MỖI CÂU TỤC NGỮ MỘT NỬA LỜI KHUYÊN
MỖI CÂU TỤC NGỮ
MỘT NỬA LỜI KHUYÊN
Liệu hai câu tục ngữ
Không thầy đố mày làm nên và Học thầy không tày học bạn có
mâu thuẫn?
|
Để giải đáp được câu hỏi đó, có
lẽ trước hết tôi phải cùng các em tìm hiểu ngữ nghĩa của từng câu. Đọc qua,
chúng ta cũng dễ dàng nhận ra là cấu trúc kết hợp trong hai câu là khá rõ ràng,
tường minh (không qua một cấu trúc ẩn dụ). Không thầy đố mày làm
nên (hoặc Không thầy đố mầy làm nên) là một phát ngôn khẳng định rõ
ràng, dứt khoát về vai trò của người thầy dạy. Đã đi học là phải có hai đối tượng:
người dạy (thầy (cô) giáo) và người học (học sinh). Người thầy có sứ mệnh truyền
thụ các kiến thức cho học trò theo một chương trình cần tuân thủ trong SGK. Và
dù có sách trong tay, học sinh chúng ta vẫn rất cần sự chỉ bảo, hướng dẫn, uốn
nắn của các thầy để các em có thể tiếp cận và tiếp thu tri thức một cách tốt nhất.
Đó chính là phương pháp, là kĩ năng học sao cho tốt.
Phương pháp tốt giúp cho các em
không “học một biết một” mà làm sao phải “học một biết mười” (hoặc hơn thế nữa).
Thầy đâu chỉ thực hiện chức năng “cầm tay chỉ việc” mà phải chỉ ra đường hướng,
cách thức, kĩ năng... Cũng giống như Khổng Tử ngày xưa đem những câu chuyện của
cố nhân để rút ra những bài học luân lí rất sâu sắc nhằm răn dạy học trò. Hay
như nhà bác học A. Einstein thường tâm sự: “Tôi muốn các bạn biết khái quát vấn
đề dựa trên sự tưởng tượng. Tri thức là cần nhưng chính sự tưởng tượng mới làm
cho mọi tri thức có giá trị”. Như vậy, thầy giáo là người đứng trên ta một bậc
về tầm hiểu biết tri thức khoa học, đạo lí làm người và nhiều lĩnh vực khác
trong cuộc sống. Tôn sư trọng đạo luôn là bài học đạo lí và cũng là nét đẹp
nhân văn truyền thống của dân tộc ta: Muốn sang thì bắc cầu kiều/ Muốn con
hay chữ thì yêu lấy thầy (ca dao).
Còn câu Học thầy không
tày học bạn (hoặc Học thầy chẳng tày học bạn), có nghĩa là học
thầy không bằng học bạn. Học bạn quan trọng đến thế ư? Bạn ở đây là bạn bè, những
người cùng trang lứa, cùng vào vai người đi học, cùng nhiều hoàn cảnh và điều
kiện khác nữa. Xuất phát điểm như nhau nhưng trong cuộc đua tri thức lại có thể
không giống nhau. Người tiếp thu nhanh, người tiếp thu chậm. Người giỏi môn
này, người trội hơn môn kia. Điều này phụ thuộc vào nhiều yếu tố: tư chất (có
năng khiếu, sáng dạ hay không sáng dạ), sự chăm chỉ (cần cù bù thông minh),
hoàn cảnh cá nhân (thuận lợi hay không thuận lợi, về vật chất chẳng hạn)... Vậy
là có khi trong một lớp học nào đó, sẽ có “người cao người thấp”, xếp hạng bao
giờ cũng có người đứng đầu, người “đội sổ”. Thua thầy một vạn không bằng thua bạn
một li. Bởi xứ theo lẽ thường, học trò đi học, thua kém thầy là chuyện đương
nhiên. Nhưng kém một bạn nào đó dễ làm cho ta cảm thấy tự ái, thậm chí rất ngượng
ngùng, xấu hổ: Cũng cơm, cũng gạo, cũng thầy/ Mà sao em kém thế này, em
ơi! (ca dao).
Lòng tự trọng và cả tính hiếu thắng
lành mạnh đã thành động lực thôi thúc nhiều học sinh cố gắng học hỏi để vượt
lên không chịu cảnh “thua chị kém em”. Muốn thế, chúng ta phải biết tận dụng
ngay những gì bạn bè đang có bằng cách theo dõi và học hỏi với tinh thần cầu thị.
Đừng có ngại, hay sĩ diện hão (Đến mình mà phải di hỏi con bé ấy hay sao?). Hãy
biết vượt qua trạng thái tâm lí mặc cảm, thiếu tự tin các bạn nhé. Bởi nếu
không, chính chúng ta sẽ bỏ qua cơ hội học hỏi và để cho người khác vượt lên ta
một cách “ngon lành” đấy.
Bác Hồ từng căn dặn: “Học ở trường,
học ở trong sách vở, học lẫn nhau và học nhân dân”. Vậy thì, học ở trường chính
là học từ thầy cô, còn học lẫn nhau chính là học từ bạn bè đấy. Có những kinh
nghiệm quý báu mà chỉ qua bạn bè mới có được: Bạn như ta mà lại không phải là
ta. Điều đó làm cho việc học của chúng ta đa dạng đa chiều hơn, lượng kiến thức
của chúng ta được thu lượm, sàng lọc, kiểm chứng và vững vàng hơn. Đó cũng
chính là một cách học tối ưu. Một tai nghe thầy, một tai nghe bạn/ Về nhà mẹ giảng,
thế là thành... mười tai. Hai câu tục ngữ Không thầy đó mày làm nên và Học thầy
không tày học bạn là hai lời khuyên chí lí, hai bài học có giá trị bổ sung cho
nhau để đưa ta tới chân trời tri thức một cách hiệu quả nhất.
Trong kho tàng thành ngữ tục ngữ
dân gian, cũng không hiếm gì các cặp tục ngữ tương tự. Quả thực, lúc đầu mới đọc,
ta cứ ngỡ chúng làm nên nghịch lí mâu thuẫn. Chẳng hạn: Giọt máu đào hơn
ao nước lã (Ý nói tình anh em, máu mủ ruột già là cao cả, rất hệ trọng) với Bán
anh em xa mua láng giềng gần (Phải quan hệ với hàng xóm láng giềng sao cho
phải, bởi trong nhiều hoàn cảnh, do anh em xa xôi cách trở không có điều kiện
giúp đỡ, chính những người láng giềng tốt bụng kia lại vô cùng hữu ích vào những
khi tắt lửa tối đèn). Đây là hai câu tục ngữ nằm trong hai bối cảnh khác nhau về
cách ứng xử tình huống mà mỗi người nên xử lí sao cho hợp lẽ.
Hay là hai câu Người đẹp vì
lụa, lúa tốt vì phân và Quần áo đẹp không làm nên con người, lại thể
hiện hai quan niệm liên quan đến cùng về một hiện tượng (quần áo, trang phục).
Một câu nói về cách tận dụng trang phục để làm tăng vẻ đẹp hình thể, còn câu
kia nói về một quan niệm giá trị thẩm mĩ trong cuộc đời (cốt lõi bản chất mới
là cái quyết định). Chúng vẫn hoàn toàn đúng nếu chúng ta xét trong từng hoàn cảnh
phát ngôn./.
PGS.TS Phạm Văn Tình
Nhận xét
Đăng nhận xét