42. NHẠC BẤT QUẦN

42.
NHẠC BẤT QUẦN 
Quân tử hai mặt


Nói đến các nhân vật trong bộ tiểu thuyết Tiếu ngạo giang hồ, tất nhiên không thể không nhắc tới chưởng môn phái Hoa Sơn "Quân tử kiếm" Nhạc Bất Quần, không phải vì ông ta là sư phụ của nhân vật chính, mà vì tác phong và tính cách của nhân vật này là một thể thống nhất, có tính điển hình nhất định. Cứ theo lời tác giả viết thêm ở cuối sách, thì "Tại các cuộc tranh cãi Ở Quốc hội Việt Nam Cộng hòa, các nghị sĩ thường chỉ trích đối phương là Nhạc Bất Quần (ngụy quân tử) hoặc Tả Lãnh Thiền (kẻ có mưu đồ xác lập bá quyền)". (XemTiếu ngạo giang hồ).

Đủ thấy người này đã nổi tiếng ở nước ngoài rất sớm, như một danh từ chung chỉ một loại nhân vật chính trị. Có điều tôi cảm thấy, trong một bộ tiểu thuyết võ hiệp "ý đồ khắc họa một hiện tượng rất phổ biến trong đời sống chính từ ba ngàn năm của Trung Quốc" thì không dễ chút nào. Nói thực, trong Tiếu ngạo giang hồ, số hình tượng nhân vật có chiều sâu nhân văn hoàn toàn không nhiều. Nguyên nhân e rằng chính vì tác giả muốn tả "hiện tượng phổ biến", nên không thể không bỏ qua hoặc hi sinh việc khai thác tính cách của cá nhân. Kết quả là xuất hiện một số nhân vật loại hình hóa, bề ngoài xem ra hình tượng cũng có vẻ sinh động, nhưng tiến hành xem xét kỹ hình tượng nhân vật, thì thấy chẳng qua đấy chỉ là cái phù điêu hình tượng khái niệm chính trị rất mỏng và nông, trong đó vết tích giả tạo còn lộ quá rõ. Nhạc Bất Quần là một thứ phù điêu hình tượng "nổi bật" kiểu đó.

I

Xây dựng hình tượng Nhạc Bất Quần, chỗ đáng nói là tác giả định vị tính cách của y, để chúng ta đi cùng đường với nhân vật chính trong sách, dần dần phát hiện bên trong cái vẻ ngoài nghiêm trang đạo mạo "Quân tử kiếm" lừng danh võ lâm là một bộ mặt khác cực kỳ đáng sợ. Nhìn bề ngoài, người này đoan trang, chính khí lẫm liệt, hễ mở miệng toàn những là giang hồ hiệp nghĩa, văn chương đạo đức, xử thế vì người, cứ y như một người bảo vệ chính nghĩa công bằng trong võ lâm; nhưng bên trong thì nuôi dã tâm,suy mưu tính kế, hễ thời cơ chín muồi thì sẽ bộc lộ hết chân tướng nguy hiểm. Ví dụ, “Tịch Tà kiếm phổ" của nhà họ Lâm ở Phúc Kiến, Nhạc Bất Quần là người có mưu đồ sớm nhất, dụng tâm sâu nhất, thu được kết quả hiện thực nhất.

So với y, chưởng môn phái Thanh Thành Dư Thương Hải, rầm rầm rộ rộ chế tạo cái họa tiêu diệt Phước Oai tiêu cục, chẳng đáng là gì. Trong việc sáp nhập Ngũ Nhạc kiếm phái, Nhạc Bất Quần là người suy tính chu đáo nhất, thủ đoạn ghê gớm nhất. Tả Lãnh Thiền dã tâm bá đạo, diệt trừ nhiều người, làm cho võ lâm chính phái người người oán giận, không ngờ rốt cuộc chỉ dọn cỗ sẵn cho Nhạc Bất Quần đến làm ngư ông thủ lợi. Còn về chuyện Nhạc Bất Quần giả dối, miệng mật lòng đao, vu hại đồ đệ Lệnh Hồ Xung của mình, đánh lừa con gái Nhạc Linh San của mình, hãm hại con rể Lâm Bình Chi của mình, lừa dối chính vợ mình, thì khỏi cần nói nữa. Như thế là đã phá vỡ giới hạn phân minh chính tà vốn có trong tiểu thuyết võ hiệp, trả lại chân tướng lịch sử "đấu đá vô nghĩa" trong phạm vi chính trị và đấu tranh chính trị.

Trong Tiếu ngạo giang hồ, địa vị của Nhạc Bất Quần được xếp vào loại "chính trong số chính”: y không chỉ là chưởng môn phái Hoa Sơn chính phái, mà còn là truyền nhân chính tông của chi Khí tông trong phái Hoa Sơn. So với tổ chức tà giáo rõ rệt như Nhật nguyệt thần giáo, thì phái Hoa Sơn và toàn bộ liên minh Ngũ Nhạc đương nhiên là tổ chức chính phái. Còn so với "Kiếm tông" chuyên đi theo bàng môn tả đạo, gọi là "tà trong số chính", thì Khí tông phái Hoa Sơn hiển nhiên là chính tông chính phái, người đứng đầu của nó Nhạc Bất Quần đương nhiên là điển phạm "chính trong số chính". Nhưng về sau chúng ta phát hiện phạm vi chính trị giữa hai chi Khí tông và Kiếm tông phái Hoa Sơn chẳng qua chỉ là một sự tranh chấp thuần túy "học thuật".

Xung đột chính trị giữa liên minh Ngũ Nhạc và Nhật nguyệt thần giáo rốt cuộc cũng chỉ khác nhau về ngọn cờ. Cuối cùng, Nhạc Bất Quần "chính trong số chính" và Đông Phương Bất Bại "tà trong số tà", cùng luyện một loại võ công giống nhau, chẳng qua một bên gọi là "Tịch Tà kiếm phổ", bên kia gọi là "Quì Hoa bảo điển" mà thôi. Ở một quốc gia dân chủ hiện đại, mọi công dân đều cảm thấy, cái phát hiện “kinh người" rằng trong mọi đảng phái chính trị khác nhau vừa có người tốt, vừa có kẻ xấu, thực ra chỉ là một thứ kiến thức thường thức hết sức đơn giản. Nhưng tôi tán thưởng cách thiết kế này của tác giả, bởi vì trong một xã hội chuyên chế hàng ngàn năm, người ta vẫn không ngừng phân định các đảng phái chính trị khác nhau thành địch ta rõ ràng, các thế lực chính trị khác nhau bị người ta bôi vẽ thuốc hóa trang, đạo đức hóa phe ta và yêu ma hóa phe địch.

Thuốc tô vẽ cứ ngày càng nhiều, dĩ nhiên làm cho lịch sử chính trị bị hóa trang đạo đức hóa dày tới mức hậu nhân không tài gì rửa sạch. Tiếu ngạo giang hồ chỉ hơi gột rửa, đã khiến mọi người quá đỗi kinh ngạc. Khi Nhạc Bất Quần giảng cho đệ tử nghe lịch sử "đấu tranh đường lối" giữa hai chi Khí tông và Kiếm tông trong phái Hoa Sơn, ai tỏ vẻ nghi ngờ thì Nhạc Bất Quần lấy cái chết ra đe dọa cảnh cáo. Khi đó đương nhiên chúng ta càng thêm kinh ngạc. Sau đó ta thấy xuất hiện cục diện kỳ dị "kiếm pháp của đệ tử Khí tông cao, mà nội lực của sư thúc Kiếm tông thì mạnh" khi Lệnh Hồ Xung tỷ võ với sư thúc Phong Bất Bình, thì có người thấy tức cười hoặc đáng suy nghĩ. Khi thấy Quân tử kiếm Nhạc Bất Quần tiên sinh hóa ra là một đại ngụy quân tử, mọi việc làm chẳng khác gì Tả Lãnh Thiền, Nhậm Ngã Hành, thì ngay người ngốc nghếch mấy cũng sẽ hiểu rằng trong lĩnh vực chính trị, thật sự không thể căn cứ ngọn cờ, khẩu hiệu của một cá nhân, một đảng phái để phán đoán đúng sai công tội đối với lịch sử.

II

Nhạc Bất Quần là một gã ngụy quân tử, chuyện đó đã rõ ràng. Vấn đề là có nên, có nhất thiết coi y thành kẻ ngụy quân tử, xấu xa trăm phần trăm hay không? Ngoại hiệu "Quân tử kiếm" của Nhạc Bất Quần có phải là hoàn toàn lừa người dối đời hay không? Trong cuộc đời cá nhân này không hề có biểu hiện quân tử chân chính hay sao? Ở đây không chỉ có vấn đề quan niệm sáng tác của tác giả, mà còn là vấn đề phương pháp đọc sách của độc giả. Ý tôi muốn nói, trong ý thức văn hóa của người Trung Quốc, luôn luôn thiếu một sự hiểu sâu về tình người và sự phức tạp của con người. Cái mô hình phán xét đạo đức cố định lâu dài làm cho người Trung Quốc không thể hiểu nổi cách tự ngã nhận thức của người phương Tây "con người vừa là thiên sứ, vừa là ma quỉ", mà là hài lòng với ranh giới đạo đức trắng đen phân minh.

Nếu chỉ căn cứ vào kết cục, Nhạc Bất Quần hiển nhiên là kẻ có dã tâm, đầy mưu mô, ngụy quân tử, thủ đoạn đê hèn hơn hẳn các nhân vật bá đạo như Dư Thương Hải, Tả Lãnh Thiền, đã đạt được mục đích trở thành tổng chưởng môn Ngũ Nhạc kiếm phái. Hơn nữa, từ kết quả xét động cơ, Nhạc Bất Quần hiển nhiên trong việc tranh bá võ lâm đã có mưu đồ từ sớm, trước sau suy tính kỹ càng, nhưng bề ngoài làm như không có gì. Bằng chứng quan trọng nhất là trước khi phái Thanh Thành tiến đánh Phước Uy tiêu cục, Nhạc Bất Quần đã phái đệ tử của y là Lao Đức Nặc và con gái y là Nhạc Linh San đến Phúc Châu trinh sát. Điều đó chứng tỏ Nhạc Bất Quần từ lâu đã thèm muốn "Tịch Tà kiếm phổ" của nhà họ Lâm, sau nhận Lâm Bình Chi làm đệ tử, lại tới Phúc Châu, rồi chọn Lâm Bình Chi làm con rể, đều không phải là chuyện tình cờ.

Nhậm Ngã Hành trong tử lao ở Tây Hồtừng nói với Lệnh Hồ Xung về Nhạc Bất Quần thế này : "Con người ấy hết sức giả dối, chỉ tiếc ta một là quá bận, hai là thất thủ bị ám toán, nếu không ta đã lột bộ mặt giả của hắn đi rồi". (Xem Tiếu ngạo giang hồ). Nhậm Ngã Hành tuy không phải là người tử tế, song lời nhận xét của y đáng tin, y có con mắt tinh đời. Còn Lệnh Hồ Xung nhìn lầm về Nhạc Bất Quần, Ninh Trung Tắc vợ y nhìn lầm về y, phương trượng chùa Thiếu Lâm Phương Chứng đại sư và Xung Hư đạo trưởng phái Võ Đang cũng nhìn lầm về y; thậm chí ngay Tả Lãnh Thiền sớm có phát giác và luôn luôn đề phòng, cuối cùng vẫn mắc lừa y, hầu như mọi người trong thiên hạ đều bị Nhạc Bất Quần đánh lừa.

Tất cả đều chứng tỏ Nhạc Bất Quần là một ngụy quân tử trăm phần trăm. Nhưng như vậy thì tính cách của nhân vật Nhạc Bất Quần sẽ mất tính phong phú, thậm chí ở mức độ nhất định sẽ mất đi tính chân thực. Bảo Lệnh Hồ Xung lương thiện vô tri mắc lừa Nhạc Bất Quần thì có lý, chứ bảo Ninh Trung Tắc làm vợ y mấy chục năm mà toàn mắc lừa Nhạc Bất Quần thì có phần khó tin; bảo Phương Chứng đại sư từ tâm hiền hậu mắc lừa Nhạc Bất Quần thì khả dĩ, chứ bảo Xung Hư đạo trưởng khôn ngoan hơn người cũng mắc lừa Nhạc Bất Quần thì hơi quá. Hơn nữa, xét về mặt lôgich, ngoại hiệu "Quân tử kiếm" của Nhạc Bất Quần vốn có từ lâu, không phải do y tự đặt ra, tối thiểu cũng phải có chút danh phó kỳ thực. Cuối cùng, và đây là điều quan trọng nhất, về lẽ thường của tính người, Nhạc Bất Quần cũng không phải luôn luôn giả dối.

Thứ nhất, Nhạc Bất Quần để đạt mục đích nào đó không thể cho ai biết, phải giả dối, đương nhiên có thể lý giải; nhưng nếu không có mục đích gì, liệu y có lấy giả dối làm vui hay không? Thứ hai, cứ coi như Nhạc Bất Quần quen giả dối trong các trường hợp công khai, vậy trong sinh hoạt riêng tư y có giả dối hay không? Ví dụ, khi Nhạc Bất Quần giảng cho đệ tử về cuộc tranh chấp giữa Kiếm tông với Khí tông phái Hoa Sơn, nói về niềm tin của y đối với Khí tông, chắc chắn y không giả dối. Rồi việc Nhạc Bất Quần khai trừ Lệnh Hồ Xung khỏi sư môn, bảo là vì chàng kết giao với tà đồ, cũng không phải là y giả dối.

Thực ra, trong tính cách và hành vi của Nhạc Bất Quần, ngoài sự giả dối, lừa đảo, còn có nhân tố hoặc biểu hiện phức tạp hơn. Các nhân tố như tâm kế, trí tuệ, quyền mưu của y thì đâu có phân ra chân ngụy. Điều quan trọng đương nhiên còn là hoài bão chính trị, hoặc dã tâm chính trị của y. Nếu không có hoài bão cao xa, mục tiêu lâu dài, Nhạc Bất Quần đâu cần hao phí tâm cơ; nếu không thế, y đã chẳng từ quân tử biến thành ngụy quân tử, cuối cùng thân bại danh liệt.

III

Tôi bàn vấn đề Nhạc Bất Quần là chân quân tử hay ngụy quân tử, không phải để biện hộ, bênh vực cho Nhạc Bất Quần, mà chỉ để nhấn mạnh tính phức tạp của nhân tố tâm lý cá tính nhân vật và tính xã hội của con người. Ý nghĩa thật sự của hình tượng Nhạc Bất Quần thực ra còn ở chỗ y đại biểu cho một lý tưởng nhân cách đạo đức truyền thống, hơn nữa y đại biểu cho một lý tưởng cao nhất về chính trị truyền thống, tức là chính trị quân tử, cũng tức là "vương đạo" nội thánh ngoại vương. Đến đây nảy ra vấn đề mới, đạo đức quân tử là một thứ tu dưỡng nhân cách hoặc phong độ cá tính; hay đạo đức quân tử là một thứ vốn liếng chính trị hoặc quan điểm chính trị; hai thứ đó vừa có giá trị tích cực, vừa có giá trị tiêu cực; hơn nữa cả hai thứ đó vừa có tính chân thực nhất định, vừa có tính giả dối nhất định.

Điều này thể hiện hết sức rõ ràng qua hình tượng Nhạc Bất Quần. Ở mức độ nào đó, tôi tin rằng ba chữ "Quân tử kiếm" của Nhạc Bất Quần có tính chân thực nhất định. Cá nhân Nhạc Bất Quần tác phong nghiêm cẩn, đồng thời y còn đòi hỏi đệ tử cũng phải có hành vi gương mẫu, điều này thiết tưởng cũng không có gì đáng ngờ. Có điều là cái tác phong quân tử và hành vi gương mẫu ấy bị đẩy tới mức cực đoan, hạn chế nghiêm trọng sự phát triển cá tính của bản thân y và đệ tử của y, đè nén nghiêm trọng tính người, dẫn đến tác dụng phụ là "vật cực tất phản” (tức nước vỡ bờ).

Phải nói đấy là tác dụng phụ tất nhiên của truyền thống lễ giáo quân tử; cái tác dụng phụ này làm cho hậu nhân không dám tin vào bất cứ thứ lễ giáo, quân tử qui tắc đạo đức nào nữa; cuối cùng thành ra mất hết đạo đức trên qui mô lớn. Nguyên nhân thực ra không do bản thân lễ giáo quân tử, mà là do cái mô hình tư duy và quan niệm đạo đức đơn giản hóa mang tính truyền thống của dân tộc Trung Hoa: hoặc là hoàn toàn đúng, hoặc là hoàn toàn sai, hoặc là hoàn toàn thật, hoặc là hoàn toàn giả. Kết quả là trên một phạm vi rộng lớn, bề ngoài quân tử, bên trong tiểu nhân, ai ai cũng đều thành Nhạc Bất Quần. Trong lĩnh vực chính trị truyền thống, như được miêu tả trong Tiếu ngạo giang hồ, tuy các thế lực chính trị chồng chéo phức tạp, song quan điểm và hành động chính trị của họ chẳng qua chỉ thuộc hai loại, một là bá đạo hai gọi là "vương đạo".

Bắt dầu từ thời Chiến Quốc, Mạnh Tử đã trách đời lắm bá đạo, ít "vương đạo” , Đến thời đại Nhạc Bất Quần, tình hình vẫn thế. Dư Thương Hải, Tả Lãnh Thiền, Đông Phương Bất Bại, Nhậm Ngã Hành, thậm chí cả lãnh tụ mới phe Kiếm tông phái Hoa Sơn Phong Bất Bình cũng toàn là nhân vật bá đạo, đều muốn dùng võ công chinh phục địch thủ, tiến tới chinh phục thế giới. Ngược lại, Nhạc Bất Quần là người duy nhất giương cao ngọn cờ "vươngđạo”, như thế kể cũng quí vì ít có. Bao nhiêu năm nay chúng ta vốn tin lý tưởng “vương đạo", vốn luôn cho rằng "vương đạo" dù thế nào cũng tốt hơn bá đạo. Nhưng chuyện Nhạc Bất Quần giáng một gậy vào đầu chúng ta, khiến chúng ta hoàn toàn tuyệt vọng, - hoặc hoàn toàn giác ngộ,- đối với chính trị truyền thống.

Thứ nhất, khoan nói Nhạc Bất Quần ngay từ đầu đã lừa dối, tối thiểu khi y lấy thân phận quân tử tham gia tranh chấp bá quyền võ lâm, y đã hoàn toàn giả đối,"vương đạo" há có thể do vũ lực đem lại? Thứ hai, bảo Nhạc Bất Quần lấy "vương đạo" làm mục tiêu phấn đấu thì không đúng, phải nói là y lấy đó làm ngọn cờ, khẩu hiệu, mà dưới ngọn cờ ấy, y có thể giở mọi thủ đoạn tàn bạo. Tức là "vương đạo" biến thành một thứ ngụy trang đẹp đẽ khôn khéo cho bản chất bá đạo.Tôi tôn trọng giá trị đạo đức, nhưng không thích Nhạc Bất Quần, lý do rất đơn giản, theo tôi, "vương đạo” và bá đạo chẳng qua chỉ là hai mặt của một vật là chính trị truyền thống. Mỗi cá nhân dùng võ lực đoạt lấy chính quyền đều là bá đạo chủ nghĩa, còn sau khi đoạt được chính quyền thì trở thành "vương đạo" chủ nghĩa.

Tiếp đó, sau lưng mỗi chính quyền "vương đạo” thực ra đều dựa trên bá đạo vũ lực. Ở ý nghĩa nhất định mà nói, "vương đạo" còn đáng sợ hơn bá đạo, bởi vì cái sự nguy hại của bá đạo ai ai cũng thấy, cũng biết; còn sự nguy hại của "vương đạo” khiến cho người ta bất tri bất giác, hoặc có biết cũng không thể nói ra. Như thế có phải là bá đạo ghê gớm nhất hay chưa, chúng ta còn cần đi sâu nghiên cứu phân biệt.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến