THƠ và HIỆN THỰC – Nguyễn Hưng Quốc

THƠ và HIỆN THỰC  

Bài trước, tôi đã chứng minh thơ là sản phẩm của tưởng tượng.
Trong bài này, tôi muốn chứng minh một khía cạnh khác: những sự tưởng tượng trong thơ bao giờ cũng bắt nguồn từ hiện thực.

Thật ra, quan điểm đó không mới. Ai cũng biết tưởng tượng không nảy ra từ hư không. Trong thần thoại Hy Lạp, Muses, thần Nghệ thuật, lại là con của Mnemosyne, thần Ký ức. Không có hình tượng nào trong thơ lại không ít nhiều mang dáng dấp của những hình ảnh thực ngoài đời. Ngay cả thần linh trong các thần thoại Đông Tây cũng đều mang hình hài và tâm lý của con người. Biện pháp xây dựng hình tượng phổ biến trong thơ tượng trưng và siêu thực là làm đảo lộn vị trí và các mối quan hệ giữa các sự vật chứ không phải là tạo ra cái gì hoàn toàn mới. Nhưng ở đây, về phương diện lý luận, chúng ta không thể lầm lẫn giữa khía cạnh nguồn gốc và khía cạnh bản chất. Thơ hay văn học nói chung cho dù bắt chước hiện thực, vẫn không phải là hiện thực, cũng không phải là một bản sao của hiện thực. Quan niệm cho thơ hay văn học nói chung là tấm gương phản chiếu hiện thực vốn thịnh hành trong trào lưu Tân cổ điển (Neo-Classicism) thế kỷ 17-18, ở các nhà văn hiện thực thế kỷ 19 và ở các lý thuyết gia của chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa thế kỷ 20 chỉ là những quan niệm ngây thơ. Có lẽ nguồn gốc sâu xa của những quan niệm này là do hiểu sai tư tưởng của Aristotle.

Trong quyển Thi học (Poetics), Aristotle chủ trương thơ hay văn học nghệ thuật nói chung là những sự bắt chước (mimesis). Tuỳ theo phương tiện, đối tượng và cách thức bắt chước hoặc tái hiện, văn học nghệ thuật sẽ được phân lập thành nhiều thể loại khác nhau. Chẳng hạn, sự khác nhau giữa hội hoạ và văn học xuất phát từ sự khác nhau trong phương tiện tái hiện hiện thực: hội hoạ dùng màu sắc và hình thể, văn học dùng ngôn ngữ và nhạc điệu. Trong văn học, sự khác nhau giữa bi kịch và hài kịch xuất phát từ đối tượng được bắt chước: hài kịch nhắm đến những người xấu, tệ hơn mức bình thường trong khi bi kịch nhắm đến những người tốt, đẹp và cao cả hơn mức bình thường. Từ đó, Aristotle đi đến kết luận cho bản năng bắt chước của con người là một trong hai nguồn gốc của văn học.

Từ “bắt chước”, “tái hiện” và các biến thể của chúng như “phản ánh”, “phản chiếu”, “sao phỏng”... về sau trở thành những từ chìa khoá trong ngôn ngữ phê bình và lý luận văn học Tây phương.

Các nhà Tân cổ điển, giống các nhà nho Việt Nam, nặng óc giáo điều, còn đòi hỏi nhà thơ không những bắt chước tự nhiên mà còn phải bắt chước cả cổ nhân, hơn nữa, còn thu hẹp nội dung của sự bắt chước vào mục tiêu giáo huấn. Tuy nhiên, một số nhà thơ lớn trong trào lưu Tân cổ điển đã nhận ra, trong tư tưởng của Aristotle, “mimesis” không phải chỉ có nghĩa là bắt chước mà còn có nghĩa là khám phá, là phát hiện.

Với Aristotle, những gì nhà thơ bắt chước không phải là những sự kiện cá biệt, ngẫu nhiên mà là bản chất của con người, của xã hội. Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của nhà thơ là phải biết chọn lọc các chi tiết, sắp xếp các chi tiết ấy lại thành một câu chuyện có kết cấu hoàn chỉnh theo luật khả hữu và luật tất yếu. Nhờ thế, thơ sẽ có giá trị cao hơn hẳn sử học: trong khi sử học chỉ kể về những gì đã xảy ra, thơ nói về những điều có thể xảy ra; trong khi sử học chỉ để ý đến những sự kiện riêng lẻ, thơ liên hệ đến những sự thật muôn thuở (1).

Dựa trên cách hiểu mới ấy, Samuel Johnson quan niệm thơ sẽ không thể làm vui nhiều người và lâu dài nếu nó không tái hiện bản chất phổ quát của con người và của cuộc sống. Theo Johnson, tính hiện thực và tính phổ quát đồng nghĩa với nhau: những gì phổ quát nhất bao giờ cũng là những gì thực nhất. Từ đó, Johnson đưa ra khái niệm tính điển hình (typicality), nghĩa là những gì chung nhất cho cả loại (2). Khái niệm này về sau được Engels tiếp nhận và trở thành một khái niệm chủ chốt trong lý thuyết văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa.

Trước và đi xa hơn Samuel Johnson, Sir Philip Sidney, trong quyển A Defence of Poetry xuất bản năm 1595, đưa ra nhiều nhận định táo bạo và thú vị: nhà thơ không bắt chước mà sáng tạo; chính độc giả mới là những kẻ bắt chước: họ bắt chước những gì nhà thơ sáng tạo ra. Theo ông, thế giới trong thơ đẹp hơn trong hiện thực; hoa trong thơ toả mùi thơm ngào ngạt hơn hoa thực ngoài vườn; cuộc đời là thế giới bằng đồng, thơ là thế giới bằng vàng (3).
Gần đây, nhiều học giả đưa ra một số kiến giải mới về khái niệm “mimesis”. Theo Gérard Genette, trong tư tưởng của Aristotle, ngôn ngữ có hai chức năng: chức năng bình thường và chức năng nghệ thuật. Chức năng thứ nhất thể hiện trong việc nói năng hàng ngày: thông báo, ra lệnh, tra vấn, hứa hẹn, thuyết phục v.v... Chức năng thứ hai thể hiện trong việc sáng tác. Chức năng thứ nhất thuộc lãnh vực tu từ học. Chức năng thứ hai thuộc lãnh vực thi học. Chức năng thứ nhất biến thành chức năng thứ hai khi ngôn ngữ được dùng để dựng truyện, để sáng tạo. Vì vậy, “mimesis” được đề nghị dịch là hư cấu (fiction) (4).

Có thể nói, với Aristotle, bắt chước chỉ là nguồn gốc của văn học, khả năng quan sát và khám phá bản chất của tự nhiên là điều kiện của người cầm bút, hư cấu mới chính là yếu tính của văn học. Bắt chước chỉ là bước đầu, phân biệt cái cá biệt và cái phổ quát cũng chỉ là bước đầu, sau đó, nhà thơ, bằng khả năng hư cấu, sẽ nhào nặn lại hiện thực để thành một tác phẩm nghệ thuật. Khi đã hoàn thành, tác phẩm nghệ thuật sẽ không còn là bản sao, là cái bóng của hiện thực nữa. Nó là một thứ hiện thực khác. Đây là lý do tại sao W.B. Stanford, trong một tác phẩm có nhan đề khá dữ tợnNhững kẻ thù của thơ (Enemies of Poetry) đã dùng ngay chính quan niệm của Aristotle để đập phá thành kiến - mà ông gọi là một thứ nguỵ biện - cho thơ trước hết là một sự bắt chước, một sự tái hiện hiện thực:

“Thơ, cũng giống như kiến trúc, thay đổi chất liệu cho phù hợp với mục đích riêng của nó. Đó không phải là một quá trình tái sản xuất. Trong lãnh vực phi nghệ thuật, bao giờ người ta cũng chuộng bản gốc hơn là bản sao. Nghệ thuật càng bắt chước bao nhiêu, nó lại càng trở thành phi nghệ thuật bấy nhiêu.” (5)
Hai nhận định tôi nêu ở trên, một, cho thơ là một thế giới ảo; hai, cho thế giới ảo ấy bắt nguồn từ hiện thực, có lẽ, tôi đoán, dễ được mọi người chấp nhận. Cả hai đều khá quen thuộc trong lịch sử lý luận văn học cả Đông lẫn Tây. Nhưng tôi không muốn dừng lại ở đó.

Tôi muốn đẩy những nhận định này đi xa hơn nữa. Ý nghĩa thực sự của chữ “ảo hoá” trong quan niệm của tôi là cắt đứt mối quan hệ quy chiếu (referential) giữa thế giới thơ và thế giới hiện thực. Nói cách khác, ở đây, thế giới thơ sẽ không còn là một đại diện, một sự thay thế cho bất cứ thế giới nào khác ở ngoài nó. Nghĩa là, ngay cả khi nhà thơ không sáng tác bằng tưởng tượng mà chỉ thuần bằng quan sát thì thế giới thơ của hắn cũng tự nhiên trở thành một cái ảo và cái ảo ấy không tự động quay trở lại hiện thực, không tự động quy chiếu đến một hiện thực nào cả.

Nguyễn Hưng Quốc

Chú thích:
1. Xem Aristotle, Poetics, in trong tập Classical Literary Criticism do T.S. Dorsch dịch và giới thiệu, 1965, Penguin Books.
2. Xem Irène Simone (biên tập) (1971), Neo-Classical Criticism, Edward Arnold, London.
3. Sidney, P. (1975), A Defence of Poetry, J.A. Van Dorsten biên tập, Oxford University Press.
4. Genette G. (1993), Fiction & Diction, Catherine Porter dịch, Cornell University Press, Ithaca, tr. 6-7.
5. Stanford, W.B., sđd, tr. 61.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến