AO TA, AO NGƯỜI

AO TA, AO NGƯỜI

Cái câu ca dao: “Ta về ta tắm ao ta/ Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn” thường được các nhà giáo, nhà văn hóa láo đem ra khoe khoang về truyền thống thủy chung, uống nước nhớ nguồn của người Việt. Riêng tôi luôn luôn hoài nghi, vì cả đằng trước lẫn đằng sau ngôn từ của câu ca dao ấy, kết hợp với sự thật trong tâm lí và đời sống người Việt, chẳng có gì đáng tin.

Ở đằng trước, tức tiền giả định ngôn ngữ, có một khoảng trống ngôn từ, tức cái hiện thực không được nói đến hay cố tình che giấu: ta đã đi và tắm nhiều ao người, để rồi bây giờ mới ngẫm ra được điều đang nói đến. Bởi vì, động từ “về” luôn có tiền giả định là “đi”, kéo theo so sánh “ao ta” thì trước đó phải là “ao người”. Vậy là, ngay cái tiền giả định đã chứng minh về sự không thủy chung, nếu không nói là “phản bội”, trong một hoàn cảnh, quan hệ nào đó.

Nếu đặt câu này trong quan hệ tình yêu, vợ chồng, với hoàn cảnh anh chồng nào đó chán vợ đi tìm của lạ, khi quay về nịnh vợ với câu ca dao này, tôi dám chắc bà vợ sâu sắc sẽ hỏi: Tắm bao nhiêu ao rồi để biết ao mình hơn???

Tất nhiên, câu ca dao ấy không chỉ áp vào cho câu chuyện tình yêu, tình nghĩa vợ chồng hạn hẹp.

Bây giờ hãy xét đằng sau, tức nghĩa hàm ngôn của câu ca dao. Khi dùng mệnh đề “dù A dù B”, A đối lập với B, cái mệnh đề ấy luôn mang nghĩa là sự cùng đường, bế tắc, cực chẳng đã. Ví như cách nói dù xấu dù đẹp, dù sướng dù khổ, dù no dù đói… Đó là dạng bùa chú để tự an ủi, phép thắng lợi tinh thần kiểu AQ. Cho nên nói “ao nhà vẫn hơn” thì lại mang nghĩa ngược: hơn mà chẳng hơn. Có nghĩa là người đi đã cùng đường, bất đắc chí thì về lại với nhà mình và tự an ủi, nếu không nói đang che đậy một sự xấu hổ, tủi nhục.

“Ao nhà”, “ao người” đều là những ẩn dụ cho không gian, giữa ở và đi, giữa nơi trói buộc và chân trời tự do, giữa cầm tù và giải phóng. Nó có thể áp dụng cho mọi lĩnh vực, không chỉ đi tìm hạnh phúc tình yêu mà cho mọi cuộc mưu sinh. Tôi dám cả quyết, câu ca dao trên không có logic nào để nói rằng: kẻ đi tìm hạnh phúc hay tự do giải phóng khi do năng lực cá nhân mà rơi vào bế tắc cùng đường rồi buộc phải về nơi mình đã bỏ đi lại là sự thủy chung, uống nước nhớ nguồn!

Dùng từ “phản bội” là tôi đặt giả thiết cho quan hệ vợ chồng, đáng trách cho những đấng lang quân nào chán vợ đi tìm nguồn vui khác. Nhưng nếu một bà vợ mà để cho chồng chán đến bỏ nhà đi tìm hạnh phúc thì lỗi cũng phần nào thuộc về bà vợ ấy. Nói thật, không có sự thủy chung nào khi đã có sự chán nhau.

Trong các quan hệ khác, càng không thể áp đặt truyền thống thủy chung, đạo lí uống nước nhớ nguồn hay sự phản bội vào đây được.

Việc 12/13 nhà leo núi đã leo lên đến đỉnh và đi tìm một thiên đường khác cho mình là hoàn toàn chính đáng. Chẳng lẽ bắt các em phải tuột xuống lại cái hố của sự nghiệp mà các em thừa biết sẽ chết mòn trong đó, mọi sự tung hê về vinh quang với cái vòng nguyệt quế mà các em từng đeo lên cổ chắc gì đã là sự thật, nó có bảo hiểm được một tương lai đàng hoàng cho sự nghiệp của các em không?

Đường lên đỉnh Olympia chỉ là cái bệ phóng để các em phóng đến chân trời tự do sáng tạo chứ không phải để về quê hương chấp nhận bị cầm tù trong cái gánh nặng áo cơm ghì sát đất.

Tôi, cũng như tác giả của bài báo trên Vietnamnet, chúc mừng 12 em đã biết cái hạnh phúc của việc “Ta đi ta tắm ao người”, vì đó là chân trời khai phóng cho trí tuệ, tài năng. Khoa học hay nghệ thuật không có biên giới. Chẳng phải PTT Vũ Đức Đam muốn chúng ta đào tạo ra những “công dân toàn cầu” sao? Mọi thành tựu của ai, dân tộc nào rồi cũng đều phải đóng góp chung vào di sản nhân loại. Có điều mảnh đất nào ươm mầm và chăm tốt cho tài năng, sáng tạo, để nó không bị chết mòn. Như Nghệ sĩ nhân dân Đặng Thái Sơn đã lựa chọn ấy! Chẳng lẽ phải mang chiếc đàn piano danh giá của anh về Việt Nam chấp nhận đàn gảy tai trâu?!

Tôi, tài hèn phận mỏng, cho đến giờ đành chấp nhận quẩn quanh với cái “ao nhà” tắm chung với vịt, với đỉa, chứ nếu có đủ điều kiện, đủ năng lực, xin nói thật, có bị chửi là “đồ phản bội” thì cũng quyết bỏ “ao nhà” mà sang tắm “ao người” một phen cho thỏa chí bình sinh!

Và còn lại một nhà vô địch kia… Bây giờ em đã phải trở về nhà lập nghiệp… Và tôi chỉ lo,… khi em không được trang bị những kiến thức mà các em sinh viên ở “ao nhà” buộc phải học ấy, liệu em sẽ làm được gì?

Chắc chắn báo chí sẽ săn tìm em để phóng vấn phỏng véo về tình yêu đất nước quê hương, về đạo lí thủy chung, uống nước nhớ nguồn, xin em đừng trả lời bằng câu ca dao này nhé: “Ta về ta tắm ao ta./ Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”!

Câu ca dao ấy không phải tự an ủi thì cũng là biểu hiện của thói đạo đức giả!


CHU MỘNG LONG

Nhận xét

Bài đăng phổ biến