Bài 4: NHỮNG TRÁI “DA LÁNG” ĐÁNG SỢ CỦA… THẦN CHẾT


Bài 4
NHỮNG TRÁI “DA LÁNG” ĐÁNG SỢ
CỦA… THẦN CHẾT

Cuối tháng 2 năm 1979, Trung đoàn 1, Trung đoàn 2 (thiếu) của Sư đoàn 9 bộ binh cùng các đại đội pháo 105mm của Trung đoàn 42, đánh vào ga Romea tỉnh Kampong Ch’nang.
Bộ đội Việt Nam dẫn giải tù binh Polpot. Ảnh tư liệu.
Cuộc chiến không tù binh

Romea tuy là một ga xép nhưng có vị trí đầu cầu rất quan trọng, là cửa ngõ hướng đông bắc vào thủ đô kháng chiến Amleang, nơi chính phủ Kh’mer Đỏ chọn làm căn cứ địa.

Khu vực này do các lực lượng quân khu Tây Nam thiện chiến của Tà Mok chốt giữ. Đường 146 vào Amleang bị án ngữ bởi hai ngọn núi thấp là cao điểm 96 và cao điểm 86. Đôi ngọn núi như hai cánh cửa khép chặt bởi các lớp phòng ngự chiều sâu. Sau gần chục ngày giao tranh, các đơn vị tấn công chưa dứt điểm được và gần như bị bao vây tại đây.

Tiểu đoàn 4 Trung đoàn 2 chúng tôi đang chốt bên kia sông Tonle Sap, được lệnh thọc vào giải vây, thông đường 27 để tiếp tế hậu cần đạn dược, chuyển tử sỹ ra ngoài thị xã. Đang là cuối mùa khô với những ngày nắng rát.

Đồng hoang và những bụi cây nhỏ khô cháy lan đến tận chân rừng mờ mịt khói. Xe quân nhu thảy xuống cho tiểu đoàn bộ thùng lựu đạn M.67 cuối cùng.

Những trái da láng nằm trong hộp giấy mới khui màu ô liu sẫm, còn hắc thơm mùi sơn bảo quản.

Chứng chỉ xác quyết sinh tử cưa đôi trong cuộc chiến tranh không có tù binh (*) đã được cấp phát, như sự khẳng định mức độ cận chiến ác liệt có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Đây là lần thứ hai hậu cần trung đoàn cấp lựu đạn. Lần thứ nhất tôi nhớ rõ là chiều ngày mùng 3/1/1979, sau khi Tiểu đoàn 6 đánh toang cửa mở cầu Tonle với rất nhiều thương vong, và tiểu đoàn tôi lên thay máu, đi đầu trong mũi chủ công tiến dọc lộ 1 vào Ph’nom Penh.

Trái da láng đó tôi đã ném cá bên bờ sông Bốn mặt bởi nghĩ Ph'nom Penh đã được giải phóng, chiến tranh đã kết thúc, chẳng cần dùng đến nó nữa.

Nhưng tôi đã lầm. Lần này trái da láng lại đến đằm tay, như một lời nhắc lạnh lùng rằng chiến tranh sẽ còn triền miên kéo dài. 

Tôi xoáy mở cụm mỏ vịt kiểm tra cẩn thận: Kíp nhôm hai ngõng chấm xanh, loại an toàn 6 giây.
Ga Romea tỉnh Kampong Ch’nang nơi đã từng là chiến trường ác liệt giữa Quân tình nguyện Việt Nam và lính Polpot. Ảnh: Trung Sỹ.

Tội ác tày trời của lính Pol Pot...

Anh em đơn vị từng nghe chuyện cả một phân đội trinh sát sư đoàn bạn luồn sâu trận Oudong, bị địch phục kích bắt sống. Bọn lính Polpot dã man dùng cuốc đập chết từng người rồi đốt xác.

Tiểu đoàn 5 đánh vào giải vây, thấy cảnh đó chỉ biết hộc lên nghiến răng căm hận. Ngay thằng bạn học cùng ngày nhỏ nhà bên phố Hàng Lược, là lính Tiểu đoàn 6 trung đoàn tôi cũng bị địch bắt sống, chặt bêu đầu trên cọc. Tất cả chỉ vì không có hoặc không kịp rút chốt trái đắng cuối đời.

Giờ thì trái đắng, hay gọi là trái hạnh phúc cũng được, đã mát lạnh trên tay như một đảm bảo cho sự giải thoát tức thời không đau đớn, và nếu biết đâu trong hoàn cảnh đó nếu may mắn còn gọi hồn thêm được một vài thằng lính Polpot diệt chủng.

Trái mãng cầu của thần Chết vo tròn số phận chia đều cho cả hai bên. Tôi từng biết có những đứa trẻ con áo đen mới hơn chục tuổi đã biết cầm súng, khi bị thương nặng không chạy được, vẫn thủ trái M.67 tức thì dưới bụng, đợi chúng tôi đến là mỏ vịt lập tức buông tay.

Các toán địch nhỏ bu bám theo từng bước hành quân trên dọc dài 28 km từ thị xã Kampong Ch’nang vào tới ga Romea. Mới ra khỏi trái núi rìa phía tây thị xã đã đụng địch. Súng nổ liên hồi như bắp rang, bắn vào đoàn quân đang càn tới.

Tiểu đoàn 4 đánh rẽ địch ra hai bên, vừa đi vừa đánh, hộ tống đoàn xe hậu cần tiến vào. Mùi tử khí nồng nặc bao trùm ngôi trường, nơi trung đoàn để tạm anh em hy sinh trong các lớp học.
Ngôi trường học khi xưa từng xếp tử sỹ Quân tình nguyện Việt Nam hy sinh.
Quanh hai chiếc xe chở thi hài đồng đội mới được xếp lên trong sân trường để chuyển ra ngoài thị xã, ruồi bay vu vu như những đám mây. Đội vận tải phải chặt cành cây phủ kín thành xe để chống ruồi.

Tôi được lệnh đi máy với đại đội 4, đại đội hỏa lực của tiểu đoàn. Đóng cọc mắc mùng trên ruộng khô, trải nilon nằm cạnh anh Ninh C phó xong mắt tôi díp lại ngay. Đạn địch điếc tai, át cả tiếng chuông máy Mỹ kêu cồng cộc.

Lính thê đội 2 ngày mai tấn công, được nằm giữa nên không phải gác. Không có cây mắc võng, lính giăng mùng trắng ruộng. Dưới ánh trăng trung tuần tháng Hai, những chiếc mùng xô trắng tinh lớp lớp, trông ghê như vải liệm.

Một người lính đi tìm đồng hương về ngủ muộn, lấy trái lựu chày Trung Quốc đóng cọc giăng mùng. Đất cứng, trái lựu chày phát nổ trên tay. Quân y vận tải hò hét gọi nhau om sòm. Trái lựu đạn chia cả cho quân ta.

May nó chỉ là trái lựu đạn chày Trung Quốc nên sức sát thương kém. Đêm ấy mặt trăng sáng trắng, rọi thẳng vào mặt anh lính có thói quen nằm ngửa. Tôi phải lấy cái quần đùi phủ lên đỉnh mùng che trăng cho tối đi, mãi mới ngủ được.

Thêm quân thêm đạn, pháo đội 105mm trung đoàn 42 lại quất không thương tiếc lên cao điểm 96, nơi địch đặt khẩu cao xạ hai nòng 37mm, hạ nòng bắn tà âm xuống đầu chúng tôi. Pháo thủ cởi trần lao đạn vã mồ hôi hột, vừa kỵ ghét trên cổ vừa giật cò. Chiều hôm sau, cao điểm này thất thủ.

Chúng tôi thu được hai khẩu pháo 105mm của địch. Thu nốt cả khẩu cao xạ 37mm vừa bắn khùng khùng vào đội hình chúng tôi đêm hôm qua cùng chiếc xe Hoàng hà kéo pháo. Đường vào thủ đô kháng chiến Amleang của chính phủ Kh’mer Đỏ ở phía đông bắc đã mở toang. Các sư đoàn bộ binh bắt đầu đánh thọc vào.

Thêm một lần nữa, thủ đô mới của địch thất thủ nhưng chiến tranh vẫn chưa chấm dứt. Hàng tháng trời sau, sư đoàn 9 cùng các đơn vị bạn càn đi quét lại vùng sâu trong núi Aoral, diệt tàn quân địch và đưa dân chúng lùa theo ra đồng bằng trở về quê cũ.
Một trái da láng M.67
... và trái da láng cuối cùng

Tình hình yên ả dần, cơ hội cưa đôi sinh tử dường như không còn nên trái lựu đạn mang theo luôn nhấp nhổm muốn rút chốt mỗi khi gặp một nguồn nước nhiều cá. Cuối cùng, nó đã được thảy xuống cái đập nước gần thị trấn Ponley, nơi đàn cá lóc bông quần tụ.

Các anh em lính rừng tiểu đoàn tôi kham khổ suốt mấy tháng đuổi địch mùa khô, hôm đó được bữa canh chua lá giang cá lóc nhớ đời.

Rồi tôi cũng kiếm được một trái da láng M.67 khác phòng thân. Trái lựu đạn này hẳn đã qua tay nhiều người nên lớp sơn ngoài đã tróc hết. Lớp vỏ thép cọ mồ hôi nhiều sáng bóng, chạm lạnh nhói bụng những đêm sâu gác ca cuối mùa khô.

Tôi được rút lên ban Chính trị trung đoàn nhưng vẫn giữ trái da láng như một thói quen, nghĩ nếu may không có cơ hội phải dùng nó thì khi giải ngũ mang về nhà ném cá.

Ngày tôi nhận quyết định giải ngũ, xe đưa những người lính hoàn thành nghĩa vụ về đến ngã ba Sê Kun thì nghỉ lại giữa đường. Đêm cuối cùng trên đất Campuchia, trái da láng thêm một lần lạnh cóng nằm trên bụng giữa chợ hậu phương khi nghe tiếng 12,8mm quét qua từng tràng khá gần.
Quân tình nguyện Việt Nam đã bất chấp mọi hy sinh, gian khổ, phối hợp với LLVT Mặt trận Đoàn kết dân tộc cứu nước Campuchia mở cuộc tổng tiến công giải phóng thủ đô Phnôm Pênh (7-1-1979) và toàn bộ đất nước Campuchia (17-1-1979).
Nhọc mệt thế nhưng không ngủ được, hai mắt thức chong chong. Lại lật võng, nhìn lên thăm thẳm một trời sao trôi chậm. Vòm đêm sâu hun hút. Sao Gầu Sòng lộn ngược, đang úp thìa lên ngọn thốt nốt đen sẫm đằng xa. Bao đêm gác địch mù mắt vẫn gà gật ngủ gục được, nhưng đêm ấy sao khó ngủ quá!

Chiều tối hôm sau, chúng tôi thở phào khi xe sắp vượt qua biên giới về tới đất quê hương. Trái da láng tróc sơn vẫn giắt giấu, lạnh trong thắt lưng. Chợt nghĩ mình chưa vặn ra kiểm tra xem trái này là loại tức thì hay delay.

Đồn biên phòng kia rồi, quê mẹ quê cha đây rồi, còn tính cưa đôi với ai nữa đây? Thôi, giã từ vũ khí!

Tôi quăng trái da láng vào một bụi rậm ven đường.

TRUNG SỸ

Xuân Tùng (bút danh Trung Sỹ) - Nguyên trung sỹ D4E2F9, Quân đoàn 4 tham gia Chiến tranh Biên giới Tây Nam bảo vệ Tổ quốc và là Quân tình nguyện Việt Nam ở Campuchia, tác giả cuốn Hồi ức Chuyện lính Tây Nam, NXB Thanh Niên.
----------------------------------------------------------------------------------------------------------------

(*) Nguyên trung đoàn trưởng Trung đoàn 812 (Sư đoàn 309 - Mặt trận 479) Nguyễn Hữu Bằng nói rằng ông đọc và biết về nhiều cuộc chiến tranh trên thế giới. Tuy nhiên, chưa có cuộc chiến nào như cuộc chiến này: Không có tù binh nào của Việt Nam được phía Pol Pot trao trả. Trong khi đó, ta bắt hàng ngàn tù binh và đối xử rất nhân đạo, cho họ về làm dân, cấp ruộng cho họ cày cấy. Chỉ một khía cạnh ấy thôi, đủ hiểu chế độ diệt chủng của Pol Pot khủng khiếp như thế nào.
(Theo Người Lao động)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến