LÒI TÓI
LÒI TÓI
Hì hì, tôi quay trở lại với từ "lòi tói",
lần này là từ "lòi tói" trong bài thơ thất ngôn tứ tuyệt của Bà chúa
thơ nôm Hồ Xuân Hương. Tôi chép lại bài thơ dưới đây:
Dắt díu nhau
lên tới cửa chiền,
Cũng đòi học
nói, nói không nên.
Ai về nhắn
bảo phường lòi tói,
Muốn sống đem
vôi quét trả đền.
Bài thơ này tôi ít tìm thấy trong những quyển sách
viết về thơ Hồ Xuân Hương, và trong quyển sách mà tôi tìm thấy bài thơ cũng
không thấy ghi tựa của bài tbơ. Chỉ thấy sách viết đại khái là nhân một buổi đi
thăm cảnh chùa, Hồ Xuân Hương thấy trên vách tường nhà chùa, ai đó đã viết một
bài thơ (ngày đó là thơ chữ Hán, chữ Nôm), ý thơ thì non kém, chữ viết thì
nguệch ngoạc. Tức cảnh sinh tình nhà thơ đã làm bài thơ trên để tỏ ý chê bai kẻ
đã đề thơ.
Hai câu đầu bài thơ của Hồ Xuân Hương, cho ta thấy
là bà đã chê (bài thơ) của kẻ nào đó (viết lên tường của nhà chùa), "cũng
đòi học nói, nói không nên". Câu thứ ba và thứ tư, bà muốn nhắn bảo cho ai
đó mà bà gọi là "phường lòi tói", muốn sống phải đem vôi đến quét xóa
đi những câu thơ dở kia, trả lại bức tường cho nhà chùa.
Qua ý nghĩa của bài thơ thì ta thấy rõ Hồ Xuân
Hương đã dùng chữ "phường lòi tói", để chỉ những kẻ dốt chữ đã làm
bài thơ dở đề trên vách chùa kia. Trong 2 bài viết "Lòi tói" trước,
tôi đã trích dẫn những quyển từ điển tiếng Việt ngày xưa xuất bản ở cả 2 miền
Nam, Bắc, kể cả quyển từ điển rất xưa xuất bản năm 1651 tại Roma của giáo sỹ
Đắc Lộ, chỉ thấy ghi nghĩa của chữ "lòi tói" là "sợi dây xích
sắt", hoặc là "sợi dây thừng, dây chão lớn để buộc ghe thuyền",
chứ không thấy sách nào giải nghĩa "lòi tói" là "ngu dốt",
hoặc "người ngu dốt mà muốn tỏ ra hay chữ". Nhưng vài quyển từ điển
mới xuất bản gần đây đã đưa thêm nghĩa này vào (chẳng hạn từ điển tiếng Việt
của Nguyễn Như Ý chủ biên, hoặc của Nguyễn Lân), từ điển tiếng Việt Wiktionary
trên mạng cũng ghi thêm nghĩa như thế, với ghi chú thêm 2 câu thơ thứ ba và thứ
tư của Hồ Xuân Hương.
Tôi đã thử lục tìm trong khá nhiều tự điển, sách vở
mình có mà không tìm ra tông tích từ "lòi tói" với nghĩa "ngu
dốt". Mới đây tình cờ lướt web đọc đươc bài thơ trên của Hồ Xuân
Hương, với chú thích về chữ "lòi tói" trong "phường lòi tói",
như sau:
- "Do thành ngữ "thảo lòi tói",
nghĩa là viết chữ Hán theo lối thảo nguệch ngoạc, lằng nhằng chẳng ra sao, đây
muốn chỉ người học trò dốt nát, học hành kém cỏi, viết chữ xấu, nguệch ngoạc
như gà bới".
Với giải thích về từ "lòi tói" trong bài
thơ của Hồ Xuân Hương hiểu theo giải thích như trên, ta thấy "phường lòi
tói" mang ý nghĩa là chê chữ viết của ai đó trên vách tường của nhà chùa
là nguệch ngoạc, khó coi. Chứng tỏ đấy là kẻ dốt chữ.
Như thế từ "lòi tói" từ nghĩa ban đầu là
để chỉ sợi xích sắt, hoặc sợi dây thừng dây chão, đã được người đời "hình
tượng hóa" sang chữ viết (chữ Hán hoặc chữ Nôm), với ý nghĩa viết chữ
nguệch ngoạc, lằng nhằng (tựa như sợi lòi tói), chứng tỏ là kẻ dốt nát, và nhà
tbơ Hồ Xuân Hương trong bài thơ ghi trên đã chê kẻ viết thơ trên vách chùa là
"phường lòi tói", dốt chữ.
Với cách giải thích như trên tôi thấy khá thuyết
phục, khi chưa tìm thêm được lời giải thích khác. Như vậy chữ "lòi
tói" trong "phường lòi tói" với nghĩa là dốt nát trong bài thơ
của Hồ Xuân Hương ghi trên là từ chuyển nghĩa (từ phái sinh), từ chữ "lòi
tói" là xích sắt, hoặc sợi dây chão, dây thừng, như đa số từ điển xưa nay
đã giải thích.
Tôi thường hay tra các loại từ điển, nhất là từ
điển tiếng Việt qua nhiều thời kỳ in ấn, ở các địa phương, tôi nhận thấy cách
giải thích từ ngữ của một vài quyển từ điển tiếng Việt thông dụng in thời gian
tương đối gần đây, chẳng hạn như từ điển mạng Wiktionary, hoặc từ điển tiếng
Việt của Nguyễn Như Ý, Nguyễn Lân, thường đưa nghĩa của các từ qua các thời kỳ,
dưới hình thức ý nghĩa khác (nghĩa 1, nghĩa 2...), nhưng không ghi rõ nghĩa nào
là nghĩa cũ (đã có từ lâu đời hoặc không còn thông dụng, chẳng hạn như chữ lòi
tói với nghĩa là ngu dốt), hoặc là phương ngữ, tiếng địa phương như các quyển
từ điển khác. điều này khiến người tra từ điển nhiều khi gặp nhiều khó khăn
trong tra từ.
Tôi đưa ra một ví dụ trong quyển Từ điển tiếng Việt
(Hoàng Phê chủ biên) là quyển từ điển được dùng nhiều để tra cứu hiện nay, với
cách ghi như sau:
- éo le: t. 1. (cũ). Chông chênh, không
vững. Cầu tre khấp khểnh, éo le. 2. Có trắc trở, trái với lẽ
thường ở đời. Cảnh ngộ éo le. Khối tình éo le.
Với cách ghi như trên, ta có thể thấy từ éo le với nghĩa 1. là chông chênh, không vững, là cách hiểu cũ của ngày trước, ta thấy ngay so với nay là nghĩa2. thì nghĩa 1. ít, hay không còn được dùng nữa.
Với cách ghi như trên, ta có thể thấy từ éo le với nghĩa 1. là chông chênh, không vững, là cách hiểu cũ của ngày trước, ta thấy ngay so với nay là nghĩa2. thì nghĩa 1. ít, hay không còn được dùng nữa.
Tôi đưa thêm một từ khác, đó là từ "bao biện", đây là từ xưa với nghĩa như từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên) đã giải thích (chỉ với một nghĩa):
- bao biện: đg. Làm cả những việc lẽ ra phải để cho người khác làm, đi đến làm không xuể, không tốt.
Chữ "bao" ở đây có nghĩa là "bao đồng", và chữ "biện" có nghĩa là "công việc" (từ điển tiếng Việt của Hoàng Phê chủ biên), chứ không phải là "biện hộ". Trong sách Phép giảng tám ngày viết:
Hỏi: Khi giáo hữu thường, như trùm, biện, hay là mụ
bà, phải làm phép rửa tội mà hãy còn mắc tội trọng, thì phải lo liệu làm sao?
Trong câu hỏi trên ta thấy có những danh từ chỉ
những chức danh trong sinh hoạt của người Thiên chúa giáo ngày trước, như
"trùm", từ còn dùng đến bây giờ, ở mỗi giáo xứ thường có một người
đứng tuổi đứng ra cáng đáng "chuyện hằng xứ", thay mặt giáo dân để
làm gạch nối giữa nhà thờ và giáo dân. Phải chăng từ chữ "trùm" này
mà xã hội có từ "trùm" để chỉ kẻ đứng đầu, như khi nói "hắn ta
là trùm xã hội đen"?
"Biện" trong Phép giảng tám ngày cũng
thế, là người tự nguyện đứng ra làm việc cho nhà xứ, cho giáo xứ mà không có
công xá gì hết, thường được gọi là người "làm việc tông đồ", dân gian
gọi nôm na là "ăn cơm nhà vác tù và hàng Tổng". Mấy năm trước tôi gặp
lại một anh bạn thời còn trong quân đội trước 1975, sau năm 1975 tôi ở Sài Gòn
còn anh bạn ở quê nhà Kontum trong một xã đạo. Khi tôi hỏi thăm về một bạn khác
cùng quê, ông bạn tôi nói về người kia "giờ nó làm biện ở nhà thờ",
tức là người bạn kia đang "làm việc tông đồ" cho giáo xứ.
Còn "mụ bà" hay còn được gọi là "cô mụ, bà mụ" là từ ngày xưa để gọi những người nữ đi tu mà sau này gọi là "bà phuớc, dì phước", hoặc tân tiến theo tiếng Tây là "sơ" (soeur ), mà ta thường gọi là "ma sơ" (ma soeur). Bà mụ này khác với "bà mụ" ở ngoài đời để chỉ người đỡ đẻ ngày xưa, hoặc "mụ, mụ bà" trong tâm linh. Đứa trẻ lững chững biết đi bị ngã, người lớn hay nói "mụ bà đỡ".
Còn "mụ bà" hay còn được gọi là "cô mụ, bà mụ" là từ ngày xưa để gọi những người nữ đi tu mà sau này gọi là "bà phuớc, dì phước", hoặc tân tiến theo tiếng Tây là "sơ" (soeur ), mà ta thường gọi là "ma sơ" (ma soeur). Bà mụ này khác với "bà mụ" ở ngoài đời để chỉ người đỡ đẻ ngày xưa, hoặc "mụ, mụ bà" trong tâm linh. Đứa trẻ lững chững biết đi bị ngã, người lớn hay nói "mụ bà đỡ".
Ít năm trở lại đây tôi thấy trong xã hội người ta
ít còn dùng từ "bao biện" với nghĩa như Từ điển tiếng Việt của Hoàng
Phê đã giải thích, mà dùng với nghĩa là tìm đủ mọi lý lẽ để chống chế cho lỗi
lầm đã phạm khi bị phát hiện. Từ "bao biện" với nghĩa này rõ ràng đã
khác với nghĩa cũ của nó. Tôi nghĩ sau này đã dùng sai, có lẽ người ta đã hiểu
từ "biện" với nghĩa thông dụng là "biện hộ, biện bạch" chứ
không phải nghĩa là "công việc", rồi dùng sai miết thành quen, thành
ra một từ với nghĩa mới.
Có một điều khá lý thú, là quyển Từ điển Từ và Ngữ
Việt Nam của Nguyễn Lân, một quyển từ điển sau này nhiều người phát hiện nhiều
sai sót trong việc giải thích từ ngữ, cũng chỉ ghi nhận nghĩa của từ "bao
biện" là ôm đồm cả công việc của người khác.
Tôi tra từ điển tiếng Việt trên mạng, và Từ điển
tiếng Việt thông dụng của Nguyễn Như Ý (NXB Giáo Dục-1996), thấy ghi từ
"bao biện" gồm 2 nghĩa như sau:
Bao biện: đgt. 1. Làm thay sang cả
việc vốn thuộc phận sự người khác. 2.Chống chế lại với đủ lý lẽ, nguyên
cớ, làm cho người khác khó bác bỏ hoặc kết tội.
Tùy thời điểm mà đưa thêm nghĩa mới của từ ngữ vào
từ điển là cần thiết, nhưng hai nghĩa ghi trên không ghi nghĩa nào là nghĩa cũ.
Tôi nghĩ cách viết từ điển (sơ sài) không rõ ràng như thế có một nhược điểm như
đã nêu, là khiến người tra từ điển không phân biệt được đâu là nghĩa cũ, đâu là
nghĩa mới phái sinh. Đó chính là lý do mà nhiều khi tra nghĩa của một từ, tôi
đã phải giở khá nhiều quyển từ điển.
Vài điều suy nghĩ về một từ ngữ.
Phạm Ngọc Hiệp
Nhận xét
Đăng nhận xét