Kỷ 97 - NHÀ MINH GIẤU LƯỠI GƯƠM HIỂM ÁC, NHÀ TRẦN DÙNG KẾ TẰM ĂN DÂU

Kỷ 97
NHÀ MINH GIẤU LƯỠI GƯƠM HIỂM ÁC
NHÀ TRẦN DÙNG KẾ TẰM ĂN DÂU

Đầu năm 1411, vua nước Minh ra một số chính sách mang tính chất chiêu an và dùng chức tước mua chuộc vua tôi nhà Hậu Trần. Điều đó xuất phát từ hoàn cảnh khó khăn của nước Minh. Ở phương bắc chiến tranh lớn với Bắc Nguyên đòi hỏi Chu Đệ phải tập trung phần binh lực lớn về hướng bắc. Phương nam vì thế trở nên mỏng yếu, nền đô hộ ở Đại Việt của Minh triều trở nên lung lay. Tóm lại, việc giảng hòa của vua Minh chỉ là một bước đi tình thế. Đi cùng với đó là việc củng cố bộ máy ngụy quyền trên đất nước ta, chứng minh rằng quyết tâm đô hộ, đồng hóa nhân dân Đại Việt của bạo chúa Chu Đệ vẫn không thay đổi.

Trước sự phản kháng mạnh mẽ của quân dân Việt, người Minh liên tiếp tổn hao nhân mạng và tiền của không hề nhỏ. Sự tổn thất này vượt lên trên tất cả những nguồn lợi mà giặc Minh thu được từ việc đô hộ nước ta. Điều này đã khiến trong nội bộ Minh triều xuất hiện những ý kiến bất đồng với chủ trương cố sống cố chết không chịu trao trả độc lập cho Đại Việt của vua Minh. Tiến sĩ Giải Tấn, người từng làm Hàn lâm đại học sĩ trong triều đình nước Minh, được cử sang nước ta nhậm chức Tham nghị. Khi đến nhậm chức, nhận thấy tình hình lòng dân đều tỏ ý phản kháng, Giải Tấn đã nói thẳng với các quan tướng Minh ở Đông Quan: “Giao Chỉ chia đặt làm quận huyện không bằng để nguyên như cũ, nên phong tước chia đất cho các thổ hào để họ cai quản lẫn nhau. Chia đặt quận huyện dẫu có cái được cũng không bù được những cái mất, cái lợi không chữa được cái hại”.

Lời có Giải Tấn thể hiện cái nhìn sâu sắc, biết mình biết người nhưng rất tiếc lại nói ra không hợp thời khi mà hầu hết bạn đồng liêu xung quanh ông và cả vua của ông đều là những con người tham công, hiếu chiến. Từ Đông Quan, các quan lại đô hộ mật tâu lời của Giải Tấn về cho Kim Lăng. Chu Đệ nghe được, đùng đùng nổi giận xuống lệnh bắt ngay Giải Tấn dẫn về nước, rồi giao cho Cẩm Y Vệ giam giữ. Giải Tấn không lâu sau đó bệnh chết trong ngục. Đó là một sự dằn mặt các ý kiến trái chiều của vua Minh. Sau việc này, văn võ bá quan Minh triều đều chỉ ngậm tăm mà thi hành những chủ trương bạo ngược, hiếu chiến đối với Đại Việt.

Bên cạnh những sự hoài nghi trong nội bộ Minh triều về cuộc đô hộ, thì trong hàng ngũ ngụy quan cũng không thiếu những người bất bình. Giáo thụ Lê Cảnh Tuân, người từng là Giám sinh Quốc tử giám, vì nghe lời dụ dỗ “phù Trần diệt Hồ” mà từng bước trở thành kẻ tay sai cho giặc. Nay trước những hành động ngang ngược, bất chấp lý lẽ của quân Minh đã không có kìm nén được, viết một “Vạn ngôn thư” gởi cho viên Tham nghị Bùi Bá Kỳ, văn ngôn là một bức kiến nghị các sách lược thượng, trung, hạ sách cho quân Minh, nhưng lồng vào đó các lời khuyên thực thi những lời hứa của quân Minh năm xưa khi mới tiến quân vào đánh nhà Hồ. Bức thư đó cũng bị quan lại nước Minh trình tấu về Kim Lăng. Chu Đệ không ngần ngại bắt giải Lê Cảnh Tuân sang Kim Lăng, cũng giam vào nhà ngục của Cẩm Y Vệ để bịt miệng. Sau Lê Cảnh Tuân bị giam 5 năm trong ngục, cuối cùng bệnh chết trong đó.

Lúc bấy giờ, Mộc Thạnh và quân tướng nước Minh rất cố gắng phối hợp với đám ngụy quân, ngụy quan chống trả các đợt tấn công của quân Hậu Trần. Tuy quân Minh chiến đấu rất hiệu quả, nhưng cũng núng thế dần trước khí thế của quân ta. Quân Hậu Trần không còn mở những cuộc hành quân lớn nhằm thẳng vào Đông Quan như trước, mà tổ chức những chiến dịch quy mô nhỏ hòng lấn đất dần. Các châu huyện thuộc các phủ Kiến Bình, Trấn Man, Tân Yên, Kiến Xương, Phụng Hóa (các vùng này thuộc các hướng đông bắc, đông nam đồng bằng sông Hồng) dần dần về tay quân Hậu Trần. Bên cạnh đó, một dải giang sơn từ Thanh Hóa trở vào trở thành vùng hậu phương vững chắc cho nhà Hậu Trần.

Trong vùng lãnh thổ này, bản sắc Đại Việt vẫn tồn tại và phát triển qua thời gian. Còn tại các vùng quân Minh chiếm đóng, nhân dân vẫn hết mức trông chờ được giải phóng khỏi ách đô hộ, dù cho vua Minh đã ra một số chính sách nới lỏng việc cai trị, hòng thu phục nhân tâm.
Tình hình khách quan thuận lợi cho nhà Hậu Trần không kéo dài lâu, vì cuộc chiến giữa nước Minh và quân Bắc Nguyên dưới trướng khả hãn Bản Nha Thất Lý đã định đoạt xong trong năm 1410. Các bộ tộc Bắc Nguyên tuy thiện chiến nhưng rời rạc về tổ chức. Trong khi liên minh bộ tộc Thát Đát (Tatar) của Bản Nha Thất Lý kiên quyết chống Minh thì bộ tộc Ngõa Lạt (Oirat) lại chấp nhận hòa nghị với nước Minh, liên binh tấn công Thát Đát. Bản Nha Thất Lý cuối cùng chống không nổi trước quân Minh đông đến 50 vạn người dưới quyền tổng chỉ huy của chính Chu Đệ, lực lượng bị tiêu diệt gần hết. Do đó, quân Minh chiếm ưu thế hoàn toàn ở phương bắc, lập tức chia quân hướng mũi giáo về nam.

Vua Minh thi hành một chính sách tráo trở hai mặt. Hắn dùng chiêu bài dụ dỗ, mua chuộc các tầng lớp nhân dân bằng việc giảm nhẹ thuế khóa, tăng bổng lộc cho ngụy quan, đem chức tước ra để chiêu hồi những lực lượng khởi nghĩa. Nhưng ngay sau khi tình hình trong nước thuận lợi, một đạo viện binh lớn lập tức được chuẩn bị tiến sang Đại Việt hòng đàn áp thẳng tay nhân dân ta. Và một khi việc dùng binh thuận lợi, sẽ không có chuyện bạo chúa Chu Đệ khoan dung cho người Việt bất cứ điều gì.

Tháng 2.1411, Trương Phụ lại lĩnh ấn “Chinh Di tướng quân” nhận lệnh đem một đạo viện binh lớn tiến sang nước ta. Lực lượng quân Minh lần này bao gồm binh mã của 6 đô ty Tứ Xuyên, Quảng Tây, Giang Tây, Hồ Quảng, Vân Nam, Quý Châu, cả thảy có 14 vệ quân. Theo quân chế nước Minh, 14 vệ quân sẽ có quân số 78.400 lính (mỗi vệ có 5.600 lính). Tuy nhiên, Minh Thực Lục lại chỉ chép có 2.400 lính. Nhiều khả năng sử nước Minh đã dùng thủ thuật quen thuộc là nói giảm quân số để đề cao chiến công của tướng Minh, khỏa lấp thất bại nếu có khi đi chinh phạt.

Dù đã hạ lệnh cho quân tiếp viện, nhưng việc gom quân, chuẩn bị cũng mất hàng tháng trời. Bởi vậy, vua Minh vẫn dùng thủ đoạn dụ dỗ để che giấu đi lưỡi gươm hiểm ác của mình. Tháng 3.1411, vua Minh xuống “chiếu dụ Giao Chỉ”:

“Trẫm nhận mệnh trời, cai trị muôn phương, vĩnh viễn che chở soi xét tình cảnh kẻ dưới, lòng đầy sự thương yêu, sớm chiều canh cánh. Nghĩ rằng Giao chỉ đã được sáp nhập vào bản đồ, nhưng suốt năm chưa được yên ổn nghỉ ngơi, sau buổi khốn khó giặc giả bèn ban ân khoan hồng như sau :

- Kể từ ngày 24 tháng 2 năm Vĩnh Lạc thứ 9 trở về trước, những người Giao Chỉ tụ tập trong núi rừng đều được xá tội, quân cho trở lại nguyên đơn vị, dân trở lại với nghề cũ, quan lại quân dân phạm tội chưa bị phát giác cũng được tha.

- Ngoài thuế lương thực, các loại thuế vàng, bạc, muối, sắt, cá, hoa quả được miễn trưng thu trong vòng 3 năm. Vàng, bạc vẫn cấm không được khai thác

- Nội bộ trong dân được phép giao dịch bằng vàng, bạc, tiền đồng nhưng không được đưa ra khỏi lãnh thổ.

- Những Thổ quan Giao Chỉ có tài năng rõ ràng về việc cai trị quân dân, hãy tâu lên cho biết tên để thưởng cờ biển làm bằng. ”(theo Minh Thực Lục)

Như vậy là vua tôi nước Minh sau nhiều phen khốn đốn vẫn kiên quyết không từ bỏ việc cướp nước ta. Việc binh đao giữa hai nước vẫn liên miên mãi không ngừng vì dã tâm của giặc. Vua tôi nhà Hậu Trần lại phải đương đầu với một cơn sóng dữ mới nữa.

Quốc Huy

Nhận xét

Bài đăng phổ biến