Chuyển đến nội dung chính
HC HOÀNG SA-1979-Kỳ 5-KẾT QUẢ
Hải chiến HOÀNG SA
Kỳ 5:
KẾT QUẢ
KẾT QUẢ
Theo tài liệu của Việt Nam Cộng hòa thì tàu HQ-10 trúng đạn vào pháo tháp
và bị chìm sau đó. HQ-16 bị hư hại nặng, nghiêng trên 10 độ, HQ-4 thì chỉ bị hư
nhẹ. Về HQ-5, có nhân chứng nói tàu chỉ hư nhẹ trong khi nhân chứng khác nói
tàu hư nặng.
Hải quân Việt Nam Cộng hòa có 75 binh sĩ tử vong, trong đó riêng HQ-10 có
63 người chết bao gồm Hạm trưởng Ngụy Văn Thà. HQ-4 có ba người chết, HQ-5 có 3
quân nhân tử vong và 16 bị thương, HQ-16 có hai người chết, lực lượng người
nhái có bốn người chết.
Sau trận hải chiến, ngày 20 tháng 1, tàu chở dầu Hòa Lan
"Kopionella" vớt được 23 người thuộc thủy thủ đoàn của HQ-10 đang
trôi dạt trên biển. Đến mười ngày sau, ngày 29 tháng 1, ngư dân Việt Nam vớt được
một toán quân nhân Việt Nam Cộng hòa gần Mũi Yến (Qui Nhơn), gồm 1 sĩ quan, 2 hạ
sĩ quan và 12 quân nhân thuộc lực lượng đổ bộ lên đảo Quang Hòa, đã dùng bè vượt
thoát đảo sau trận hải chiến.
Theo tài liệu của Trung Quốc thì các tàu 274, 271, 389, 396 đều trúng đạn
và bị hư hại nhưng không có tàu nào chìm, phía Việt Nam Cộng Hòa có HQ-10 bị
chìm tại trận. Trung Quốc bắt giữ một sĩ quan chỉ huy hàng đầu ở đảo (bị bắt ở
trong rừng) tên là Phạm Văn Hồng, 47 tù binh khác, cộng với một người Mỹ là
liên lạc ở Lãnh sự quán Mỹ tại Đà Nẵng. Trung Quốc có trao trả tù binh sau đó
ngày 27 tháng 2 tại Hồng Kông qua Hội Chữ thập đỏ. Một tài liệu khác của Trung
Quốc thì cho là họ đã đánh chìm 1 tàu khu trục, làm hư hại 3 tàu khu trục khác,
làm chết và bị thương hơn 100 lính của Việt Nam Cộng hòa, bên phía Trung Quốc 1
tàu chiến nhỏ bị hư hại, 18 binh lính chết và 67 binh lính bị thương.
Phía Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có 18 binh sĩ thiệt mạng, 67 binh sĩ bị
thương và 3 người bị xây xát nhẹ. Một trong những binh sĩ trở về từ cuộc chiến
là Ngô Tiên Phong đã được nhà nước và quân đội Trung Quốc phong làm anh hùng
quân đội và được tặng huân chương hạng nhất.
Ông Nguyễn Hữu Hạnh, nguyên là Chuẩn tướng, phụ tá Tổng Tham mưu trưởng
quân đội Sài Gòn năm 1975, kể lại:
Phía Sài Gòn, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu rình rang tổ chức "mừng
chiến thắng" ở Hoàng Sa. Tôi lúc đó cảm thấy tức giận vô cùng, không hiểu
được người ta ăn mừng cái gì: Tàu chìm, lính bị bắt, đất thì mất... mà hô hào
chiến thắng? Tôi cất công đến thăm người bạn là phó Đề đốc Tánh (Tư lệnh phó Hải
quân) để nắm tình hình... Tôi cũng không hiểu được vì sao hai nước giao tranh,
người ta lại có thể thả tù binh một cách êm thấm như vậy? Không hiểu sao người
ta lại tổ chức ăn mừng và Tổng thống Thiệu thì lên đài tuyên bố vài câu huênh
hoang nào đó. Cuối cùng, những thông tin tình báo và tâm lý chiến cho tôi hay:
Hạm đội 7 của Mỹ ở ngoài khơi đã rút khỏi miền Nam, tình hình chính trị giữa
Liên Xô và Trung Quốc không êm thấm và Mỹ muốn giao Hoàng Sa lại cho Trung Quốc
để chặn đường vào Bắc Việt Nam của hạm đội Liên Xô…
Theo Bill Hayton, đánh giá một cách khách quan thì trận chiến là một thất
bại nặng cho Việt Nam Cộng hòa. Tuy vậy, họ vẫn tổ chức mừng chiến tích, truyền
thông Việt Nam Cộng hòa thì kể rằng đội tàu của họ đã đánh chìm được hai tàu và
ngăn cản được hạm đội Trung Quốc lớn hơn nhiều lần. Trận chiến được Việt Nam Cộng
hòa thêu dệt ly kì như huyền thoại vào đúng dịp Tết, dù trên thực tế, đó là một
thất bại tai hại.
Trung Quốc chiếm đóng toàn phần quần đảo Hoàng Sa từ thời điểm này cho đến
tận ngày nay. Nhà nước Việt Nam cho tới nay vẫn khẳng định chủ quyền trên quần
đảo Hoàng Sa và coi hành động của Trung Quốc là sự chiếm đóng trái phép lãnh thổ.
KẾ HOẠCH TÁI CHIẾM HOÀNG SA BỊ HUỶ BỎ
Sau khi chiếm được Hoàng Sa, hải quân Trung Quốc cho tập trung 43 tàu các
loại tại quần đảo này để đề phòng Việt Nam Cộng hòa phản công tái chiếm.
Tuy Trung Quốc đã chiến thắng trong trận hải chiến và nhanh chóng chiếm
được toàn quần đảo, nhưng kết quả đó vẫn khó giữ vững. Trung Quốc có bất lợi rất
lớn là không có máy bay chiến đấu yểm trợ (khi đó Trung Quốc chỉ có MiG-21, loại
máy bay hạng nhẹ này không thể bay tới Hoàng Sa). Tàu của Trung Quốc thì toàn
là loại nhỏ, có hỏa lực phòng không yếu, nếu bị không quân đối phương tấn công
thì khó mà chống đỡ được. Nếu đội tàu của Trung Quốc bị không quân đối phương
đánh chìm, thì lực lượng bộ binh trên các đảo ở Hoàng Sa cũng sẽ buộc phải đầu
hàng khi hết lương thực và nước uống. Không lực Việt Nam Cộng hòa khi đó là lực
lượng không quân mạnh thứ 5 thế giới với toàn bộ máy bay do Hoa Kỳ cung cấp, gồm
hàng trăm máy bay cường kích có thể bay ra Hoàng Sa, nên việc phản công chiếm lại
đảo là hoàn toàn khả thi.
Hải quân Việt Nam Cộng hòa cho thành lập một Hải đoàn đặc nhiệm mới để
chuẩn bị tái chiếm Hoàng Sa. Hải đoàn này bao gồm tàu HQ-6, HQ-17 điều động từ
Trường Sa và HQ-5 từng tham chiến tại Hoàng Sa trước đó. Đại tá Hà Văn Ngạc tiếp
tục được chỉ định làm chỉ huy Hải đoàn này. Hải đoàn thực hiện một cuộc thao dượt
chiến thuật và thực tập tác xạ trong một ngày tại một đảo nhỏ nằm về phía bắc
vùng cù lao Chàm phía đông nam Đà Nẵng. Nhưng cuối cùng việc tái chiếm Hoàng Sa
bị hủy bỏ. Đại tá Ngạc cho rằng "cuộc phản kích tái chiếm sẽ thất bại ngoại
trừ đó là một chiến thuật thí quân nằm trong một chiến lược cao hơn". Ông
Ngạc cho rằng các tàu chiến của Việt Nam Cộng hoà là các tuần dương hạm (WHEC)
sử dụng trong lực lượng phòng vệ duyên hải Mỹ (US Coast guard) từ lâu, chúng
thích hợp cho công tác tuần tiễu hơn là chiến đấu, nên khó chống trả lại với đội
chiến hạm của Trung Quốc có số lượng đông hơn. Loại này chỉ có một hải pháo 127
ly, còn 2 pháo 40 ly đã được Hải quân Việt Nam Cộng hòa đặt thêm vào lái tàu là
nơi đã được dùng làm sàn đáp trực thăng. Tuy nhiên, Phó Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại
khi được hỏi về kế hoạch tái chiếm Hoàng Sa thì lại cho biết "Riêng tôi
thì tôi không được biết. Những gì trao đổi ở Sài Gòn, nếu có xảy ra, thì không
được thông báo... tôi không được nghe biết và tôi cũng không nhớ rằng tôi có
nghe những kế hoạch nào từ trong Sài Gòn dùng không quân để tái chiếm lại Hoàng
Sa. Quyết định đó có thể có và cũng có thể không".
Theo ông Hoàng Đức Nhã, Bí thư kiêm Tham vụ Báo chí, Thư ký của Tổng thống
Việt Nam Cộng hòa, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và các tướng lĩnh đã có một số kế
hoạch tái chiếm Hoàng Sa nhưng không được thực hiện do ưu tiên lúc đó không phải
là tái chiếm Hoàng Sa mà là phòng thủ trước sự tấn công của quân Giải phóng miền
Nam.[15] Việt Nam Cộng hoà muốn bảo toàn lực lượng hải quân để chống lại quân
Giải phóng "đang tập trung lực lượng chuẩn bị tiêu diệt Việt Nam Cộng
hòa". Việc tái chiếm Hoàng Sa tạm gác lại để ưu tiên cho các mục tiêu trước
mắt quan trọng hơn. Sau khi các mục tiêu này được giải quyết, Việt Nam Cộng hòa
"sẽ dùng các biện pháp quân sự kết hợp ngoại giao thu hồi Hoàng Sa".
Ông Nhã cho rằng Việt Nam Cộng hòa đã không có liên hệ nào nhằm phối hợp với Việt
Nam Dân chủ Cộng hòa trên phương diện ngoại giao cũng như quân sự nhằm tái chiếm
Hoàng Sa do Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có thái độ im lặng khi Trung Quốc chiếm
Hoàng Sa. Mặt khác, ông Nhã nói Nguyễn Văn Thiệu đã tìm hiểu lập trường của Mỹ
qua điện thoại, nhưng chỉ nhận được lời trả lời "khó tin" rằng người
Mỹ đã "không hề hay biết gì". Dùng từ ngữ "dối trá chính trị",
ông Nhã khẳng định Hoa Kỳ đã có sự thông đồng với chính quyền Bắc Kinh khi đó
và đã làm ngơ trước hành động của Trung Quốc.
40 năm sau, theo ông Nguyễn Thành Trung - khi đó là Trung úy phi công
Không lực Việt Nam Cộng hòa, ngày 19/1/1974, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu điều 5
phi đoàn phản lực F-5 bao gồm 120 máy bay và 150 phi công (mỗi phi đoàn có 24
máy bay), 4 phi đoàn ở sân bay Biên Hoà, 1 ở sân bay Đà Nẵng, ra Đà Nẵng chuẩn
bị tái chiếm quần đảo Hoàng Sa.[50] Theo đánh giá của Nguyễn Thành Trung thì việc
tái chiếm Hoàng Sa là hoàn toàn khả thi với sức mạnh áp đảo của không quân bao
gồm 120 chiếc F-5 đang chờ lệnh ở Đà Nẵng. Thời điểm năm 1974, không quân Trung
Quốc chỉ có MiG-21 là loại máy bay hạng nhẹ có tầm hoạt động ngắn, không thể
bay tới Hoàng Sa. Còn hải quân Trung Quốc ở Hoàng Sa chỉ có khoảng 40 tàu cỡ nhỏ
chứ không có tàu lớn, và các tàu này đều chỉ có khả năng phòng không rất yếu
(phần lớn chỉ có súng máy 12,7mm, tối đa cũng chỉ có pháo cao xạ 37mm điều khiển
thủ công). Trong khi đó, mỗi máy bay F-5 đủ sức tác chiến tại Hoàng Sa trong 20
phút, mỗi chiếc mang được tới 3 tấn bom. Như vậy, nếu cứ 3 máy bay đánh 1 tàu
thì chỉ cần sau nửa ngày là có thể đánh chìm toàn bộ 40 tàu Trung Quốc. Ông
Trung tin rằng "phần thắng là chắc chắn 100%, vì tàu Trung Quốc không thể
chạy thoát nổi (do máy bay có vận tốc nhanh hơn rất nhiều), mỗi tàu chỉ cần
trúng 1 quả bom là xong... Trung Quốc đi ra Hoàng Sa là bằng tàu thôi, nếu mà
diệt hạm đội này là họ cụt ngòi". Các phi công lúc bấy giờ cũng cho rằng
chiến dịch khá dễ dàng, chỉ trong vòng 12 giờ là 40 tàu Trung Quốc sẽ chìm hết.[26]
Nhưng cuối cùng, lực lượng không quân Việt Nam Cộng hòa đã nhận được lệnh
không được cất cánh. Cũng theo lời thuật của Nguyễn Thành Trung, kế hoạch này
cuối cùng đã không được thực hiện do "Mỹ đã cảnh báo Tổng thống Nguyễn Văn
Thiệu không được hành động". Ông cho rằng "Nếu ngày đó chiến dịch diễn
ra đúng kế hoạch thì bây giờ và các thế hệ con cháu đỡ biết bao nhiêu. Bây giờ
Trung Quốc đã chiếm đóng bất hợp pháp ở Hoàng Sa rồi, cái di sản, cái gánh nặng
để lại cho các thế hệ con cháu Việt Nam thật là quá nặng nề".
Nhận xét
Đăng nhận xét