của cuộc chiến. Các đoàn quân lực lượng lớn, thiết bị và xe cộ, nhiều thứ trong số đó được tịch thu từ miền Nam, di chuyển xuống xa lộ ven biển hướng về Sài Gòn. Các lực lượng khác áp sát thủ đô từ phía tây và phía nam.
 
Vào ngày 3 tháng 4, Tướng Dũng đến sở chỉ huy mới của mình ở phía tây Lộc Ninh, chỉ cách Sài Gòn 60 dặm về phía bắc. Lúc này, Dũng có trong tay 16 sư đoàn bộ binh được hỗ trợ bởi xe tăng, công binh, pháo binh và các đơn vị phòng không và được tổ chức thành năm quân đoàn (1, 2, 3, 4 và Lực lượng Chiến thuật 232, một đội hình quân đoàn mới thành lập gồm bốn sư đoàn). Khi các lực lượng này di chuyển về phía các vị trí tấn công, Dũng và đội ngũ của ông đã hoàn thành kế hoạch của họ. Vào ngày 8 tháng 4, Dũng nhận được một lệnh khác từ Hà Nội, tái khẳng định quyết định tấn công Sài Gòn trước khi kết thúc tháng. Dũng thừa nhận đã nhận được lệnh và, vì chưa chọn mật danh, nên đã đề xuất rằng chiến dịch này được đặt tên là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”, và Bộ Chính trị đã đồng ý bằng điện tín trả lời vào ngày 14 tháng 4.
 
Trong khi Dũng tập hợp lực lượng, Thiệu đã khảo sát quân đội Nam Việt Nam sẵn sàng bảo vệ thủ đô: ba sư đoàn trong Quân đoàn III của Quân đội Việt Nam Cộng hòa (5, 18 và 25) và ba sư đoàn trong Quân đoàn IV (7, 9 và 21), cộng với những tàn quân của các sư đoàn Thủy quân Lục chiến và Nhảy dù, một số tiểu đoàn thiết giáp, một số nhóm biệt động đã rời rã, và những binh lính sống sót sau thảm họa ở Quân đoàn I và II, tổng cộng khoảng 60.000 quân. Quân đội Nam Việt Nam rõ ràng bị áp đảo về số lượng, nhưng con số không nói lên toàn bộ câu chuyện. Theo một viên chức Sài Gòn, việc mất hai khu vực Quân đoàn phía bắc đã “đánh một đòn nghiêm trọng vào uy tín và tinh thần của lực lượng vũ trang Việt Nam Cộng hòa vì nó liên quan đến sự thảm bại của các đơn vị thiện chiến nhất trong QĐVNCH.” Trong khi Bắc Việt, đang thắng lợi, bắt đầu tăng cường tấn công, thì quân miền Nam  mất tổ chức và suy sụp tinh thần đã thể hiện những đặc điểm của một đội quân chủ bại ngay cả trước khi trận chiến đỉnh cao ở Sài Gòn bắt đầu.
 
Dân chúng cũng đau xót trước chuỗi chiến thắng dường như bất tận của Bắc Việt. Một viên chức chính phủ tuyệt vọng nói rằng sự sụp đổ liên tiếp của các tỉnh “giống như một trận tuyết lở”. Thật không may, nỗi sợ hãi và thất bại chung lại không giúp đoàn kết mọi người lại với nhau đằng sau chính quyền và quân đội. Cả binh lính và dân chúng dường như đều quan tâm chủ yếu đến số phận của chính mình. Một nhà báo quan sát thấy cảm giác hoảng loạn và tuyệt vọng ngày càng tăng ở Sài Gòn đã lưu ý rằng “không có tinh thần hỗ trợ hoặc hy sinh nào được hiệu triệu”. Viễn cảnh về một chiến thắng lừng lẫy của Cộng sản khiến người dân miền Nam sợ hãi dưới mọi cấp độ, nhưng hầu hết đều làm rất ít hoặc không làm gì để ngăn chặn điều đó. Nỗi kinh hoàng bắt đầu lan rộng trong số các công chức, thành viên quân đội và công chúng nói chung.  Người Công giáo và bất kỳ ai đã ủng hộ hoặc làm việc với người Mỹ theo bất kỳ cách nào đều đặc biệt sợ hãi. Trớ trêu thay, những tuyên bố của các quan chức tại Hoa Kỳ đã góp phần nuôi dưỡng cơn cuồng loạn đang lan rộng. Henry Kissinger, người đã thay thế William Rogers làm ngoại trưởng vào năm 1973, đã làm chứng trước Ủy ban Tài chính Thượng viện rằng những người được coi là “nguy hiểm đến tính mạng” ở Việt Nam bao gồm “tất cả những người phục vụ trong bộ máy hành chính của chính quyền Nam Việt Nam, trong nhiều cơ quan lập pháp ở các tỉnh, trong nhiều lực lượng cảnh sát khác nhau, [và] tất cả những người làm việc cho Hoa Kỳ trong nhiều chương trình khác nhau của nước này”.Bộ trưởng Quốc phòng James Schlesinger cho biết có tới 200.000 người Việt Nam có thể bị thảm sát trong cuộc tiếp quản của Cộng sản. Những tuyên bố như vậy đã được lan truyền rộng rãi ở Sài Gòn, làm gia tăng sự tuyệt vọng và viễn cảnh khủng bố.  Mặc dù thành tích trước đây của người Cộng sản trong những trường hợp như vụ thảm sát Huế đã tạo ra căn cứ để báo động, nỗi sợ hãi bao trùm xã hội miền Nam  là một phản ứng thái quá gây ra tình trạng tê liệt gần như hoàn toàn tại thời điểm cần phải hành động để bảo vệ thành phố.
 
Người miền Nam càng sợ hãi hơn khi có tin đồn Hoa Kỳ đang lập kế hoạch di tản người Mỹ khỏi Sài Gòn. Đại sứ Martin đã cố gắng dập tắt những tin đồn này. Ông tiếp tục duy trì quan điểm chính thức của Hoa Kỳ rằng Nam Việt Nam, nếu được cung cấp thêm viện trợ, có thể ổn định chiến trường. Phó của ông, Wolfgang Lehman, đã nói với những thính giả tại một cuộc họp của đại sứ quán vài ngày sau khi Đà Nẵng thất thủ rằng theo quan điểm của ông, “Về mặt quân sự, Bắc Việt không có khả năng phát động một cuộc tấn công vào Sài Gòn”.
 
Tuyên bố của Lehman thật khôi hài. Đến cuối tuần đầu tiên của tháng 4, trừ một vài vùng đất nhỏ ở Phan Rang và Phan Thiết trên bờ biển, hai phần ba Nam Việt Nam đã rơi vào tay Bắc Việt. 6 trong số 13 sư đoàn của QLVNCH đã biến mất, cùng với nhiều quân lính khác trong các đơn vị biệt động, địa phương quân, không quân và hỗ trợ. Tổn thất về vũ khí, vật tư và thiết bị là rất lớn. Ngược lại, Bắc Việt, tích lũy hết thắng lợi này sau thắng lợi khác, đã tiến vũ bão về Sài Gòn gần như không hề hấn gì. Tướng Dũng viết, “Số người chết và bị thương rất nhỏ so với những chiến thắng đã giành được, và chi phí về vũ khí và đạn dược là không đáng kể.”
 
Tốc độ tiến công của Quân đội Nhân dân Việt Nam rõ ràng đã làm tê liệt bộ máy lãnh đạo của Nam Việt Nam. Chính quyền dân sự, dường như choáng váng, có vẻ hoạt động như thể không có gì xảy ra. Bộ máy lãnh đạo quân sự thì chẳng khá hơn là bao.  Một nỗ lực đã được thực hiện để đưa ra một kế hoạch phục hồi các sư đoàn bị phá tan trong cuộc di tản miền bắc, nhưng kế hoạch hoàn thành dựa trên khoản viện trợ quân sự bổ sung khổng lồ của Hoa Kỳ để thay thế các thiết bị bị mất trong cuộc rút lui. Những người lập kế hoạch đã đề xuất tái trang bị cho ba sư đoàn bộ binh vào ngày 15 tháng 6. Nhận ra rằng số phận của Sài Gòn sẽ được giải quyết theo cách này hay cách khác từ lâu trước đó rồi, Văn phòng Tùy viên Quốc phòng Hoa Kỳ đã nói với Tham mưu trưởng Liên quân rằng kế hoạch này không khả thi và yêu cầu họ quay lại bàn giấy. Khi TMTLQ  phớt lờ yêu cầu của DAO, Thiếu tướng Homer D. Smith, người thay thế Thiếu tướng Murray chỉ huy DAO vào giữa năm 1974, đã ra lệnh cho ban tham mưu của mình đưa ra kế hoạch tái thiết đơn vị của riêng mình.  Họ đã làm như vậy, và TMTLQ nhanh chóng thông qua khuyến nghị của Hoa Kỳ, nhưng từ chối điều động các tiểu đoàn được xây dựng lại vào các sư đoàn vẫn đang hoạt động như DAO đã đề xuất. Thay vào đó, bộ tư lệnh cấp cao của Nam Việt Nam kiên quyết giữ lại các bộ tư lệnh sư đoàn có các đơn vị đã bị phá hủy ở phía bắc. Cực kỳ suy yếu và không được tích hợp hoàn toàn vào hệ thống phòng thủ của Sài Gòn, các bộ tư lệnh này đã nhanh chóng bị phá hủy lần thứ hai khi quân BV tấn công thành phố.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến