GÀ LÊN MÂM

GÀ LÊN MÂM

Ngày Tết hầu như nhà nào cũng có con gà. Gà cúng ông bà, gà trên mâm cỗ… Nó phổ biến đến vậy nhưng mấy ai ăn miếng gà mà hiểu hết về nó...

Ngon - bổ - rẻ

Trong dinh dưỡng có lời khuyên “hai chân (gia cầm) tốt hơn bốn chân (gia súc)”.
Thịt gia súc (heo, bò, dê) đều là loại thịt đỏ, thường gây bệnh tim mạch, bệnh thống phong (gout). Trong khi đó thịt gà (thịt trắng) chứa những protein dễ hấp thu, ít nhân purin nên có thể dùng cho bệnh nhân gout.

Với những người có rối loạn mỡ máu thì thịt gà là món có thể ăn, trong khi thịt gia súc lại phải kiêng.

Trung tâm Nghiên cứu sức khỏe Chicago (Mỹ) thực hiện nghiên cứu với sự tham gia của 200 nam nữ. Họ được yêu cầu bổ sung vào chế độ ăn uống trong vòng 1 tuần với lượng thịt như sau: Nhóm thứ nhất tăng cường 170g thịt bò, thịt bê hoặc thịt heo mỗi ngày. Còn nhóm thứ hai bổ sung vào chế độ ăn uống 179g thịt gà.

Kết quả:
Nhóm ăn thịt gà giảm cholesterol xấu 2,9% trong khi nhóm ăn thịt đỏ (nạc) giảm không đáng kể. Vì thế thịt gà được sử dụng cho những người thừa cân, béo phì, rối loạn mỡ trong máu và bệnh thống phong.

Tuy nhiên, xin mở ngoặc là bạn muốn giảm cân thì chỉ được ăn thịt nạc, đặc biệt là phần nạc ở ức gà, không ăn da và mỡ gà. Vận động viên thể hình cần protein để có khối cơ nở nang, bắp thịt nổi lên cuồn cuộn thì thịt gà nạc cũng là lựa chọn.

Có một loại gà bị mang tên ác nhưng không hề ác. Chúng thuộc họ trĩ, còn gọi là ô kê (gà đen) hay ô cốt kê (gà xương đen), hắc cước kê (gà đen chân chì) hay gà ngũ trảo (5 ngón).
Theo y học cổ truyền, gà ác vị ngọt, tính bình, có tác dụng bổ can thận, ích khí huyết, dưỡng âm hạ nhiệt, dùng để bồi bổ cơ thể, chữa những chứng bệnh nóng âm ỉ trong xương, đi tả lâu ngày do tỳ hư, ra mồ hôi trộm…

Các nhà dinh dưỡng hiện đại cho rằng thịt gà ác giàu protein (có 18 loại acid amin cần thiết), ít mỡ, nhiều vitamine và các nguyên tố vi lượng. Vì thế gà ác được coi là vị thuốc phòng chống mệt mỏi, tăng cường miễn dịch, tăng khả năng thích nghi trong những môi trường khắc nghiệt. 

Nước ta có một số giống gà được xếp vào hàng “quý” như gà Đông Tảo, gà đồi Yên Thế, gà Mía, gà Mạnh Hoạch giá cao gấp 2 - 3 lần các loại gà ta khác. Liệu chúng có giá trị dinh dưỡng cao không? Thưa không. Chẳng qua  chúng ngon theo khẩu vị nên được nâng lên vị trí “quý”, bà con mình muốn ăn phải trả giá đắt mà thôi.

Tây không khoái, ta lại ưa

Người Âu Mỹ thích ăn gà công nghiệp vì thịt mềm, còn ta khoái ăn gà “đi bộ” vì thịt dai và chê gà công nghiệp thịt nhão, vị nhạt.

Tuy nhiên, khi phân tích thành phần dinh dưỡng thì gà đi bộ không hơn gà công nghiệp. Các nhà dinh dưỡng cho rằng chuyện này chẳng qua là do thói quen ăn uống của ta mà thôi.

Tương tự, người Mỹ thích ăn ức gà nhưng không ưa cánh hay đùi gà vì họ sợ dư lượng chất kháng sinh mà người nuôi thường tiêm vào đùi và cánh còn tồn đọng nơi đây.

Ở ta, những trại nuôi gà thả cũng tiêm kháng sinh nhưng bà con ta khoái khẩu món cánh gà chiên nước mắm, đùi gà chiên bơ… chả thấy ai lăn tăn lo lắng sẽ bị kháng thuốc. Khi phân tích giá trị dinh dưỡng thì thịt vùng ức gà hàm lượng protein cao hơn phần đùi. Hóa ra Tây có lý hơn ta trong việc ăn thịt gà. 

Bổ như trứng gà

Không có thứ thịt nào đủ chất dinh dưỡng bằng trứng. Trứng gà chứa protein dễ tiêu hóa, đủ các acid amin cần thiết, nhiều vitamine và chất khoáng.

Trứng luộc chín là cách ăn tốt nhất. Có một món trứng bổ gọi là “sữa gà mái”. Cách làm như sau: đập 1 - 2 quả trứng gà thật tươi vào một ly lớn, đánh tan đều với ít đường hay mật ong, rồi chế 200ml nước đang sôi vào khuấy đều, ta sẽ có ly trắng đục như sữa nên gọi là sữa gà mái, người lớn tuổi dùng cho bữa điểm tâm.

Đàn ông dùng “sữa gà mái” là món bổ thận tráng dương. Lòng trắng trứng gà chứa nhiều protein, vì thế các vận động viên thể hình được khuyên ăn  (VĐV Eddie Robinson ăn từ 27 - 34 lòng trắng/ngày).

Dinh dưỡng của trứng có trống và không trống không có gì khác biệt. Tuy nhiên, trứng gà lộn (đã ấp chừng 1 tuần) tức là đã thành phôi thì bổ hơn trứng không có trống. Trẻ nhỏ dưới 3 tuổi không nên cho ăn nhiều trứng, vì lúc đó chức năng gan chưa hoàn chỉnh nên có thể bị dị ứng.

Đợt dịch H5N1, nhiều người lo ăn trứng bị lây nhiễm. Thật ra, nếu bạn luộc chín thì loại siêu vi này cũng… ngủm.

Hạp và không hạp

Theo Đông y, thịt gà vị ngọt, tính ấm, có tác dụng ôn trung ích khí, bổ tinh tủy, thường dùng cho các trường hợp gầy yếu sút cân, suy kiệt, đầy bụng không tiêu, ăn kém, tiêu chảy… Tuy nhiên một số bệnh lại cần kiêng thịt gà:

Người bị thủy đậu cần kiêng thịt gà, đặc biệt là da gà vì có thể gây ngứa ở những nốt thủy đậu và để lại sẹo sau khi khỏi bệnh.

Khi bị sỏi thận nên ăn ít thịt gà vì thịt gà giàu protein sẽ làm lượng oxalat trong nước tiểu tăng lên mà hình thành thêm sỏi.

Người cao huyết áp, rối loạn cholesterol, béo phì không nên ăn da gà (vì nhiều mỡ), không ăn lòng đỏ trứng gà (vì chứa nhiều cholesterol).

Người đang mắc bệnh xơ gan nếu ăn thịt gà (cam ôn) sẽ làm cho tình trạng thấp nhiệt ở gan nặng hơn. 

Thịt gà ăn với lá chanh thái chỉ sẽ rất ngon, thế mới có câu “Con gà cục tác lá chanh”. Bí quyết nằm ở tinh dầu trong lá chanh. Nghiên cứu của các nhà khoa học ở Đại học Ohio (Mỹ) cho thấy tinh dầu chanh có thể kháng khuẩn, tác dụng tốt đến sức khỏe, và mùi thơm dễ chịu đã tạo hứng thú cho thực khách.

Tuy nhiên, có một số thực phẩm không nên hoặc hạn chế dùng chung với gà:

- Không ăn thịt gà chung với lá kinh giới sẽ gây ra chứng đầy bụng, khó tiêu, táo bón.

- Không trộn nhiều bắp cải vào món gỏi gà sẽ gây “hàn” mà đau bụng, bởi bắp cải vị ngọt, tính hàn, thịt gà vị ngọt, tính ấm. Nếu trong nước trộn lại có nhiều tỏi (đại nhiệt) sẽ gây hàn nhiệt giao tranh làm tổn thương khí huyết. Người nào cơ thể yếu, ăn món gỏi gà xong thường than mệt, ậm ạch trong bụng là vì vậy. Đã bắp cải lại thêm hành tây sống cũng không nên, vì hành sống cũng hàn có thể gây tiêu chảy.

- Kiêng ăn thịt gà với thịt chó vì thịt gà tính cam ôn, thịt chó, gan chó cũng cam ôn đại nhiệt. Ăn phải hai thứ bị nhiệt sinh ra đi kiết. 

- Không ăn gà với muối mè và rau thơm, sẽ sinh ra chứng chóng mặt, run rẩy chân tay. 

- Kiêng ăn gà với cá chép vì thịt gà tính cam ôn, cá chép tính cam hàn, gặp nhau sinh ra nhiệt nên dễ nổi mụn nhọt. 

- Thịt gà kiêng ăn với tôm: Vì cả hai đều thuộc tính ôn, kết hợp với nhau sẽ gây nên hiện tượng động phong - ngứa ngáy khắp người. 

“Chuyện ấy” của gà

Gà trống không có vụ chung tình. Nó có thể đạp mái trung bình 25 - 41 lần/ngày với nhiều con mái. Nếu cách ly gà trống và gà mái, sau đó cho chúng “gặp nhau” thì con trống sẽ “máu lửa” hơn, nó có thể “làm ăn” từ 13 - 29 lần trong 1 giờ khiến con mái kiệt sức . 

Gà mái tuy lang chạ với nhiều gà trống, nhưng nó ưu tiên cho “bạn tình” đầu tiên để nhân giống.

Các nhà khoa học ở Đại học Oxford đứng đầu là Rebecca Dean đã quan sát và thấy rằng: Gà mái nếu không thích “bạn tình” nào, nó sẽ chủ động làm co thắt ống dẫn trứng để đẩy tinh trùng của kẻ đó ra ngoài. Thường 80% số tinh trùng “ngoài ý muốn” sẽ bị đào thải.

Rõ ràng gà mái có quyền lựa chọn “cha” cho thế hệ con, thường chúng chọn những con gà trống đẹp mã, khỏe mạnh và là con đầu đàn chứ không chọn những chú gà trống choai hay những kẻ yếu ớt.

Đây là cách mà các nhà khoa học gọi là “loại cơ hội làm cha của những gã gà trống hiếp dâm”.



Nhận xét

Bài đăng phổ biến