Nhiếp ảnh gia Nick Út: 'Đã có bất đồng khi chọn ảnh Em bé
Napalm'
Nhiếp ảnh gia Nick Út, người trong nhiều năm qua được ghi
nhận là tác giả bức ảnh thời chiến nổi tiếng thế kỷ 20 - Em bé Napalm - trả lời
phỏng vấn BBC News Tiếng Việt sau khi một bộ phim mới ra đời cho rằng tác giả của
bức ảnh là một người khác.
Trong cuộc trao đổi hôm 28/1 với BBC, ông Nick Út đã chia sẻ về quá trình
ông chụp, giao phim cho hãng thông tấn Associated Press (AP) và ảnh sau đó được
lựa chọn như thế nào.
Hiện đang có tranh cãi về tác giả thực sự của bức ảnh Em bé Napalm sau
khi phim tài liệu The Stringer (Phóng viên tự do) của đạo diễn người Mỹ gốc Việt
Bảo Nguyễn được công chiếu tại Liên hoan phim Sundance ở bang Utah hôm 25/1.
Phim khẳng định rằng ông Nguyễn Thành Nghệ - một phóng viên tự do - mới
là người chụp bức ảnh.
Người đưa ra thông tin trên, dẫn tới việc ra đời bộ phim, là ông Carl
Robinson, nguyên là biên tập viên ảnh tại văn phòng AP ở Sài Gòn thời Chiến
tranh Việt Nam.
Trước đó, ông Nghệ và ông Robinson chưa từng nói công khai về vấn đề tác
giả ảnh trong suốt hơn 50 năm kể từ khi Em bé Napalm được toàn thế giới biết đến.
Trong cuốn hồi ký xuất bản năm 2020, The Bite of the Lotus: An Intimate
Memoir of the Vietnam War, ông Robinson cũng không viết về việc này.
Về phía mình, ông Nick Út vẫn khẳng định với BBC rằng ông là tác giả bức ảnh.
Còn luật sư James Hornstein của ông Nick Út nói sẽ sớm nộp hồ sơ kiện các nhà
làm phim về hành vi phỉ báng.
Hiện BBC đang liên lạc với ông Nguyễn Thành Nghệ, đạo diễn Bảo Nguyễn và
những người liên quan để tìm hiểu vụ việc.
BBC: Thưa ông Nick Út, ông bình luận như thế nào về thông tin khẳng định
rằng ông Nguyễn Thành Nghệ mới là tác giả bức ảnh?
Nhiếp ảnh gia Nick Út: Tôi và cô Kim Phúc rất tức giận. Ông Nghệ không
bao giờ liên lạc với gia đình Kim Phúc và Kim Phúc chưa từng biết ông Nghệ là
ai.
Ông ấy là một tài xế của hãng tin NBC và có một máy chụp hình mang theo.
Ông Robinson từng rất phản đối bức hình Em bé Napalm, vì ông ấy nói rằng
đây là bức hình em bé trần truồng, không nên sử dụng.
Khi tôi đoạt giải thưởng, ông ấy còn chúc mừng tôi. Trong suốt 50 năm
qua, ông ấy chưa từng nói gì. Vậy tại sao bây giờ lại tố cáo tôi?
Trong câu chuyện của tôi, nhiều nhân chứng đã chết rồi, trong đó có một
người đứng kế bên lúc tôi chụp hình cũng đã chết.
Ông Robinson đã lợi dụng việc những nhân chứng đã chết hết rồi để bây giờ
nói điều này.
Tôi đã gặp ông Gary Knight (người chỉ đạo cuộc điều tra kéo dài hai năm
cho phim The Stringer) ở Hà Nội hai năm trước, trong một workshop (chương trình
huấn luyện, chia sẻ kỹ năng...). Khi đó, bạn tôi cho hay ông ấy đang làm một bộ
phim về Kim Phúc. Ông ấy chưa từng nói gì với tôi về bộ phim.
Ông ấy tự lấy câu chuyện của ông Robinson, nhưng không bao giờ hỏi ý kiến
tôi và Kim Phúc.
Luật sư của tôi đã chuẩn bị hồ sơ để đưa ra tòa ở Pháp và Mỹ.
Tôi đã làm cho AP 52 năm, đã về hưu, tôi không còn bị bận tâm nữa. Tôi hiện
đang làm cộng tác viên cho một hãng khác, chứ tôi không nằm nhà. Mấy vụ cháy vừa
rồi ở Mỹ tôi đi làm suốt.
Chuyện này xảy ra có làm tôi bực mình đôi chút, nhưng cũng không ảnh hưởng
gì tới tôi. Nếu ở nhà thì tôi còn bận tâm chứ tôi đi hoài. Thi thoảng buồn tôi
bay về Việt Nam chơi, về Hà Nội thăm bạn bè. Tôi cũng đi làm workshop khi được
mời ở nhiều nước.
BBC: Ông có thể thuật lại quá trình ông chụp và mang phim đến văn phòng
AP, cùng với công đoạn tráng và chọn phim hôm đó ra sao?
Nhiếp ảnh gia Nick Út: Sau khi trận bom napalm trút xuống vào ngày
8/6/1972, hơn 10 phóng viên báo chí, truyền hình các hãng có mặt ở hiện trường.
Sau đó, các phóng viên hầu hết đều chạy về hãng của họ vì với họ câu chuyện
này quá lớn.
Tôi là người cuối cùng ở đó. Xe tôi đậu gần đó, cách nhà thờ mấy chục thước.
Tôi thấy Kim Phúc và mấy đứa trẻ đứng run rẩy trên quốc lộ, lúc đó nóng khủng
khiếp, không có quân đội miền Nam Việt Nam ở đó. Tôi nói không ai cứu mấy đứa
nhỏ này chúng sẽ chết. Lúc đó tôi mới 20 tuổi, tôi sợ lắm. Tôi thấy cái chết mỗi
ngày, nên tôi đưa Kim Phúc và mấy đứa nhỏ lên xe. Cô Kim Phúc và mấy đứa trẻ
vào xe, khóc la cho tới khi tới bệnh viện.
Tôi tới bệnh viện phải cầu cứu y tá, rồi tôi mới về AP, xin lỗi các sếp
vì về trễ, tôi nói phải lo cứu mấy đứa nhỏ.
Khi về đến phòng tôi hét lớn: "Tôi có hình đặc biệt lắm!" Thì cả
giám đốc và tất cả mọi người trong phòng đều quay qua nhìn tôi và hỏi:
"Nick Ut, what is happening?" (Nick Út, có chuyện gì thế?).
Tôi nói: "Tôi có hình quan trọng lắm. Tôi phải kể câu chuyện về trận
bom này."
Biên tập viên ảnh phòng tối là ông người Nhật tên Yuichi
"Jackson" Ishizaki đã dán tên tôi vào phim và vào bao thơ đựng phim.
Khi đó ông Robinson chưa tới văn phòng, chỉ có tôi và ông Ishizaki, tôi
không thấy một phóng viên nào khác, kể cả ông Nghệ.
Khi rửa phim, Ishizaki thấy hình Kim Phúc ở truồng nên đã hỏi tôi tại sao
cô ấy không mặc quần áo và tại sao ông lại chụp ảnh một cô bé ở truồng.
Tôi giải thích với ông ấy rằng cô bé bị bỏng do bom napalm và đã phải cởi
bỏ quần áo đang cháy của mình.
Ông liền rửa ảnh 5x7 rồi mang ra phòng ngoài nơi có các phóng viên khác.
Mọi người thấy bức hình liền gọi ông sếp của tôi là trưởng phòng ảnh của AP,
ông Horst Faas, đang đi ăn trưa, chạy về gấp.
Các phóng viên AP có mặt ở văn phòng đều chạy vào nhòm vô bức ảnh của tôi
và bắt đầu phỏng vấn tôi để viết câu chuyện quanh bức ảnh đó. Bây giờ những người
này đều chết rồi. Vẫn còn hồ sơ về câu chuyện đó.
Khi về, ông Faas cầm phim coi thì khi đó ông Robinson mới tới.
Ông Faas bảo ông Robinson gửi đi văn phòng New York bức ảnh cô Kim Phúc,
nhưng ông Robinson nói bức ảnh trần truồng này sao gửi được.
Ông Faas vẫn cứ nói rằng tôi muốn ông viết chú thích cho bức ảnh này và gửi
ngay.
Ông Faas sau đó tiếp tục xem thêm các bức ảnh khác và chọn gửi đi 20 bức
mà tôi chụp trong ngày.
Ông Faas cũng chúc mừng tôi: "Nick Út, hôm nay cậu đã làm việc tốt đấy!"
Báo chí sau này phỏng vấn, hỏi về việc tranh cãi trong văn phòng AP có
nên sử dụng bức ảnh này hay không, tôi đã trả lời rất rõ ràng: Người tranh cãi
là ông Robinson chứ không phải là ông Faas.
Ông Faas đã ngay lập tức chọn bức ảnh đó để gửi đi. Nếu không có ông
Faas, thế giới đã không biết đến tôi là ai.
BBC: Ông Nguyễn Thành Nghệ mới đây phát biểu rằng ông ấy đã bán bức ảnh
cho AP với giá 20 USD...
Nhiếp ảnh gia Nick Út: Thư ký của AP khi đó là cô Tú, người phát lương
cho nhân viên trong hãng ngày đó, đã nói rằng cô ấy không trả một cắc nào cho bất
cứ người nào vào ngày hôm đó.
Cô Tú cũng đã nói nếu là hình Kim Phúc thì không bao giờ trả 20 USD, hình
đó nếu trả ít nhất cũng phải 100 USD.
Cô ấy đã trả tiền cho nhiều ảnh đặc biệt của phóng viên ảnh nước ngoài
nên biết giá của một bức ảnh như vậy phải là bao nhiêu.
Cái mà tôi thấy bực mình là họ còn dựng chuyện là tôi đã tráo phim để hi
vọng nhận giải thưởng.
Thời đó tôi còn rất trẻ, ngày nào cũng chụp hình chiến tranh, đâu biết
hình nào sẽ nổi tiếng hay không. Làm sao biết hình nào sẽ được giải thưởng mà
tráo.
Tôi chỉ muốn được lĩnh lương, không quan tâm gì tới giải thưởng. Lúc được
giải Pulitzer tôi còn đang đi công tác, về tới trụ sở văn phòng mở sâm panh
chúc mừng tôi mới biết mình được giải thưởng.
Tôi giờ không còn dính líu gì tới bức hình đó. Nó hiện là gia tài của AP.
BBC: Ông rút ra được điều gì từ sự việc này?
Nhiếp ảnh gia Nick Út: Bài học là bây giờ chụp hình, mình phải có người
làm nhân chứng ký tên đàng hoàng. Nếu có hình nào đặc biệt, những phóng viên trẻ
phải có người làm chứng hoặc ra luật sư chứng nhận hình đó là của tôi. Kẹt ở chỗ
là lúc chụp đâu biết hình mình chụp sẽ nổi tiếng đâu.
Không phải bây giờ mới có câu chuyện tranh cãi như với bức Em bé Napalm,
mà từ thời thế chiến tới nay đã có nhiều vụ việc tranh cãi về tác giả của một số
bức ảnh nổi tiếng.
Chẳng hạn bức hình nổi tiếng sáu người lính thủy quân lục chiến cắm lá cờ
của Mỹ trên đỉnh núi Suribachi năm 1945 do nhà báo Joe Rosenthal của hãng AP chụp
cũng gây tranh cãi mãi. Hãng AP coi đây là một bài học.
Về phần tôi, tôi đã mang tám cuộn phim của mình trở lại văn phòng sau vụ
ném bom napalm. Ông sếp tôi khi đó là Horst Faas đã ký tên Nick Út vào bức ảnh
gửi đi cho văn phòng AP tại New York, và trước đó người tráng phim là một người
Nhật tên Yuichi "Jackson" Ishizaki đã dán tên vào phim và vào bao thơ
đựng phim.
Với AP, quy định là phải có tem dán lên cuộn phim và lên bao thơ, viết
tên người chụp, ngày tháng chụp, và câu chuyện diễn ra. Ví dụ, Trảng Bàng, ngày
8/6/1972, Nick Út.
Khi tráng phim ra, biên tập viên thấy số dán trên phim và bao thơ là biết
ai chụp. Không ai ăn cắp của ai được.
Hiện AP vẫn có các hồ sơ này.
BBC: Ông thấy gì khi nhìn lại quãng đường hơn 50 năm chụp ảnh báo chí của
mình?
Nhiếp ảnh gia Nick Út: Làm trên 50 năm tôi rất vui vì không bao giờ thất
nghiệp. Cuộc đời tôi rất may mắn. Tôi có rất nhiều bạn bè ở cả Việt Nam và Mỹ.
Về hưu, nhớ nghề, tôi lại đi chụp suốt. Cách đây mấy hôm tôi đi chụp cháy
rừng ở Mỹ và việc ông Trump đi hỗ trợ dập cháy.
Cảnh sát Mỹ, phóng viên, người nổi tiếng xin chụp hình chung với tôi. Đó
là niềm hạnh phúc. Đi làm mà không ai chào hỏi mình cô đơn lắm.
Tôi mong chuyện này qua đi. Tôi muốn luật sư điều tra ông Carl Robinson.
Tôi mong những câu chuyện này được giải tỏa.
Tôi đã về Việt Nam nhiều lần, đi Trường Sa. Việc này khiến tôi bị một số
người ở Mỹ chỉ trích, nói rằng tôi thân Cộng sản.
Tôi không đứng về phía bên nào. Tôi không đứng về phía Cộng sản hay Việt
Nam Cộng hòa. Tôi đứng ở giữa. Tôi không làm chính trị. Tôi là một nhà báo.
Nhận xét
Đăng nhận xét