LUẬT HỎI NGÃ TIẾNG HÁN VIỆT


LUẬT HỎI NGà
TIẾNG HÁN VIỆT

Tiếng Việt gồm hai loại, tuy liên hệ nhau nhưng vẫn giữ đặc tính riêng rẽ:
- Tiếng HÁN VIỆT là chữ Hán đọc theo giọng Việt.
- Tiếng NÔM là tiếng do người Việt-nam tạo nên với những tiếng mượn của nước ngoài nhưng đã Việt-hoá.
1
TIẾNG HÁN-VIỆT

Tiếng Hán-Việt là tiếng mượn của tiếng Hán nhưng đọc theo giọng của người Việt. Phần lớn tiếng Hán-Việt là những tiếng gồm hai tiếng trở lên. Ví dụ: quốc gia, kinh tế, quân sự, chánh trị, xã hội, ngoại giao, văn hoá, dân chủ, công ty, v.v. Trong tiếng Việt hiện nay, khoảng 60% là tiếng Hán-Việt. Chúng ta xử dụng khá nhiều tiếng Hán-Việt trong mọi giao tiếp và nói năng hằng ngày.

Ví dụ: "Hôm qua nghiệp đoàn công nhân tổ chức hội nghị thảo luận vấn đề gia tăng niên liễm". Chỉ có hai chữ thuần Việt là "hôm qua", còn các chữ khác đều là tiếng Hán-Việt.

Tiếng Hán-Việt có quy luật riêng về dấu Hỏi Ngã. Vì vậy, nếu xử dụng được Luật Hỏi Ngã trong tiếng Hán-Việt thì chúng ta đã giải quyết được hơn 60% công việc về dấu Hỏi Ngã.

Tiếng Hán-Việt có hai đặc tính:

1. Về Chánh tả: giữa âm và giọng có sự liên quan chặt chẽ.
- Các tiếng Hán-Việt khởi đầu bằng một Nguyên-âm, chỉ có thể có dấu Sắc, dấu Hỏi, hoặc Không dấu.
- Các tiếng Hán-Việt khởi đầu bằng các Phụ-âm: L, M, N, NG, NH, D, V, chỉ có thể có dấu Ngã hay Nặng.

2. Về vị trí của các tiếng dùng chung:
Tiếng Chỉ-định luôn luôn đứng trước tiếng được chỉ-định, gọi là Ngữ-pháp đặt ngược
Ví dụ:
Bạch tượng. Bạch chỉ định, làm cho rõ nghĩa tiếng tượng.
Ký sinh trùng. Ký chỉ định sinh, ký sinh chỉ định trùng.

CÁCH NHẬN BIẾT TIẾNG HÁN-VIỆT

1. Các tiếng Hán-Việt thường không tách ra dùng riêng một mình, mà phải dùng trọn từ.

Chẳng hạn chỉ có thể nói làm thương mãi chớ không thể nói làm thương, làm mãi, hoặc nói làm chánh trị chớ không thể nói làm chánh, làm trị v. v...

Vậy mỗi khi gặp một từ ghép, ta thử tách các tiếng cấu tạo từ ấy ra riêng rẽ, nếu chúng không dùng độc lập được, thì đó là một tiếng Hán-Việt.

2. Về nghĩa của một tiếng Hán-Việt.

Các tiếng hợp lại để làm thành một từ Hán-Việt đều có nghĩa, nhưng nghĩa của chúng rất mơ hồ đối với những người không có một trình độ Hán học nhất định. Ví dụ như nếu đem xét riêng biệt các chữ: dĩ, nhiên, hành, chánh, lãnh, tụ, thì chúng đều có nghĩa cả, nhưng hỏi nghĩa thế nào thì không dễ trả lời.

Cho nên khi gặp một từ ghép, nếu cả hai tiếng đều mơ hồ về nghĩa ví dụ như: cảnh giác, mãnh liệt, dũng cảm, thì đó là từ Hán-Việt.

Còn các Tiếng-Nôm-đôi và Tiếng-Nôm-Lấp-láy thì đều có khả năng dùng riêng ra từng chữ và nghĩa của chữ dùng riêng đều rõ và dễ nhận biết. Ví dụ: xe lửa, máy bay, tàu ngầm, xe đạp.

Do đó, dựa vào cách phân biệt như trên, chúng ta dễ dàng biết được tiếng nào là tiếng Hán-Việt và tiếng nào là Tiếng Nôm.

a) Tóm lại:
Tất cả tiếng HÁN-VIỆT khởi đầu bằng các nguyên-âm: A, Â, Y, O, Ô, U, Ư, đều viết DẤU HỎI vì các nguyên-âm của Tiếng Hán-Việt thuộc Thanh-âm (Bổng).

