Hải chiến HOÀNG SA
Kỳ 6:
PHẢN ỨNG NGOẠI GIAO VÀ NHẬN XÉT
PHẢN ỨNG NGOẠI
GIAO VÀ NHẬN XÉT
Trung Quốc
Trung Quốc tuyên bố họ có chủ quyền hợp pháp tại quần đảo Hoàng Sa, do đó
trận hải chiến là cuộc phản kích tự vệ trước việc Quân lực VNCH chiếm đóng trái
phép các đảo tại Hoàng Sa và tấn công các tàu đánh cá Trung Quốc. Tờ Nhân dân
Nhật báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc vào ngày 20/1/1974 đã thuật lại sự kiện,
tóm lược như sau: "Từ ngày 15.1.1974 chính quyền Sài Gòn đã dùng quân hạm
và phi cơ liên tục xâm phạm lãnh hải và vùng trời quần đảo Tây Sa. Ngư dân và
tàu biển của ta bất đắc dĩ phải phản kich tự vệ. Sáng 19/1, tàu của Nam Việt
Nam chiếm đảo Thám Hàng, giết và làm bị thương nhiều ngư dân. Quân đội Sài Gòn
còn bắn vào tàu tuần trên biển của ta, tàu của ta phải phản kích tự vệ,..."
Tại thành phố Tam Á tỉnh Hải Nam, vào năm 1975, Trung Quốc xây "Tây
Sa hải chiến liệt sĩ lăng viên" (ở Hoàng Sa họ cũng xây một khu tương tự)
để tưởng niệm 18 binh sĩ Trung Quốc tử trận. Trong Lăng viên ở Hải Nam, tháp kỷ
niệm, có khắc hàng chữ:
"Những liệt sĩ hy sinh vinh quang trong trận chiến phản kích tự vệ ở
quần đảo Vĩnh Lạc Tây Sa".- "Ngày 19.1.1974, tại quần đảo Vĩnh Lạc
Tây Sa, tàu hải quân của chính quyền Sài Gòn tại Nam Việt Nam xâm nhập các đảo
và hải vực của Trung Quốc, hạm đội Nam Hải của chúng ta đã anh hùng phản kích,
đánh chìm một chiến tàu hộ vệ và đại phá 3 chiếc khu trục hạm của địch. Thừa thắng,
hải quân ta đã thu hồi được các đảo Sách Hồ, Cam Tuyền, và Kim Ngân mà chính
quyền Saigon đã chiếm bất hợp pháp. Ta đã đại thắng trong cuộc chiến phản kích
tự vệ ở hải vực Tây Sa, giữ được lợi ích trên biển và chủ quyền lãnh thổ của tổ
quốc... trong cuộc hải chiến ác liệt, 18 đồng chí đã vì bảo vệ sự tôn nghiêm của
tổ quốc mà không sợ hy sinh, đã anh hùng chiến đấu. Họ đã hiến sinh mệnh cao
quý cho nhân dân, cho tổ quốc. Sự tích anh hùng của họ sẽ sáng ngời theo năm
tháng, và sông mãi với đất trời. Những liệt sĩ cách mạng sẽ bất diệt"
Trang web của Bộ Quốc phòng Trung Quốc năm 2014 viết rằng:
Từ năm 1990, Trung Quốc chính thức đưa ra chủ trương "gác lại tranh
chấp, cùng nhau phát triển" về vấn đề Nam Sa (Trường Sa), đồng thời tăng
cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác kinh tế giữa hai bên, tuy nhiên thực tế vẫn
chưa phát triển một cách thân thiện. Sự xích mích chưa bao giờ ngừng. Trong những
năm qua, Việt Nam đã khai thác hơn 100 triệu tấn dầu và 1,5 nghìn tỷ mét khối
khí tự nhiên từ mỏ dầu ở Nam Sa, với lợi nhuận hơn 25 tỷ đô la Mỹ. Sản lượng
khai thác dầu hàng năm của Biển Đông vào khoảng 50 triệu đến 60 triệu tấn,
trong khi vùng biển tranh chấp giữa Trung Quốc và Việt Nam có sản lượng khai
thác dầu hàng năm là 8 triệu tấn, chiếm một tỷ trọng đáng kể trong tổng số 30
triệu tấn dầu hàng năm do Việt Nam sản xuất. Giữa các quốc gia, không có bạn bè
vĩnh cửu, chỉ có lợi ích vĩnh cửu. Trước tình hình phức tạp và gay gắt trên Biển
Đông, một Trung Quốc trỗi dậy hòa bình sẽ có những lựa chọn khó khăn như thế
nào?
