48. NGHI LÂM

48.
NGHI LÂM 
Khả ái đáng thương

Nếu bỏ phiếu bầu cho nhân vật nữ đáng yêu nhất trong tiểu thuyết của Kim Dung, tôi khẳng định sẽ chọn Quách Tương trong Thần điêu hiệp lữ và Nghi Lâm trong Tiếu ngạo giang hồ. Quách Tương tự nhiên đứng đắn, giàu linh tính; Nghi Lâm thì độc đáo thuần khiết tề chỉnh lạ lùng. Tôi thấy câu này rất hay: nữ nhân đáng yêu hoàn toàn không phải vì sắc đẹp, mà là vì đáng yêu nên mới đẹp. Sự đáng yêu của Nghi Lâm không chỉ vì nàng thanh tú tuyệt tục, xinh xắn dịu hiền, dáng hình uyển chuyển, giọng nói kiều mị, mà còn vì nàng hồn nhiên chân thật, trong sáng vui tươi.

I

Nghi Lâm xuất hiện là một cảnh tượng đầy xúc động, được bố trí khéo léo. Nàng như làn gió nhẹ , như dòng suối trong. Như một vầng trăng sáng, Nghi Lâm vừa xuất hiện đã làm tất cả mọi người có mặt xúc động, ngay đến kẻ lòng dạ hẹp hòi, hoành hành bá đạo như Dư Thương Hải cũng bất giác tin rằng tiểu ni cô đẹp như viên ngọc minh châu Nghi Lâm sẽ không nói dối. Không giống như lối miêu tả khoác lác trong Thư kiếm ân cừu lục, hàng vạn tướng sĩ nhìn thấy Hương Hương công chúa vội hạ vũ khí, cái đáng yêu và đáng thương của Nghi Lâm ở đây tựa hồ có thể sờ thấy được.

Tác giả bố trí để Nghi Lâm tự thuật về những gì nàng trải qua, tuy kể quá dài, nhưng rất khéo, không giả tạo, phải nói là một cách bố trí tuyệt vời, một là nghe thật đến mức phải chính người kể trải qua mới nói được như thế; hai là tình tiết câu chuyện đan xen rắc rối, khó phân định phải trái, nếu không phải do Nghi Lâm kể, người ta sẽ khó tin. Độc giả nói chung sẽ chăm chú theo dõi nội dung câu chuyện, tức là chỉ quan tâm đến nhân vật chính của bộ tiểu thuyết, đại đệ tử phái Hoa Sơn Lệnh Hồ Xung, xem y là người thế nào, y cùng ngồi uống rượu với gã dâm tặc Điền Bá Quang và tiểu ni cô Nghi Lâm ra sao, Nghi Lâm đã gặp chuyện gì.

Đoạn tự thuật ấy rất đáng chú ý không chỉ về mặt nội dung, mà còn cả về mặt hình thức. Câu chuyện không chỉ làm nổi bật hình tượng nhân vật Lệnh Hồ Xung, mà đồng thời cũng biểu lộ đầy đủ tính cách, khí chất, tâm lý và mối thâm tình vô hạn của tiểu ni cô Nghi Lâm đối với Lệnh Hồ Xung. Đoạn miêu tả hình tượng Nghi Lâm khiến tôi có ấn tượng sâu đậm, là khi Lệnh Hồ Xung hôn mê tỉnh lại, cái cảnh Nghi Lâm vui mừng, tình ý miên man, mâu thuẫn trùng trùng, ngượng ngùng e thẹn, bối rối luống cuống. Trong đó cảm động nhất là việc nàng phá giới lấy trộm dưa cho Lệnh Hồ Xung. Lệnh Hồ Xung bị thương khát nước, Nghi Lâm định đi tìm nước, chàng lại muốn nàng đi hái dưa. Mà nàng thì một là không có tiền trong người, hai là gần đây không có người để có thể hóa duyên, ý của Lệnh Hồ Xung là bảo nàng cứ đi hái trộm cũng được. Nhưng "làm như thế là ... ăn trộm, là điều giới kỵ thứ hai trong ngũ giới, không được làm", nàng định cầu Bồ Tát phù hộ, nhưng lại nghĩ nêu lý do "Lệnh Hồ đại ca thèm ăn dưa hấu” hoàn toàn không chính đáng.

Sau đó nàng lại nghĩ : "Người ta cứu mạng, ngươi lại để người ta rơi xuống địa ngục, chịu mãi cái khổ luân hồi hay sao? Một mình làm một mình chịu. Nghi Lâm ta phạm giới luật, không liên quan gì đến Lệnh Hồ đại ca". (Xem Tiếu ngạo giang hồ). Cuối cùng nước mắt lưng tròng, Nghi Lâm cả quyết phá giới, chịu xuống địa ngục, mới đi hái dưa. Nghi Lâm chân thành như thế, trong trắng như thế, lại thâm tình như thế, thật làm cho người ta vừa yêu quí, vừa đau lòng thay cho nàng. Có thể nói chuyện đó là một ngụ ngôn quan trọng về tính cách và vận mệnh của Nghi Lâm. Nghi Lâm dường như ngay từ đầu đã yêu Lệnh Hồ Xung sâu sắc, đương nhiên không chỉ vì chàng là ân nhân cứu mạng, cũng không chỉ bởi Lệnh Hồ Xung đã "chết" vì nàng, thậm chí cũng không chỉ bởi Lệnh Hồ Xung có tính cách phóng khoáng, mà còn vì nàng bẩm tính si tình, đây lại là mối tình đầu của nàng.

Dường như định mệnh từ đầu đã quyết rằng mối tình si này là vĩnh viễn vô vọng, chỉ đem lại cho nàng đau khổ và bất hạnh. Trước hết đó là vì đối tượng tình yêu của Nghi Lâm lại là Lệnh Hồ Xung, mà Lệnh Hồ Xung thì đã si tình đối với sư muội Nhạc Linh San, sau đó lại nhất mực chung tình với Nhậm Doanh Doanh của Nhật Nguyệt thần giáo, trong trái tim chàng trước sau không có chỗ nào dành cho Nghi Lâm cả. Nói tình yêu chỉ đem lại cho nàng đau khổ và bất hạnh, bởi vì nàng là ni cô phái Hằng Sơn, từ bé đã một mực tuân thủ các giới luật của sư môn Phật giáo. Việc phá giới hái trộm dưa còn làm cho nàng khổ sở giằn vặt mãi, nữa là phạm giới luật nghiêm trọng hơn nhiều cái việc hái trộm dưa - là tình yêu nam nữ.

Theo giới luật của nàng, nàng không được đối diện với Lệnh Hồ Xung; nhưng tình cảm của nàng thì lại khiến nàng lúc nào cũng cứ mong mỏi được ở bên cạnh người yêu sớm chiều. Theo thân phận của nàng, Nghi Lâm không dám đối diện với mối tình cố giấu trong lòng; nhưng do thiên tính, cái tình yêu không thể ức chế ấy cứ trào lên mãnh liệt trong lòng. Nghi Lâm hồn nhiên dĩ nhiên cũng từng có ảo tưởng, cũng từng mấy phen cố vùng vẫy kiểu như phá giới hái trộm dưa, thậm chí phụ thân nàng là Bất Giới hòa thượng và mẫu thân nàng là Lung Á bà bà phí tận tâm cơ lo cho nàng, song kết quả chỉ uổng công.

Đào Cốc lục tiên vì nàng đi tìm Lệnh Hồ Xung, Điền Bá Quang đến mời Lệnh Hồ Xung, Bất Giới hòa thượng cũng đích thân cầu xin Lệnh Hồ Xung, thậm chí Lung Á bà bà còn dùng vũ lực đe dọacưỡng bức Lệnh Hồ Xung, song thảy đều không làm cho Lệnh Hồ Xung thay đổi tình cảm của mình; ngược lại mỗi hi vọng và cố gắng vì nàng của mấy người ấy chỉ đem lại thêm phần đau khổ, tuyệt vọng, xấu hổ cho Nghi Lâm. Tựa hồ định mệnh định sẵn là bông hoa tuyệt đẹp trong trắng ấy vĩnh viễn không có dịp nở ra hoàn toàn, chỉ chớm nở trong đài hoa là phải héo úa rồi lụi tàn.

II

Số phận bất hạnh của Nghi Lâm hẳn làm cho vô số người hữu tình trên thế gian cảm khái thốt lên tiếng "ôi!”. Truy tìm nguyên nhân, tất mọi người sẽ còn kinh ngạc hơn. Nhớ lần đầu tiên Nghi Lâm xuất hiện trước mọi người, ai nấy đều nghĩ : "Một mỹ nữ như thế kia, sao lại đi làm ni cô kia chứ?" (Xem Tiếu ngạo giang hồ). Thực ra câu hỏi này chính là điểm mấu chốt trong số phận cuộc đời Nghi Lâm. Như đã nói, nỗi khổ tâm lớn nhất của Nghi Lâm là do nàng là ni cô mà lại yêu đương say đắm. Vị trưởng lão của Nhật Nguyệt thần giáo từng trải lão luyện Khúc Dương vừa nhìn thấy Nghi Lâm đã thấy "tiểu ni cô này là một kẻ đa tình", "cô bé đâu có hiểu gì mà lại đi làm ni cô". (Xem Tiếu ngạo giang hồ).

Nhận xét đó, tôi chắc không một ai phản đối. Thực ra, Nghi Lâm xuất gia hoàn toàn không phải là do nàng tự lựa chọn, mà do định mệnh - thân thế của nàng dẫn đến. Nghi Lâm ra đời là một câu chuyện tình yêu kỳ lạ Phụ thân nàng vốn là một đồ tể, yêu một ni cô xinh đẹp đến mức điên cuồng, nói nhất quyết phải lấy nàng ta làm vợ. Ni cô bảo nàng là người xuất gia, nếu nghĩ đến chuyện kết hôn, sẽ bị Bồ Tát quở trách. Thế là gã đồ tể kiên quyết xuất gia, lấy pháp danh Bất Giới, tiếp tục cầu hôn, nói nếu Bồ Tát quở trách, bắt nàng xuống địa ngục, thì gã sẽ xuống đó trước; thế là nàng cảm động, đồng ý hoàn tục kết hôn.

Không lâu, tình yêu của họ có kết tinh là sinh ra con gái, đặt tên Nghi Lâm. Khúc Dương bảo Nghi Lâm "là một kẻ đa tình", là đúng với nguồn gốc gia đình của nàng. Có điều, không ai ngờ được cái mối tình cực kỳ lãng mạn kia lại dẫn đến một kết cục không thể hiểu nổi. Mẹ của Nghi Lâm thấy Bất Giới hòa thượng đứng ngoài cổng nói chuyện vài câu gì đó với một thiếu nữ lạ mặt, liền xung đột với chồng, cho rằng chồng mình "là một kẻ bạc tình, hiếu sắc số một trong thiên hạ", thế là quyết ý bỏ chồng con dứt áo ra đi. Bất Giới hòa thượng bế con đi khắp nơi tìm kiếm, nhưng không có tin tức gì. Sau do Nghi Lâm bị bệnh, Bất Giới hòa thượng khó bề chăm sóc, đành mang bé Nghi Lâm đến Hằng Sơn gửi cho Định Dật sư thái nuôi dưỡng; từ đó Nghi Lâm, giống như Hư Trúc trong Thiên long bát bộ, từ ấu thơ đã thành đệ tử cửa Phật, coi thân phận, mạng vận ấy như chuyện tất nhiên.

Số phận Nghi Lâm khác Hư Trúc ở chỗ giữa cha mẹ nàng hoàn toàn không có trở ngại hoặc ngăn cách nào đáng kể. Truy cứu cuộc xung đột ngớ ngẩn vô vị và sự chia ly của vợ chồng Bất Giới hòa thượng xem ai đúng ai sai đã là điều vô nghĩa. Vấn đề là một cặp vợ chồng vô trách nhiệm, chỉ vì tình cảm riêng của mình mà tạo ra bé Nghi Lâm trên thế gian; rồi vì một chuyện cãi cọ vô vị, đem bé ném vào cửa Phật, để nó thành một đứa bé mồ côi trong khi cha mẹ vẫn sống. Một người mẹ nhất thời xốc nổi, đã làm cho con gái mình sau này phải trả một cái giá quá đắt. Nghi Lâm muốn thoát khỏi đau khổ, chỉ có cách "giá như năm xưa mẹ đừng sinh ra con".(Xem Tiếu ngạo giang hồ).

Nhìn lại câu chuyện về Nghi Lâm, giá như từ nhỏ nàng không xuất gia, thì đương nhiên nàng sẽ không phải coi tình yêu nam nữ bình thường của mình là một thứ nghiệt chướng quá lớn. Càng quan trọng hơn, sở dĩ Lệnh Hồ Xung trước sau không đáp ứng tình yêu tha thiết của Nghi Lâm, hẳn chủ yếu là vì thân phận đặc thù của nàng là ni cô phái Hằng Sơn. Giả dụ Nghi Lâm không phải là ni cô, tuy Lệnh Hồ Xung chưa chắc đã yêu nàng, song tối thiểu chàng cũng sẽ không như hiện tại, là hoàn toàn không dám "tơ tưởng" gì cả. Nếu thế số phận của Nghi Lâm và Lệnh Hồ Xung sẽ khác hẳn đi không biết chừng.

III

Chính vì Nghi Lâm là ni cô phái Hằng Sơn, không gặp Lệnh Hồ Xung cố nhiên là một sự khổ sở về tình cảm, nhưng gặp chàng thì lại càng khổ sở thêm về tinh thần. Sau khi Lệnh Hồ Xung lên làm chưởng môn phái Hằng Sơn, tuy hai người thường xuyên gặp nhau, nhưng càng gặp chàng thì Nghi Lâm càng đau khổ, tiều tụy. Càng không cách gì chịu nổi, khi hai vị sư tỷ đồng môn Nghi Hòa, Nghi Thanh cứ thúc nàng tăng cường luyện công để sớm hoàn thành trọng nhiệm báo thù, chuẩn bị tiếp nhiệm chức vị chưởng môn, gánh vác trọng trách chính trị quá sức nàng.

Tai hại hơn, họ thừa biết dục tốc bất đạt, họ thừa biết Nghi Lâm tinh thần không yên, không nên thôi thúc nàng; họ thừa biết Nghi Lâm tinh thần không yên chính là vì Lệnh Hồ Xung, biết Nghi Lâm chẳng những không thích hợp với vai tro chưởng môn phái Hằng Sơn, mà còn không nên tiếp tục tu luyện Phật môn, vậy mà họ vẫn cứ kiên trì việc đó. Nghi Hòa, Nghi Thanh vì sao cứ chọn Nghi Lâm làm chưởng môn phái Hằng Sơn trong tương lai? Vì họ cảm thấy nàng có tài lãnh đạo, có tiềm lực võ công nhất, hay vì họ biết Nghi Lâm yêu Lệnh Hồ Xung đến mức khổ sở, hi vọng Lệnh Hồ Xung sẽ nhìn Nghi Lâm bằng con mắt khác đi?

Thậm chí mượn việc đó để giữ Nghi Lâm lại trong phái Hằng Sơn? Bất kể là vì lẽ gì, thì cũng đều không phải vì Nghi Lâm, không phải xuất phát từ tâm tình, nguyện vọng của Nghi Lâm; ngược lại, còn làm cho nàng khó khăn hơn. Tình cờ thế nào, cuối cùng để cứu cái mạng Lệnh Hồ Xung đang treo trên sợi tóc, Nghi Lâm lại giết đại địch của sư môn là Nhạc Bất Quần. Nàng có thể vì Lệnh Hồ Xung mà chết, đương nhiên có thể vì cứu Lệnh Hồ Xung mà giết người, các đồng môn của nàng cũng hoan hô nàng, thậm chí độc giả cũng vỗ tay khen hành động ấy của nàng.

Chỉ e không ai nghĩ hộ nàng một chút, từ nay trở đi không còn Lệnh Hồ Xung bên cạnh, mỗi khi nhớ lại cảnh tượng mình giết Nhạc Bất Quần, nàng Nghi Lâm tâm địa hiền lành sẽ làm thế nào xua đuổi cơn ác mộng. Cuộc đời Nghi Lâm là thế: nàng cần hưởng tình yêu của người mẹ và sự ấm cúng của gia đình, thì không được; nàng chỉ mong có tình yêu của Lệnh Hồ Xung thì không được; lại phải vĩnh viễn tu hành với tâm trạng không thể nào yên, với cái số phận không bao giờ được tự làm chủ, với cái vết thương lòng không cách gì chữa khỏi.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến