TIẾNG VIỆT CÓ PHẢI LÀ MỘT NGÔN NGỮ KHÓ KHÔNG?

TIẾNG VIỆT CÓ PHẢI LÀ 
MỘT NGÔN NGỮ KHÓ KHÔNG?
   
Jack Halpern

1. 
LỜI ĐỒN ĐẠI HAY LÀ SỰ THẬT?

1.1.    Học tiếng Việt có khó không?
Học tiếng Việt có khó không? Đa số mọi người cho rằng tiếng Việt là “một ngôn ngữ rất khó.” Nhiều người Việt tin rằng người nước ngoài gần như không thể nào sử dụng ngôn ngữ này một cách thành thạo được. Dùng Google để tìm kiếm những cụm từ như tiếng Việt khó sẽ đưa ra hàng chục nghìn kết quả. Theo lời của George Milo:
Việc thứ tiếng chính thức của Việt Nam được cho là một ngôn ngữ “khó” chính là một điểm đáng tự hào đối với 90 triệu người dân đất nước này, và cứ có cơ hội là những người bản xứ sẽ không ngần ngại gì mà nói với bạn rằng “tiếng Việt khó!”.
Trong tiếng Việt có một câu thành ngữ: Phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam.

1.2. Vạch trần sự thật

Trong bài viết này, chúng ta sẽ vạch trần một số những lời đồn đại xung quanh thứ tiếng mà mọi người cho là “khó” này. Bài phân tích này được viết dựa trên kinh nghiệm học 15 ngôn ngữ của bản thân tôi. Tôi có thể nói khá thuần thục 10 trong số các ngôn ngữ đó, có thể nói tiếng Việt khá tốt ở mức độ sơ cấp, và có thể đọc nhưng không nói được bốn thứ tiếng khác nữa (tham khảo bảng ngôn ngữ của Jack).
Một câu trả lời tốt cho câu hỏi “Học tiếng Việt có khó không?” sẽ là Học tiếng Việt không khó cũng không dễ.
Như chúng ta sẽ thấy, nhiều phương diện của ngữ pháp tiếng Việt là dễ chứ không khó. Trên thực tế, nói một cách chính xác hơn, tiếng Việt đa phần là một “ngôn ngữ dễ” chứ không phải là một “ngôn ngữ khó”. Tuy nhiên, một phương diện của tiếng Việt, phần phát âm, thực sự khá khó. Để có được một cái nhìn cân bằng, vào nửa sau của bài viết này, tôi sẽ miêu tả về những điểm khó của việc học tiếng Việt.

2. 

TẠI SAO TIẾNG VIỆT DỄ


2.1. Từ ngắn

Một yếu tố quan trọng khiến cho tiếng Việt dễ học nằm ở việc đa số từ vựng ngắn, một số từ rất ngắn. Các nghiên cứu đã cho thấy rằng nhìn chung, tiếng Việt là một trong những thứ tiếng có độ dài trung bình của một từ ngắn nhất trên thế giới. Có hàng ngàn những từ một âm tiết được dùng trong cuộc sống hằng ngày, như là có, đi, ăn, ngủ, và . Nhưng ngay cả những từ hai âm tiết (với số lượng nhiều hơn nhiều so với những từ một âm tiết) như là thú vị và ngoại ngữ vẫn khá ngắn.
Hãy so sánh từ đẹp với beautiful trong tiếng Anh và utsukushii trong tiếng Nhật, hoặc là mai so với tomorrow của tiếng Anh và ashita của tiếng Nhật. Từ tiếng Việt ngắn hơn nhiều. Hãy thử nghĩ đến những lợi ích tuyệt vời mà từ ngắn mang lại cho người học đi. Từ ngắn (1) dễ ghi vào trí nhớ hơn, (2) dễ lấy ra từ trí nhớ hơn, và (3) dễ viết hơn. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng dễ phát âm hơn!

2.2. Thanh điệu ổn định

Một trở ngại lớn trong việc học tiếng Việt là hệ thống thanh điệu (xem §3.4 ở dưới). Nhưng cũng có tin tốt. Trên phương diện thực tế, ta có thể nói là thanh điệu của tiếng Việt không thay đổi tuỳ theo ngữ cảnh.
Trên lí thuyết, những thay đổi như vậy được gọi là biến điệu, tức là hiện tượng một thanh điệu trở thành một thanh điệu khác tuỳ theo thanh điệu của các âm tiết bên cạnh nó. Đây là một hiện tượng quen thuộc đối với những người nói tiếng Quan Thoại. Ví dụ, âm tiết đầu tiên trong một từ có hai thanh điệu thứ ba sẽ biến đổi thành thanh điệu thứ hai, như trong từ 你好 nǐ hǎo. Từ này thực ra được đọc là ní hǎo. Trong các ngôn ngữ có thanh điệu khác, đặc biệt là một số phương ngữ của tiếng Trung như là tiếng Đài Loan, các quy tắc biến điệu có thể rất phức tạp và gây ra trở ngại lớn cho người học.
Trong tiếng Việt, một khi bạn học được thanh điệu của một âm tiết, bạn không còn cần phải lo là nó sẽ thay đổi tuỳ theo ngữ cảnh. Về căn bản, các thanh điệu tiếng Việt ổn định, khiến cho việc học dễ dàng hơn so với các ngôn ngữ có biến điệu.

2.3. Không giới tính


2.3.1. Giới tính rắc rối
Phạm trù ngữ pháp giới tính không hiện diện trong tiếng Việt. Đối với những ai đã học những ngôn ngữ như là tiếng Tây Ban Nha, Đức, và Ả-rập, thì đây là một tin tốt, vì giới tính có thể rất bất quy tắc và cực kì phi lí. Ví dụ, tại sao ‘mặt trời’ là giống đực trong tiếng Ả-rập (شمس shams) và là giống cái trong tiếng Hebrew (שמש shemesh)? Và tại sao Mädchen ‘cô gái’ là trung tính trong tiếng Đức (một ngôn ngữ có đến ba giới tính) mà lại không phải là giống cái? Do đó, trong tiếng Đức, người học không có lựa chọn nào khác ngoài việc ghi nhớ giới tính của hàng nghìn danh từ.
Trong một số ngôn ngữ, tính từ, danh từ, và mạo từ có giới tính. Trong tiếng Tây Ban Nha la muchacha bonita là ‘cô gái đẹp’ và el muchacho bonito là ‘cậu bé đẹp’, nhưng tính từ grande ‘lớn’ lại không thay đổi, dù là dùng với danh từ đực hay là cái. Trong một số ngôn ngữ, cả động từ cũng thay đổi theo giới tính. Trong tiếng Ả-rập và Hebrew, có hàng tá những dạng khác nhau như vậy cho mỗi động từ. Ví dụ, ‘bạn ăn’ trong tiếng Ả-rập là تأكل ta'kulu khi đang nói chuyện với nam giới, nhưng lại là تأكلين ta'kuliina khi nói chuyện với nữ giới.
2.3.2. Tự do khỏi giới tính
Giới tính chỉ là một gánh nặng lịch sử gây trở ngại cho người học và không hề hữu dụng trong giao tiếp. Người học có thể dành hàng năm trời học những ngôn ngữ như tiếng Đức hay Ả-rập mà vẫn không hoàn toàn làm chủ được đặc điểm ngữ pháp khó khăn này. May mắn thay, tiếng Việt, và một số ngôn ngữ phi giới tính khác như là tiếng Nhật và tiếng Trung, không có giới tính ngữ pháp, và đây là một trong số những lí do tại sao tiếng Việt dễ học.
2.3.3. Phi giới tính
Hãy nghĩ xem việc sử dụng một ngôn ngữ phi giới tính như là tiếng Việt, tiếng Anh, và tiếng Trung tiện lợi như thế nào. Ví dụ:
Bạn tôi là một bác sĩ.
My friend is a doctor.
我的朋友是医生. (Wǒ de péngyou shì yīshēng)
Câu này không hề nhắc đến giới tính của cả người bạn và người bác sĩ. Những ngôn ngữ như tiếng Tây Ban Nha, Đức, Ả-rập, và nhiều thứ tiếng khác thì không như vậy. Trong tiếng Tây Ban Nha, bạn bắt buộc phải chọn giữa Mi amigo es un doctor khi người bạn đó là nam giới và Mi amiga es una doctora khi người đó là nữ. Không như tiếng Việt, bạn không có lựa chọn là không nói đến giới tính của cả người bác sĩ lẫn người bạn.
Đương nhiên, đôi khi ta cần phải nói rõ giới tính, như khi cần nhấn mạnh giới tính của một người hay động vật. Trong tiếng Việt, bạn có thể nói đến con chó và bác sĩ mà không nhắc đến giới tính, hoặc bạn có thể nói rõ giới tính bằng cách nói chó đực hay bác sĩ nam. Thật tiện lợi!

2.4. Không số nhiều

Phạm trù ngữ pháp số nhiều không hiện diện trong tiếng Việt (ngoại trừ một số đại từ, xem §3.6).
2.4.1. Danh từ và tính từ
Học dạng số nhiều của các danh từ và tính từ còn phức tạp hơn là học giới tính. Đối với những ai đã học những ngôn ngữ như là tiếng Đức và Ả-rập, đây là một tin tuyệt vời, bởi vì dạng số nhiều thường rất bất quy tắc. Hơn nữa, dạng số nhiều có thể có giống cái, và tiếng Ả-rập còn có một loại số nữa, gọi là số cặp, chỉ dùng cho các cặp đôi, như ta có thể thấy trong bảng sau:


Không những thế, người ta cho rằng có đến 90% các từ số nhiều trong tiếng Ả-rập là không có quy tắc và do đó rất khó lường. Tức là không hề có quy luật nào để đoán được rằng dạng số nhiều đó ra sao. Hơn nữa, nhiều danh từ có hai, ba, hay thậm chí nhiều dạng số nhiều hơn thế. Trong tiếng Đức thì tình hình có phần đỡ hơn, nhưng vẫn còn nhiều quy tắc số nhiều để ghi nhớ. Bảng sau đây chỉ cho thấy một số ít những quy tắc đó:

2.4.2. Động từ số nhiều
Hơn nữa, dạng động từ của một số ngôn ngữ (và cả ở trong tiếng Anh ở một mức độ nhất định) thay đổi theo số lượng. Trong trường hợp tiếng Ả-rập và Hebrew, có hàng tá các dạng số nhiều. Ví dụ, trong tiếng Hebrew:

2.4.3. Số nhiều không bắt buộc
Việc học dạng số nhiều trong một số ngôn ngữ có thể rất mất thời gian. May mắn thay cho những ai học tiếng Việt, đây không phải là vấn đề bởi vì danh từ, tính từ, và động từ tiếng Việt không thay đổi theo số lượng. Danh từ tiếng Việt là “phi số lượng”, cho nên chó hay con chó có thế có nghĩa là ‘một con chó’ hay ‘nhiều con chó’ tuỳ theo ngữ cảnh.
Đương nhiên, ta hoàn toàn có thể diễn tả số nhiều của danh từ khi cần thiết. Ta có thể làm điều này bằng cách (1) sử dụng một con số + loại từ ở trước danh từ (xem §3.7 ở dưới), như là năm con chó, và (2) sử dụng từ đánh dấu số nhiều những, như là những con chó. Điều quan trọng là bản thân cấu tạo của chính từ đó, trong trường hợp này là chó, không bao giờ thay đổi. Đây lại là một lí do nữa để ta có thể nói rằng ngữ pháp tiếng Việt dễ học.

2.5. Không có mạo từ
Phạm trù ngữ pháp mạo từ không hiện diện trong tiếng Việt. Những ai học các ngôn ngữ châu Âu như là tiếng Đức và Bồ Đào Nha đều biết rằng việc học có thể trở nên phức tạp đến thế nào khi phải (1) học hệ thống mạo từ trong khi chúng có thể thay đổi tuỳ theo giới tính, số lượng, và cách thể, và (2) biết được khi nào sử dụng mạo từ xác định, mạo từ bất định, hay không sử dụng mạo từ. Bởi vì giới tính và cách thể thường khá là bất quy tắc và phi lí, sử dụng thành thạo mạo từ không phải là việc dễ. Bảng dưới đây cho thấy các dạng mạo từ xác định khác nhau trong tiếng Đức. Cũng có những bảng tương tự để miêu tả các mạo từ bất định, cũng như các từ tương tự như mạo từ như là đại từ.

2.6. Không cần chia động từ

2.6.1. Ác mộng và thiên đường
Đối với nhiều ngôn ngữ, người học phải dành ra vô số giờ đồng hồ học để có thể sử dụng được thuần thục vô số dạng động từ được chia theo thì, ngôi thứ, số lượng, giới tính, thể, và cấp độ lịch sự. Việc chia động từ này có thể dẫn đến hàng trăm dạng động từ khác nhau (tiếng Ả-rập và Tây Ban Nha), hay thậm chí là hàng ngàn dạng (tiếng Nhật), và chúng được sắp xếp thành hàng tá những bảng được gọi là “hệ biến hoá chia động từ”. Động từ Ả-rập là cơn ác mộng tồi tệ nhất của những người học ngôn ngữ. Sau đây là một phần nhỏ của một hệ chia động từ thông thường.


Tiếng Ả-rập có 13 ngôi thứ, và bảng ở trên chỉ cho thấy năm ngôi. Đây chỉ là một trong số 20 bảng tương tự, tất cả chỉ để dành riêng cho một động từ ىرَ َتشْ này có số lượng khổng lồ 42,000 dạng từ, dùng cho 14 quy luật chia động từ, được chia thành 182 nhóm nhỏ, 13 ngôi thứ ngữ pháp, và 240 dạng biến tố tham khảo website CAVE của chúng tôi), tất cả được quản lí bởi một mạng lưới phức tạp đầy những quy luật, quy luật phụ, ngoại lệ, và ngoại lệ phụ, đủ để khiến cho thậm chí là những linh hồn can đảm nhất cũng phải hoá điên. Các ngôn ngữ khác như là tiếng Tây Ban Nha, Nga, và Hebrew cũng có nhiều bảng hệ biến hoá với rất nhiều ngoại lệ, và học được chúng là một việc rất tốn công sức.
Trong khi đó tiếng Việt thì ngược lại hẳn. Thứ tiếng này là “thiên đường của người chia động từ.” Nói đơn giản, thì tiếng Việt không chia động từ. Đây là một trong những đặc điểm quan trọng nhất của tiếng Việt khiến cho nó dễ học. Động từ tiếng Việt dễ vì hai lí do: (1) chúng thường ngắn (một âm tiết), như là đi và ăn và, quan trọng hơn, (2) chúng chỉ có một dạng không thay đổi, như là một khối vàng vậy, vĩnh viễn bất biến. Một khi đã học được rằng ăn có nghĩa là ‘to eat’, bạn ngay lập tức nắm vững được hoàn toàn và vĩnh viễn toàn bộ “hệ biến hoá chia động từ” của nó – bao gồm duy nhất một dạng. Điều này giúp giải phóng bạn khỏi một trong những trở ngại lớn nhất mà những người học ngôn ngữ gặp phải.
2.6.2. Thì rất dễ
Thì, thể, và dạng bị động trong tiếng Việt được diễn đạt bằng một số lượng nhỏ các tiểu từ, được gọi là từ chỉ định thì, được đặt ở trước động từ như sau:
tôi đã ăn                                       tôi ăn rồi
tôi sẽ ăn                                        tôi đang ăn
tôi sắp ăn                                      tôi mới/vừa ăn
được khen                                     bị chỉ trích
Mặc dù một số từ chỉ định thì có thể được ghép lại với nhau để tạo ra các cấu trúc phức tạp hơn, nhưng bạn vẫn có thể nắm vững được căn bản của hệ thống thì trong tiếng Việt chỉ trong vòng vài phút ngắn ngủi. Đây là một điều không tưởng đối với đại đa số các ngôn ngữ trên thế giới.
2.6.3. Thì không bắt buộc
Không như nhiều ngôn ngữ khác, tiếng Việt không bắt buộc sử dụng thì. Có hai cách để truyền tải thông tin thì mà không dùng từ chỉ định thì. Cách đầu tiên là dùng từ thời gian, như là hôm qua và tuần này. Ví dụ, trong câu Tôi ăn trưa hôm qua, từ thời gian hôm qua đã làm rõ là hành động này xảy ra trong quá khứ. Cách thứ hai là dựa hoàn toàn vào ngữ cảnh, như là:
Tuần trước tôi đi đến Tokyo. Sau đó tôi đi đến Boston.
Trong câu thứ hai, ngữ cảnh đã chỉ rõ là việc đi xảy ra trong quá khứ, mặc dù câu này không hề sử dụng từ chỉ định thì và từ thời gian.

2.7. Dạng từ không thay đổi theo cách thể
Phạm trù ngữ pháp cách thể không hiện diện trong tiếng Việt. Trong những ngôn ngữ như là tiếng Ả-rập và tiếng Đức, danh từ, tính từ, và đại từ sẽ thay đổi tuỳ theo việc chúng là chủ ngữ (danh cách), tân ngữ trực tiếp (đối cách), tân ngữ gián tiếp (tặng cách), hay là chủ sở hữu (sở hữu cách), như ta thấy trong bảng cách thể của từ tiếng Đức Tisch ‘cái bàn’ sau đây:


Việc học hệ thống cách thể (là một thứ thường bất quy tắc và phi lí) của một số ngôn ngữ là một quá trình cực nhọc, và là một gánh nặng đối với người học. May mắn thay cho người học, từ tiếng Việt không thay đổi theo cách thể. Chức năng của từ được chỉ định bởi thứ tự từ (chủ ngữ trước động từ, và tân ngữ sau động từ), hoặc bởi giới từ, như câu:
Lan đã gửi thư cho mẹ.
Rõ ràng rằng chủ ngữ là Lan, tân ngữ trực tiếp là thư dựa theo thứ tự câu, và mẹ là tân ngữ gián tiếp bởi vì có giới từ cho.

2.8. Không có sự phù ứng
Sự phù ứng không hiện diện trong tiếng Việt. “Sự phù ứng” chỉ đến hiện tượng mà trong đó, dạng của một từ thay đổi tuỳ theo thì, số lượng, hay giới tính của các từ ở gần nó. Ví dụ, trong cụm từ tiếng Anh these men, số nhiều these phải đi kèm với số nhiều men, trong khi tiếng Ả-rập và Hebrew thì có hiện tượng phù ứng giới tính cho động từ. Ví dụ, ‘anh ấy ăn’ sẽ là לכוא 'oxel, nhưng khi đổi thành ‘cô ấy ăn’ thì nó lại là תלכוא 'oxelet. Sử dụng thuần thục được hiện tượng phù ứng trong một số ngôn ngữ, như là tiếng Đức và tiếng Ả-rập, có thể là một vấn đề rất phức tạp, đòi hỏi người học phải có được kiến thức chi tiết về việc chia động từ, số lượng, và giới tính – vốn là một nỗ lực có thể kéo dài nhiều năm.

2.9. Dễ đọc
Trong vòng khoảng 1000 năm, tiếng Việt được viết bằng một hệ thống chữ dựa trên tiếng Trung Quốc, được gọi là chữ Nôm. Hệ thống này đã bị bãi bỏ vào đầu thế kỉ thứ 20. Thay thế nó là bảng chữ cái tiếng Việt (chữ Quốc ngữ), dựa trên bộ chữ Latin và có thêm các dấu để biểu thị thanh điệu. Thông tin căn bản về bảng chữ cái tiếng Việt được giải thích ở đường dẫn sau đây: http://www.wikiwand.com/vi/Chữ_Quốc_ngữ
Không như các bộ chữ của các ngôn ngữ châu Á khác như là tiếng Trung Quốc, Thái, Nhật, Hàn Quốc, và Miến Điện, ta có thể nắm vững bảng chữ cái này chỉ trong một thời gian ngắn, vì nó tương tự như các ngôn ngữ châu Âu. Mặc dù các dấu thanh điệu mới nhìn thì trông có vẻ đáng sợ, chúng được dùng một cách hợp lí và dễ nhớ. Điều này có nghĩa là so với nhiều ngôn ngữ châu Á khác, bộ chữ Việt dễ học và dễ đọc. Nhưng điều này không có nghĩa là nó dễ phát âm! Trên thực tế, phần phát âm chính là phương diện khó khăn nhất trong việc học tiếng Việt, như tôi sẽ giải thích ở phần §3 dưới đây.

2.10. Dễ viết
Bởi vì bảng chữ cái tiếng Việt được dựa trên bảng chữ cái Latin, nên nó dễ viết. Một tin tốt cho người học là, không như các ngôn ngữ như là tiếng Pháp và tiếng Anh, chính tả tiếng Việt khá là quy tắc. Trong cách phát âm Hà Nội tiêu chuẩn, cách đọc của mỗi chữ cái hay chữ ghép (là chữ ghép từ hai chữ cái) không hề thay đổi (ngoại trừ một số từ mượn). Mặc dù cách phát âm một số phụ âm có thể khác nhau khi phụ âm đứng cuối chữ, nhưng nhìn chung thì chính tả tiếng Việt khá dễ học.
Mặc dù tiếng Việt có sự tương ứng giữa chữ viết với âm thanh (tự vị với âm vị) khá tốt, đáng tiếc là điều ngược lại không phải lúc nào cũng đúng. Tức là, trong một số trường hợp, một âm có thể được viết bằng nhiều cách, tuỳ theo gốc gác của chữ đó. Trong tiếng Hà Nội tiêu chuẩn, hiện tượng này xảy ra đối với các trường hợp sau đây.


2.11. Từ dễ
Đa số các từ tiếng Việt đều xuất phát từ tiếng Trung Quốc hoặc dựa trên mô hình tạo từ ngữ của Trung Quốc. Trong quá khứ, mỗi tiếng từng được viết bằng một kí tự Trung Quốc, và thường miêu tả một ý nghĩa rõ ràng. Từ ghép được tạo ra bằng cách kết hợp các tiếng lại theo một cách nhất định, và thường ta có thể dễ dàng đoán được ý nghĩa của cả từ dựa trên các thành phần của nó. Ví dụ:
ngoại () ‘bên ngoài’ + ngữ () ‘thứ tiếng’  ngoại ngữ (外語) ‘tiếng nước ngoài’
thực (
) ‘ăn’ + phẩm () ‘vật’  thực phẩm (食品) ‘thức ăn’
Trong tiếng Trung và Nhật, cơ chế tạo từ này rất rõ ràng bởi vì nếu ta biết được ý nghĩa của các thành phần, ta sẽ dễ dàng hiểu được ý nghĩa của từ ghép. Nhưng ngay cả khi kí tự Trung Quốc không còn được dùng nữa, việc biết được ý nghĩa của các thành phần sẽ giúp việc học từ mới trở nên dễ dàng hơn.

2.12. Ngữ pháp dễ
Mặc dù ngữ pháp Việt có một số mặt khó, nhìn chung ngôn ngữ này dễ hơn nhiều so với đa số các ngôn ngữ khác. Một lí do là vì nó có nhiều đặc điểm không bắt buộc: thì không bắt buộc, giới tính không bắt buộc, số nhiều không bắt buộc, và nhiều khi chủ ngữ cũng không bắt buộc. Như thể là không hề có chút tính chất bắt buộc nào trong cốt lõi của ngôn ngữ này vậy, và đây là một điều thật hợp lí và tiện lợi, bởi vì có nghĩa là người dùng không bị ép buộc phải truyền tải những thông tin không cần thiết, như là giới tính và số nhiều. Như chúng ta đã thấy, ta có thể nói
Tiếng Việt                       Bạn tôi là một bác sĩ.
Tiếng Anh                       My friend is a doctor.
Tiếng Tây Ban Nha         Mi amigo es un doctor
mà không cần phải nói rằng bác sĩ đó là nam hay nữ, trong khi tiếng Tây Ban Nha đòi hỏi phải có chi tiết này. Cùng lúc đó, ta đã thấy rằng một vài đặc điểm ngữ pháp, như là việc chia động từ, sự phù ứng, và biến đổi từ theo cách thể hoàn toàn không có mặt trong tiếng Việt. Điều này có nghĩa là người học có thể dành ít thời gian học hơn, vì họ không cần phải dành nhiều sự tập trung của mình cho những đặc điểm không bắt buộc, và có thể hoàn toàn không quan tâm gì đến những đặc điểm không tồn tại trong ngôn ngữ này.

2.13. Mật độ thông tin
Đây là một sự thật đáng ngạc nhiên về tiếng Việt. Theo một nghiên cứu tại Université de Lyon, tiếng Việt có “mật độ thông tin” cao nhất trong số các ngôn ngữ chủ đạo trên thế giới, như ta thấy sau đây:


Điều này có nghĩa là tiếng Việt chứa nhiều hơn gấp đôi số lượng thông tin trong cùng một số lượng âm tiết so với tiếng Nhật. Mặt khác, người nói tiếng Nhật nói nhanh hơn 50% để bù lại mật độ thấp, nhưng tiếng Việt vẫn hiệu quả hơn bởi vì nó có “tỷ lệ thông tin” cao hơn 25% (1.0 so với 0.74).
Đối với người học thì điều này có ý nghĩa gì? Là mặc dù tiếng Việt được nói chậm hơn, người nghe phải tập trung hơn bởi vì có nhiều thông tin được dồn nén vào mỗi đơn vị thời gian hơn. Tuy vậy, mật độ cao hơn có lẽ cũng giúp việc học trở nên dễ hơn, vì lí do từ ngắn hơn nhiều và khả năng diễn tả ý nghĩa một cách hiệu quả. Hãy xem một ví dụ.


Đúng như dự đoán, tiếng Nhật có số âm tiết nhiều hơn gần gấp 2.6 lần so với tiếng Việt, và thậm chí cả tiếng Anh cũng rườm rà hơn gấp 1.4 lần. Điều này chứng minh rằng tiếng Việt súc tích, có nghĩa là từ của nó ngắn (xem §2.1). Điều này có nghĩa là người học sẽ tốn ít thời gian hơn để đọc hay nghe tiếng Việt so với các ngôn ngữ khác.

-------------------------------------------------------------------------------------------------------------

3. TẠI SAO TIẾNG VIỆT KHÓ
Trở ngại lớn nhất trong việc học tiếng Việt là cách phát âm, đặc biệt là hệ thống thanh điệu. (Các bình luận dưới đây bàn về giọng Hà Nội tiêu chuẩn, ngoại trừ một số trường hợp có ghi chú.)

3.1. Phụ âm tiếng Việt
Tiếng Việt có 19 (hoặc 20) phụ âm. Tôi đã đưa tất cả, cùng với cách phát âm (bằng IPA) Hà Nội và Sài Gòn chính xác của chúng vào danh sách trên trang tiếng Việt của tôi. Đa số các phụ âm này tương tự như trong tiếng Anh và Tây Ban Nha, và chúng dễ phát âm. Chỉ có một phụ âm có thể nói là khó cho những người học: [ŋ], được viết là nghay ngh, trong những từ như ngủ. Nó được phát âm có phần giống như ng trong từ singing. [ŋ] đặc biệt khó phát âm khi nó đứng ở đầu từ, như trong ngôn ngữ. Trên Youtube có một đoạn phim tuyệt vời của Stuart Jay Raj, để dạy cho bạn cách phát âm đúng âm [ŋ].
Một âm khá khó nữa là [x], được viết là kh trong những từ như khó. Âm này thường gặp trong những ngôn ngữ như tiếng Tây Ban Nha (ajo ‘tỏi’) và Trung Quốc (你好 nǐhǎo ‘xin chào’). Theo lí thuyết, âm [x] là một “âm sát vòm mềm vô thanh” (tức là khi phát âm thì không khí đi qua khoang hẹp, lưỡi đặt vào phần sau vòm họng, và thanh quản không rung) nhưng bạn đừng nản chí vì thuật ngữ này. Nó là một kiểu âm thanh kèn kẹt, được phát âm trong lúc phần sau của lưỡi đang chạm vào vòm miệng mềm. Bạn sẽ nhanh chóng làm quen với nó. Nếu bạn thật sự không thể phát âm nó được, thì hãy sử dụng cách phát âm của Sài Gòn, tức là một âm [kʰ] bật hơi như trong chữ car tiếng Anh.
Các phụ âm khác không quá khó, nhưng một số âm cần được chú ý đặc biệt, như được miêu tả sau đây.


Nhiều người dân Hà Nội bản xứ thề rằng âm /s/ “đúng ra” phải được phát âm là [ʂ], như trong giọng Sài Gòn (gần với âm /sh/ tiếng Anh). Đây là một niềm tin sai lầm, xuất phát từ hiện tượng “siêu chỉnh.” (Đây là hiện tượng xảy ra khi một người tưởng nhầm rằng cách dùng ngôn ngữ của mình là “đúng” khi suy luận về mặt lí thuyết và tìm cách sửa “lỗi”, trong khi “lỗi” đó hoàn toàn không có gì sai). Mặc dù dân Hà Nội đôi khi phát âm nó là [ʂ], trong tiếng Việt tiêu chuẩn thì [s] vẫn hoàn toàn đúng. Một số còn cho rằng phát âm /r/ thành [z] là “sai.” Thật là lố bịch! Nếu đúng là như vậy thật, thì có nghĩa là hàng triệu người dân miền Bắc đang nói sai ngôn ngữ mẹ đẻ của chính họ! Chính những người dân bản xứ nói tiếng mẹ đẻ của mình mới là người quyết định rằng cái gì “đúng” – chứ không phải là một tiêu chí lịch sử hay lí thuyết nào.

3.2. Nguyên âm tiếng Việt
Tiếng Việt có 11 nguyên âm, 8 nguyên âm dài và 3 nguyên âm ngắn, nhiều nguyên âm đôi và nguyên âm ba, và 8 âm cuối. Bạn nên tham khảo một quyển sách ngữ pháp tốt để được miêu tả đầy đủ về cách phát âm các kết hợp khác nhau của các phụ âm, nguyên âm, âm cuối và các yếu tố khác, vì chúng có thể khá là khó. Bảng dưới đây miêu tả sơ qua về các nguyên âm cơ bản. Chú ý rằng phần miêu tả nguyên âm dưới đây dựa trên tiếng Anh Mỹ tiêu chuẩn và chỉ là so sánh đại khái, trong khi cách phát âm chính xác thì nằm ở cột thứ hai, được miêu tả bằng IPA (Bảng Mẫu Tự Ngữ Âm Quốc Tế)


Đối với người học, những nguyên âm khó phát âm nhất có lẽ là /â/, /ơ/, và /ư/.

3.3. Âm tiết tiếng Việt
Âm tiết tiếng Việt có cấu trúc phức tạp, có thể bao gồm đến năm thành phần, như là âm đầu, âm cuối, và thanh điệu. Những thành phần này có thể kết hợp để tạo ra hàng ngàn âm tiết, trong số đó có nhiều nguyên âm đôi và nguyên âm ba khó phát âm. Trong viện chúng tôi (CJKI), chúng tôi đã biên soạn một cơ sở dữ liệu có thể gọi là lớn nhất thế giới về âm tiết tiếng Việt, với hơn 6785 mục, được tóm tắt lại trong Tóm tắt về âm tiết. Dưới đây là một số âm tiết từ cơ sở dữ liệu đó, cùng với cách phát âm chính xác của giọng Hà Nội tiêu chuẩn (Hà Nội 2 chính xác hơn) và giọng Sài Gòn, được miêu tả bằng IPA.


Năm thành phần này tương tác với nhau theo nhiều cách phức tạp, khiến cho cách phát âm thay đổi, đặc biệt là trong chất lượng và độ dài của nguyên âm. Ví dụ, /ô/, bình thường phát âm là [o], trở thành [ow] trong từ bông, trong khi /o/ bình thường là [ɔː] trở thành [aw] trong từ bóc, và a bị vô hiệu hoá trong nguyên âm đôi ia [iə]. Có nhiều thay đổi khác tương tự, và chúng được quản lí bởi một bộ luật phức tạp và khó nắm bắt hoàn toàn. Một trong những khó khăn lớn nhất trong hành trình để trở thành một bậc thầy tiếng Việt chính là việc học cách các nguyên âm và phụ âm thay đổi khi chúng được kết hợp thành nhiều loại âm tiết khác nhau.

3.4. Thanh điệu tiếng Việt

3.4.1. Thanh điệu khó
Tiếng Việt thường được miêu tả là có sáu thanh điệu. Không thể bàn cãi là các ngôn ngữ có thanh điệu thường đều khó học, đặc biệt là với những ai không nói một ngôn ngữ thanh điệu như là tiếng Trung Quốc hay Thái. Để bàn về thanh điệu tiếng Việt, ta sẽ dùng “số biểu thị đường nét thanh điệu.”


Biểu đồ ở trên cho thấy bốn thanh điệu của tiếng Quan Thoại, với số 5 tượng trưng cho cấp độ cao nhất và số 1 thấp nhất. Ví dụ, thanh điệu thứ ba có thể được tượng trưng bằng số 214, có nghĩa là nó xuất phát từ cấp 2, rơi xuống cấp 1, rồi tăng lên cấp 4. Bây giờ chúng ta sẽ xem xét các thanh điệu tiếng Việt. Ký hiệu [ʔ] tượng trưng cho âm tắc cổ họng, được tạo ra bằng cách đột ngột đóng thanh quản lại.


3.4.2. Giải đáp sai lầm
Đúng vậy, thanh điệu khó, nhưng chúng không khó như bạn tưởng. Các ghi chú sau đây sẽ giải đáp một số hiểu biết sai lầm về thanh điệu tiếng Việt.
1. Các quyển sách ngữ pháp miêu tả thanh điệu đầu tiên, thanh ngang, là “trung bình” (33). Điều này chỉ đơn giản là không đúng, như đã được chứng minh bởi các nhà nghiên cứu, và bạn cũng có thể dễ dàng kiểm chứng điều này bằng cách nghe một người bản xứ phát âm từ rất vui. Chữ vui nhất định là cao hơn mức trung bình. Nó là một âm trung bình-cao, vào khoảng 44, và thậm chí đôi khi gần với 55.
2. Có lẽ đa số những người bản xứ đều sẽ cảm thấy vô cùng bất ngờ khi các nhà ngôn ngữ học đưa ra kết luận sau những nghiên cứu kĩ lưỡng (như là bài luận văn của Phạm Thị Hoà) rằng tiếng Việt có tám thanh điệu, chứ không phải sáu. Như bạn thấy trong bảng, dấu sắc và dấu nặng có hai loại khác nhau. Ví dụ, âm 5A trong  khác với âm 5B trong sắc. 5B bắt đầu từ một điểm cao hơn và tăng lên rất nhanh và sắc. Đối với người học thì học hệ thống tám thanh điệu sẽ hữu dụng hơn, vì nó miêu tả cách phát âm thực tế chính xác hơn.
3. Trái ngược với các tài liệu dạy tiếng Việt, trong giọng Hà Nội, dấu hỏi thường không được phát âm thành 313 mà là 31. Điều này đặc biệt đúng khi dấu này nằm trước các âm tiết khác, nhưng nó cũng có thể được phát âm thành 313 ở cuối câu khi người nói đang nói cẩn thận. 313 cũng được dùng trong các giọng phương Bắc ở ngoài Hà Nội và ở Sài Gòn. Đối với những người ngoại quốc, 313 có lẽ là dễ nghe hơn bởi vì khi nói nhanh, 31 có thể nghe giống như dấu huyền. Bình thường, dấu huyền là 21, nhưng đôi khi cũng có thể là 31.
4. Dấu nặng, đặc biệt là loại 6A, khá khó đối với người nước ngoài. Nó hạ xuống rất thấp rất nhanh, họng nghẹn lại để tạo ra âm tắc cổ họng, và quan trọng hơn hết là phụ âm cuối cùng biến mất hay gần như biến mất, cho nên thành ra bạn nghe giống như là bạ hơn, không có /n/ ở cuối.
5. Chú ý rằng dấu sắc 5B rất cao, và khi nói nhanh nó thậm chí có thể nghe giống như một âm cao ngang gần với 55, trong khi dấu nặng 5B có thể xuống thấp đến 21 hay thậm chí là gần với 11.
6. Các thanh điệu trong giọng Sài Gòn và các giọng Nam khác khác với giọng Hà Nội. Đặc biệt đáng chú ý là cả dấu hỏi lẫn dấu ngã đều được phát âm như nhau, 313.

3.5. Nghe hiểu
Những người học thường nói rằng việc sử dụng một ngôn ngữ một cách thụ động (đọc và nghe), gọi là “tiếp thu,” thì dễ hơn so với việc sử dụng một cách chủ động (nói và viết), gọi là “tạo sản.” Bản thân tôi thấy rằng điều này đúng với đa số các ngôn ngữ mà tôi đã học, đặc biệt là những ngôn ngữ có ngữ pháp khó, như là tiếng Đức và tiếng Ả-rập. Tuy nhiên, tôi thấy rằng điều ngược lại lại đúng với hai ngôn ngữ, tiếng Trung và Việt, là hai thứ tiếng có nhiều điểm tương đồng như là thanh điệu và việc không có sự chia động từ, không có số nhiều, và không có giới tính.
Đối với tiếng Việt, tôi thấy việc nói dễ dàng hơn nhiều so với việc hiểu. Vấn đề lớn nhất của tôi là nghe hiểu, và tôi thấy bất ngờ rằng tôi có thể nói tiếng Việt tốt hơn là khả năng hiểu của tôi. Tôi đã suy nghĩ nhiều về tình hình này và cố gắng tìm kiếm lí do tại sao điều này lại xảy ra. Dưới đây là những lí do mà tôi đã tìm ra, tuy nhiên, tôi không hoàn toàn tin chắc rằng chúng là lời giải đáp đúng.
3.5.1. Âm khó
Đầu tiên và trên hết, tiếng Việt là một ngôn ngữ giàu và phức tạp về mặt âm vị: 11 nguyên âm, 19 (hay 20) phụ âm đầu, 8 âm cuối và 8 thanh điệu kết hợp lại với nhau để tạo ra gần 7000 âm tiết, so với khoảng 1200 âm tiết trong tiếng Trung và vỏn vẹn 108 âm tiết trong tiếng Nhật. Điều này có nghĩa là không chỉ có một số âm khó phát âm, mà cả việc phân biệt giữa nhiều âm tương tự như nhau cũng là một vấn đề, như là:


3.5.2. Thanh điệu khó
Đôi khi có thể khó nhận ra những khác biệt giữa các thanh điệu, đặc biệt là trong các cuộc hội thoại nhanh hay thân mật. Ví dụ, sự khác nhau giữa dấu huyền, nặng và hỏi trong những từ sau đây khá là tinh vi.
ngoài [ŋwaːj-2]
ngoại [ŋwaːj-6A]
ngoải [ŋwaːj-4]
Chắc chắn là người học sẽ có thể cảm thấy khó phân biệt giữa các thanh điệu. Nhưng dù gì đi chăng nữa, việc phân biệt giữa các âm giống nhau (như là banh và bênh) có lẽ vẫn khó hơn việc phân biệt giữa các thanh điệu giống nhau.
3.5.3. Nói nhanh/không rõ
Không thể bàn cãi là tốc độ là một trở ngại lớn trong việc hiểu một ngôn ngữ nước ngoài. Nhưng như ta đã thấy trong §2.13, trong số các ngôn ngữ thế giới đã được điều tra trong một nghiên cứu về mật độ thông tin, thì tốc độ nói tiếng Việt là chậm nhất. Cho nên, tốc độ có lẽ không phải là một nhân tố lớn trong việc nghe hiểu kém. Một vấn đề khác là người học thường hay ở trong một môi trường ồn ào, và người kia thì lại nói không rõ hoặc nói nhỏ.
3.5.4. Từ vựng lạ
Đương nhiên, một trở ngại lớn trong việc nghe hiểu là sự hiện diện của những từ lạ, từ lóng, và cụm từ khó. Tuy nhiên, tôi thấy rằng nhiều khi tôi vẫn khó bắt kịp một cuộc hội thoại ngay cả khi tôi đã biết nhiều hay thậm chí là đa số các từ được dùng, do đó, nguồn gốc của tình trạng không hiểu không thể nằm hoàn toàn ở việc thiếu kiến thức từ ngữ.
3.5.5. Dự tính
Một yếu tố quan trọng dẫn đến việc hiểu nhầm, ngay cả trong ngôn ngữ mẹ đẻ của bạn, là việc nghe những từ hay câu mà bạn không hề dự tính trước. Khi đang học ngoại ngữ, nếu có người đột ngột hỏi bạn một câu hỏi mà bạn không hề ngờ tới, như là “Trong thành phố bạn có nhiều trường học không?” trong khi bạn lại đang nói chuyện về đề tài thể thao hay ẩm thực, bạn sẽ dễ hiểu nhầm ngay cả khi bạn đã biết mọi từ trong câu hỏi đó rồi.
3.5.6. Ký ức thính giác
Nếu bạn đã học một từ bằng cách đọc nó nhưng lại chưa bao giờ hay chỉ hiếm khi nghe nó, thì bạn có thể sẽ không nhận ra nó khi bạn nghe nó. Cái bạn cần là một “hình ảnh thính giác” của một từ, chứ không chỉ là hình ảnh thị giác. Do đó, khả năng nghe kém có thể là do bạn chưa tiếp xúc đủ với âm thanh của từ đó.
3.5.7. Mất kiểm soát
Khi bạn nói, bạn đang nắm quyền kiểm soát: kiểm soát đề tài, kiểm soát từ vựng, kiểm soát tốc độ. Khi bạn nghe, người kia sẽ nắm quyền kiểm soát. Khi bạn đang nắm quyền kiểm soát, bạn sẽ chỉ sử dụng những từ vựng mà bạn biết và những đề tài mà bạn chọn, nhưng khi bạn mất kiểm soát thì bạn cũng dễ đánh mất dòng suy nghĩ của mình. Và nếu người kia nói quá nhanh, đổi đề tài, hay dùng nhiều từ lạ, bạn có thể nhanh chóng rơi vào và bị lạc trong một biển cả đầy những âm thanh lạ mà bạn không hiểu gì cả.

3.6. Nhiều đại từ
Theo bài viết Wikipedia về đại từ tiếng Việt, có khoảng 50 đại từ trong tiếng Việt, bao gồm số nhiều và những đại từ cổ xưa. (Ít hơn nhiều so với số đại từ khổng lồ trong tiếng Nhật, nhưng vẫn là một con số đáng kể.) Hoàn toàn làm chủ hệ thống đại từ tiếng Việt có thể là một quá trình gian nan, bởi vì (1) số lượng lớn của chúng, và (2) cần phải có hiểu biết về các yếu tố văn hoá và xã hội để sử dụng đại từ một cách chính xác. Có nhiều loại đại từ trong tiếng Việt. Bảng dưới đây cho thấy một phần nhỏ của chúng:


Dưới đây là một số trong những từ thân tộc thông dụng nhất được dùng làm thay thế cho đại từ. Những từ này không gắn liền với một ngôi thứ nhất định nào, nên chúng có thể gây nhầm lẫn. Ví dụ, chị vừa có thể có nghĩa là ‘bạn’ (ngôi thứ hai) và là ‘tôi’ (ngôi thứ nhất). Khi được dùng làm đại từ, những từ này giống đại từ hơn là từ thân tộc thực sự, cho nên trong câu Khi nào bác đến? thì ‘bác’ chỉ đến ngôi thứ hai chứ không phải là một người họ hàng hay người lớn tuổi ở ngôi thứ ba.


Một tin tốt cho người học là trong đối thoại thực tế, đại từ là một “trở ngại”, nhưng không phải là một “vấn đề lớn”. Mặc dù hệ thống đại từ trông có vẻ đáng sợ, chỉ cần một chút nỗ lực là bạn có thể giao tiếp đủ dùng trong thực tế. Ví dụ, bạn luôn luôn có thể yên tâm dùng tôi cho ngôi thứ nhất, mặc dù ngôn ngữ của bạn sẽ trở nên hơi cứng nhắc, hoặc là sử dụng đại từ phù hợp với lứa tuổi, như là cháu nếu bạn vào khoảng dưới 40 tuổi và người kia lớn tuổi hơn bạn nhiều. Với ngôi thứ hai, bạn có thể sử dụng từ bạn thân mật, nhưng tốt nhất là bạn nên dùng từ thân tộc dựa trên tuổi tác, như là anh đối với những người nam lớn tuổi hơn bạn nhưng không quá chênh lệch, và ôngđối với những người đàn ông cao tuổi.

3.7. Nhiều loại từ
Một đặc điểm đặc biệt của một số ngôn ngữ, như là tiếng Trung, Nhật, và Việt, là việc sử dụng loại từ. Chúng là những từ được dùng để phân loại hay đếm danh từ. Ví dụ:
Tôi có bốn con chó.
Giống như từ head của tiếng Anh trong ‘four heads of cattle’ vậy. Vấn đề nằm ở chỗ tiếng Việt có số lượng loại từ giàu có, việc sử dụng chúng là bắt buộc, và có thể khó nhớ được là loại từ nào phù hợp với danh từ nào. Một số loại từ thường gặp bao gồm:
cái      loại từ chung để chỉ những vật vô tri
con      loại từ chung để chỉ những vật thể sống, đặc biệt là động vật
ly         ly hay tách
cây      cây và những vật thể có hình cây
Phải mất thời gian thì bạn mới có thể làm quen với việc dùng đúng loại từ tiếng Việt. Nhưng ngay cả khi bạn không sử dụng chúng, hay chỉ sử dụng loại từ chung cái và con, bạn vẫn có thể giao tiếp đủ dùng. Cho nên mặc dù loại từ là một phương diện hơi khó trong tiếng Việt, nhưng bạn vẫn không cần phải tuyệt vọng làm gì.

3.8. Mật độ thông tin
Trong §2.13 chúng ta đã giải thích rằng mật độ thông tin cao có thể giúp việc học tiếng Việt dễ hơn như thế nào. Nhưng đây có thể là một con dao hai lưỡi. Tức là, mật độ thông tin cao có thể khiến việc nghe hiểu trở nên khó hơn, bởi vì sẽ mất nhiều thời gian và sức lực hơn để phân tích và hấp thu những gói thông tin dày đặc. Ví dụ, trong tiếng Nhật, từ utsukushii ‘đẹp’ kéo dài năm âm tiết so với từ đẹp một âm tiết trong tiếng Việt. Tôi nghĩ rằng có lẽ là trong khi từ utsukushii năm âm tiết đang được phát âm, thì người nghe sẽ tốn ít sức lực hơn để hấp thu thông tin, bởi vì năm âm tiết thì mất nhiều thời gian để phát âm hơn là từ đẹp một âm tiết ngắn ngủi.

-------------------------------------------------------------------------------------------------------------

4. 
TÓM TẮT VÀ KẾT LUẬN

4.1. Tại sao tiếng Việt dễ
Dưới đây là tóm tắt mười lăm lí do tại sao tiếng Việt dễ học, dễ hơn nhiều so với nhiều ngôn ngữ khác.
1. Từ ngắn. Từ ngắn và dễ học. Nhiều từ thông dụng như ngủ và đi chỉ có một âm tiết, và thậm chí những từ đa âm tiết như là thú vị cũng thường ngắn.
2. Thanh điệu ổn định. Thanh điệu không thay đổi tuỳ theo ngữ cảnh; có nghĩa là, thanh điệu của mọi âm tiết đều luôn luôn giữ nguyên.
3. Không giới tính. Tiếng Việt không có giới tính ngữ pháp. Giới tính là một trở ngại lớn đối với người học của nhiều ngôn ngữ như là tiếng Ả-rập và Đức, vì dạng từ thường không theo quy tắc và phi lí.
4. Không số nhiều. Tiếng Việt không có dạng từ số nhiều, dù là danh từ hay tính từ hay động từ đi chăng nữa. Dạng số nhiều có thể rất bất quy tắc (như trong tiếng Đức và Ả-rập) và do đó cũng khó học.
5. Không có mạo từ. Tiếng Việt không có mạo từ. Trong nhiều ngôn ngữ như là tiếng Đức và Bồ Đào Nha, làm chủ được mạo từ là một việc khó khăn, bởi vì dạng từ của chúng có thể dựa trên giới tính, số lượng, và cách thể.
6. Không chia động từ. Động từ tiếng Việt không cần được chia; tức là, chúng chỉ luôn luôn có một dạng. Một số ngôn ngữ có hàng trăm dạng động từ, và người học có thể phải dành ra hàng năm để học được.
7. Thì dễ. Thì của tiếng Việt được tạo ra bằng một số nhỏ các tiểu từ đặt trước động từ, như là đã cho quá khứ và sẽ cho tương lai. Do đó, bạn có thể sử dụng thành thạo các thì tiếng Việt trong vòng vài phút.
8. Không bắt buộc dùng thì. Các tiểu từ chỉ định thì có thể được bỏ qua nếu ngữ cảnh đã làm rõ thì của từ, hoặc bằng cách dùng từ thời gian, như trong Tôi ăn trưa hôm qua.
9. Không cách thể. Từ Việt không thay đổi theo cách thể ngữ pháp (như là danh cách hay tặng cách), khiến cho thứ tiếng này dễ học hơn nhiều so với các ngôn ngữ với hệ thống cách thể phức tạp như tiếng Đức.
10. Không có sự phù ứng. Bởi vì từ tiếng Việt không biến đổi và cũng không có hiện tượng chia động từ, nên chúng không bao giờ thay đổi theo thì, số lượng, và giới tính của những từ khác trong câu, khác với nhiều ngôn ngữ khác.
11. Dễ đọc. Tiếng Việt được viết bằng bảng chữ cái Latin có dấu. Nó dễ đọc hơn nhiều so với các ngôn ngữ châu Á khác như là tiếng Trung và Nhật, vốn được viết bằng bộ chữ phi Latin.
12. Dễ viết. Tiếng Việt dễ viết vì nó sử dụng bảng chữ cái Latin và bởi vì chính tả của nó khá ổn định, không như các ngôn ngữ như là tiếng Pháp và Anh.
13. Từ dễ. Tiếng Việt được tạo ra dựa trên mô hình Trung Quốc. Bởi vì mỗi âm tiết có một ý nghĩa rõ ràng (thường là được lấy từ một kí tự Trung Quốc), ta có thể dễ dàng hiểu nghĩa từ ghép nếu ta biết được nghĩa của từng thành phần trong từ ghép.
14. Ngữ pháp dễ. Ngữ pháp tiếng Việt dễ hơn nhiều so với nhiều ngôn ngữ khác, bởi vì những đặc điểm như là chia động từ và biến đổi từ theo cách thể không hiện diện, trong khi những đặc điểm khác, như là dạng số nhiều và thì, thì dễ sử dụng và cũng không bắt buộc.
15. Mật độ thông tin. Tiếng Việt dồn nhiều thông tin vào trong cùng một số lượng âm tiết hơn là các ngôn ngữ thế giới chủ đạo khác, và điều này giúp việc học dễ hơn bởi vì từ ngắn diễn tả ý nghĩa hiệu quả hơn.

4.2. Tại sao tiếng Việt khó
Dưới đây là phần tóm tắt những lí do tại sao tiếng Việt khó học. (Mọi bình luận đều sử dụng giọng Hà Nội tiêu chuẩn).
4.2.1. Phát âm khó
1. Phụ âm. Đa số phụ âm trong số 19 phụ âm của thứ tiếng này giống với tiếng Anh và dễ phát âm, nhưng kh và âm đầu ng, như trong ngôn ngữ, có thể khó nói.
2. Nguyên âm. Tiếng Việt có 11 nguyên âm và nhiều nguyên âm đôi và nguyên âm ba. Đối với người học, những nguyên âm khó nhất có lẽ là /ư/, /ơ/, /â/, và /ưa/.
3. Âm tiết. Có gần 7000 âm tiết, một số có cấu trúc phức tạp, và nhiều âm tiết khó phát âm, như là đưỡn, nghiêng, dượt, và bưu.
4. Thanh điệu. Tiếng Việt thực ra có tám chứ không phải sáu thanh điệu. Một số thanh điệu khó đọc, như là dấu nặng và ngã.
4.2.2. Nghe hiểu
Mọi người thường cho rằng việc học cách sử dụng một ngôn ngữ một cách thụ động (đọc và nghe) thì dễ hơn là sử dụng một cách chủ động (nói và viết). Đối với tiếng Việt, dường như việc nói có thể dễ hơn là nghe, vì những lí do sau đây.
1. Âm khó. Âm vị tiếng Việt giàu và phức tạp: 11 nguyên âm, 19 (hoặc 20) phụ âm, 8 âm cuối, và 8 thanh điệu kết hợp lại với nhau để tạo ra gần 7000 âm tiết, một số trong số đó khá giống nhau và khó phân biệt, như là nhinh [ɲïʲŋ], nghinh [ŋïʲŋ], và nghiêng [ŋiəŋ]
2. Thanh điệu khó. Có thể khó phân biệt được sự khác nhau giữa một số thanh điệu khi người nói đang nói nhanh, chẳng hạn như sự khác nhau giữa ngoài, ngoại, và ngoải khi nói nhanh.
3. Nói nhanh. Tiếng Việt thường được nói khá chậm, nhưng nếu người nói nói nhanh, không rõ, hay nhỏ giọng, thì việc hiểu trở nên khó khăn.
4. Từ vựng. Một trở ngại lớn trong việc học bất kì ngôn ngữ nào là sự hiện diện của từ và cụm từ lạ. Nhưng ngay cả khi bạn đã biết đa số các từ ngữ, bạn vẫn có thể thấy khó hiểu được tiếng Việt.
5. Dự tính. Nếu có ai hỏi bạn một câu hỏi nằm ngoài dự tính của bạn, bạn sẽ dễ hiểu nhầm ngay cả khi bạn đã biết mọi từ trong câu hỏi đó.
5. Trí nhớ thính giác. Nếu bạn học một từ bằng cách đọc nhưng lại hiếm khi nghe nó, bạn có thể không nhận ra nó. Bạn cần một “hình ảnh thính giác,” chứ không chỉ là hình ảnh thị giác, để hiểu được từ đó khi bạn nghe nó.
7. Mất kiểm soát. Khi nói thì bạn đang là người kiểm soát đề tài, từ vựng, và tốc độ, nhưng khi nghe, người kia sẽ chiếm quyền kiểm soát và bạn có thể bị lạc lối. Do đó, việc nói có thể dễ hơn là việc nghe.
8. Mật độ thông tin. Mặc dù mật độ thông tin cao khiến cho tiếng Việt nhìn chung dễ học hơn, nhưng trên thực tế nó có thể khiến cho việc nghe khó hơn bởi vì bạn có thể mất nhiều thời gian hơn để hấp thu lượng thông tin dày đặc hơn.
4.2.3. Đại từ và Loại từ
1. Đại từ. Có hàng tá đại từ, và để sử dụng chúng một cách chính xác đòi hỏi kiến thức về các yếu tố văn hoá và xã hội. Một điều dễ gây nhầm lẫn chính là việc cùng một từ, như là anh và cháu, có thể vừa chỉ đến ngôi thứ nhất lẫn ngôi thứ hai.
2. Loại từ. Tiếng Việt có số lượng loại từ giàu có, sử dụng chúng là bắt buộc, và nhớ được loại từ nào phù hợp với danh từ nào có thể là một việc khá khó khăn.

4.3. Kết luận
Tóm lại, mặc dù việc học tiếng Việt có những trở ngại, đặc biệt là về phần phát âm và phân biệt các thanh điệu và nhiều âm khó, ta có thể nói rằng tiếng Việt là một ngôn ngữ khá dễ học: từ ngắn, chính tả ổn định, không giới tính, không số nhiều, không chia động từ, không cách thể, không mạo từ, vân vân và vân vân.
Đừng để những kẻ tông đồ mê tín đang la hét rằng “tiếng Việt khó” làm cho bạn nản chí. Hãy dồn hết lòng can đảm của bạn lên và nhào vào thế giới tiếng Việt đầy thú vị và vui sướng nào.

Jack Halpern

 ------------------------------------------------------------------------------------------------------------

VỀ TÁC GIẢ

Jack Halpern, giám đốc điều hành (CEO) của Viện Nghiên cứu Từ điển CJK [chuyên nghiên cứu về từ điển học tính toán đối với các ngôn ngữ CJK (Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc) và ngôn ngữ Ả-rập]. Ông là chuyên gia về từ điển học, và đã biên soạn nhiều từ điển và ứng dụng để học ngôn ngữ, đặc biệt là cuốn từ điển Kodansha Kanji Learner's Dictionary. Jack Halpern đã sống ở Nhật Bản suốt 40 năm. Ông sinh ra ở Đức và đã sinh sống ở sáu quốc gia. Ông là một người yêu thích ngôn ngữ, đã học 15 thứ tiếng (nói trôi chảy mười thứ tiếng) và đã dành hàng thập kỉ để học về viết từ điển. Jack Halpern yêu môn thể thao đạp xe một bánh. Ông đã sáng lập Hiệp hội Đạp xe Một bánh Quốc tế (International Unicycling Federation), và đã quảng bá môn thể thao này khắp các nước trên thế giới. Hiện nay, niềm đam mê của ông là thổi sáo quena, cải thiện tiếng Việt và tiếng Ả-rập của mình, và du lịch nước ngoài.



Nhận xét

Bài đăng phổ biến