Việt Nam Cộng hòa
Từ sau trận chiến cho đến sự kiện 30 tháng 4 năm 1975, Việt Nam Cộng hòa
đã ra nhiều tuyên bố phản đối hành động của Trung Quốc như:
"Tuyên cáo của Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Cộng Hòa về những hành
động gây hấn của Trung Quốc trong khu vực đảo Hoàng Sa" số 015/BNG/TTBC/TT
ngày 19/1/1974.
"Tuyên cáo của Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa về chủ quyền của Việt Nam
Cộng Hòa trên những đảo ở ngoài khơi bờ biển Việt Nam Cộng Hòa" ngày
14/2/1974.
Tài liệu "Thế giới lên án Trung Cộng xâm lăng Hoàng Sa của Việt Nam
Cộng hòa", Tổng cục Chiến tranh Chính trị, Cục Tâm lý chiến, Quân lực Việt
Nam Cộng hòa, 1974.
"Sách trắng về quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa", Bộ Ngoại giao
Việt Nam Cộng hòa, 1975.
Việt Nam Cộng hòa cũng tổ chức nhiều cuộc biểu tình phản đối Trung Quốc
cưỡng chiếm Hoàng Sa, phản đối hành động của Trung Quốc trước Liên Hợp Quốc, đề
nghị các quốc gia đồng minh đưa vấn đề Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa ra Hội đồng
Bảo an Liên hiệp Quốc.Việt Nam Cộng hòa tuyên bố họ không bao giờ thừa nhận
Hoàng Sa thuộc về Trung Quốc bằng hành động vũ lực đánh chiếm lãnh thổ
Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam
Ngày 20/1/1974 Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã
ra bản Tuyên bố phản đối hành động này của phía Trung Quốc.
Sau ngày tiếp quản miền Nam (30/4/1975), Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng
hòa miền Nam Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố khẳng định Hoàng Sa là của Việt
Nam. Vào ngày 5/6/1976, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Cộng hòa miền Nam Việt
Nam đã lên tiếng khẳng định hai quần đảo này là thuộc chủ quyền Việt Nam, từ
trước đến nay đều do người Việt Nam quản lý.
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa
Theo tiến sĩ Balazs Szalontai ở Hungary, vào tháng 1 năm 1974, khi hải
quân của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đánh chiếm Hoàng Sa, ban lãnh đạo Việt Nam
Dân chủ Cộng hòa không hề có phát ngôn công khai, dù là ủng hộ hay phản đối.
Báo chí Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không đề cập gì đến việc Trung Quốc chiếm
Hoàng Sa. Nhà sử học Nguyễn Đình Đầu nhận định về phản ứng của Việt Nam Dân chủ
Cộng hòa trước việc Trung Quốc chiếm Hoàng Sa: "Một điều lạ, là trong khi
dư luận phản ứng như thế ở miền Nam, mà Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không có phản
ứng gì". Theo tiến sĩ Balazs Szalontai "sự im lặng của miền Bắc chủ yếu
là do cân nhắc chiến thuật ngắn hạn của Hà Nội, chứ không phải vì sự đồng ý về
pháp lý giữa Trung Quốc và Việt Nam". Đây là vấn đề của cả hai miền Việt
Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ họp với Trung Quốc để làm rõ vấn đề. Theo
ông Dương Danh Dy "Việc không nói để không ảnh hưởng tới sự nghiệp thống
nhất đất nước thì rõ rồi. Nhưng việc không nói còn làm cho Ban Lãnh đạo Trung
Quốc chủ quan, nghĩ rằng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa coi nhẹ vấn đề biển đảo mà
không tìm cách đánh chiếm luôn quần đảo Trường Sa nữa".
Về mặt bán chính thức, ngày 21 tháng 1 năm 1974, 2 ngày sau khi trận chiến
diễn ra, đại diện ngoại giao của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khi trả lời
hãng tin AFP đã khẳng định: "Việc bảo vệ chủ quyền của mọi quốc gia là một
điều hết sức thiêng liêng. Các vấn đề về lãnh thổ và biên giới giữa các quốc
gia láng giềng thường là những tranh cãi phức tạp, cần phải có những kiến giải
thận trọng. Các quốc gia liên quan cần thương lượng dựa trên sự bình đẳng, tôn
trọng lẫn nhau, dựa trên tinh thần hữu nghị và láng giềng thân thiện để giải
quyết tranh chấp". Bên cạnh đó, trong cuộc trao đổi với Đại sứ Hungary tại
Hà Nội khi đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch đã tuyên bố: "Có rất
nhiều hồ sơ và tài liệu cho thấy quần đảo đang tranh cãi (tức quần đảo Hoàng
Sa) là của Việt Nam".
Ngay sau khi Trung Quốc chiếm Hoàng Sa, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bắt đầu
đề phòng, họ gây khó khăn cho Hoa kiều khi muốn thăm thân nhân ở Trung Quốc, và
cũng không cho nhiều người Trung Quốc sang miền Bắc Việt Nam thăm người thân.
Theo Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, hành động của Trung Quốc là có tính toán
từ trước và nhận được sự làm ngơ của Mỹ. Vì vậy, khi đó đại sứ Mỹ Graham Martin
ở Sài Gòn đã bác bỏ yêu cầu cứu viện của Việt Nam Cộng hòa và hạm đội Mỹ ở Thái
Bình Dương đã được lệnh tránh xa quần đảo Hoàng Sa. Đặc biệt, hành động của
Trung Quốc diễn ra chỉ một ngày sau khi họ chấp nhận đàm phán với phía Việt Nam
Dân chủ Cộng hòa về vấn đề vịnh Bắc Bộ, trong đó Trung Quốc yêu cầu được đặc
quyền thăm dò trong một khu vực rộng 20.000 km² trong vịnh Bắc Bộ do họ tự ý định
ra (yêu cầu này sau đó bị Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bác bỏ và đàm phán lâm vào
bế tắc).[60] Bởi một chuỗi các sự kiện trên, năm 1975, khi Quân đội Nhân dân Việt
Nam đã hỗ trợ Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam mở chiến dịch Trường Sa và các
đảo trên Biển Đông để thu hồi Trường Sa, họ đã ra công điện chỉ thị phải tiến
hành khẩn trương để đề phòng "quân đội nước ngoài" có ý định chiếm quần
đảo.
Sau khi Chiến tranh Việt Nam kết thúc, Việt Nam đã tuyên bố chủ quyền đối
với cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tháng 9 năm 1975, Tổng Bí thư Đảng
Lao động Việt Nam Lê Duẩn nêu vấn đề Hoàng Sa trong chuyến thăm Trung Quốc. Phản
ứng không nhượng bộ của Trung Quốc làm lãnh đạo Việt Nam khó chịu. Ngày 15
tháng 3 năm 1979, Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố Bị vong lục về vấn đề biên giới
Việt -Trung, trong đó lên án việc Trung Quốc đánh chiếm trái phép quần đảo
Hoàng Sa của Việt Nam. Ngày 28 tháng 9 năm 1979, Bộ Ngoại giao Việt Nam công bố
Sách trắng, giới thiệu 19 tài liệu chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với
Hoàng Sa và Trường Sa.
Việc này đã khiến Trung Quốc bất bình và bắt đầu một thời kỳ quan hệ căng
thẳng giữa hai nước Việt Nam - Trung Quốc. Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa
Việt Nam hiện nay vẫn khẳng định chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và
vùng lãnh hải liên quan trên Biển Đông.
Hoa Kỳ
Chính phủ Mỹ không có tuyên bố ngoại giao nào lên án việc Trung Quốc đánh
chiếm Hoàng Sa mà chỉ tỏ thái độ thông cảm với Việt Nam Cộng hòa. Hoa Kỳ cũng từ
chối yêu cầu của Việt Nam Cộng hòa giúp đưa vấn đề này ra thảo luận tại Liên Hợp
Quốc.
Ông Hoàng Đức Nhã, cựu Bí thư kiêm Tham vụ Báo chí của Việt Nam Cộng hòa,
đã gọi điện cho đại sứ Hoa Kỳ để hỏi vì sao Hoa Kỳ không thông báo việc Trung
Quốc điều quân đến Hoàng Sa để chủ động đối phó, đại sứ Graham Martin trả lời rằng
họ "không hề biết gì". Ông Nhã liền chất vấn Đại sứ Martin rằng chuyện
cả một hạm đội di chuyển mà quân đội Mỹ "không biết" thì quả là khó
tin. Chính phủ Mỹ giải thích rằng Quốc hội Mỹ đã ra luật cấm Chính phủ tiếp tục
hỗ trợ quân sự cho Việt Nam Cộng hòa nên họ không thể nào giúp Việt Nam Cộng
hòa bảo vệ Hoàng Sa trước sự tấn công của Trung Quốc. Các tài liệu giải mật sau
này cho thấy: trái với lời giải thích của đại sứ Mỹ, cơ quan tình báo CIA của Mỹ
đã theo dõi sát tất cả diễn biến tại quần đảo Hoàng Sa ngay từ lúc Trung Quốc
đưa quân đến Hoàng Sa cho đến lúc Trung Quốc chiếm toàn bộ quần đảo này để báo
cáo cho Tổng thống Mỹ nhưng Mỹ quyết định không can thiệp vào Hoàng Sa.[65] Sau
này, ông Nhã gọi đây là sự "dối trá chính trị" và khẳng định Hoa Kỳ
đã có sự thông đồng với Trung Quốc từ trước
Trong tài liệu mang mã số 1974STATE012641_b của Chính phủ Mỹ, đề ngày
19/1/1974 có ghi "Chính phủ Hoa Kỳ không đứng về phe nào trong các cuộc
tranh chấp xung đột về quần đảo Hoàng Sa", và tòa đại sứ Mỹ tại Sài Gòn được
lệnh thông báo, yêu cầu Việt Nam Cộng hòa phải "cố gắng tối đa tránh những
đụng độ trực tiếp nữa với lực lượng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa..."
Ngày 23 tháng 1, Trung Quốc và Mỹ đã tổ chức hội đàm tại Washington. Mỹ
đã gửi Ngoại trưởng Henry Kissinger tham gia, Kissinger đã bày tỏ quan điểm của
chính phủ Mỹ về tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, theo đó
"Hoa Kỳ không ủng hộ các tuyên bố về chủ quyền hải đảo của Việt Nam Cộng
hòa", cũng không ủng hộ việc đưa vấn đề này ra thảo luận tại các tổ chức
quốc tế. Tóm lại, về ngoại giao, Hoa Kỳ sẽ không làm gì để giúp Việt Nam Cộng
hòa.
Đến ngày 28/1/1974, Bộ Ngoại giao Mỹ chỉ thị Đại sứ quán Mỹ tại Sài Gòn
bày tỏ "lo lắng sâu sắc về rủi ro phía Việt Nam Cộng hòa bày tỏ giận dữ về
Hoàng Sa bằng hành động quân sự phi lý với Trung Quốc"" và yêu cầu Đại
sứ Mỹ "kiềm chế" chính phủ Việt Nam Cộng hòa (tức là phải ngăn cản Việt
Nam Cộng hòa nếu họ có ý định đánh chiếm lại Hoàng Sa)
Nhận xét
Đăng nhận xét