CÁCH VIẾT ĐÚNG ĐỊA DANH ĐẮC LẮC


CẦN HIỂU ĐÚNG VÀ THỐNG NHẤT
CÁCH VIẾT ĐỊA DANH ĐẮC LẮC

Tóm tắt:
Địa danh ẩn chứa nhiều giá trị ngôn ngữ, bản sắc văn hóa của một vùng đất, một tộc người. Hiểu đúng và thống nhất cách viết địa danh trên cơ sở khoa học là thể hiện trình độ nhận thức về văn hóa và ngôn ngữ. Địa danh Đắc Lắc hiện nay tên gọi không thay đổi nhưng có nhiều cách hiểu và cách viết khác nhau. Bài viết đã phân tích các cách viết địa danh Đắc Lắc và dựa trên cơ sở khoa học để đưa ra các quan điểm về cách viết thống nhất địa danh này.

(TS. Nguyễn Minh Hoạt, "Những vấn đề chính tả tiếng Việt hiện nay", 2014, tr. 325-334) 
1.
Địa danh là tên gọi những đối tượng địa lí tự nhiên và địa lí do con người kiến tạo. Nơi đó ẩn chứa nhiều giá trị ngôn ngữ, bản sắc văn hóa của một vùng đất, một tộc người trong từng thời kỳ lịch sử. Vì vậy, hiểu đúng địa danh và thống nhất cách viết địa danh trên cơ sở khoa học là thể hiện trình độ nhận thức về văn hóa và ngôn ngữ của con người khi tiếp xúc với các địa danh ấy.

Nghiên cứu địa danh có nguồn gốc từ ngôn ngữ bản địa ở Tây Nguyên, chúng tôi thấy nhiều địa danh cần phải hiểu đúng và có cách viết thống nhất. Cụ thể địa danh Đắc Lắc (trong bài viết này chúng tôi tạm thời dùng chữ Đắc Lắc theo phiên âm tiếng Việt) hiện nay tên gọi không thay đổi nhưng ít nhất có hơn 15 cách viết trên các phương tiện thông tin đại chúng, như: Darlac, Đắc Lắc, ĐắkLắk, Đắk Lắk, Đăk Lăk, Dak Lak, Đác Lắc, Đak Lak, Đăk Lắc, Dak Lắk, Dak Lăk, Dăk Lăk, Đăc Lăk, Đắc lak, Đắc Lắk,... Vì vậy với địa danh này cần hiểu thế nào cho đúng và nên thống nhất cách viết thế nào cho phù hợp để đáp ứng nhu cầu của nhiều người đang quan tâm.

Địa danh Đắc Lắc, thời Pháp thuộc và thời Việt Nam Cộng hòa, viết là Darlac. Sau 1975 (khoảng 1975-1990), theo chủ trương Việt hóa tối đa, tên các tỉnh được ghi là Gia Lai - Công Tum, Đắc Lắc, tp Plây Cu, v.v... Về sau theo cách viết chấp nhận một số âm tiết không có trong tiếng Việt để phản ảnh đúng hơn cách phát âm của ngôn ngữ người thiểu số, vì thế có các tỉnh Kon Tum, Đắk Lắk, tp Pleiku,… riêng Đắc Lắc có nhiều cách viết.

Đắc Lắc được viết là Đắk Lắk, theo nhiều văn bản hành chính của tỉnh này và các báo Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Người Lao động, Công an Nhân dân và Chương trình Dự báo Thời tiết của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV1, VTV3). Trang Bách khoa Toàn thư mở Wikipedia cũng viết Đắk Lắk và có chú giải: Đắk Lắk, Darlac hay Đắc Lắc (theo tiếng Ê Đê: Đăk = nước; Lăk = hồ) (?). Trang tin điện tử Chính phủ Việt Nam, chọn mục Bản đồ hành chính, sau đó chọn tỉnh sẽ thấy là Đắk Lắk. Địa chỉ của UBND tỉnh có cách viết Đắk Lắk. Bản đồ hành chính CHXHCN Việt Nam, tỷ lệ 1:2.200.000 của Nxb Bản đồ (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường), in tháng 1 năm 2005, trong đó ghi tên các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, thị trấn M'Đrắk, hồ Lắk. Công báo có đăng Nghị quyết 22/2003/QH11 ngày 26/11/2003 của Quốc hội về việc chia tỉnh, trong đó có chia Đắk Lắk thành 2 tỉnh: Đắk Lắk và Đắk Nông).

Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị còn có nhiều cách viết khác, như: cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản việt Nam (báo Dak Lak) viết là Dak Lak; Báo Nhân Dân viết Đác Lắc (bên cạnh đó còn có Đác Nông); Báo Tiền Phong, Sài Gòn Giải phóng, Dân Trí… viết Đắc Lắc; ‘’Từ điển Tiếng Việt’’ của Viện Ngôn ngữ học (Nxb Đà Nẵng, Trung tâm Từ điển học, 2006) tr. 1176 và 1181 viết Đăk Lăk (cũng như trang 1183 viết tỉnh Đăk Nông). Viết Đăk Lăk theo ‘’Từ điển Tiếng Việt’’ có các Báo và trang Web, như: Báo Pháp Luật TP Hồ Chí Minh, Công An TP Hồ Chí Minh, VietNamNet, VnExpress.net, VTC New, hoinhavanvietnam.vn. Trong khi đó, trang chủ của Quốc hội Việt Nam, phần ‘’Danh sách Đại biểu Quốc hội’’ liệt kê tỉnh Đak Lak;Tên gọi theo Chính phủ định ra, khi liệt kê các tỉnh là: Tỉnh Đăk Lăk; Tên gọi theo Chính phủ định ra khi liệt kê cụ thể về tỉnh là: Tỉnh Đăk Lắc; Trong công trình nghiên cứu [5] của Đoàn Văn Phúc có ghi là Dak Lăk; tài liệu [6] của Đoàn Văn Phúc và Tạ Văn Thông do UBND tỉnh Đắc Lắc và Viện Ngôn ngữ học phát hành cũng ghi là Dak Lăk.

Thậm chí trong một văn bản của cùng một cơ quan cũng sử dụng nhiều cách viết tên tỉnh khác nhau. Sự lộn xộn này nhiều lúc khiến cho người nghiêm túc, cẩn trọng khi đọc các văn bản thấy khó chịu... Vì vậy phải thống nhất cách viết tên tỉnh Đắc Lắc được đặt ra như là một yêu cầu tất yếu. Đó cũng là lý do để ngày 23.1.2007, UBND tỉnh Đắc Lắc ra Thông báo số 239/UBND-TH: yêu cầu các sở, ban, ngành từ nay trong các văn bản khi viết tên tỉnh Đắc Lắc thống nhất một cách viết là: ĐắkLắk (ĐẮKLẮK). Nhưng thực ra các văn bản hành chính của tỉnh thường viết Đắk Lắk (hai chữ Đắk và Lắk tách rời ra). Thế nhưng, cách viết tên tỉnh Đắc Lắc theo quy định trên đây đã bị nhiều người có hiểu biết về chữ viết chưa đồng tình. Dường như UBND tỉnh Đắc Lắc chưa dựa vào cơ sở khoa học về ngôn ngữ để ban hành thông báo này, vì thế, nó chưa có tính thuyết phục.
2.
Qua tìm hiểu và nghiên cứu, chúng tôi thấy địa danh Đắc Lắc lúc đầu có tên là Darlac, ngay từ 02/11/1899 Toàn quyền Đông Dương đặt tên đơn vị hành chính ‘’một tỉnh tự chủ có tên là tỉnh Darlac’’ mà nhiệm sở hành chính là Bản Đôn [dẫn theo 2, tr.36]. Đến ngày 22/11/1904 trong Nghị định của Toàn quyền Đông Dương có ghi: ‘’Thành lập tại miền Tây các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa đặt dưới quyền hành chính và chính trị của Khâm sứ
Trung Kỳ một tỉnh tên là Darlac – tỉnh lỵ là Buôn Ma Thuột’’ [dẫn theo 2, tr.37].
Lý giải Darlac, theo A.Monfleur trong tác phẩm ‘’Province du Darlac (Monfleur (1931), Monographie de la province du Darlac)’’: ‘’Đây là kết quả của một sự nhầm lẫn đã biến đổi ngôn ngữ từ Dak Lăk thành Darlac; sự thật đây là tên của một thung lũng nhỏ được đặc biệt chú ý bởi nó nằm giữa một vùng rừng núi, trong đó có một cái hồ ở vị trí trung tâm’’ (dịch từ bản tiếng Pháp) [dẫn theo 2, tr.36-37]. Trong tiếng pháp dar không có nghĩa, theo nhận định của chúng tôi dar mà người Pháp sử dụng, thực chất do người Pháp mô phỏng theo âm thanh của ngôn ngữ người bản địa, dar là sự biến âm từ dak (tiếng M’nông, dịch theo nghĩa tiếng Việt là nước); lac trong tiếng Pháp dịch theo nghĩa tiếng Việt là hồ (hồ nước). Như vậy, người Pháp dùng Darlac (dar: nước; lac: hồ) có thể hiểu là: hồ nước.

Xét về mặt ngữ nguyên, chúng tôi tán thành với cách viết Dak Lăk như trong các công trình nghiên cứu của Đoàn Văn Phúc, Tạ Văn Thông và một số luận án tiến sĩ của các tác giả Trần Văn Dũng (2005), Nguyễn Minh Hoạt (2012), Đoàn Thị Tâm (2012)... Cách viết này có thể giải thích như sau: Dak theo tài liệu [9, tr.51] có giải thích: dak là nước, suối. Trong tài liệu [8, tr.413] đã sắp xếp từ nước (tiếng Việt) ứng với dak (tiếng M’nông). Theo đó, các từ ghép có yếu tố nước đều gắn với dak, như: dak diu (nước bọt), dak bôk (nước cốt), dak chê (nước chè), dak srat (nước giấm), dak mbut (nước lã), dak lip (nước lụt), dak bro\ng (nước suối)… Một số địa danh có nguồn gốc từ tiếng M’nông, như: dak Song (suối có tên là Song),dak Ghênh (suối có tên là Ghênh)… Đối với tiếng Ê đê, tài liệu [10, tr.474-475] đã sắp xếp từ nước (tiếng Việt) ứng với êa (tiếng Ê đê). Theo đó, các từ ghép có yếu tố nước đều gắn với êa, như: êa bah (nước bọt),êa braih (nước gạo), êa klô` (nước hoa), êa nga] (nước lã), êa mur (nước ngầm), êa hnoh (nước ngọt),… Một số địa danh có nguồn gốc từ tiếng Ê đê, như: êa Tam (suối có tên là Tam), êa Tiêu (suối có tên là Tiêu),… Vì thế, kiểu giải thích của Wikipedia: tiếng Ê Đê: Đăk = nước là chưa chính xác. Thực ra trong tài liệu [10, tr.38] đã giải thích: Đăk tiếng Ê đê có nghĩa là bẻ (bẻ gãy).

Còn Lăk trong Dak Lăk sẽ được hiểu như thế nào. Lăk (hồ Lăk) là tên riêng của một hồ nước ngọt tự nhiên lớn nhất tỉnh Đắc Lắc và lớn thứ hai Việt Nam sau hồ Ba Bể. Hồ Lăk nằm bên thị trấn Liên Sơn (hay Lạc Thiện) huyện Lắk, tỉnh Đắc Lắc, cạnh tuyến đường giao thông giữa Buôn Ma Thuột và Đà Lạt, cách thành phố Buôn Ma Thuột khoảng 56 km về phía Nam theo quốc lộ 27. Dân tộc bản địa ở đây, còn có cả một huyền thoại nói về hồ Lắk: hồ sâu không đáy hoặc thông qua tận Biển Hồ (tỉnh Gia Lai). Hồ rộng trên 5 km²http://vi.wikipedia.org/wiki/H%E1%BB%93_L%E1%BA%AFk - cite_note-0, được thông với con sông Krông Ana. Mặt hồ luôn xanh thẳm và phẳng lặng, xung quanh hồ được bao bọc bởi những dãy núi cao và có các cánh rừng nguyên sinh rộng lớn với hệ động, thực vật phong phú. Theo truyền thuyết hồ Lăk được tạo ra bởi anh hùng Lăk Liêng người dân tộc M'nông. Do vị trí quan trọng và đặc điểm của hồ Lăk với vùng đất cao nguyên này nên địa danh tỉnh Đắc Lắc được gắn với một phần tên gọi của hồ Lăk.

Vậy Lăk là tên riêng của một hồ nước có mối liên hệ gì với lac (nước) trong tiếng Pháp. Theo nhận định của chúng tôi, nếu dựa vào truyền thuyết về hồ Lăk của người M’nông thì Lăk (M’nông) và lac (Pháp) không có mối liên hệ gì với nhau. Bởi vì, những truyền thuyết thường ra đời gắn với lịch sử xa xưa của cộng đồng, còn ngôn ngữ của người Pháp mới du nhập vào Tây Nguyên trong những năm cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX. Thế nhưng, xét về qui luật giao thoa tiếp xúc ngôn ngữ, chúng ta cũng thừa nhận rằng tiếng M’nông, tiếng Ê đê có quan hệ tiếp xúc với nhiều ngôn ngữ khác trong đó có tiếng Việt, tiếng Pháp. Vì vậy, Lăk (tên riêng hồ nước - M’nông) và lac (nước - Pháp) do ngẫu nhiên hay nằm trong qui luật ấy. Phải chăng người M’nông đã mượn tiếng Pháp để phiên âm cho ngôn ngữ của mình để đặt tên hồ nước là Lăk.Vì cách phát âm gần giống nhau do cấu tạo các âm vị. 

Còn Lak trong Dak Lak thì sao? kiểu viết này không thuyết phục, bởi vì Lak trong tiếng Ê đê có nghĩa là bệnh lác (bệnh hắc lào). Trong tài liệu [1, tr.36] giải thích lak có nghĩa là bệnh lác (hay được gọi là bệnh hắc lào – ‘’một thứ bệnh ngoài da làm thành những vệt tròn hay vòng cung, xung quanh có nhiều mụn gây ngứa’’) [4,tr.515]. Vì thế, có thể khẳng định, người dân bản địa không thể lấy lak (bệnh hắc lào) để đặt một thành tố cho tên địa danh Đắc Lắc  được.

Cách viết Đắk Lắk cũng vừa không đúng với nguồn gốc ngữ nguyên vừa không đúng với cấu tạo từ tiếng Ê đê, tiếng M’nông (tiếng Ê đê, tiếng M’nông không có thanh điệu) và trong tiếng Việt cũng không có kiểu kết hợp các âm vị như thế. Cho nên Đắk Lắk là một ký hiệu mới. Thực tế cho thấy rằng: do nhu cầu của cuộc sống, các ngôn ngữ của các dân tộc thiểu số (trong đó có tiếng Ê đê và tiếng M’nông) và tiếng Việt trên địa bàn Tây Nguyên giao thoa tiếp xúc với nhau để bổ sung vốn từ cho ngôn ngữ cộng đồng. Quá trình này đã tạo nên những đơn vị ngôn ngữ mới khác với cơ sở định danh ban đầu. Cách viết khác, như: Đak hay Đác cũng không có cơ sở về khoa học ngôn ngữ.

Thông thường khi định danh cho sự vật nào, con người thường gắn cho nó một lí do nhất định. Lí do đó có thể xuất phát từ khách quan (dựa vào đặc điểm, tính chất của đối tượng); hoặc lí do chủ quan (dựa vào khát vọng đời sống tinh thần, tâm linh của chủ thể định danh). Địa danh Đắc Lắc, xét từ nguồn gốc ngữ nguyên được viết là Dak Lăk vừa có cả hai lí do định danh trên.

Như vậy, vấn đề đặt ra là, cần chọn cách viết địa danh Đắc Lắc như thế nào cho đúng với cơ sở khoa học, đúng với văn hóa cộng đồng và đúng với qui định chính tả tiếng Việt và được mọi người tán thành. Để thực hiện được mục đích này, cần có vai trò của Nhà nước trong việc ban hành các chính sách ngôn ngữ phù hợp. Ở phạm vi bài viết, chúng tôi tổng hợp một số quan điểm chọn cách viết địa danh Đắc Lắc như thế nào cho đúng để cùng trao đổi với các độc giả đang quan tâm về vấn đề này.

Quan điểm thứ nhất: 
Bảo vệ sự trong sáng và nhất quán của tiếng Việt trong một quốc gia thống nhất, nhiều ý kiến cho rằng: ở Việt Nam có 54 dân tộc và khoảng chừng ấy thứ tiếng, nếu mỗi tiếng của mỗi dân tộc dùng để ghi địa danh riêng cho dân tộc đó thì vô cùng phức tạp. Bởi lẽ, không phải người nào cũng biết các tiếng của cộng đồng dân tộc khác để giao tiếp được. Vì thế để tiện lợi và thống nhất sử dụng tên địa danh trong lãnh thổ Việt Nam, chúng ta nên sử dụng ngôn ngữ chính thức trong quốc gia Việt Nam (Quốc ngữ) theo qui định của Nhà nước, đó là tiếng Việt và chính tả tiếng Việt. Vì vậy, địa danh Đắc Lắc phải viết là Đắc Lắc.

Nhìn ra ngôn ngữ một số nước trên thế giới, chúng ta thấy: người Anh vẫn sử dụng các tên, như: Naples, Germany, Spain, Bavaria, Vienna, Warsaw... chứ không đổi ra các dạng gốc, như: Napoli, Deutschland, Espana, Bayer, Wien, Warszawa…; hay người Pháp cũng không đổi các tên, như: Naples, Londres, Galles, Ecosse, Allemagne, Bavière, Vienne, Varsovie... cho đúng dạng gốc là Napoli, London, Wales, Scotland, Deutschland, Bayer, Wien, Warszawa… Cho nên quan điểm trên đây của người Việt là hợp lí.

Quan điểm thứ hai: 
Phản ảnh đúng hơn cách phát âm của ngôn ngữ người thiểu số, cho nên cần phải viết địa danh các dân tộc thiểu số như ngôn ngữ bản địa của họ, như: Địa danh Đắc Lắc phải viết là Dak Lăk.Vì thực tế cho thấy có nhiều từ trong tiếng các dân tộc thiểu số phải đánh vần, như: Chư Yang Sin, Chư H’Mu, Chư Yang Pel… trong tiếng Ê đê, hoàn toàn khác với kiểu đánh vần của tiếng Việt. Do đặc điểm cấu tạo từ, cấu tạo âm tiết của tiếng các dân tộc thiểu số khác với tiếng Việt, nên kiểu đánh vần của tiếng Việt có đặc điểm riêng (tiếng Việt là ngôn ngữ đơn lập, có tính đơn tiết, phân tiết triệt để và có thanh điệu). Vì thế không thể đọc tiếng các dân tộc thiểu số theo luật chính tả tiếng Việt. 

Quan điểm thứ ba: 
Quan điểm này, hòa hợp giữa hai quan điểm trên. Hội đồng Quốc gia chỉ đạo Biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam đăng trên địa chỉ  http://www.bachkhoatoanthu.gov.vn, ở mục 6, phần II, qui định: Tên người và tên địa lí của các dân tộc thiểu số Việt Nam viết theo tiếng Việt và ghi chú tên dân tộc trong ngoặc đơn như trong Từ điển bách khoa Việt Nam. Ví dụ: Đắc Lắc (Đăk Lăk), Bắc Cạn (Bắc Kạn). Tài liệu này có thể chấp nhận cách thức trình bày nhưng khi sử dụng Đăk Lăk trong  Đắc Lắc (Đăk Lăk), để làm ví dụ, theo như lí giải ở phần trên thì chưa chính xác. Theo quan điểm này thì phải viết Đắc Lắc (Dak Lăk).

Như vậy, để viết tên địa danh Đắc Lắc trong các phương tiện thông tin đại chúng, theo kiểu phiên âm ra tiếng Việt, thực hiện chuẩn hóa tiếng Việt trong một quốc gia thống nhất thì nên chọn quan điểm (1), viết là Đắc Lắc; Viết theo ngôn ngữ của người bản địa thì chọn quan điểm (2), viết là Dak Lăk; Viết theo qui định của Hội đồng Quốc gia chỉ đạo Biên soạn Từ điển Bách khoa Việt Nam thì chọn quan điểm (3), viết là Đắc Lắc (Dak Lăk).

Theo chúng tôi lãnh đạo tỉnh Đắc Lắc nên tham khảo ý kiến của nhiều nhà nghiên cứu về ngôn ngữ, văn hoá vùng đất Đắc Lắc và dựa vào những qui định thống nhất của Nhà nước để có thể điều chỉnh lại cách viết đã được quy định trên đây, nhằm đưa ra được một cách viết bảo đảm tính văn hoá, khoa học, được nhiều người thừa nhận nhất. Để thực hiện chuẩn hóa về ngôn ngữ, thiết nghĩ Nhà nước ta cần có một pháp lệnh về ngôn ngữ.
3.
Tóm lại: 
Địa danh cũng như tên gọi các sự vật khác được hình thành thường xuất phát từ những lí do khách quan (dựa vào đặc điểm tính chất của sự vật) và những lí do chủ quan (dựa vào có lí do ý muốn chủ quan của con người). Những lí do đó có thể bị mờ đi theo thời gian và những biến đổi của cuộc sống. Vì vậy, để hiểu đúng địa danh và viết đúng địa danh chúng ta cần tìm lại nguồn gốc ngữ nguyên của nó. Chính điều đó giúp chúng ta hiểu đúng những đặc điểm văn hóa, lịch sử, thiên nhiên và con người của một vùng đất. Từ những giá trị văn hóa mà địa danh đem lại, giúp con người vươn tới những giá trị cao đẹp trong hiện tại và hướng đến tương lại. Hiểu sai, viết sai địa danh, con người đã vô tình làm mất đi những giá trị văn hóa và lịch sử để lại dấu ấn trên địa danh.

TS. Nguyễn Minh Hoạt
Tài liệu tham khảo
1. Y Chang Niê Siêng (1979), Klei hriăm boh blu\ Ê đê (Ngữ vựng Ê đê), Tủ sách dân tộc thiểu số Việt Nam cuốn 7 phần 1,  Viện Chuyên khảo Ngữ học (Sum mer Institute of Linguistics Huntigton Beach, California).
2. Trần Văn Dũng (2005), Những đặc điểm chính của địa danh ở Dak Lăk, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Đại học Vinh.
3. Nguyễn Minh Hoạt (2012), Từ loại danh từ trong tiếng Ê đê, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Học viện Khoa học Xã hội, Hà Nội.
4. Hoàng Phê (chủ biên) (1979), Từ điển tiếng Việt, Viện Ngôn ngữ học, Nxb Đà Nẵng – Trung tâm Từ điển học Hà Nội – Đà Nẵng.
5. Đoàn Văn Phúc (1996), Ngữ âm tiếng Ê đê, Nxb KHXH, Hà Nội.
6. Đoàn Văn Phúc, Tạ Văn Thông (2009), Ngữ pháp tiếng Ê đê, UBND tỉnh Dak Lăk, (bản thảo đã nghiệm thu).
7. Đoàn Thị Tâm (2012), Hệ thống từ ngữ chỉ người trong tiếng Ê đê, Luận án Tiến sĩ Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh.
8. Nguyễn Kiên Trường – Trương Anh (2009),Từ điển Việt – M’nông , Nxb Từ điển Bách khoa, Hà Nội.
9. UBND tỉnh Dak Lăk - Sở Giáo dục và Đào tạo Dak Lăk - Trường Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh (1994),Từ điển M’nông –Việt.
10. UBND tỉnh Dak Lăk- Sở Giáo dục và Đào tạo - Viện Ngôn ngữ học (2004), Từ điển Việt – Ê đê.
11. Viện Ngôn ngữ học - Trung tâm Từ điển học (2006),Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến