76. TỐ TỤNG HÌNH SỰ THEO LUẬT GIANG HỒ

VŨ ĐỨC SAO BIỂN
KIM DUNG GIỮA ĐỜI TÔI

76.
TỐ TỤNG HÌNH SỰ
THEO LUẬT GIANG HỒ

Trong phần trước, tôi đã có dịp bàn với bạn đọc về luật giang hồ trong trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung. Mặc dù luật giang hồ có luật thành văn, có luật bất thành văn, nhưng đại để vẫn có một tiến trình tố tụng hình sự để thực hiện thi hành án.
Môn phái, tôn giáo, bang hội bào trong tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung cũng có những điều được quy định thành "luật" gọi là môn qui, giáo qui, bang qui riêng. Việc thi hành án hình luật đối với một nhân vật gọi là "thanh lý môn hộ" (quét sạch cửa ngõ) vì những kẻ vi phạm môn qui, bang qui, giáo qui được coi là một thứ rác rến cần phải được giáo dục hay loại bỏ. Thủ tục tố tụng hình sự theo luật giang hồ được thực hiện gọn nhẹ, không rườm rà, rắc rối, dài dòng. Khi một nhân vật bị nghi có dấu hiệu phạm tội hay đã được xác định là phạm tội thì giới luật viện, chấp pháp trưởng lão hoạc kẻ chỉ huy trực tiếp của nhân vật ấy có quyền ra lệnh truy bắt. Tất cả các đệ tử đều phải chấp hành lệnh truy bắt đó và trong trường hợp này, mỗi đệ tử là một trinh sát. Có những đệ tử võ công không bằng võ công kẻ phạm tội, đánh không lại kẻ phạm tội nhưng cũng phải thực hiện lệnh truy bắt đến cùng. Gặp kẻ phạm tội mà không ra tay truy bắt được coi là đồng loã, là che giấu tội phạm.


Khi đã bắt được kẻ phạm tội, giới luật viện, chấp pháp trưởng lão hay nhân vật chỉ huy mở ngay phiên xử tại chỗ. Họ chỉ hỏi kẻ phạm tội vài câu, xuất trình một vài vật chứng hay nhân chứng khiến kẻ phạm tội không thể che lấp được tội lỗi của mình, phải gật đầu chấp nhận. Dù nặng hay nhẹ, bản án cũng được tính toán để thi hành ngay, không qua các thủ tục xử phúc thẩm hay giám đốc thẩm.


Trong Ỷ thiên Đồ long ký, Kim Dung kể chuyện nhân vật chính Giác Viễn đại sư được chùa Thiếu Lâm phân công giữ Tàng Kinh lâu (lầu chứa kinh điển của chùa). Giác Viễn là một nhà sư không học võ công nhưng hàng ngày, ông vẫn tò mò đọc bộ Cửu dương công, nội lực trở nên thâm hậu bất ngờ hơn cả các vị đại sư thủ tòa Giới luật viện, Đạt ma viện. Cũng chính vì ham đọc kinh, nên ông đã bị kẻ khác lẻn vào Tàng kinh các ăn cắp cuốn kinh Lăng Già. Giới luật viện chùa Thiếu Lâm ra lệnh thi hành án hình luật đối với Giác Viễn: chân tay phải mang xiềng khoá, mỗi ngày phải gánh 300 gánh nước để ... đổ xuống giếng và không được nói chuyện với bất cứ một ai. Cho đến khi Hà Túc Đạo của phái Côn Lôn vào Trung Nguyên tấn công phái Thiếu Lâm, Trương Quân Bảo - đệ tử nấu nước pha trà cho sư Giác Viễn - đã dùng La Hán quyền đánh thắng Hà Túc Đạo. Giới luật viện của phái Thiếu Lâm chẳng những đã không khen ngợi Trương Quân Bảo mà còn ra lệnh cho quần tăng bắt giữ Trương Quân Bảo và sư Giác Viễn vì nghi ngờ cả hai thầy trò đã học lén võ công. Túng thế, Giác Viễn đại sư đã dùng hai thùng gánh nước "múc" một bên chú bé Trương Quân Bảo, một bên là cô bé Quách Tương, vượt trùng vây chạy trốn. Giữa đêm thanh trên núi cao, nhà sư ngồi đọc thuộc lòng Cửu dương công - một pho võ công thượng thặng mà ông chỉ tưởng là kinh Phật cho đến khi kiệt sức, viên tịch. Trương Quân Bảo nghe được một ít; Quách Tường nghe được một ít; Vô Sắc đại sư của chùa cũng nghe được một ít. Trương Quân Bảo lên núi Võ Đang tu theo đạo giáo lập ra phái Võ Đang; Quách Tường lên núi Nga Mi tu theo Phật giáo lập ra phái Nga Mi; cả ba phái Võ Đang, Nga Mi, Thiếu Lâm đều lấy Cửu dương công làm nền tảng võ thuật sau này!
Cũng trong Ỷ thiên Đồ long ký, các đệ tử phái Võ Đang đọc được dòng chữ "môn hộ hữu biến, kích tu thanh lý" bên cạnh tử thi của người đệ tử thứ bảy tên là Mạc Thanh Cốc. Lập tức, người đệ tử thứ nhì là Dư Liên Châu mở cuộc điều tra và phát hiện ra Tống Thanh Thư, con trai của đại sư huynh Tống Viễn Kiều, đã học võ công thâm độc của phái Nga Mi, lại đi dòm lén phòng ngủ của các nữ đệ tử phái Nga Mi, bị Mạc Thanh Cốc phát hiện nên y đã giết Mạc Thanh Cốc để bịt miệng. Dư Liên Châu đã thi hành bản án "thanh lý môn hộ" cho phái Võ Đang ngay trong chùa Thiếu Lâm: dùng lục hợp kình bẻ gãy hai tay và dùng song quyền đánh vỡ xương sọ của phản đồ Tống Thanh Thư. Trương Vô Kỵ cứu chữa cho Thanh Thư, đưa về phái Võ Đang. Sau khi nghe Dư Liên Châu phúc bẩm tội trạng của Tông Thanh Thư, Trương Tam Phong giết luôn Thanh Thư và cách chức cả Tống Viễn Kiều vì tội không biết dạy con để còn làm những điều phi nhân, phi nghĩa.


Có những hào sĩ giang hồ không ở một môn phái, tôn giáo, bang hội nào nhưng ỷ mình võ công cao cường, luôn gây ra tội ác. Trong trường hợp đó, luật giang hồ cũng được thực thi rất sòng phẳng và tất nhiên, nhân vật chấp pháp và thi hành án là người tốt, nhân danh cái tốt để trừng trị cái xấu. Đó là trường hợp Bất Giới đại sư trừng trị gã Điền Bá Quang trong Tiếu ngạo giang hồ. Điền Bá Quang là tên dâm tặc, chuyên hãm hại lương gia phụ nữ nổi tiếng với 14 chữ "Giang dương đại đạo thái hoa dâm tặc vạn lý độc hành khoái đao" Điền Bá Quang. Một ngày nọ, hắn rình mò bên nhà một tiểu thư khuê các. Bất Giới hoà thượng đến gặp cha mẹ vị tiểu thư đó, bàn kế bắt và trừng trị Điền Bá Quang. Đêm ấy, vị hoà thượng nằm ngủ trong phòng cô tiểu thư, quả nhiên đêm khuya thì Điền Bá Quang đến giở trò hái hoa. Bất Giới bắt được hắn và khỏi cần tố tụng gì sất, nhà sư bèn xuyên vào bộ phận sinh dục của hắn hai mũi tụ tiễn, điểm đủ bảy trọng huyệt, cạo đầu hắn buộc hắn phải làm sư rồi đặt pháp danh cho hắn là Bất Khả Bất Giới (không thể không giới hạn). Cách thi hành án rung rợn như vậy khiến Điền Bá Quang không thể gian dâm được nữa, cũng không thể chạy mau như kiểu vạn lí độc hành trước đây. Quả nhiên, sau bản án này, Điền Bá Quang trở thành người tốt, một người tốt không làm ăn được gì!


Thủ tục tố tụng hình sự theo luật giang hồ phân biệt rõ rệt người trong môn phái và người ngoài môn phái; người biết luật và người không biết luật. Người trong môn phái đương nhiên phải biết luật nên chịu thi hành án nặng hơn; người ngoài môn phái không biết luật nên thường được coi là vô tội, đôi khi chỉ bị hình phạt nhẹ nhàng.


Người Trung Quốc yêu đạo Nho cho nên vẫn muốn thể hiện cái gọi là phong cách quân tử rõ ràng, công khai, thẳng thắn. Ngay trong luật tố tụng hình sự theo luật giang hồ, cái chất "quân tử Tàu" đó cũng được ca ngợi: môn phái, bang hội, tôn giáo nào dám nói rõ cái xấu, cái tội lỗi của mình ra thì được những người khác ca ngợi. Và trong trường hợp này, luật pháp được thực thi đến nơi đến chốn dù điều đó có làm cho môn phái, tôn giáo, bang hội mình phải mang nỗi nhục trước nhiều người chứng kiến. Trong Thiên Long bát bộ, Kim Dung kể chuyện chùa Thiếu Lâm thi hành kỉ luật fối với Hư Trúc, một nhà sư trẻ phạm vào tội ăn mặn, uống rượu, ngủ với phụ nữ, mất hết võ công phái Thiếu Lâm lại đi làm đệ tử phái Tiêu Dao, trở thành cung chủ cung Linh Thứu. Hư Trục phải chịu đánh 100 côn và bị đuổi ra khỏi phái Thiếu Lâm trước sự chứng kiến của quần chúng các môn phái khác. Huyền Từ phương trượng là người đứng ra chủ trương ciệc thi hành án đó. Thế nhưng khi kéo quần của Hư Trúc xuống (để y chịu hình), nhờ có một dấu hiệu đặc biệt trên da, Diệp Nhị Nương mới biết đó là đứa con lưu lạc của mình và Huyền Từ phương trượng! Như vậy, Huyền Từ phương trượng đã phạm vào giới dâm và điều ấy làm cho cả phái Thiếu Lâm đau xót, xấu hổ. Nhưng để thể hiện phong cách quân tử minh bạch, Kim Dung đã để cho Huyền Từ phương trượng dõng dạc ra lệnh phạt Hư Trúc - con trai mình - đúng 100 côn rồi cởi áo ra tự nằm xuống, ra lệnh cho chấp pháp tăng đánh mình 200 côn. Phương trượng phải chịu hình phạt gấp đôi đệ tử! Chẳng những đã nặng gấp đôi về số lượng, Huyền Từ còn phải chịu nặng hơn về chất lượng: bọn chấp pháp tăng đánh Huyền Từ côn nào côn nấy ra trò. Họ sợ đánh nhẹ là bị quần hùng chê cười môn qui giới luật không nghiêm. Thụ hình xong 200 côn, Huyền Từ đứng dậy không nổi. Nhà sư đã tự vận kinh mạch mà chết để bảo vệ sự trong sáng cho phái Thiếu Lâm!


Ưu điểm cao nhất của luật tố tụng hình sự theo luật giang hồ là truy bắt, nghị án, ra bản án và thi hành án rất nhanh. Các phiên xử luôn luôn không có luật sư bào chữa, quyền lượng hình thuộc về người chấp pháp. Cơ sở thì hành án là đạo lý làm người, không căn cứ vào pháp lý của quốc gia. Những bản án của luật giang hồ được thực hiện công khai; không một ai có thể dùng tiền, dùng quyền, dùng thân thế để mua chuộc các vị chấp pháp. Những bản án bất thành văn đó hiện ra đều khắp trong 12 bộ tiểu thuyết võ hiệp Kim Dung có những bản án nồng nàn đau đớn như bản án dành cho Huyền Từ phương trượng. Đọc Kim Dung ta thấy được một điều sảng khoái: công lý tự nhiên và đạo lý làm người được tôn trọng một cách triệt để. Đó cũng là khát vọng chung, rất nhân bản của các nền pháp luật trên toàn thế giới.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến