50. GIANG NAM TỨ HŨU

50.
GIANG NAM TỨ HŨU 
Đồ bi thán

Hình tượng "Giang Nam tứ hữu” trong Tiếu ngạo giang hồ, hiển nhiên là đơn giản hóa hình tượng "Hàm Cốc bát hữu” trong Thiên long bát bộ. Bất kể tứ hữu hay bát hữu, đều là nhân vật loại hình hóa. Giang Nam tứ hữu thậm chí không có tên riêng từng cá nhân, tác giả chỉ căn cứ sở trường hoặc sở thích của mỗi người mà xác định ngoại hiệu của họ, lần lượt là Hoàng Chung Công, Hắc Bạch Tử, Thốc Bút Ông và Đan Thanh Sinh, cũng tức là cầm, kỳ, thư, họa. Chỉ luận về hình tượng, "Giang Nam tứ hữu” hoàn toàn không cao minh hơn "Hàm Cốc bát hữu”. Sở dĩ tôi không bàn về "Hàm Cốc bát hữu”, mà nói đến "Giang Nam tứ hữu” là vì hoàn cảnh của bốn người sau không giống nhau, lối sống, cách lựa chọn cuộc sống và kết cục cuối cùng của họ có ý nghĩa phổ biến, vượt khỏi cá nhân.

I

Danh hiệu "Giang Nam tứ hữu” có thể xem xét từ hai phương diện. Thứ nhất, họ tự mình chủ động rút ra khỏi dòng chủ lưu của xã hội, qui ẩn ở Cô Sơn Mai trang, ven Tây Hồ, Hàng Châu - vì vậy chúng ta cũng có thể gọi họ là "Mai trang tứ hữu” - để sống một cuộc sống hoàn toàn mới, quên bản thân mình, nên ngay cả tên riêng họ cũng chẳng cần, kiên quyết đặt lại tên mình theo sở trường hoặc sở thích của mình. Hoàng Chung Công là biệt danh của nhà âm nhạc, Hắc Bạch Tử là ngoại hiệu của vua cờ vây, Thốc Bút Ông là tiêu chí của nhà thư pháp, Đan Thanh Sinh đương nhiên là lối xưng hô của họa sĩ. Các tên gọi ấy hiển nhiên gửi gắm mộng tưởng nhân sinh của họ. Thứ hai, xã hội xem nhẹ hoặc coi thường bốn người ấy, bốn loại người ấy, bốn lĩnh vực nghệ thuật và hình thức nghệ thuật ấy, khiến họ lâm vào tình trạng "vô danh hóa".

Tức là Hoàng Chung Công gảy đàn, Hắc Bạch Tử đánh cờ, Thốc Bút Ông viết chữ và Đan Thanh Sinh chỉ vẽ mà thôi. Tuy nói là nhân vật loại hình hóa, không có tên riêng từng cá nhân, song trong sách chúng ta vẫn phân biệt phong độ cá tính và phẩm chất tâm tư khác nhau của từng người. Trước hết là sở thích, cầm, kỳ, thư, họa, bốn người khác nhau. Thứ đến võ công, cũng theo trật tự cầm, kỳ, thư, họa mà xếp hạng cao thấp. Cuối cùng là sự khác nhau tinh vi về phẩm chất cá nhân của họ. Nói cụ thể, trong bốn người ấy, Đan Thanh Sinh có cá tính hướng ngoại hơn cả, cũng đơn giản, nhiệt tình hơn cả. Y tự nói bình sinh có ba sở thích : một thích rượu, hai thích vẽ, ba thích kiếm.

Trong ba cái thích ấy, thích rượu chiếm số một, điều đó cũng nói lên cá tính của y. Chính vì vậy, y mới vừa gặp Lệnh Hồ Xung, một gã thích rượu như y, đã như gặp tri kỷ, thậm chí còn "phát hiện" một thứ "cao luận" cho rằng phàm ai thích rượu nhất định đều là người tốt. Chẳng hạn, khi đánh giá đại sư thảo thư Trương Húc, y nói: "Phải, người ấy đã thích rượu, tất là người rất tốt, viết chữ ắt cũng không sai". (Xem Tiếu ngạo giang hồ ). Sở thích của Thốc Bút Ông gần giống Đan Thanh Sinh, thư họa khó phân biệt, tính cách cũng vậy. Nếu có gì khác, thì đấy là Thốc Bút Ông si mê thư pháp hơn Đan Thanh Sinh.

Thấy Hướng Vấn Thiên chìa ra bức thảo thư "Suất ý thiếp" của Trương Húc, y liền đem hai mươi tám chiêu tuyệt kỹ bút pháp “Thạch cổ đả huyệt" của mình ra trao đổi. Hắc Bạch Tử và Đan Thanh Sinh giận, bảo "Không được!", thì y nói: "Được, có gì mà không được? Đem bút pháp "Thạch cổ đả huyệt" của ta đổi lấy bức cuồng thảo chân tích này của Trương Húc, có gì phải tiếc?" (XemTiếu ngạo giang hồ ). Nhờ thế y mới đem kiếm pháp võ công của mình kết hợp với thư pháp văn tự; sau khi tỷ võ thua Lệnh Hồ Xung, viết được mấy chữ đẹp, y căn bản chẳng để tâm đến chuyện thắng thua, chỉ muốn giữ lại kiệt tác do mình tạo ra. Còn Hắc Bạch Tử, vì giỏi đánh cờ, nên tâm tư kín đáo, suy xét kín nhẽ. Không chỉ có phong cách võ công độc đáo, mà còn suy tính trước sau đâu ra đó, trong đầu cũng nhiều tạp niệm hơn cả.

Ví dụ điển hình là việc y tìm cách bí mật giao dịch với tiền giáo chủ Nhật nguyệt thần giáo Nhậm Ngã Hành đang bị nhốt, do "Giang Nam tứ hữu” giám quản, sau bị Lệnh Hồ Xung lợi dụng, khiến một người tâm cơ sâu sắc như y lại trở thành khâu yếu nhất ở Mai trang; y quá thông minh, cuối cùng cũng không thoát đại họa. Trong bốn người, Hoàng Chung Công không chỉ võ công cao cường nhất, mà kiến thức sâu rộng nhất, tiết tháo cũng cao nhất. Tuy lão xuất hiện muộn nhất, thời gian ngắn nhất, nhưng phong độ nho nhã, khí phách oanh liệt để lại trong ta ấn tượng rất sâu đậm. Vào giờ phút sinh tử hệ trọng, lão vẫn có thể tuẫn tiết vì niềm tin cuộc sống và lý tưởng nghệ thuật, thật khiến người ta phải kính trọng.

II

Đương nhiên, trong bộ tiểu thuyết này, điều quan trọng không phải là cá tính khác nhau giữa bốn người ấy, mà là cái tính chung của họ. Bất kể xét từ góc độ nào, "Giang Nam tứ hữu” hoặc "Mai trang tứ hữu” cũng là bốn nhà nghệ thuật, thậm chí là bốn người say mê nghệ thuật. Bốn người khác nhau, mỗi người mê một bộ môn nghệ thuật khác nhau, nhưng là cùng một loại người - người si mê nghệ thuật. Cũng chính vì thế, Hướng Vấn Thiên mới dẫnLệnh Hồ Xung tới Mai trang, giả làm sư thúc của chưởng môn phái Tung Sơn Tả Lãnh Thiền và chưởng môn phái Hoa Sơn Nhạc Bất Quần mà dễ dàng đùa giỡn với bốn người ấy.

Trước tiên là Hướng Vấn Thiên "theo bệnh cắt thuốc", đem tới cho kẻ say mê hội họa Đan Thanh Sinh bức tranh "Tây Sơn hành lữ đồ” của Phạm Trung Lập thời Bắc Tống, đem tới cho kẻ say mê thư pháp Thốc Bút Ông bức thảo thư "Suất ý thiếp" của Trương Húc đời Đường; đem tới cho kẻ say mê âm nhạc Hoàng Chung Công tuyệt khúc "Quảng Lăng tán" của Kê Khang; đem tới cho kẻ say mê cờ vây Hắc Bạch Tử “Âu huyết phổ" là ván cờ mà Lưu Trọng Phủ đánh với tiên trên núi Lệ Sơn; đánh trúng vào sở thích của từng người, khiến cả bốn mê say, hóa ra mê muội, khó tránh bị lừa. Thứ nữa, bốn người này ẩn cư chốn lâm tuyền, không quan tâm thế sự, không hay biết gì về thế giới bên ngoài, nên Hướng Vấn Thiên và Lệnh Hồ Xung đóng giả người khác tới đây, tuy lộ rõ nhiều điểm sơ hở, mà bốn người không hề nghi ngờ. Cuối cùng, đây là điều quan trọng nhất, nghệ thuật và tài trí của nhà nghệ thuật mà gặp quyền mưu lão luyện của chính trị và nhà mưu lược, thì không cách gì chống đỡ nổi. "Giang Nam tứ hữu” si mê nghệ thuật chỉ là đứa con nít trước Hướng Vấn Thiên chính trị gia lão luyện mà thôi.

Nhà chính trị mưu lược và nhà nghệ thuật là hai loại người khác hẳn nhau, điều này đã rõ. Trong hoàn cảnh bình thường, ai lo việc nấy, đương nhiên tất cả đều êm đẹp. "Giang Nam tứ hữu” say mê cầm kỳ thư họa, say mê kinh điển của cổ nhân, không đề phòng người khác, điều đó không có gì xấu. Nếu không thế, họ đã chẳng phải là nhà nghệ thuật chân chính, chẳng phải là người say mê nghệ thuật thực thụ. Vấn đề là trong bộ tiểu thuyết này,"Giang Nam tứ hữu” không phải là các nhà nghệ thuật được tự do hoàn toàn; họ ẩn cư ở Mai trang bên Tây Hồ này không phải là sự tiêu dao tự tại đơn thuần. Thân phận của họ là mấy gã cai ngục đặc biệt của Nhật nguyệt thần giáo; nhiệm vụ của họ là canh giữ tiền giáo chủ Nhật nguyệt thần giáo Nhậm Ngã Hành đang bị nhốt trong địa lao dưới đáy hồ.

Trên cương vị đó, họ vì say mê nghệ thuật mà lơi là nhiệm vụ, để Nhậm Ngã Hành vượt ngục thành công, làm thay đổi hẳn tình hình; vì "sai lầm" của mình, nói đúng ra, vì sở thích của mình, họ đã phải trả giá bằng sinh mạng. Như vậy, "Giang Nam tứ hữu” đối mặt với sự "khủng hoảng thân phận" nghiêm trọng. Họ muốn lựa chọn cuộc sống nghệ thuật, nhưng thân phận xã hội của họ lại là một loại ngục tốt đặc biệt. Họ muốn làm tốt cả hai, nhưng không được, thế là lòng say mê nghệ thuật trở thành căn nguyên "phạm tội”, “đáng chết" của họ. Đằng sau sự khủng hoảng thân phận của các nhà nghệ thuật, là cuộc "khủng hoảng văn hóa" của kinh điển nghệ thuật và truyềnthống. Đáng chú ý là cái thân phận nhà nghệ thuật kiêm ngục tốt hoặc ngục tốt kiêm nhà nghệ thuật là do "Giang Nam tứ hữu” tự chủ động lựa chọn.

Ta hãy nghe câu nói sau của Hoàng Chung Công trước khi lão tự sát : "Bốn huynh đệ tại hạ thân ở trong Nhật nguyệt thần giáo, vốn chỉ muốn hành hiệp trượng nghĩa, làm nên sự nghiệp tốt đẹp. Nhưng tính nết Nhậm giáo chủ bạo tàn, chỉ thích ra oai làm phúc, bốn huynh đệ tại hạ đã thoái chí từ lâu. Sau khi Đông Phương giáo chủ tiếp nhiệm, tin dùng bọn gian nịnh, trừ khử huynh đệ cũ trong bổn giáo,thì bốn huynh đệ tại hạ càng thêm chán nản, mới nhận việc trông coi nơi này, một là để lánh xa Hắc Mộc nhai, khỏi phải tranh giành với ai nữa, hai là nhàn cư Tây Hồ, hưởng thú cầm thư". (Xem Tiếu ngạo giang hồ). Nói thế tức là say mê nghệ thuật, cầm kỳ thư họa, thực ra không phải là sự lựa chọn đầu tiên của "Giang Nam tứ hữu'. Lựa chọn đầu tiên của họ là trượng nghĩa giang hồ, tạo phúc cho dân, "thắng thì được cả thiên hạ".

Thấy mục tiêu thứ nhất không thành, họ mới đi tới cách lựa chọn thứ hai, tức là ẩn cư Tây Hồ, say mê nghệ thuật, thua thì tự lo riêng cho mình. Kết quả cuối cùng là họ đã không được cả thiên hạ, cũng chẳng thể tự lo riêng cho mình. Số phận của họ thực ra còn thể hiện nguyên nhân thể chế chính trị xã hội đằng sau sự “khủng hoảng thân phận", sự khủng hoảng văn hóa. Đây cũng chính là chủ đề sâu xa của bộ tiểu thuyết Tiếu ngạo giang hồ. Với ý nghĩa đó, chuyện "Giang Nam tứ hữu nói lên số phận bi kịch của các nhà nghệ thuật thời cổ Trung Quốc. Trong lịch sử Trung Quốc, không hiếm văn nhân bị tù đày, thậm chí bị giết vì tác phẩm của mình, như Khuất Nguyên với Ly Tao , Tư Mã Thiên với Sử ký chẳng hạn. Trong cuộc cách mạng văn hóa vĩ đại thời hiện đại, thì "càng cao quí càng ngu xuẩn", "tri thức càng nhiều càng phản động”, biết bao nhiêu phần tử trí thức gặp số phận bất hạnh, phải chết trong cảnh nhục nhã.

III

Trong "Giang Nam tứ hữu”, Hắc Bạch Tử chết nhục nhã vì ý muốn riêng, Hoàng Chung Công tự sát vì tuyệt vọng, Thốc Bút Ông và Đan Thanh Sinh thì đáng buồn và đáng thương thay phải uống viên "Tam thi não thần đan" đáng sợ để biểu thị tuyệt đối khuất phục và trung thành phục vụ Nhậm Ngã Hành; thực khiến cho người ta cảm thấy nhục nhã và bi phẫn. Chẳng lẽ các văn nhân, nghệ thuật gia Hoàng Chung Công, Hắc Bạch Tử, Thốc Bút Ông và Đan Thanh Sinh đáng phải chịu số phận như vậy sao? Tôi biết, tôi không có quyền chỉ trích Hoàng Chung Công tại sao không chống trả, mà lại tự sát, không có quyền chỉ trích Hắc Bạch Tử có ý muốn riêng, không có quyền chỉ trích Thốc Bút Ông và Đan Thanh Sinh sao lại khuất phục.

Nhưng nghe câu nói cuối cùng của Hoàng Chung Công : người sống trên đời, vui ít buồn nhiều, vốn chỉ vậy thôi ..." (Xem Tiếu ngạo giang hồ), tôi bất giác rất đau lòng: đứng trước cuộc sống đau khổ, số phận bất hạnh như thế, cho dù không thể đấu tranh lại, song cũng không dám phản tỉnh và suy xét hay sao? Từ đó, chúng ta thấy, ngoài khủng hoảng thân phận, khủng hoảng văn hóa và khủng hoảng thể chế xã hội, còn có cuộc khủng hoảng thứ tư, là khủng hoảng nhân cách và tinh thần của văn nhân, nghệ thuật gia. Bất kể thắng hay thua, sống hay chết, được cả thiên hạ hay lo riêng cho mình, "Giang Nam tứ hữu” thực ra đều không hề tự kiện toàn nhân cách và tinh thần của mình.

Họ phục tùng vô điều kiện di huấn của cổ nhân thắng thì thế nào, thua thì sao, chỉ nghĩ làm sao hoàn toàn thỏa hiệp với hoàn cảnh, khi không còn đường tiến thoái, họ chỉ tìm cách tự sát hoặc đầu hàng, hơn nữa, đến lúc chết vẫn còn cho rằng "vốn chỉ vậy thôi"! Họ không hề suy nghĩ nếu không được cả thiên hạ thì sao, thậm chí nếu không thể lo riêng cho mình thì sao. Họ là văn nhân, nghệ thuật gia, chứ không phải triết gia, tư tưởng gia. Nhưng vấn đề là văn nhân, nghệ thuật gia mà không có nhân cách và tinh thần độc lập, tự chủ, thì hết sức đáng buồn.

Thực tế, ta thấy bất kể là văn nhân hay "võ nhân", họ đều không là chủ nhân thật sự của mình, mà chỉ làm tôi tớ cho dòng chính trị xã hội chủ lưu, mượn nghệ thuật làm chất ma túy cho mình. Trong truyện, nghề họa của Đan Thanh Sinh có kiếm ý, thư pháp của Thốc Bút Ông hòa với kiếm pháp, người ngoài cho là hay, nhưng dưới con mắt của Nhậm Ngã Hành thì chẳng ra gì. Sự đánh giá của Nhậm Ngã Hành về võ công của "Giang Nam tứ hữu” cố nhiên là đi sâu vào võ công, song thực ra nhằm chê bai họ "không có đầu óc". Sự chê bai ấy cố nhiên là sự miệt thị vốn có của nhà chính trị đối với văn nhân, nghệ thuật gia, song phải nói là nhắm trúng vào sự thiếu nhân cách, thiếu tinh thần của họ.

Tôi muốn nói không chỉ đến bản thân bi kịch của "Giang Nam tứ hữu” và các văn nhân, nghệ thuật gia, mà là cần tiêu hóa và suy nghĩ thế nào về bi kịch đó. Nhìn chung, số phận của văn nhân, nghệ thuật gia, phần tử trí thức đương nhiên do hoàn cảnh xã hội quyết định, do xã hội định vị họ như thế nào, đối xử với họ ra sao. Nhưng mặt khác, văn nhân, nghệ thuật gia, phần tử trí thức cũng phải tự xác định vị trí của mình như thế nào, có ý thức tư tưởng và nhân cách tinh thần ra sao. Trên thế giới này họ dĩ nhiên là người bị hại, nhưng ở mức độ nhất định, họ cũng cần thấy mình là người bị "mất chức" trên thế gian.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến