BỎ RƠI VIỆT NAM: 76-KẾT LUẬN 1

 
BỎ RƠI VIỆT NAM:
76-KẾT LUẬN 1

Lực lượng Bắc Việt đã kiểm soát toàn bộ miền Nam vào ngày 3 tháng 5 năm 1975. Chỉ 55 ngày sau cuộc tấn công đầu tiên vào Ban Mê Thuột vào ngày 10 tháng 3, lực lượng vũ trang Việt Nam Cộng hòa đã hoàn toàn sụp đổ, dẫn đến thất bại hoàn toàn của một đội quân một triệu người, mất 5 tỷ đô la vũ khí và thiết bị, và sự sụp đổ của miền Nam như một quốc gia có chủ quyền và độc lập. Sau khi chiến tranh kết thúc, nhiều lý thuyết và các lý giải khác nhau đã xuất hiện về cách thức và lý do tại sao miền Nam đã đánh thua cuộc chiến. Nhiều người đã chỉ trích Hiệp định Hòa bình Paris có sai sót nghiêm trọng, dẫn đến thất bại của miền Nam khi cho phép 100.000 quân Bắc Việt ở lại miền Nam sau lệnh ngừng bắn. Những người khác, cho rằng Sài Gòn có thể tránh được thảm họa nếu có sự hỗ trợ tiếp tục của Hoa Kỳ, cáo buộc Mỹ đã bỏ rơi miền Nam. Những người có lập trường này đổ lỗi cho Quốc hội Mỹ vì đã từ chối phân bổ kinh phí cho viện trợ quân sự bổ sung.  Những người khác cho rằng Nixon, nếu vẫn tại vị và không bị mất uy tín bởi vụ bê bối Watergate, sẽ phản ứng mạnh mẽ trước các động thái quân sự của Bắc Việt vào năm 1975. Tất cả những quan điểm này đều có một số giá trị, nhưng tất cả đều có thể tranh cãi. Bởi vì vấn đề bao quát về lý do  cuộc chiến lại thất bại khó thể được giải quyết, ta thử giải quyết vấn đề hạn hẹp hơn ở đây là trả lời câu hỏi liệu việc Việt Nam hóa, như một chính sách, có góp phần vào sự sụp đổ của miền Nam hay không.
 
Bất kỳ đánh giá nào về việc Việt Nam hóa đều phải diễn ra ở hai cấp độ. Cấp độ trước tiên của phân tích liên quan đến mục đích đã nêu của chương trình. Nixon muốn “đảo ngược việc ‘Mỹ hóa’ cuộc chiến… rút nửa triệu quân khỏi Việt Nam theo cách không gây ra sự sụp đổ ở miền Nam… đàm phán một lệnh ngừng bắn và một hiệp ước hòa bình”. Rốt cục, ông mong muốn rút Hoa Kỳ ra khỏi Việt Nam và đạt được “hòa bình trong danh dự”.  Xét một cách khách quan (đặc biệt là nếu là người Mỹ chứ không phải người miền Nam), Việt Nam hóa đã làm được điều đó. Quân đội Hoa Kỳ đã rút lui, một hiệp ước hòa bình đã được ký kết, một lệnh ngừng bắn (mặc dù chỉ tồn tại trong thời gian ngắn) đã được khởi xướng, và miền Nam đã tồn tại thêm hai năm nữa. Một báo cáo năm 1980 của tổ hợp BDM về những bài học chiến lược rút ra được trong Chiến tranh Việt Nam đã lưu ý: “Dựa trên các mục tiêu do Chính quyền Nixon đặt ra (tức là rút quân đội Hoa Kỳ khỏi VNCH và đưa ra một giải pháp đàm phán cho cuộc chiến), Việt Nam hóa phải được coi là một thành công”.
 
Tuy nhiên, báo cáo đó đã thừa nhận theo cách quá nhẹ nhàng rằng Hoa Kỳ cuối cùng đã bị cản trở trong mục tiêu Việt Nam hóa của mình là tăng khả năng ngăn chặn kẻ thù của quân đội miền Nam. Những quan sát viên khác thì kém tử tế hơn nhiều.  Một số cho rằng Việt Nam hóa đã mang lại cho Hoa Kỳ một phương cách không bẽ mặt nhằm thoát khỏi cuộc chiến không thể thắng và Hiệp định Paris được ký kết nhằm đạt được một “khoảng thời gian hợp lý” sau khi Hoa Kỳ rời đi trước khi miền Nam đầu hàng một cách không thể tránh khỏi. Một trong những người chỉ trích gay gắt nhất về chính sách này là chuẩn tướng quân đội đã nghỉ hưu Douglas Kinnard, ông đã viết vào năm 1985 rằng “khi người dân Hoa Kỳ xem thảm họa trên truyền hình vào mùa xuân năm 1975, họ đã thấy một sự kiện có nhiều nguyên nhân. Chỉ cần kết luận ở đây rằng nếu trước đó chưa đủ rõ ràng, thì cuộc tháo chạy cuối cùng đã phơi bày sự gian lận và lừa dối của việc Việt Nam hóa”.  Một nhà sử học khác, Joan Hoff, cũng chỉ trích Việt Nam hóa, khẳng định rằng nó “dẫn đến sự mở rộng được che đậy cũng như công khai của cuộc chiến tranh ở Đông Dương, một kết quả mà cả những người phản đối và những người ủng hộ khái niệm này trong những tháng đầu tiên của chính quyền mới đều không lường trước được.” Cả hai đánh giá này đều chỉ trích Nixon và các khía cạnh chính trị của chính sách Việt Nam hóa. Tuy nhiên, cần nhớ rằng chính quyền Nixon đã thừa hưởng tình hình ở Việt Nam [từ chính quyền Johnson của đảng Dân chủ]. Mặc dù không còn nghi ngờ gì nữa chính sách của Nixon, khi được thực thì rốt ráo, là có sai sót, nhưng Việt Nam hóa đã phải chịu thất bại vì một số lý do—một số lý do là do cách chính quyền Nixon thực thi chính sách, nhưng cũng có một số lý do phát huy tác dụng từ lâu trước khi Richard Nixon nhậm chức. Tại sao Việt Nam hóa lại thất bại. Những lý do cơ bản nào dẫn đến sự sụp đổ của một lực lượng mà Hoa Kỳ đã tốn nhiều thời gian, công sức và tiền bạc?
 
Lý do đầu tiên trong hai lý do chính liên quan đến thời điểm thi hành chính sách Việt Nam hóa; lý do thứ hai, có liên quan chặt chẽ đến lý do đầu tiên, là nỗ lực định hình quân đội miền Nam mô phỏng theo hình ảnh của quân đội Hoa Kỳ.  Việt Nam hóa, với tư cách là một chính sách chính thức, chỉ được thiết lập từ năm 1969. Một cuộc khảo sát năm 1974 đối với các sĩ quan cấp tướng của Hoa Kỳ cho thấy hầu hết dường như đều chấp thuận chương trình Việt Nam hóa nhưng tin rằng Washington đã đợi quá lâu để bắt đầu. Hoa Kỳ đã tiến hành hoạt động cố vấn quân sự kể từ những năm 1950, nhưng sau khi lực lượng tác chiến quy ước quy mô lớn của Hoa Kỳ bắt đầu triển khai ở miền Nam vào năm 1965, hoạt động cố vấn đã đóng vai trò thứ yếu. Với sự khởi đầu chính thức của kế hoạch Việt Nam hóa vào năm 1969, con lắc đã chuyển sang giai đoạn cải tổ quân đội miền Nam; thật không may, lực lượng Hoa Kỳ bắt đầu rút lui nhanh hơn thời gian quân miền Nam có thể cải tiến. Sự thay đổi trọng tâm từ các hoạt động chiến đấu quy mô lớn của Hoa Kỳ sang việc chuẩn bị cho miền Nam gánh vác gánh nặng chiến đấu đã diễn ra quá muộn.  Với quá nhiều vấn đề tồn tại lâu dài trong quân đội miền Nam, rất ít điều có thể đạt được trong khoảng thời gian tương đối ngắn giữa lệnh của Nixon ban ra về Việt Nam hóa chiến tranh và cuộc rút quân cuối cùng của Hoa Kỳ. “Kẽ hở lớn nhất của chương trình Việt Nam hóa là không cung cấp cho VNCH đủ thời gian để cải tổ toàn diện,” cựu tướng QLVNCH Nguyễn Duy Hinh đã viết. “Chương trình được khởi xướng từ những cân nhắc chính trị của Hoa Kỳ, và được thực hiện quá vội vàng. Mặc dù có thể đạt được sự gia tăng quân số khá nhanh chóng, nhưng gần như không thể phớt lờ chất lượng và khả năng kỹ thuật của một lực lượng quân sự gồm một triệu người trong vòng vài năm.”
 
Hinh đã đúng. Thật vậy, những bình luận của ông không chỉ áp dụng cho chương trình Việt Nam hóa chính thức, mà còn cho toàn bộ nỗ lực của Hoa Kỳ nhằm huấn luyện lực lượng vũ trang Nam Việt Nam kể từ những ngày đầu tiên Hoa Kỳ tham gia vào Đông Nam Á.  Nhiều vấn đề góp phần vào sự sụp đổ năm 1975 có thể khắc phục được bằng cách thiết lập một cách tiếp cận có tính toán hơn đối với việc “Việt Nam hóa” chiến tranh trong những ngày đầu của cuộc xung đột. Điều này đúng về khía cạnh đặt nặng việc đào luyện chỉ huy và loại binh chủng nào cần phát triển.
 
Mặc dù các bằng chứng sau đó đã chứng minh rằng miền Nam chủ yếu đối phó với một cuộc nổi loạn nội bộ vào thời gian đầu của cuộc xung đột, trọng tâm của những hoạt động cố vấn đầu tiên của Hoa Kỳ là xây dựng một lực lượng quy ước của miền Nam để đẩy lùi một cuộc xâm lược  kiểu Triều Tiên từ phía Bắc. Do đó, thay vì kết cấu một lực lượng bao gồm các đơn vị địa phương nhỏ, cơ động có thể chống lại quân nổi dậy du kích, thì quân đội miền Nam lại đã trở thành một hình ảnh phản chiếu của Quân đội Hoa Kỳ những năm 1960 với các sư đoàn nặng nề và quá  phụ thuộc vào hỏa lực và công nghệ.
 
Báo cáo của Tập đoàn BDM năm 1980 về các bài học chiến lược đã học được trích dẫn một số lý do cho cách tiếp cận sai lầm này đối với việc xây dựng quân đội miền Nam. Trong số đó, lý do chính là không học được từ kinh nghiệm của Pháp, không nhận thức được tính nghiêm túc của mối hiểm họa chống nổi loạn, sự tương đồng hời hợt với kinh nghiệm của Hàn Quốc khiến người Mỹ tin rằng các chiến thuật có thể được chuyển giao, và sự tự tin thái quá quen thuộc có xu hướng phớt lờ tiếng nói của người Việt và không cổ vũ việc nghiên cứu cẩn thận tình hình. Lặp lại những phát hiện này, nhà phân tích quân sự Andrew Krepinevich Jr. cáo buộc trong cuốn Quân đội và Việt Nam rằng Quân đội Hoa Kỳ “chỉ nói suông về học thuyết chống nổi loạn” và khăng khăng tiến hành chiến tranh ở miền Nam giống như họ đang tham gia một cuộc xung đột quy ước trên đồng bằng châu Âu. Cách tiếp cận này đã có tác động to lớn đến nỗ lực xây dựng một lực lượng miền Nam khả thi.  Không thoải mái với cách tiếp cận chống nổi loạn “mới” và tin rằng bản chất của cuộc xung đột ở miền Nam chủ yếu là một cuộc xâm lược  từ miền Bắc, các nhà lãnh đạo Quân đội Hoa Kỳ đã bắt đầu xây dựng một lực lượng xung quanh cái mà Krepinevich gọi là “khái niệm” hoặc “chiến tranh đơn vị lớn” dựa trên trực thăng, hỏa lực mạnh và việc làm tiêu hao lực lượng địch. Ngay từ những ngày đầu thành lập, QLVNCH đã nhận được rất ít loại huấn luyện chống nổi loạn từ các cố vấn Hoa Kỳ, vốn là thành viên của Quân đội Hoa Kỳ chính quy và đã được đào tạo theo hệ thống đó.  Do đó, việc xây dựng một đội quân trông giống và chiến đấu như Quân đội Hoa Kỳ vẫn là động lực cho các nỗ lực cố vấn ban đầu và tiếp tục theo chương trình Việt Nam hóa từ khi chính thức hóa vào năm 1969 cho đến khi Hoa Kỳ rút quân vào năm 1973. Cách tiếp cận của người Mỹ chắc chắn có ý nghĩa hơn trong giai đoạn sau của cuộc chiến so với giai đoạn đầu của cuộc xung đột. Tuy nhiên, kết quả chung là một lực lượng rất tốn kém, chủ yếu dành cho phòng thủ tĩnh và phụ thuộc vào công nghệ và số lượng lớn đạn dược và các loại quân trang quân dụng  khác. Như nhà sử học Gabriel Kolko sau này đã viết, “QLVNCH sớm có tất cả các điểm yếu của công nghệ Hoa Kỳ và ít ưu điểm của nó”; do đó, công nghệ trở thành nguồn phụ thuộc và gây mất tập trung cho QLVNCH.
 
Một khi đã xác định được hướng đi ban đầu, thì quân miền Nam không thể đi ngược lại.  Đến khi xuất hiện bằng chứng thuyết phục rằng mối đe dọa trước mắt là có tính nội chiến chứ không phải là vấn đề tấn công xuyên biên giới, thì đã quá muộn để có thể thay đổi lớn về cơ cấu lực lượng miền Nam và khái niệm tác chiến. Thật trớ trêu, khi quân Bắc Việt chuyển sang chiến thuật kiểu quy ước  vào giai đoạn sau của cuộc chiến và bắt đầu đưa một số lượng lớn quân tác chiến vào miền Nam, quân miền Nam, vốn từ đầu được huấn luyện để chiến đấu theo kiểu chiến tranh đó, đã tỏ ra vô cùng thiếu xót cho nhiệm vụ này. Sau khi trở nên phụ thuộc quá nhiều vào sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, miền Nam tỏ ra không có khả năng tiếp tục chiến tranh khi không còn sự hỗ trợ của Hoa Kỳ nữa.
 
Những vấn đề liên quan đến việc xây dựng năng lực quân sự miền Nam vững mạnh đã trở nên phức tạp hơn khi quân tác chiến Hoa Kỳ đến VN vào năm 1965. Các lực lượng Hoa Kỳ đã đến chiến trường, sẵn sàng dấn thân trong một “trận chiến lớn” chống lại bọn xâm lược miền Bắc.  Kết quả là, miền Nam gần như bị gạt sang một bên và bị đẩy xuống vai trò hỗ trợ; vì nhiều chỉ huy Hoa Kỳ có cảm nhận là chỉ riêng lực lượng Hoa Kỳ là có thể đánh bại Cộng sản, sự tham gia của QLVNCH chỉ là tối thiểu. Khi người Mỹ đến, “người dân bản địa” về cơ bản được bảo đứng yên và hãy nhìn xem và học hỏi những người chuyên nghiệp. Như cựu đại sứ Bùi Diễm đã nói, “Việt Nam hóa bắt đầu vào năm 1965, không phải năm 1968, nhưng người Mỹ chưa bao giờ thực hiện được vì họ mong đợi chiến thắng đến sớm không cần có sự tham gia của người Việt Nam.” Chủ nghĩa dân tộc như vậy đã thúc đẩy một sự tự tin sai chỗ, làm mất uy tín không chỉ miền Nam mà còn cả những nỗ lực trước đó của người Pháp. Tính kiêu ngạo của người Mỹ đã ảnh hưởng bất lợi đến tinh thần và động lực của người miền Nam.  Một cựu sĩ quan QLVNCH đã viết sau chiến tranh rằng “những trận chiến mà người Mỹ đã chiến đấu rất ngoạn mục với hỏa lực áp đảo và đội hình rầm rộ đã thu hút sự chú ý của giới báo chí. . . . Kết quả tất nhiên là ấn tượng nhưng sai lầm ở chỗ người Mỹ đang giành làm hết công việc chiến đấu cho người miền Nam. Điều này đã cung cấp cho người Cộng sản nhiều vũ khí tuyên truyền hơn cho cuộc chiến chính trị của họ: ‘Việt Cộng đã chiến đấu với người Mỹ để cứu nhân dân Việt Nam.’ Đó là một phát ngôn rất hiệu quả; nó thậm chí còn thuyết phục được rất nhiều người Mỹ.” Vào thời điểm Nixon nhậm chức và khởi xướng chương trình Việt Nam hóa, nền tảng cho thảm họa đã được xây dựng. Đại tá Vũ Văn Ước, cựu sĩ quan chỉ huy tác chiến của không quân miền Nam, bình luận: “Ngay cả trong các hoạt động chung giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, QLVNCH chỉ được giao một vai trò nhỏ và . . . chiến thuật được đặt dưới sự giám sát của các cố vấn Hoa Kỳ. Trong tình hình đó, QLVNCH cảm thấy quá lệ thuộc vào lực lượng Hoa Kỳ và người ta khó có thể nói rằng các hoạt động này nằm trong thẩm quyền của Việt Nam. . . . do đó, QLVNCH hoàn toàn đánh mất khái niệm mình là một đạo quân độc lập.”
 
Khi lực lượng Hoa Kỳ bắt đầu rút lui, Tướng Abrams và MACV đã được giao nhiệm vụ cho thấy là không thể hoàn thành là cố gắng chuẩn bị cho miền Nam Việt Nam sẵn sàng chịu trách nhiệm cho cuộc chiến.  Nhận thức được những vấn đề tồn tại lâu dài trong quân đội miền Nam vốn phải mất nhiều năm mới có thể giải quyết, người Mỹ chỉ tập trung vào giải pháp dễ dàng nhất: tăng cường lực lượng quân miền Nam về mặt nhân lực và trang thiết bị, vũ khí tinh vi. Nỗ lực này đã tạo ra một trong những lực lượng quân sự mạnh nhất thế giới, ít nhất là về mặt quân số. Tuy nhiên, như Tướng Phillip Davidson đã chỉ ra trong cuốn Chiến tranh Việt Nam, “Một đội quân như vậy có thể cải tiến về vẻ bề ngoài khi trang bị và huấn luyện từ nước ngoài tiêu xài phí phạm cho nó , nhưng sự cải tiến như vậy là lừa dối, vì nền tảng của lực lượng vẫn còn mục nát”.
 
Thật trớ trêu, việc mở rộng lực lượng, từ lâu được coi là thước đo “thành công” của nỗ lực Việt Nam hóa, chỉ làm trầm trọng thêm vấn đề, dẫn đến sự suy giảm tỷ lệ binh lính thực sự biết chiến đấu trong các đơn vị.  Việc mở rộng QLVNCH đã làm suy giảm chất lượng, làm loãng năng lực của các đơn vị và làm quá tải một số ít sĩ quan tài giỏi, như được minh họa bằng việc thành lập và giải thể sau đó của Sư đoàn QLVNCH số 3, đơn vị này đã sụp đổ trước cuộc tấn công của quân đội Bắc Việt vào Quảng Trị năm 1972.
 
Cùng với việc mở rộng QLVNCH là nỗ lực cố vấn được cải thiện nhằm tăng cường sự tham gia của QLVNCH vào việc bảo vệ quốc gia của họ. Thật không may, việc tập trung nhiều hơn vào nỗ lực cố vấn, mặc dù có thể là có ý định tốt, đã gây ra một số hậu quả không lường trước được. Bửu Viên, một cố vấn cá nhân thân cận của Tổng thống Thiệu, đã nói sau chiến tranh: “Sự hiện diện của các cố vấn Hoa Kỳ ở mọi cấp bậc trong hệ thống quân sự đã tạo ra trong giới lãnh đạo Việt Nam một tâm lý phụ thuộc vào lời khuyên và gợi ý của họ.  Mặc dù một số sĩ quan miền Nam không thích sự hiện diện lấn lướt của người đồng cấp Mỹ, hầu hết họ đều cảm thấy tự tin hơn khi có cố vấn bên cạnh. Những ý tưởng có thể là của họ, nhưng họ cảm thấy an tâm hơn khi những ý tưởng đó được các cố vấn người Mỹ đồng tình hơn là khi chúng được cấp trên của họ đề xuất.”
 
Bảo Long, một cựu sĩ quan QLVNCH, nói với nhà báo Paul Hendrickson: “Người Mỹ đã đến và tiếp quản và đẩy chúng tôi sang một bên. Chúng tôi đã mất đi bản sắc của mình.” Theo một cựu tướng lĩnh QLVNCH, bản sắc không phải là thứ duy nhất bị mất khi các cố vấn tiếp quản:
 
Quyền lực và ảnh hưởng của các cố vấn Hoa Kỳ trên chiến trường có xu hướng làm lu mờ vai trò của các chỉ huy đơn vị Việt Nam. Ví dụ, các hoạt động của một đơn vị có xu hướng tuân theo các đường lối do cố vấn đề xuất.  Trong nhiều trường hợp, chính cố vấn là người đem đến thắng lợi trong trận chiến bằng cách kêu gọi hỗ trợ hỏa lực hoặc không quân chiến thuật hiệu quả từ các nguồn lực của Hoa Kỳ. Điều này dần dần tạo ra sự phụ thuộc quá mức và đôi khi là hoàn toàn vào các cố vấn Hoa Kỳ. Do đó, sáng kiến, trách nhiệm và uy tín mà chỉ huy đơn vị thường nắm giữ bị ảnh hưởng rất nhiều và về lâu dài, sự hiện diện của các cố vấn đã khiến các sĩ quan QLVNCH mất đi cơ hội phát triển khả năng chỉ huy và lãnh đạo của mình
 
Các sĩ quan miền Nam không phải là những người duy nhất có quan điểm này; một vị tướng Hoa Kỳ, trả lời nghiên cứu của Tướng Kinnard năm 1974, đã nói: “Có quá nhiều cố vấn. Kết quả là, các cố vấn trở thành người điều hành và chuyển hướng năng lượng của các đối tác QLVNCH khỏi nhiệm vụ chính của họ và đồng thời để lại ít động lực cho các chỉ huy thực hiện hành động của riêng mình.” Tướng Melvin Zais, cựu chỉ huy Sư đoàn Không vận 101 tại Việt Nam, có lẽ đã nói rõ nhất:
 
Chúng ta không giỏi làm việc với người Việt Nam và tôi bắt đầu thấy bất mãn trong lòng, tự nghĩ, “Cuộc chiến này sẽ không bao giờ kết thúc cho đến khi người Việt Nam đủ giỏi để giành chiến thắng. Chúng ta hẳn phải tách mình ra khỏi công việc, nhưng chúng ta không làm vậy. Chúng ta không huấn luyện đội;  chúng ta giống như năm cầu thủ bóng bầu dục đại học xuống để huấn luyện một đội bóng trung học và đã tự sắp xếp mình vào đội hình.. . .  đến lúc chúng ta không được chơi nữa và QLVNCH sẽ phải tiếp quản.
 
Khi thời điểm đó đến, lực lượng Hoa Kỳ đã không làm tốt công tác chuẩn bị cho QLVNCH tiếp quản. Cựu quan chức CIA Douglas Blaufarb đã viết rằng “sự hoảng loạn” của giới lãnh đạo Việt Nam trước sự suy giảm hỗ trợ của Hoa Kỳ “gây ra bởi, người ta chỉ có thể giả định, việc tập thể sĩ quan Việt Nam bỗng nhận thức được rằng họ chưa thực sự chuẩn bị tốt cho nhiệm vụ của mình. Trong phân tích cuối cùng, những người đã thực hiện trò hề này chưa bao giờ bị nó đánh lừa.”  Blaufarb nói thêm, chỉ có người Mỹ bị lừa dối, “chủ yếu là do họ không biết gì về thực tế chính trị của một vùng đất mà họ đã sống và làm việc trong nhiều năm mà không biết được những sự thật cơ bản nhất về bối cảnh xung quanh họ.”
 
Bất chấp những nỗ lực đầy tham vọng nhằm xây dựng quân đội miền Nam và tăng cường nỗ lực cố vấn, thực tế chính trị mà Blaufarb ám chỉ phản ánh những vấn đề có tính hệ thống lâu đời trong xã hội và quân đội miền Nam đã làm giảm khả năng thành công trong việc Việt Nam hóa chiến tranh và biến miền Nam thành một lực lượng chiến đấu khả thi. Tham nhũng, bắt đầu từ đỉnh cao của xã hội, đã thấm nhuần vào mọi tầng lớp xã hội và có tác động tàn phá đến quân đội. Nó hủy hoại tinh thần và sức chiến đấu, góp phần vào tỷ lệ đào ngũ cao ngất ngưởng và làm suy yếu nghiêm trọng toàn bộ cấu trúc năng lực tác chiến của miền Nam
 
Bản chất chính trị của hệ thống phân cấp quân đội làm trầm trọng thêm tình trạng tham nhũng tàn khốc.  QLVNCH thực chất là sự mở rộng của bộ máy chính trị của Thiệu; do đó, mục đích thực sự của quân đội không phải là quân sự mà là chính trị. Các chỉ huy chủ chốt là những người được bổ nhiệm vì lý do chính trị, vì lòng trung thành của họ đối với Thiệu chứ không phải vì chuyên môn của họ với tư cách là chỉ huy, một thông lệ, theo Blaufarb, đảm bảo cho tình trạng tham nhũng và bất tài: “Thành tích chiến đấu không được đền đáp; binh lính không được quan tâm; và những yêu cầu của tinh thần thượng võ—Nhiệm vụ, Danh dự, Tổ quốc —không được đáp ứng.” Trung tướng Hoàng Xuân Lãm, chỉ huy trận đánh thảm họa ở Lào, là một ví dụ điển hình về những kẻ được bổ nhiệm chính trị tham nhũng đã nắm giữ các vị trí chủ chốt. Các tướng lĩnh của Thiệu cạnh tranh nhau trong việc giành được ân sủng của ông và cả thành quả của sự tham nhũng, khiến việc tạo ra một cấu trúc chỉ huy tích hợp tập trung vào việc chiến đấu là điều không thể. Một vị tướng của QLVNCH đã mô tả “sự bất đồng gần như bất phục tùng” đã ngăn cản bất kỳ chuỗi chỉ huy thuyết phục nào hoặc khái niệm hoạt động chung.
 
Một yếu tố khác góp phần vào thất bại cuối cùng của Việt Nam hóa và sự sụp đổ tiếp theo của lực lượng miền Nam là bản thân Thiệu: ông là một tai họa với vai trò là tổng tư lệnh. Sau khi quân đội Hoa Kỳ rời đi, ông trở nên quá cứng nhắc, kiểm soát chặt chẽ quân đội và tham gia quá sâu vào các vấn đề tác chiến mà lẽ ra nên để các chỉ huy trên chiến trường giải quyết. Bị tước đi khả năng linh hoạt trong việc ra quyết định và ở phía sai lầm của các mệnh lệnh gây nhầm lẫn và thường xung đột, các chỉ huy quân sự, nhiều người trong số đó lại được bổ nhiệm vì lập trường chính trị và không phù hợp để chỉ huy các đội hình đơn vị lớn chống lại một kẻ thù lão luyện như Bắc Việt, đã không đáp ứng được nhu cầu của thời điểm đó. Sự nhầm lẫn và bất lực này ở cấp cao nhất đã dẫn đến việc thiếu một chiến lược khả thi. Như một sĩ quan QLVNCH đã giải thích sau chiến tranh, “Việt Nam hóa thực sự có nghĩa là Mỹ hóa.. . . Không thể quay lại một cuộc chiến tranh theo kiểu Việt Nam. Nó sẽ phải được tiến hành theo cách của Mỹ. . . . Tất cả những người tham gia cuộc đấu tranh nhanh chóng nhận ra rằng các yếu tố quan trọng của lợi thế hỏa lực của miền Nam—sức mạnh không quân và hải quân Hoa Kỳ—sẽ không còn sử dụng được. Nhưng các nhà lãnh đạo miền Nam đã quá chậm chạp để nhận ra những sự hoán đổi này trong chiến lược tổng thể.” Do đó, khi Bắc Việt bắt đầu tăng cường hoạt động sau khi Phước Long thất thủ, Thiệu và các tướng lĩnh của ông không thể cùng nhau lập ra một kế hoạch phòng thủ để ngăn chặn cuộc tấn công của Cộng sản. Mệnh lệnh thảm khốc của Thiệu từ bỏ Tây Nguyên đã dẫn đến sự hoảng loạn và đẩy nhanh chiến thắng của Bắc Việt.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến