GIÓ ĐƯA BỤI CHUỐI TE TÀU

GIÓ ĐƯA BỤI CHUỐI TE TÀU

 Từ chuyện bụi chuối te tàu đến xe, tàu... gọi sao cho đúng?

Câu thơ của Tôn Thọ Tường "Mây tuôn đen kịt khói tàu bay", khiến không ít người đọc "bé cái nhầm", không phải "tại thằng đánh máy" mà do từ "bay" - nhằm chỉ sự di chuyển trên không trung. Mà hiện nay khi nói "tàu bay" lập tức ta nghĩ đến "máy bay" - phương tiện đi lại, chiến đấu trên không. 

Lập luận chặt chẽ đến thế, biết đâu vẫn có người cãi thì sao? Cãi rằng: "Ơ kìa, do ông Tường đã biết/thấy tàu bay mới viết câu thơ đó?". 

Xin thưa, ông Tường mất năm 1887. Mãi đến ngày 10-12-1910, phi công Hà Lan Van den Born lái chiếc Farman, đó là lần đầu tiên người Sài Gòn mới thấy tàu bay xuất hiện trên bầu trời.

Tàu cũng xuất hiện trong câu thành ngữ: "Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ".

"Tàu" ở đây lại có nghĩa chỉ cái máng đựng thức ăn trong chuồng; và cũng dùng chỉ cái chuồng như chuồng ngựa, voi, tượng nên mới có câu: "Trống như tàu tượng". 
Loại lá cây to và rộng bản cũng gọi là tàu. "Gió đưa bụi chuối te tàu/ Chàng Nam thiếp Bắc làm giàu, ai ăn?". 

Một người chọc quê bạn: "Kìa, mới nhát ma một chút tẹo mà đã run gan. Chưa chi, mặt xanh như tàu lá". Tàu ở đây nhằm chỉ tàu lá chuối, tàu lá dừa, tàu lá dừa…

Theo nhà nghiên cứu Nam Chi Bùi Thanh Kiên, ở Nam bộ thì "tàu mo" ngoài nghĩa thông dụng mo cau còn chỉ: "Xe lôi gắn máy - tên gọi xe gắn máy kéo thùng để chở khách hoặc hàng hóa, thạnh hành ở các tỉnh miền Tây, nhất là ở Bến Tre từ thập niên 1960". 

Không rõ cách gọi ấy, nay còn hay đã mất? Có thể không mấy ai còn gọi "tàu mù" dành cho những chiếc tàu mà trước mũi tàu không vẽ hai con mắt, chỉ sơn một màu. Dấu vết của cách gọi ngộ nghĩnh này, còn tìm thấy trong Đại Nam quấc âm tự vị (1895).

Đôi lúc cách ghi âm tàu/ tào vẫn chưa thống nhất đối với từ du nhập, chẳng hạn, "Nam Vang đi dễ khó về/ Trai đi bạn biển, gái về tào kê". Nhà ngôn ngữ học Lê Ngọc Trụ cho biết: "Tào kê vây mượn tiếng Tiều Châu mà âm Hán Việt là bảo mẫu". 

Đại từ điển tiếng Việt hiện nay ghi nhận "tàu kê" và giải thích: 1.Tiếng gọi những người giàu có và có thế lực; 2. Tiếng gọi những người bất chính cho vây lấy lãi, những người chủ chứa gái điếm".

Sự lý thú của "tàu" trong tiếng Việt còn phải kể đến trường hợp danh từ riêng Tàu, nhằm chỉ người Trung Quốc đã biến thành danh từ chung từ đời tám hoánh: "Vai u thịt bắp, mồ hôi dầu/ Nách lông một nạm, trà tàu một tô", thịt kho tàu, mực tàu, táo tàu, chè tàu… 

Tương tự, do nhập từ Thái Lan nên mới xuất hiện cách định danh như vịt xiêm, mãng cầu xiêm, dừa xiêm; hoặc ngay cả thuốc lào cũng vậy… Mà cũng phải thôi, "nhập gia tùy tục" là vậy.

Đôi lúc đọc/học tác phẩm văn học Việt Nam, có nhiều loại xe khiến ta bí rị. "Xe rồng phút chốc mây che/ Minh Vương ở Hán lại về nối ngôi" (Đại Nam quốc sử diễn ca). Xe rồng, tức "long xa" chở vua. 

Tuy nhiên, trải qua năm tháng, xe rồng lại "đèo" thêm nghĩa khác. Khác thế nào? Trong đám tang, cái xe được bài trí trang trọng, rực rỡ một cách tôn nghiêm được gọi "xe rồng" nhằm… chở quan tài người quá cố về nơi an nghỉ cuối cùng!

Truyện thơ Nôm khuyết danh Quan Âm Thị Kính có câu: "Dứt lời thoắt đã chia tay/ Hồn hương đã sẵn xe mây rước về". Có phải xe mây là… di chuyển trên mây? Vâng, xe mây là dịch từ chữ Hán: "Vân xa", Từ điển Hán Việt của Đào Duy Anh giải thích: "Xe đi ở trên mây = Phép thần tiên đi giữa không", nói cách khác xe mây chỉ sự rước linh hồn người chết về cõi trên…

Như đã biết, do tàu di chuyển dưới nước nên gọi tàu/tàu thủy nhưng tại sao tàu di chuyển đường ray trên bộ, lại có lúc gọi là xe? Đơn giản chỉ vì tàu ấy có bánh xe, chẳng hạn xe lửa/ tàu lửa/tàu hỏa, xe điện/ tàu điện, xe điện ngầm/tàu điện ngầm… 

Vậy xe bò, "Khỏe re như con bò kéo xe" nếu đổi qua tàu bò thì sao? Thì, lập tức nó nhảy cái rẹt qua nghĩa nhằm chỉ… xe tăng! Lại nữa, một khi nói "tàu bay tàu bò" lại hoàn toàn chẳng có xe tăng gì cả, nó lại hàm nghĩa chỉ máy bay/tàu bay nói chung.

Do tùy thuộc vào cách vận chuyển/ vận hành mà tàu/xe có cách gọi tên. Gọi tàu lửa do nó chạy bằng động cơ hơi nước mà thuở ấy phải dùng đến củi lửa trong thao tác vận hành; xe chạy bằng điện thì gọi xe điện/tàu điện, xe kéo bằng tay gọi xe tay v.v… Xin hỏi khó chút tẹo, vậy xe đò có phải xe đi bằng đò?

Tại sao từ đò xuất hiện rất tréo ngoe ở đây? Suy luận rằng, khi chưa có xe, người ta đi bằng đò. Mà đã muốn đi đò thì phải đến bến đò, tức bến đậu; và đò xuất phát có giờ giấc hẳn hòi. 

Vậy xe cũng có bến xe - địa điểm tương tự đón/đưa khách. Một khi xe đã thay thế vai trò của đò, lập tức người ta gọi xe đò - tức nó cũng đóng vai trò như đò nhưng bằng hình thức khác là xe. Đò đưa đón khách thì xe đò cũng thế, do đó, nó còn được gọi xe khách. 

Thế nhưng chẳng một ai gọi "đò khách" bao giờ. Ngày xưa, người đưa đò được gọi "con đò", Đại Nam quấc âm tự vị giải thích: "Đứa đưa đò (thường sự là con gái)".
Vâng, người đưa đò gọi là con đò, còn người lái xe (trong đó có xe đò) được gọi tài xế - do vay mượn từ sốp-phơ: chauffeur. 

Thế tự bao giờ "tài xế" lại nhảy một phát lên "bác tài" nghe ra rất bảnh tỏn? Có phải từ thời bao cấp, sự vận chuyển bằng xe đò - dù chạy bằng than, "Xe than dễ đẩy, khó đề/ Khi đi trắng hẻo, khi về đen thui" nhưng vẫn là oách nhất. Vậy, hành khách vì muốn thuận lợi, dễ dàng cho mình nên lấy lòng, "nịnh" tài xế băng cách nâng lên thành "bác tài"?

LÊ MINH QUỐC


Nhận xét

Bài đăng phổ biến