Ví dụ: Ải quan, Ảnh hưởng, Ẩm thực, Ẩn dật, Ỷ lại, Oải nhân, Ổn thỏa, Ủy hội, Ưởng.
Phụ chú: Sách của G.s. Lê-ngọc-Trụ có ghi Ê và I vào nhóm nguyên âm nầy. Nhưng vì chữ HÁN-VIỆT không có chữ nào khởi đầu bằng Ể, Ễ hoặc Ỉ, Ĩ nên tôi không ghi hai nguyên âm nầy vào, cho người học đỡ mệt trí [Đ-s-T].

b) Tất cả tiếng HÁN VIỆT khởi đầu bằng phụ âm CH, GI, KH, PH, TH, S, X, đều viết DẤU HỎIvì các phụ-âm nầy cũng thuộc Thanh-âm (Bổng).

Ví dụ:
- CHẩn đoán, CHỉ huy, CHỉnh tề, CHiểu chi, CHủ tọa, CHưởng quản.
- GIải phẫu, GIảm thiểu, GIản tiện, GIảng đường, GIảo quyệt, học GIả.
- KHả dĩ, KHải hoàn, KHảo thí, KHẩu hiệu, KHổng giáo, KHủng hoảng
- PHản bội, PHẩm cách, PHỉ báng, PHổ thông, PHủ nhận. (trừ PHẫn nộ)
- THải hồi, THảm thương, THản nhiên, THảo mộc, (trừ Mâu THuẫn, Phù THũng)
- Sản khoa, Sảnh đường, Sỉ nhục, Siểm nịnh, Sở dĩ, Sủng hạnh, (trừ Sĩ = học trò)
- Xả thân, Xảo trá, công Xưởng, (trừ Xã hội, Xã trưởng, Hợp tác Xã)

Để khỏi bỏ sai dấu, xin độc giả đừng lẫn lộn tiếng Hán Việt với những tiếng Nôm sau đây:
CHĨNH=hủ bằng đất; GIÃ (giã gạo, từ giã); GIÃI (giãi bày); GIÃN (co giãn, giãn ra= tăng độ dài: dây cao su bị giãn); PHŨ (phũ phàng); THÃI (thừa thãi); SŨNG (ướt sũng)

c) Tất cả tiếng HÁN VIỆT khởi đầu bằng Bảy phụ âm L, M, N, NG, NH, D, V, đều thuộc Trọc-âm, cho nên viết DẤU NGà(trừ một ngoại lệ duy nhất là Ngải cứu).

Ví dụ:
- Lãng mạn, Lãnh đạm, Lão ấu, Lẫm liệt, Lễ nghĩa, Lũng đoạn, thành Lũy, Lãng phí.
- Mã não, Mãi mại, Mãn nguyện, Mỹ Mãn, Mãnh hổ, Mẫn tiệp, Mẫu nghi, Mỹ nữ.
- Não tủy, Noãn sào, Nỗ lực, phụ Nữ.
- NGẫu nhiên, NGũ cốc, đội NGũ, ngôn NGữ.
- NGHĩa khí, NGHiễm nhiên, NGHĩa trang.
- NHã ý, NHãn khoa, NHẫn nại, NHĩ mục, NHiễm bệnh, NHũ mẫu, NHãn hiệu.
- Dẫn lực, Dĩ nhiên, Diễm lệ, Diễn đàn, Dũng cảm, Dưỡng dục, Dĩ vãng, Dã man.
- Vãn bối, Vãng lai, Vĩ đại, Viễn thị, Vĩnh viễn, Võ trang, Vũ trụ, Vĩ tuyến.

Xin đừng lộn tiếng Hán-Việt với những tiếng Nôm sau đây:
- LẢ (lả lơi, ẻo lả); LẢNG (lảng vảng); LẢNH (lảnh lót); LẢO (lảo đảo) LẨM (lẩm rẩm); LỂ (lể ốc, lể gai); LIỂM (cờ bạc đặt tiền ở giữa hai ô, ra ô nào mình cũng trúng); LƯỞNG (lưởng thưởng);
- MẢ (mồ mả); MẢI (mải miết); MẢNH (mảnh mai); MẨN (mê mẩn); MẨU (mẩu chuyện);
- NẢO (viết thử trước); NỔ (nổ bùng);
- NGẢ (ngả quỵ); NGỦ (đi ngủ);
- NHẢ (nhả mồi, nhả tơ) NHẢN (nhan nhản); NHỈ (vui nhỉ!); NHỦ (khuyên nhủ);
- DẨN (dớ dẩn) DỈ (dỉ hơi);
- VẢNG (lảng vảng); VỈ (vỉ lò, vỉ bánh); VIỂN (viển vông) VỎ (vỏ ốc, vỏ sò).

d) Mấy phụ-âm khởi-đầu khác, gồm có B, C, Đ, H, K, QU, và T, vì đều có ở cả hai bậc Thanh và Trọc, khó phân biệt, nên phải tra tự điển; nhưng cũng theo luật "Thanh viết dấu HỎI, Trọc viết dấu NGÃ".

Vì tiếng giọng Ngã ít hơn tiếng giọng Hỏi nên chúng tôi biên ra dưới đây các tiếng Hán-Việt giọng Ngã của mấy phụ-âm khởi đầu vừa nói trên, để giúp bạn đọc:

Bãi
:
thôi, nghỉ (bãi công, bãi khóa, bãi thị)
Bão
:
ẵm bồng (hoài bão, bão hòa, bão mãn)
:
xấu (bĩ cực thái lai, bĩ vận)
Cưỡng
:
gắng ép (cưỡng bách, cưỡng chế)
Cữu
:
cậu vua (quốc cữu), hòm (linh cữu)
Đãi
:
thết, xử với (đãi bôi, bạc đãi, biệt đãi, khoản đãi, trọng đãi, ưu đãi, đãi lịnh)
Đãng
:
rộng, phóng túng (đãng tử, du đãng)
Đễ
:
kính nhường (hiếu đễ)
Điễn
:
điện (điễn khí, điễn học, điễn lực)
Đỗ
:
họ Đỗ, chim đỗ quyên, cây đỗ trọng
Hãi
:
kinh sợ (kinh hãi, hãi hùng, sợ hãi)
Hãm
:
xông phá (hãm địch, hãm trận)
Hãn
:
mồ hôi (xuất hãn, phát hãn, liễm hãn)
Hãnh
:
may mắn (hãnh diện, kiêu hãnh)
Hoãn
:
chậm (trì hoãn, hoãn đãi, hoãn binh)
Hỗ
:
lẫn nhau (hỗ trợ, hỗ tương)
Hỗn
:
lộn xộn (hỗn chiến, hỗn loạn, hỗn hợp)
Huyễn
:
hoa mắt (huyễn hoặc, huyễn mục)
Hữu
:
có (hữu cơ, hữu hạn, hữu dụng, hữu lý)
Kỹ
:
tài năng (kỹ sư, kỹ thuật, kỹ nghệ, kỹ xảo)
Quẫn
:
khốn đốn (quẫn bách, cùng quẫn)
Quỹ
:
tủ cất tiền (thủ quỹ, công quỹ, ký quỹ)
Tễ
:
thuốc huờn (dược tễ, điều tễ, thuốc tễ)
Tiễn
:
đưa (tiễn biệt, tiễn hành, tiễn khách)
Tiễu
:
dẹp trừ (tiễu trừ, tuần tiễu, tiễu phỉ)
Tĩnh
:
im lặng (tĩnh dưỡng, tĩnh mịch)
Tuẫn
:
liều chết (tuẫn tiết, tuẫn nạn)
Trãi
:
Nguyễn-Trãi
Trẫm
:
tiếng vua tự xưng
Trĩ
:
trẻ (ấu trĩ), bịnh trĩ (trĩ nội, trĩ ngoại)
Trữ
:
chứa (lưu trữ, oa trữ, tàng trữ, tích trữ)
CÁCH NHỚ LUẬT HỎI NGÃ CHO TIẾNG HÁN-VIỆT

Xem vậy Luật viết dấu Hỏi Ngã cho tiếng Hán-Việt khá phức tạp. Tuy nhiên ta có thể dùng mẹo để nhớ một cách dễ dàng.

a) Chỉ cần nhớ những trường hợp viết dấu Ngã trong tiếng Hán-Việt, tức là nhớ BẢY phụ âm đầu viết dấu Ngã và khoảng 30 trường hợp ngoại lệ phải viết dấu Ngã.
Các trường hợp viết dấu hỏi không cần nhớ vì các tiếng Hán-Việt có âm đầu khác hơn Bảy phụ âm nói trên đều viết dấu hỏi.

b) Để nhớ Bảy Phụ-âm-đầu viết dấu Ngã, các bạn học thuộc lòng câu sau đây:
Mình Nên NHớ Viết Là Dấu NGã

(M N Nh V L D Ng)
Như vậy là bạn đã nắm được luật viết dấu Hỏi Ngã của tiếng Hán-Việt. Còn các ngoại lệ thì xin chịu khó học thuộc lòng.

2 TIẾNG NÔM

Tất cả những tiếng không phải là tiếng Hán-Việt, được gọi chung là Tiếng Nôm.

PHÂN BIỆT TIẾNG NÔM VÀ TIẾNG HÁN-VIỆT

1. Về ý nghĩa. Tiếng Nôm là những tiếng nói sao hiểu vậy. Trái lại tiếng Hán-Việt thường có thể dịch ra bằng một tiếng thông thường hơn (tiếng thông thường đó gọi là tiếng Nôm).

Ví dụ:
- tiếng Nôm: tập vở, tờ giấy (nói sao hiểu vậy)
- tiếng Hán-Việt: bệnh viện (nhà thương), phi cơ (máy bay)

Tuy nhiên cũng có một số tiếng Hán-Việt không thể dịch ra bằng một tiếng thông thường hơn. Ví dụ: kết quả, hạnh phúc, thành công v.v...
Ngoài ra, nhiều tiếng Hán-Việt, nhất là những tiếng đơn được dùng làm tiếng Nôm (gọi là Tiếng Nôm gốc Hán Việt) vẫn giữ nguyên giọng đọc cũ. Ví dụ: danh, pháp, hải, lao, lãnh v. v...

2. Nhờ quan sát Ngữ Pháp ta sẽ phân biệt tiếng Hán-Việt và tiếng Nôm rất dễ dàng.

Ví dụ:
- LẠC CẢNH: lạc (hình dung từ) làm rõ nghĩa tiếng cảnh (danh từ). Hình dung từ đứng trước danh từ, tức là thuộc Ngữ-pháp đặt ngược. Vậy LẠC là tiếng Hán-Việt.
- TIỂU QUỐC: tiểu (hình dung từ) làm rõ nghĩa tiếng quốc (danh từ). Hình dung từ đứng trước danh từ, thuộc Ngữ-pháp đặt ngược. Vậy TIỂU là tiếng Hán-Việt.
- GẠCH TIỂU: tiểu làm rõ nghĩa tiếng gạch. Hình dung từ tiểu đứng sau danh từ gạch, tức thuộc Ngữ-pháp đặt xuôi.
Vậy tiểu nầy là TIẾNG NÔM GỐC HÁN VIỆT.

3. Trong TIẾNG ĐÔI thì:
- tiếng Nôm liên kết với tiếng Nôm.
- tiếng Hán-Việt liên kết với tiếng Hán-Việt.

Ví dụ:
- LỖI LẦM: khi ta biết lỗi là tiếng Nôm, thì ta có thể quả quyết lầm cũng là tiếng Nôm.
- TƯƠI TỐT: biết chắc tốt là tiếng Nôm, ta có thể quả quyết rằng tươi cũng là tiếng Nôm.
- HỌA SĨ: biết chắc sĩ là tiếng Hán-Việt, ta có thể quả quyết rằng họa là tiếng Hán-Việt.
- LUẬT SƯ: khi biết sư là tiếng Hán-Việt thì ta có thể quả quyết luật cũng là tiếng Hán-Việt.
Cũng có một số tiếng-đôi hợp thành bởi một tiếng Nôm và một tiếng Hán-Việt. Tuy nhiên đó là trường hợp đặc biệt của những tiếng Hán-Việt đã được dùng đơn độc làm tiếng Nôm. Chỉ có những tiếng Hán-Việt ấy mới có thể liên kết với tiếng Nôm để tạo thành tiếng-ghép. Ví dụ:
- máu huyết: huyết là tiếng Hán-Việt có nghĩa "máu". Tiếng huyết cũng được dùng đơn độc làm tiếng Nôm, như: cháo huyết, huyết heo.
- lý lẽ: lý là tiếng Hán-Việt có nghĩa "lẽ", nhưng cũng được dùng đơn độc làm tiếng Nôm, như: lời nói có lý, không có lý nào.
- ưa thích: thích là tiếng Hán-Việt được dùng đơn độc làm tiếng Nôm.

TIẾNG NÔM GỐC HÁN-VIỆT

Dấu giọng của những Tiếng-Nôm Chuyển gốc từ tiếng Hán-Việt, phải theo dấu giọng của tiếng gốc, nghĩa là:

a) khi tiếng HÁN GỐC là một tiếng Không dấu hoặc dấu Sắc hoặc dấu Hỏi, thì Tiếng Nôm có Gốc Hán-Việt viết dấu Hỏi. (KHÔNG, SẮC, HỎI = HỎI)
hô > thở; tu > sửa; giá > gả (con); giả > kẻ

b) khi tiếng HÁN GỐC là tiếng dấu Huyền hoặc dấu Nặng hoặc dấu Ngã thì Tiếng-Nôm có Gốc Hán-Việt viết dấu Ngã. (HUYỀN, NẶNG, NGÃ = NGÃ)
hàng > hãng (buôn); kỵ > cỡi; dĩ > đã

TRỪ ngoại lệ:
lý > lẽ; miếu > miễu; nỗ > (cung) nỏ; ngưỡng > ngẩng (ngửng, ngửa), nhĩ > nhử (mồi); dụ > rủ(rê)...

TIẾNG NÔM KHÔNG GỐC HÁN VIỆT

Những Tiếng-nôm không chuyển gốc từ tiếng Hán-Việt thì gọi là TIẾNG-NÔM-LÕI. Có hai loại Nôm-Lõi: Tiếng-Đơn và Tiếng-Đôi.

A. TIẾNG NÔM ĐƠN

Những Tiếng Nôm Đơn, trại ra từ một tiếng khác (không phải là tiếng HÁN), đều tùy tiếng chánh mà viết Hỏi hay Ngã theo luật:

KHÔNG, SẮC, HỎI = HỎI
HUYỀN, NẶNG, NGÃ = NGÃ

Không dấu chuyển ra Hỏi và ngược lại như:
cản/can; chăng/chẳng; chửa/chưa; không/khổng quẳng/quăng; nhủi/chui;

Sắc chuyển ra Hỏi và ngược lại
búa/bửa; thế/thể; hả/há; lén/lẻn; rải/rưới;

Hỏi chuyển ra Hỏi
bảo/biểu; cổi/cởi; tỏa/tủa; xẻ/chẻ; nhỉ/rỉ;
tủi lòng/mủi lòng; rủ/xủ; quên lảng/quên lửng;

Huyền chuyển ra Ngã và ngược lại như:
cùng/cũng; dầu/dẫu; đã/đà; cỗi/còi; lãi/lời; bõ/bù; giũa/giồi; mõm/mồm; ngỡ/ngờ;

Nặng chuyển ra Ngã và ngược lại như:
cội/cỗi; đậu/đỗ; chõi/chọi; giẵm/giậm; trĩu/trịu; chậm/chẫm (chẫm rãi);

Ngã chuyển ra Ngã:
đĩa/dĩa; hẵng/hãy; khẽ/sẽ; nỗi/đỗi; ngẫm/gẫm; dõi/rõi; giễu/riễu; ruỗng/rỗng

TRỪ ngoại lệ:
gõ/khỏ; hõm/(sâu) hóm; kẻ/gã; rải/vãi; mặn/mẳn; (thuộc) lảu/làu; (mệt) lử/(đói) luỗi; phồng/phổng; ngõ/ngả; quãng/khoảng; rõ/tỏ; trội/trổi; lõm/lóm.

B. TIẾNG NÔM ĐÔI

Bởi tánh cách ĐỘC VẬN (mono-syllabic) ngắn ngủn, nên tiếng Việt thường hợp thành Tiếng-Đôi để cho dịu giọng.

TIẾNG NÔM ĐÔI khác hơn TIẾNG GHÉP (là tiếng HÁN-VIỆT do hai hoặc ba tiếng có nghĩa riêng ghép lại để chỉ một ý niệm mới).

TIẾNG NÔM ĐÔI là Tiếng-nôm do hai hoặc nhiều tiếng hiệp lại để cho rõ ý, hoặc dịu giọng.
* Có loại Tiếng Nôm Đôi do Hai tiếng đều có nghĩa hợp lại mà thành.
* Có loại Tiếng Nôm Đôi khác, gọi là Tiếng Đôi LẤP-LÁY, do một tiếng có nghĩa hợp với một tiếng không nghĩa; hoặc do hai tiếng không nghĩa hợp lại nhưng giọng nghe hài hoà, thuận tai, dễ đọc.

Tiếng Nôm Đôi mà CẢ HAI TIẾNG ĐỀU CÓ NGHĨA THÌ KHÔNG THEO LUẬT TRẦM BỔNG mà mỗi tiếng giữ chánh tả riêng của nó về Âm về Vần (Vận) cũng như về Giọng (Thinh).

Ví dụ: mồ mả; cú rũ; rỗi rảnh; bàn ghế; bồng ẵm; cổi gỡ; chống chõi; đầy đủ; lỡ dở; mỏi mệt; ủ rũ; sàng sảy; sâu xa; trồng tỉa; siêng năng; tìm kiếm; kiêng cữ; tỏ rõ; lú lẫn...

Tiếng Nôm Đôi còn chia thành hai loại: Tiếng Nôm Đôi Liên Hiệp và Tiếng Nôm Đôi Độc lập.

Tiếng Nôm Đôi Độc Lập là tiếng đôi mà hai tiếng đều có nghĩa và bình đẳng: thôn xóm, tốt tươi.

Tiếng Nôm Đôi Liên Hiệp là tiếng đôi mà nghĩa của hai tiếng phụ thuộc lẫn nhau để làm cho rõ thêm nghĩa: cà chua, máy cày, xe đạp.

C. TIẾNG NÔM ĐÔI LẤP LÁY

Tiếng Nôm Đôi Lấp Láy là những Tiếng-đôi gồm hai tiếng có liên hệ với nhau về âm thanh mà trong đó phải có ít nhất là một tiếng không có nghĩa.

Ví dụ: đẹp đẽ, mới mẻ, lạnh lùng, vội vàng, v. v... những tiếng đẽ, mẻ, lùng, vàng, đều không có nghĩa. Sự phân biệt tiếng có nghĩa và tiếng không có nghĩa giúp ta nhận ra Tiếng-đôi Lấp-láy dễ dàng.

1. Các mối liên hệ về âm trong Tiếng Đôi Lấp Láy:
a) Liên hệ ở phụ âm đầu. Có những Tiếng Đôi chỉ láy lại phụ-âm đầu: (m-m) mát mẻ, (đ-đ) đồn đãi, (l-l) lểnh lảng, (n-n) nói năng.

b) Liên hệ về vần. Có những Tiếng Đôi chỉ có phần vần được láy lại: lai rai, lải nhải, lạng chạng, lằm bằm, lẫm đẫm, lễ mễ, lơ thơ.

c) Liên hệ cả phụ-âm đầu lẫn vần. Có những Tiếng Đôi láy lại cả phụ-âm đầu lẫn vần như: cào cào, ba ba, bươm bướm, rầm rầm, châu chấu, khinh khỉnh.

Do đó, khi nói về Tiếng Đôi Lấp Láy ta cần chú ý đến sự liên hệ của phụ-âm đầu và vần.

2. Liên hệ về giọng điệu.

a) Cùng một giọng điệu với nhau.
lui cui, lung tung (không dấu)
chí chóe, chíu chít (dấu sắc)
lỏng chỏng, thỉnh thoảng (dấu hỏi)
lễ mễ, dễ dãi (dấu ngã)

b) Cùng một nhóm giọng với nhau.
Tiếng Việt được chia thành hai nhóm giọng:
Nhóm giọng cao gọi là giọng Bổng
Nhóm giọng thấp gọi là giọng Trầm.
Nhóm cao (Bổng), gồm có các giọng: Ngang (còn gọi là Không), Sắc, và Hỏi.
Nhóm thấp (Trầm), gồm có các giọng: Huyền, Nặng, và Ngã.

Trong Tiếng Đôi Lấp Láy, giọng của hai tiếng bao giờ cũng thuộc cùng một nhóm. Nếu một tiếng của Tiếng Đôi Lấp Láy có giọng cao thì giọng của tiếng kia cũng thuộc nhóm giọng cao.

Ví dụ: vui vẻ, mới mẻ, lửng lơ, nho nhỏ...

Ngược lại nếu một tiếng của Tiếng Đôi Lấp Láy có giọng thấp thì tiếng kia cũng có giọng thấp, ví dụ: mạnh mẽ, đẹp đẽ, ngại ngùng, lạnh lùng...

Qui luật về giọng-điệu giữa các tiếng trong Tiếng Đôi Lấp Láy gọi là Qui luật Thuận-thinh-âm (cũng còn gọi là Luật Trầm Bổng).

Tóm lại, TIẾNG ĐÔI LẤP LÁY bỏ dấu theo luật Trầm Bổng:
KHÔNG, SẮC, HỎI đi với HỎI
HUYỀN, NẶNG, NGÃ đi với NGÃ
Tiếng đầu Không dấu hoặc dấu Sắc hoặc dấu Hỏi thì tiếng sau phải bỏ dấu HỎI.
Tiếng đầu dấu Huyền hoặc dấu Nặng hoặc dấu Ngã thì tiếng sau phải bỏ dấu NGÃ.

Thí dụ:
BỔNG
Không dấu đi chung với HỎI và ngược lại: nghỉ ngơi, bảnh bao, lẻ loi, hăm hở, thong thả, sởn sơ, viển vông, run rẩy, vẻ vang, vui vẻ.
Sắc đi chung với HỎI và ngược lại: mải miết, nhắc nhở, thẳng thớm, dí dỏm, bóng bảy, chải chuốt, khỏe khoắn, nhảm nhí, mắt mỏ.
Hỏi đi chung với HỎI: hể hả, lỏng lẻo, nhỏng nhẻo, thỏ thẻ, bải hoải, mỏng mảnh, thỉnh thoảng, tỉ mỉ, xửng vửng.

TRẦM:
Huyền đi chung với NGàvà ngược lại: vỗ về, rầu rĩ, tầm tã, não nề, đãi đằng, nòng nã, sẵn sàng, kỹ càng, chẵn chòi, lời lãi...
Nặng đi chung với NGàvà ngược lại: gỡ gạc, vội vã, dữ dội, cặn kẽ, não nuột, lạt lẽo, cãi cọ, lũ lượt, đẹp đẽ, chập chững, gãy gọn...
Ngã đi chung với NGÃ: dễ dãi, lỗ lã, cãi lẫy, mãi mãi, kỹ lưỡng,...

Như vậy, theo luật nầy thì khi gặp Tiếng Đôi Lấp Láy như: bẽ bàng, rõ ràng, vững vàng, chúng ta yên tâm viết bẽ, rõ, vững với dấu ngã vì các chữ bàng, ràng, vàng, đã có dấu huyền.

Đối với Tiếng Đôi Lấp Láy như cãi cọ, chập chững, dọ dẫm, đẹp đẽ, chúng ta viết cãi, chững, dẫm, đẽ, với dấu ngã vì các chữ cọ, chập, dọ, đẹp, là những chữ đã viết dấu nặng.

Đối với Tiếng Đôi Lấp Láy như lỗ lã, dễ dãi vì ta đã biết dễ và lỗ viết dấu ngã (do suy biết từ lỗ lời, dễ dàng) thì theo luật nầy ta biết chắc lã và dễ phải viết dấu ngã.

Khi một chữ của Tiếng Đôi Lấp Láy viết dấu sắc, không dấu, hoặc dấu hỏi, thì chữ kia phải viết dấu hỏi chớ không thể viết dấu ngã.

Ví dụ:
- cứng cỏi, trống trải, trắng trẻo vì đã có các chữ cứng, trống, trắng viết dấu sắc nên các chữ cỏi, trải, trẻo phải viết dấu hỏi.

- trong trẻo, bươn chải, trả treo vì các chữ trong, bươn, treo viết không dấu nên các chữ trẻo,chải, trả phải viết dấu hỏi.
- các Tiếng Đôi Lấp Láy như lẩm bẩm, lủng củng, bỏm bẻm cũng vậy, vì các chữ lẩm, lủng, bỏm, mang dấu hỏi, thì chữ đứng sau phải viết dấu hỏi.

CÁCH NHẬN RA TIẾNG ĐÔI LẤP LÁY

Khi hai tiếng của một từ mà hai phụ âm đầu của hai tiếng ấy giống nhau, hoặc cả âm đầu lẫn vầnđều giống nhau (cùng giọng Bổng cả, hoặc cùng giọng Trầm cả), thì đó là Tiếng Đôi Lấp Láy.

DỰA VÀO NGHĨA: Một Tiếng Đôi mà cả hai tiếng đều có nghĩa, thì Tiếng Đôi đó KHÔNG PHẢI là Tiếng Đôi Lấp Láy.

ĐẢO NGƯỢC TRẬT TỰ: Khi đảo ngược trật tự của một tiếng-đôi mà tiếng-đôi đó vẫn còn y nghĩa như khi chưa bị đảo trật tự, thì tiếng đó là tiếng ghép chớ KHÔNG PHẢI là Tiếng Đôi Lấp Láy.

Ví dụ: giữ gìn, lả lơi, lơ lửng, hờ hững, là tiếng ghép chớ không phải là Tiếng Đôi Lấp Láy, vì khi đảo ngược, nó vẫn giữ nghĩa như trước. (gìn giữ, lơi lả, lửng lơ, hững hờ).

TIẾNG ĐÔI BỎ BỚT MỘT DẤU GIỌNG: Có nhiều Tiếng-Đôi vì muốn cho êm tai nên

1) phải bỏ bớt một dấu giọng. Mấy tiếng mất dấu giọng đó là tiếng chánh lập lại, chớ không phải tiếng đệm, nên những tiếng đôi đó không bỏ dấu theo luật Trầm Bổng. Thí dụ: khe khẽ, là khẽ khẽ; dê dễ là dễ dễ; đăng đẵng là đằng đẵng.

2) Có nhiều Tiếng-Đôi bị đổi giọng, như hẳn hoi trở thành hẳn hòi; kỹ càng trở thành kỹ cang.

Ngoài ra, NHỮNG TIẾNG NÓI TẮT do ghép với tiếng ẤY, đều viết dấu Hỏi. (Nói Tắt là nói thúc hai chữ thành một, theo lối giản ước). Ví dụ như:

anh + ấy = ảnh; bà + ấy = bả; cậu + ấy = cẩu; chị + ấy = chỉ; hôm + ấy = hổm; mợ + ấy = mở; năm + ấy = nẳm; thằng cha + ấy = thằng chả; con mẹ ấy = con mẻ

NHỮNG NGOẠI LỆ CỦA TIẾNG-ĐÔI (Không còn theo luật Trầm Bổng)

bền bỉ, chàng hảng, chèo bẻo, dòm dỏ, ẻo ẹo, giãy nảy, hoài hủy, hẳn hòi, ĩnh ương, khe khẽ, lảng xẹt, lý lẽ, luồn lỏi, lẳng lặng, mình mẩy, se sẽ, mủ mĩ, niềm nở, ngoan ngoãn, nhểu nhão, phỉnh phờ, rẻ rề, rỗng tuếch, sành sỏi, sừng sỏ, sửng sờ, thỏng thừa, thung lũng, trễ nải, trọi lỏi, trơ trẽn, ve vãn, vỏn vẹn, xảnh xẹ.

MUỐN BIẾT PHẢI BỎ DẤU GÌ?

1) Cách lẹ nhất là thử tìm một Tiếng Đôi khác, có cái chữ mình đang phân vân về dấu hỏi hay ngã.

Ví dụ chữ dễ dãi: Chỉ cần biết được một trong hai chữ dễ hoặc dãi mang dấu gì thì biết được luôn cả dấu của chữ kia. Thử chọn chữ dễ trước. Với chữ dễ ta có Tiếng đôi Lấp-láy dễ dàng. Với dễ dàng ta biết chữ dễ phải viết dấu ngã vì chữ dàng có dấu huyền. Khi đã biết chữ dễ viết dấu ngã thì ta xác định được là chữ dãi phải viết dấu ngã do luật "HUYỀN, NẶNG, NGÃ = NGÃ"

Đối với các chữ mang dấu Hỏi cũng làm như vậy.

2) Khi không tìm ra một Tiếng-đôi Lấp-láy trong đó có chữ mà ta cần biết là mang dấu gì thì ta nên thử đưa nó vào loại chữ-láy bốn tiếng.

Ví dụ chữ đủng đỉnh: Ta có đủng đa đủng đỉnh, về lủng lẳng ta có lủng la lủng lẳng. Khi ta thấy đủng đa, lủng la, thì ta có thể khẳng định đủng và lủng phải viết dấu hỏi theo luật "KHÔNG, SẮC, HỎI = HỎI". Khi đã biết đủng và lủng phải viết dấu hỏi rồi thì ta biết được đỉnh và lẳng củng phải viết dấu hỏi theo luật Trầm Bổng "KHÔNG, SẮC, HỎI = HỎI".

3) Đối với Tiếng-Nôm-đơn, và Chữ-ghép.

Khi gặp tiếng Nôm-đơn hoặc một tiếng trong các Chữ-ghép mà ta phân vân về dấu hỏi ngã, thì ta tìm một Tiếng-đôi Lấp-láy có tiếng đó, rồi áp dụng luật đễ tìm dấu hỏi hay ngã.

Ví dụ 1: ta gặp các chữ: nghỉ, nghĩ, dở, dễ, khoẻ... Ta tìm xem các chữ nầy viết hỏi hay ngã. Ta xem tiếng Lấp-láy phải viết dấu gì?

nghỉ: nghỉ ngơi --> dấu hỏi
nghĩ: nghĩ ngợi --> dấu ngã
dở: dở dang --> dấu hỏi
dễ: dễ dàng --> dấu ngã
khoẻ: khoẻ khoắn --> dấu hỏi

Ví dụ 2: như gặp chữ sửa chữa, không biết chữ nào viết hỏi, chữ nào viết ngã, thì ta tách chữ đó ra để mà tìm.

Ta sẽ có Tiếng-đôi sửa sang. Khi đã có sửa sang thì ta yên tâm viết sửa với dấu hỏi vì "KHÔNG, SẮC, HỎI = HỎI".

Đến chữ chữa thì ta biết chữa là Tiếng-nôm có Gốc-Hán-việt là chữ Trị, vậy phải viết dấu ngã, vì "HUYỀN, NẶNG, NGÃ = NGÃ".

Ví dụ 3: gặp chữ ủ rũ, không biết chữ nào viết hỏi, chữ nào viết ngã, thì ta cũng tách chữ đó ra, rồi tìm cách đưa thành một Tiếng-đôi Lấp-láy.

Ta sẽ có ủ ê. Khi đã có ủ ê thì ta yên tâm viết ủ với dấu hỏi, vì ê là chữ không dấu, theo luật "KHÔNG, SẮC, HỎI = HỎI"

Đến chữ rũ thì ta có Tiếng-đôi Lấp-láy rũ rượi nên ta biết là rũ phải viết dấu ngã vì rượi là chữ có dấu nặng, theo luật "HUYỀN, NẶNG, NGÃ = NGÃ"

CHÚ Ý: Khi tạo Tiếng-đôi Lấp-láy để dựa vào đó mà xác định dấu hỏi ngã, ta cần chọn Tiếng-đôi Lấp-láy sao cho nghĩa của Tiếng-đôi đó, khi tách ra một mình, phải cùng nghĩa với chữ mình đang muốn tìm dấu.

Thí dụ: dễ (dễ làm) và dễ trong Tiếng-đôi Lấp-láy dễ dàng, dễ ợt, cùng có nghĩa giống nhau.

Nếu tìm được một Tiếng-đôi Lấp-láy hay không Lấp-láy nhưng chữ trong tiếng đó lại khác nghĩa với nghĩa của chữ mình đang tìm dấu thì không thể dùng được. Chẳng hạn như rũ trong ủ rũ mà ta lại dùng chữ rủ của rủ rê, rủ ren thì không cùng nghĩa cho nên ta sẽ viết sai dấu ngay.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến