NHỮNG CÁI TÊN (1)

NHỮNG CÁI TÊN (1)

Ai cũng có ít nhất một cái tên, do cha mẹ đặt cho để phân biệt người này với người khác, và cũng để ghi vào giấy tờ cho nhà nước quản lý, ông Nguyễn Văn A, bà Trần Thị B, hay cô Lê Thị Xoài, cậu Đỗ Văn Mít, cụ Phan Văn Ổi... Thuở nhỏ tôi hay nghe người lớn nói "Này đừng có mà mang tên cúng cơm ra mà réo", hihi, lúc ấy cũng chẳng hiểu tên cúng cơm là gì, cứ nghĩ là tên do cha mẹ đặt trên giấy tờ.

Lớn lên đọc sách vở tí chút thấy người mình còn nhiều thứ tên khác, như tên bộ, tên tục, tên tộc, rồi tên hiệu, tên tự, tên chữ, tên hèm, tên húy, tên đạo, tên thánh, pháp danh, bút danh, nhũ danh, sước hiệu, tước hiệu, vua chúa có niên hiệu, đế hiệu, miếu hiệu... rối tinh rối mù... Có nhiều khi lẫn lộn, chẳng hiểu cái tên nào ra cái tên nào, nhất là xem mấy tác giả thời xưa, như Nguyễn Du có sách chép tự là Tố Như (cũng có sách chép tên chữ là Tố Như), hiệu là Thanh Hiên nhưng khi viết truyện Kiều Nguyễn Du ký tên hiệu là Tiên Điền, Lê Quý Đôn thấy sách ghi chính tên là Lê Danh Phương, tự Doãn Hậu, hiệu là Quế Đường.  Hay Huỳnh Tịnh Của  tên hiệu là Tịnh Trai, tên thánh là Paulus nên thường gọi là Paulus Của, quyển Đại Nam Quấc Âm Tự Vị của ông ghi là Hùinh Tịnh Paulus Của...

Lâu lâu đọc ở đâu đó, hay nghe ai giải thích loáng thoáng những cái tên như thế, qua hôm sau lại đâu... hoàn đấy. Lần này thì tôi thử xem ý nghĩa của những tên gọi ấy ra sao? Chẳng có gì hơn là phải lục lại những quyển từ điển, mới đầu tưởng chỉ một, hai quyển, ai ngờ phải tra trong cả chục quyển từ điển sách vở đủ loại mới nắm được tàm tạm, tôi kể ra dưới đây:

- Tên bộ, là tên thường do cha mẹ (có khi là ông bà, cô chú...) đặt được ghi trong sổ bộ nhà nước (tên gọi trong khai sinh), vì được ghi trong sổ bộ nên gọi là tên bộ. Ngày xưa tên bộ có khi không được đặt ngay sau khi sinh để làm giấy khai sinh như bây giờ, nhất là ở những nơi quê mùa, xa xôi. Có những trường hợp khi đã lớn, trưởng thành cần phải làm giấy tờ tùy thân, đi học, hay thậm chí lập gia đình... người ta mới đi làm khai sinh, khi ấy mới tìm một cái tên chính thức để ghi vào trong sổ bộ.

 - Tên tục, tên tộc, khi mới sinh ra những đứa trẻ ngày trước luôn được đặt một cái tên để gọi trong nhà, có khi chòm xóm cũng theo tên này mà gọi, tên này được gọi là tên tục, hay tên tộc, và ngay cả thời nay cũng thế. Xưa tên tục thường là  những tên không được đẹp, như Tí, Tèo, Đực, Gái..., hoặc thông tục như thằng Cu, cái Hĩm, Cún, Vện..., ngày nay thì thường tên tục là những cái tên dễ gọi dễ nhớ như Bi, Bo, Bơ, tôi có người bà con đặt tên tụccho con cháu là Sắn (khoai sắn), Mì (khoai mì), có người lại đặt là Dăm Bông, Ba Tê, Đô La... Những tên này có khi đến lớn vẫn còn được người trong nhà gọi.

- Tên tự (tên chữ), tên hiệu (bút hiệu, bút danh), thường chỉ có những văn nhân, thi sĩ, hoặc những người ngày xưa học hành giỏi giang mới có tên tự (tên chữ) hay tên hiệu (bút hiệu, bút danh). Đó là những cái tên có ý nghĩa do họ tự đặt ra cho chính mình, để đặt dưới những bài thơ, bài văn, chẳng hạn như Nguyễn Du viết truyện Kiều lấy hiệu là Tiên Điền, Nguyễn Trãi lấy hiệu là Ức Trai (Ức Trai thi tập), hay Nguyễn Đình Chiểu lấy hiệu là Bạch Vân (Bạch Vân thi tập), nhà thơ Tản Đà tên bộ là Nguyễn Khắc Hiếu, Tản Đà là bút hiệu... Người hoạt động nghệ thuật thay vì bút danh thì gọi là nghệ danh, như Phùng Há là nghệ danh của nghệ sĩ Trương Phụng Hảo, Út Trà Ôn là nghệ danh của nghệ sĩ Nguyễn Thành Út...

- Tên thụy, còn được gọi là tên hèm, tên cúng cơm, là tên được chọn đặt khi đã về già để dùng sau khi mất trong việc cúng giỗ, tránh dùng tên bộ và tên tục. Có những trường hợp khi mất chưa kịp đặt tên thụy, thì khi nằm xuống người nhà thường phải nhờ người giỏi chữ đặt cho một tên thụy đặt lên bài vị, và để gọi khi cúng lễ. Người ta tin rằng nếu không dùng tên thụy thì người mất sẽ không biết về mà hưởng.

Tên thụy đối với các bậc công thần, nghĩa sĩ còn có ý nghĩa khác, đây là tên được nhà vua ban để tưởng nhớ công ơn của người đã khuất.

- Tên đạo, là tên được đặt cho tín đồ, bởi nhà tu hành của tôn giáo. Bên Phật giáo được gọi là Pháp danh, ngày xưa Pháp danh được vị thày đặt khi người đệ tử vào chùa quy y và trở thành tu sĩ. Ngày nay Pháp danh cũng được đặt cho những tín đồ quy y nhưng không bắt buộc phải vào chùa tu hành. Pháp danh là do vị tu sĩ chủ trì lễ quy y đặt cho người được quy y. Pháp danh của tu sĩ Phật giáo có chữ Thích đứng đầu, như Thượng tọa Thích Quảng Đức, Đại đức Thích Tâm Thiện... còn của tín đồ tu tại gia (cư sĩ), không có chữ Thích, như Diệu Hiền, Giác Phương, Thiện Minh...

Tên đạo bên Thiên Chúa giáo được gọi là tên Thánh, là tên của một vị thánh trong đạo, như Giu Se, Phê Rô, Phao Lô, Maria, Rosa... Tên thánh thường được ghép với tên bộ, chẳng hạn như Paulus Của, Phêrô Hiền... Tên thánhcủa một người thường được lấy theo tên thánh của cha, mẹ đỡ đầu chứ không do vị tu sĩ làm lễ đặt. Cũng cần phân biệt tên thánh và tên Tây của một người, cũng có người tên Robert Hiếu, Robert ở đây là tên đặt theo Tây chứ không phải là tên thánh.

- Nhũ danh, ngày xưa người phụ nữ khi về nhà chồng thường được gọi bằng tên của chồng, nhũ danh là tên bộ cha sinh mẹ đẻ của mình đặt, như bà luật sư Ngô Bá Thành (Ngô Bá Thành là tên chồng) có tên bộ là Phạm Thị Thanh Vân...

- Sước hiệu, nếu tên bộ do cha mẹ đặt, bút hiệu, tên tự do chính mình đặt, thìsước hiệu do người khác đặt cho mình, thường là một cái tên ngộ nghĩnh nói lên đặc điểm của người được đặt, hay để phân biệt người này với người khác. Chẳng hạn một người tên Phong để râu ria được gọi là Phong Râu, trong cơ quan làm việc có hai người tên Sơn, một người cao một người ốm, người cao được gọi là Sơn Cao, còn người kia được gọi là Sơn Ốm...

- Tước hiệu, là danh vị do vua ban để hưởng lộc. Có 5 tước là Công, Hầu, Bá, Tử, Nam. Lê Văn Hưu làm quan đến chức Binh bộ Thượng thư, tước hiệu Nhân uyên hầu.

Trên đây là một số tên gọi thông thường của những người bình thường trong xã hội, ngày xưa các vì vua thường có những tên gọi khác:

- Niên hiệu, là tên hiệu một vị vua khi mới lên ngôi đặt ra để tính năm trị vì, chẳng hạn Gia Long, Minh Mạng... là niên hiệu.
- Đế hiệu, là tên triều đại của vua được công bố trong ngày lễ đăng quang. Các vì vua của nước ta trước đây thường có đế hiệu do vua Trung Hoa phong tặng, vua Quang Trung được phong đế hiệu là An Nam Quốc Vương, vua Gia Long là Việt Nam Quốc Vương.
- Miếu hiệu, cũng tương tự như tên thụy ngoài dân gian, do vua đời sau đặt cho vua đời trước để thờ, chẳng hạn miếu hiệu của vua Quang Trung Nguyễn Huệ là Thái Tổ Võ Hoàng Đế.

Những cái tên của  một người hay của con người tôi tổng kết bên trên chắc chắn chưa đủ, còn thiếu nhiều, bây giờ còn nhiều những tên gọi mới ra lò, chẳng hạn cái "ních nêm" trên mạng. Cái tên gọi thôi mà người mình phong phú thế, nhiễu sự thế, cái này chắc dân Tây thua xa...


Phạm Ngọc Hiệp

Nhận xét

Bài đăng phổ biến