NHỮNG CÁI TÊN (2)

NHỮNG CÁI TÊN (2)

Ở một entry trước khi nói về chuyện xuất bản sách, bạn Marg. và bạn Giaolang có bàn về cái tên, nhân có đại biểu quốc hội nói phải đặt tên "thuần Việt" trong khai sinh, bởi vì có nhiều người đặt tên con khá kỳ cục, chẳng hạn Đinh Nô Ki A, Điểu Sam Sung (chắc cha mẹ mê điện thoại Nokia, hay tivi Sam Sung), hoặc Thào Văn Hon Đa (mê xe gắn máy Honda), hay Sử Thị Hàn Quốc (mê diễn viên Hàn Quốc)... Chuyện nói năng, tuyên bố của quý đại biểu quốc hội thì các bạn nào hay theo dõi trên mạng gần đây chắc đã rõ, hay ho lắm, đến nỗi có những đại biểu phải lên tiếng đề nghị, muốn được bầu vào quốc hội cần phải có tiêu chuẩn kiểm tra... sức khỏe tâm thần?! Đấy là chuyện quốc dân đại sự, nó ở tầm "vĩ mô", lớn lắm, chẳng hiểu ra sao? Mình thảo dân, chỉ bàn chuyện "vi mô" thôi, nôm na là chuyện nhỏ, nói theo từ ngữ dân gian thời @ là "chuyện nhỏ như con thỏ".

Trở lại cái tên "thuần Việt" mà có đại biểu quốc hội đề nghị dùng để đặt trong khai sinh, bạn nói thế thì gay quá, bởi ở nhà bạn có mấy người mà ai cũng có tên Hán-Việt cả, tên nào khi đặt cha mẹ cũng chọn lựa kỹ lưỡng, ý nghĩa và đẹp như mơ, kiếm một cái tên "thuần Việt" coi được đâu phải là dễ. Rồi đây những cái tên mang "yếu tố Hán-Việt" như Dũng, Trí, Nhân, Thanh, Liêm, Loan, Phụng, Thảo, Dung, Hạnh... sẽ đi vào quá khứ và những cái tên nôm na "thuần Việt" như Tí, Tèo, Cu, Cò, Đực, Gái, Lon, Gáo... sẽ lên ngôi. Hihi! Bạn cũng nói thêm nhưng mà cái tên Hán-Viêt coi thế mà cũng rắc rối lắm chứ đâu phải chơi, hàng xóm nhà bạn xưa có ông kia làm thợ mộc, có mấy đứa con hai đứa con trai đặt tên là Trượng, Thốn, đứa con gái đặt tên là Lý, toàn là thước tấc, những đơn vị đo lường về khoảng cách cả, Trượng, Thốn cùng lứa chơi với bạn, Người anh tên Trượng thì không sao, nhưng cu cậu em tên Thốn hay bị bạn bè trêu chọc. Rồi bạn nói xưa đi học trong lớp có đứa tên là Nhân Từ, chắc cha mẹ muốn cho con thành người hiền lành, nhưng lũ bạn rắn mắt cứ gọi là... củ từ, lắm khi bạn tức quá cự lại sinh ẩu đả, hiền lành đâu chưa thấy, chỉ thấy dữ dằn.

Bạn nói rất đúng, tên Hán-Việt thường đẹp và có ý nghĩa hơn tên thuần Việt, nhưng từ Hán-Việt cũng hay có những chữ đồng âm nhưng khác nghĩa. Chẳng hạn muốn con thông minh, mặt mũi sáng sủa đặt là Minh (), ai dè tiếng Hán-Việt đọc "minh" có nghĩa là "sáng", nhưng "minh" () cũng có nghĩa là "tối tăm, u ám". Chữ "quan" ()  có nghĩa là "quan chức, quan lại", ngày xưa ai có con cái cũng mong muốn lớn lên sẽ làm quan nên hay đặt tên là Quan, nhưng "quan" () lại có nghĩa là "áo quan, quan tài", chưa hết, "quan" () cũng có nghĩa là "người đàn ông góa vợ hoặc già mà chưa vợ", người xưa nói trong cuộc đời có bốn cái khổ là "quan, cô, độc, quả", "quan" () là người đàn ông góa vợ, hoặc già mà không có vợ, "cô" () là trẻ nhỏ mồ côi, "độc" () là già mà không có con cái, "quả" () là đàn bà góa chồng, hoặc già mà không có chồng. Rồi tỉ như chữ "ưu" () nữa, "ưu" là đứng đầu, ưu việt, ưu tú, đi thi đậu hạng ưu, nhưng "ưu" () cũng là ưu phiền, lo lắng... Cái "yếu tố Hán-Viêt" lắm khi nó  "phản phé" và rắc rối thế...

Đấy những cái tên xem thế mà cứ rối như tơ vò, chẳng thế mà ngày xưa ông bà ta đặt tên cho con cháu kỹ lắm. Người có chút chữ nghĩa chọn ngày lành tháng tốt, giữ lòng thanh tịnh, đốt trầm ngồi trước hương án giở sách thánh hiền Tứ thư, Ngũ kinh ra mà chọn tên. Còn không phải nhờ cụ nào văn hay chữ tốt chọn hộ. Chọn tên cũng phải xem xét xem có trùng với ai trong họ hàng nội ngoại không? Người Tây phương yêu quý ai thường lấy tên đặt cho con cái, còn người Á đông lại cho việc đặt tên như thế là vô lễ. Tôi nghe nói sở dĩ ở miền Nam xưa kia người ta không gọi người con trưởng là Cả bởi mấy lý do, kỵ húy cách gọi Hoàng Tử Cảnh là Ông hoàng cả, con trưởng vua Gia Long. Xưa trong làng ở miền Nam gọi người đứng đầu làng là Hương Cả, cho nên dân trong làng không dùng chữ Cả để gọi người con trưởng, chẳng lẽ nhất nhất sự gì cũng réo "Bớ thằng cả", nghe không phải với ông Hương Cả trong làng. Còn có lần đi đám giỗ nghe một ông người Thiên Chúa giáo trong bàn giải thích khác nữa, cũng là kỵ húy nhưng là kỵ húy Đức cha cả, tức là Đức cha Bá Đa Lộc (Pierre Joseph Georges Pigneau de Behaine), người đã dẫn Hoàng Tử Cảnh sang Pháp cầu viện. Trước đây ở Saigon có mộ chôn ngài ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, gọi là khu Lăng Cha Cả, sau mở đường phá mất lăng, thật uổng.

Tôi cũng có những bà cô bà con tên toàn loài chim, thoạt đầu các cụ đặt là Oanh, Yến, tên chim theo Hán-Việt rất đẹp, Nhưng rồi lại tiếp tục... mấy cô nữa nên sau các cụ đâm chán, cũng đặt tên chim nhưng là chim... thuần Việt, cô Sẻ, cô Sáo. Cô Sẻ lớn lên lấy chồng chỉ ở nhà nội trợ lo chuyện con cái, bếp núc chẳng làm ăn gì nên vẫn giữ tên Sẻ, Còn cô Sáo hồi đó đi làm bàn giấy cho hãng Tây, theo đợt sóng mới, chắc thấy tên mình gọi lên nghe... chim chóc quá, hoặc tên "Sáo" nghe khách sáo, sáo rỗng, cho nên cô xin ra tòa án đổi tên, cũng chẳng thay đổi gì nhiều, tòa chỉ bỏ dấu sắc, "Sáo" thành "Sao", dù sao theo cô thì tên Sao nghe gọi cũng hay hơn tên Sáo.

Cái tên người, "có yếu tố Hán-Việt, nước ngoài" hay "thuần Việt" lắm khi nó rắc rối vậy đó...


Phạm Ngọc Hiệp

Nhận xét

Bài đăng phổ biến