UỐNG NHƯ HỦ CHÌM

UỐNG NHƯ HỦ CHÌM

Các cuốn "Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam" của nhóm Vũ Dung-Vũ Thúy Anh-Vũ Quang Hào, "Từ điển thành ngữ Việt Nam" (Viện ngôn ngữ học-Nguyễn Như Ý chủ biên) "Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam" (GS Nguyễn Lân) "Thành ngữ Việt Nam lược giải" (Nguyễn Trần Trụ), "Từ điển thành ngữ, tục ngữ Việt Nam" (chọn lọc dùng cho học sinh-Nguyễn Bích Hằng) v.v...đều không thấy ghi nhận thành ngữ "Uống như hũ chìm". Bản thân tôi cũng lần đâu tiên được nghe. Có thể đây là câu thành ngữ không thuộc diện thông dụng ? Tuy nhiên, theo tôi, "Uống như hũ chìm" là một câu thành ngữ hay và được hiểu như sau:

Về nghĩa đen:
hũ là đồ đựng bằng sành hoặc bằng gốm, có hình dáng gần giống cái chum: đáy hóp lại, thân phình ra và cổ thắt lại. Hũ khác cái chum ở chỗ nhỏ hơn, đáy hóp hơn và cổ cũng bé, thắt lại nhiều hơn so với chum. Nếu so với chĩnh, hũ lại lớn hơn, miệng rộng hơn. Khi thả xuống nước, cái hũ tròng trành, "uống"  no nước rồi chìm nghỉm. Không nói bạn đọc cũng tưởng tượng ra lúc này bên trong hũ “căng” đầy nước, bên ngoài ngập trong nước. Thế là cả trong, cả ngoài đều chìm ngập trong nước.

Về nghĩa bóng:
hình dáng cái hũ phình dần phần thân lên đến cổ trông giống như cái bụng uống nước no căng. Tiếng nước tràn vào lòng hũ và đẩy không khí thoát ra ngoài "òng ọc" nghe chẳng khác nào tiếng "nốc" ừng ực của người uống... Bây giờ, anh thử tưởng tượng một ai đó nhảy xuống cái bể rượu, uống căng một bụng rượu rồi chìm ngập trong cả cái bể rượu ấy.

Chúng ta thường có cách nói để ám chỉ việc uống nhiều bia rượu như: uống như trâu, uống như rồng, ngập trong bia rượu, được một hôm tắm bia v.v...Tuy nhiên, chẳng có kiểu so sánh, ví von nào sinh động, đắt hơn hình ảnh "Uống như hũ chìm": trong bụng đầy rượu, bên ngoài ngập rượu, chỉ toàn rượu là rượu...
Thành ngữ, tục ngữ thường có nhiều nghĩa đen  và nghĩa bóng. Hũ chìm còn có thể được hiểu là hũ rượu chôn xuống đất, đầy rượu bên trong (chìm theo nghĩa của chìm của nổi).

HOÀNG TUẤN CÔNG
5/9/2014



Nhận xét

Bài đăng phổ biến