36. CON TRÂU

VŨ ĐỨC SAO BIỂN
KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI

36.
CON TRÂU

Tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung không phản ánh về hoạt động nông nghiệp của nông dân Trung Quốc mà chỉ phản ánh thế giới võ hiệp – một thế giới hoàn toàn hư cấu do trí tưởng tượng phong phú của tác giả. Tuy nhiên, xuất thân từ một đất nước rộng lớn trong một giai đoạn mà nền nông nghiệp còn sản xuất nhỏ và lạc hậu, Kim Dung đã đưa vào trong tiểu thuyết của mình hình ảnh nông thôn Trung Quốc, những nông dân và sinh hoạt nông nghiệp Trung Quốc. Ta thử bàn về con trâu trong tác phẩm của ông.

Trong ngôn ngữ Trung Quốc, trâu là ngưu hoặc hắc ngưu để phân biệt với con bò là hoàng ngưu. Ở chừng mực nào đó, Kim Dung cũng đã thể hiện tình cảm của mình đối với con trâu, sức kéo tiêu biểu trong nông nghiệp truyền thống Trung Quốc. Trong tác phẩm Thần điêu hiệp lữ, trí tưởng tượng của tác giả đã phát huy đến cao độ khi ông để cho chàng trai Dương Qua “mượn” tạm một con trâu của người nông dân, mặc bộ quần áo của trẻ chăn trâu, đốt đuốc phía sau đít trâu để trâu phóng thục mạng vào vòng vây của quân Mông Cổ xâm lược. Con trâu của Dương Qua xông trận còn hữu hiệu hơn cả con ngựa chiến Mông Cổ. Phải chăng đó là hình ảnh tiêu biểu của cuộc khởi nghĩa nông dân tại thành Tương Dương? Cuộc khởi nghĩa Tương Dương đã bị quân Nguyên tắm máu, giang sơn Trung Hoa chìm trong ách Di Địch nhưng hình tượng Dương Qua cỡi trâu xông trận vẫn còn mãi với Thần điêu hiệp lữ và được hiện thực hóa bằng điện ảnh.

Chàng trai Quách Tĩnh trong Xạ điêu anh hùng truyện được thầy mình là Hồng Thất Công đặt tên cho là Thuỷ Ngưu (trâu nước), còn có biệt hiệu là Ngưu Canh Điền (trâu cày ruộng). Ấy bởi vì tướng mạo Quách Tĩnh mộc mạc quê mùa, nước da ngăm ngăm đen, ít miệng lưỡi, chậm hiểu, tướng phục phịch như con trâu.

Con trâu có mặt khắp mọi nơi trong tiểu thuyết Kim Dung. Trâu chết đi để lại cho người thịt và da. Bọn quần tiên 36 động 72 đảo trong Thiên Long bát bộ chuyên ăn thịt trâu khi tấn công lên cung Linh Thứu, núi Phiêu Diễu. Và bọn họ ăn như ngựa, uống như trâu (mã thực, ngưu ẩm). Bọn quần hào Trung Nguyên, từ đám bàng môn tả đạo ủng hộ Lệnh Hồ Xung tấn công lên chùa Thiếu Lâm núi Thiếu Thất trong Tiếu ngạo giang hồ đến bọn lên ủng hộ Thiếu Lâm anh hùng đại hội trong Thiên Long bát bộ đều đánh trống bằng da trâu. Có lẽ da trâu dày hơn da bò mới chịu được công lực của các vị đại gia ấy chăng? Cái tiết tấu ồn ào, phức tạp của họ làm cho ma quỷ, thánh thần cùng kinh hãi. Da trâu được dùng làm vũ khí và đôi khi là công cụ để thi hành hình luật. Đó là roi da trâu, tức ngưu bì tiên, đánh đến đâu nghe đến đó! Sừng trâu được cưa làm chung đựng rượu. Trong Tiếu ngạo giang hồ, Tổ Thiên Thu đã thuyết Lệnh Hồ Xung rằng rượu trắng ngoài quan ngoại đựng trong sừng trâu. Sở dĩ dùng sừng trâu làm chung uống rượu vì chất sừng tanh tanh, có như thế mới chế ngự được mùi vị cay nồng của rượu trắng.

Tên tuổi của con trâu cũng được nhà tiểu thuyết mượn tạm để chế ra môn phái, ám khí và võ công. Các vị đạo sĩ tu theo pheo phái Võ Đang như Xung Hư trong Tiếu ngạo giang hồ, Trương Tam Phong trong Ỷ thiên Đồ long ký được gọi là các lão “lỗ mũi trâu”. Mô phỏng theo hình dáng sợi lông trâu, bọn bàng môn tả đạo chế ra thứ ám khí gọi là Ngưu mao châm. Trong Thiên Long bát bộ, Tang Thổ Công, động chủ động Bích Lân, đã bắn thứ này vào bọn Mộ Dung Phục khiến phe Cô Tô Mộ Dung ngứa ngáy vô kể. Tuy nhiên điểm sáng nhất của Kim Dung lại nằm trong môn Cách sơn đả ngưu thần công. Như tên gọi, loại công phu này có điểm cách biệt là đánh được con trâu mà giữa con trâu và người đánh có một vật cản là hòn núi. Tất nhiên cả hai khái niệm trâu và núi đều mang tính ẩn dụ cao độ. Trong Thiên Long bát bộ, Kim Dung đã để cho quốc sư nước Thổ Phồn là Cưu Ma Trí biểu diễn công phu này. Cưu Ma Trí vận chưởng của phái Thiếu Lâm, đứng từ xa vung tay đánh cách không vào chiếc lư hương bằng đồng. Phía bên này lư hương vẫn bình thường nhưng ở phía bên kia, phần đồng bị cắt ra một miếng đúng như bàn tay của Cưu Ma Trí. Trong Lộc Đỉnh ký, Kim Dung cũng để cho Vi Tiểu Bảo biểu diễn Cách sơn đả ngưu thần công. Hắn vận “công lực” và đấm vào các vị Lạt ma Tây Tạng những thế võ nhẹ hều. Nhưng các nhà sư Tây Tạng lại lăn ra chết. Tại sao vậy? Trong tay áo thùng thình, hắn đang cầm một lưỡi truỷ thủ bén ngọt. Hắn vung tay lên không phải để đánh quyền mà là dùng truỷ thủ đâm lén. Da thịt nào chịu nổi loại thần công gớm ghiếc như vậy?

Người đời thường bảo ngu như trâu, dở như trâu. Nhưng trong tác phẩm võ hiệp Kim Dung, con trâu đã chẳng ngu mà lại chẳng dở chút nào. Cuốn Ỷ thiên Đồ long ký xây dựng một nhân vật thầy thuốc mà y thuật cao đến độ thần thông, mang tên trâu xanh: Hồ Thanh Ngưu. Ngoại hiệu của Hồ Thanh Ngưu là Điệp Cốc y tiên và chỗ ở của ông là Hồ Điệp Cốc. Cả ngoại hiệu và chỗ ở của Hồ Thanh Ngưu cho thấy được chất lãng mạn mênh mông của nhân vật này.

Có một con trâu khác trở thành đối tượng được các cô thiếu nữ nhan sắc kiện tướng công huân say mê như điếu đổ. Đó là chàng Trương Vô Kỵ, khi trốn vào hang núi mới có 15 tuổi. Trong 5 năm học võ, chàng trở thành bậc thượng thừa. Trượt tuyết rớt xuống chân núi gãy cả hai chân, chàng tự xưng là Tăng A Ngưu (Tăng Văn Trâu). Lên đến Quang Minh đỉnh giải vây cho quần hùng Minh giáo, chàng vẫn là Tăng A Ngưu. Tăng A Ngưu có đến bốn cô bạn sắc nước hương trời, một “tài sản” mà không một hoàng đế Trung Hoa nào có được: Triệu Mẫn, quận chúa hoa hậu Mông Cổ; Tiểu Siêu, hoa khôi thánh nữ sứ Minh giáo Ba Tư; Chu Chỉ Nhược, chưởng môn phái Nga Mi; Hân Ly, tức Châu Nhi, em cô cậu. Cuối cùng Tăng Văn Trâu chọn Triệu Mẫn vui chơi bốn biển năm hồ mặc dù anh có đủ tài năng và tư cách lên nắm ghế lãnh đạo cao nhất trong lực lượng khởi nghĩa kháng Nguyên ở Hoài Tứ. Thuộc hạ của anh là Chu Nguyên Chương đã nắm quyền khởi nghĩa thành công, xưng đế hiệu là Minh Thái Tổ, mở ra nhà Minh (1368 - 1643), truyền được 13 đời. Tăng A Ngưu Trung Quốc đi theo đóa hoa lài Mông Cổ nhưng trong trường hợp này chẳng ai dám chế giễu nhà văn Kim Dung đem bông hoa lài cắm bãi cứt trâu

Nhận xét

Bài đăng phổ biến