ĐẠO VĂN - Nguyễn Hưng Quốc


ĐẠO VĂN 

Cách đây mấy hôm, trong lúc tán gẫu với một đồng nghiệp, nghe anh khoe là trong lớp anh dạy có mấy du học sinh Việt Nam, tôi hỏi anh về trình độ và thái độ học tập của các sinh viên ấy. Anh khen họ hiền lành và chăm chỉ. Tuy nhiên, ngay sau lời khen ấy, anh hơi khựng lại, rồi nói tiếp, giọng đầy băn khoăn: Không hiểu sao có một vài sinh viên có tật hay đạo văn khi làm luận. Cho là họ làm như vậy vì gặp trở ngại trong việc viết bằng tiếng Anh, anh không áp dụng các hình thức kỷ luật khe khắt giành cho những trường hợp đạo văn như thế. Anh gọi họ vào văn phòng, chỉ cho họ thấy những chỗ ăn cắp từ sách báo và cho phép họ viết lại và nộp lại. Nhưng điều làm anh bạn đồng nghiệp của tôi thắc mắc nhất là ngay trong bài được viết lại sau khi bị cảnh cáo như thế, các em vẫn tiếp tục sao chép từ sách báo. Ít hơn. Nhưng vẫn còn. Rải rác, đây đó, còn. Anh đăm chiêu hỏi tôi: Tại sao?

Thú thực, tôi không ngạc nhiên khi nghe người bạn đồng nghiệp nói như thế. Ngay trong lớp của tôi, một số sinh viên Việt Nam vẫn vấp cái lỗi đạo văn mặc dù trong những tuần lễ đầu tiên của học kỳ, bao giờ tôi cũng dặn đi dặn lại là tuyệt đối không được đạo văn. Tôi cũng dặn dò rất kỹ về phương pháp trích dẫn (quote) hay diễn đạt lại (paraphrase) và cách thức ghi xuất xứ các tài liệu lấy từ người khác. Vậy mà, hầu như năm nào cũng xảy ra tình trạng đạo văn.
Để cho công bằng, cần nói ngay, hiện tượng đạo văn xảy ra ở nhiều sinh viên thuộc nhiều quốc tịch khác nhau, ngay cả sinh viên sinh trưởng tại Úc, tiếng Anh là tiếng mẹ đẻ. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của tôi, sinh viên Việt Nam chiếm một tỉ lệ khá cao.

Lý do đầu tiên khiến các em đạo văn, như lời nhận xét của bạn tôi, là do các trở ngại về ngôn ngữ. Hầu hết các em đều mới sang Úc được một vài năm, chuyện đọc còn khó, chuyện viết lại càng khó; viết theo phong cách hàn lâm với những đòi hỏi nhiêu khê, phiền phức ở đại học lại càng khó hơn nữa. Để viết một bài luận văn, sinh viên Úc chỉ mất khoảng 5,7 giờ, sinh viên Việt Nam có thể mất 5,7 ngày (Đó là chưa kể thời gian tìm và đọc các tài liệu tham khảo). Nhiều em chọn lựa một biện pháp dễ dãi nhất: copy từ sách báo hoặc trên internet. Hình thức copy ấy có nhiều mức độ: Nhẹ thì chỉ lấy vài đoạn; nặng thì lấy trọn bài của người khác, nhất là trong các bài điểm phim hay điểm sách.
Tuy nhiên, vấn đề không phải chỉ là do trở ngại về ngôn ngữ. Trong các lớp về văn hoá và chiến tranh Việt Nam do tôi dạy, để nâng đỡ các sinh viên Việt Nam, trong phần ngôn ngữ, tôi cho sinh viên được phép viết bằng tiếng Anh hoặc bằng tiếng Việt. Phần lớn các sinh viên du học đều chọn viết bằng tiếng Việt, thứ ngôn ngữ các em thông thạo nhất, vậy mà, nhiều em vẫn đạo văn.
Điều khiến tôi ngạc nhiên và băn khoăn nhất là những em ấy đều là những sinh viên thông minh, lanh lợi và khá chăm chỉ. Bởi vậy, khi phát hiện họ đạo văn, bao giờ tôi cũng có có cảm giác vừa sửng sốt vừa buồn rầu. Chẳng thà họ là những sinh viên kém. Đằng này…

Có thể nói, trong cuộc đời đi dạy của tôi, buồn nhất là những lúc phát hiện sinh viên đạo văn. Sinh viên học kém, rớt, buồn, đã đành. Nhưng những cái buồn ấy dù sao cũng dễ chịu. Năm nào cũng có một số sinh viên thi rớt như thế. Rớt kỳ này, họ học lại kỳ sau. Còn cái buồn trước việc đạo văn của sinh viên, nó cứ day dứt thế nào. Mỗi lần viết lời phê trong đó ghi các em bị điểm zero vì đạo văn, bao giờ tôi cũng thấy nặng nề. Nhất là khi sinh viên ấy lại là người Việt. Và không ngớt trăn trở tự hỏi: Tại sao?

Nếu không phải là lý do trở ngại ngôn ngữ thì đâu là lý do chính?

Trước hết, cần lưu ý là, như báo chí trong nước thường loan tin, đạo văn là một hiện tượng rất phổ biến tại Việt Nam. Không phải chỉ học sinh hay sinh viên đại học mới đạo văn. Ngay cả những người làm luận án Thạc sĩ cũng như Tiến sĩ cũng đạo văn. Hơn nữa, cả những giáo sư hay những người làm công tác nghiên cứu cũng đạo văn. Đâu đâu cũng có đạo văn dưới những hình thức và với những mức độ khác nhau.

Nhưng ghi nhận tính chất phổ biến của hiện tượng đạo văn như thế, chúng ta vẫn chưa trả lời được câu hỏi: Tại sao?

Theo tôi, đạo văn gắn liền, trước hết, với văn hoá gian lận. Đạo văn, một từ Hán Việt, nghe có vẻ “sang trọng”, nhưng thực chất chỉ là một hành động ăn cắp. Mà ăn cắp thì đầy tràn ở Việt Nam. Người nghèo ăn cắp, đã đành. Ngay cả những người giàu có và có chức tước cao trong xã hội cũng ăn cắp. Rút ruột các công trình xây dựng là một hình thức ăn cắp. Lợi dụng sự tin cậy của quần chúng để làm những điều phi pháp, có lợi cho bản thân mình cũng là một hành vi ăn cắp. Đánh tráo lịch sử để củng cố quyền bính của giới lãnh đạo cũng là một sự ăn cắp. Nguỵ trang những sự ăn cắp như thế dưới những chiêu bài và khẩu hiệu cao cả là một sự gian lận. Ăn cắp đi đôi với gian lận.
Bên cạnh sự gian lận, đạo văn còn gắn liền với sự thiếu tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ của người khác. Ở Việt Nam, dưới ảnh hưởng của một chế độ được xây dựng trên căn bản ăn cắp và ăn cướp, cái gọi là quyền sở hữu nói chung rất ít khi được tôn trọng. Các quyền sở hữu về trí tuệ lại càng ít được tôn trọng. Người ta thản nhiên ăn cắp các công trình từ tim óc của người khác. Câu văn và ý tưởng là những công trình như thế.

Cuối cùng, đạo văn gắn liền với phương pháp giáo dục tại Việt Nam vốn, từ tiểu học đến tận đại học, chỉ đòi hỏi việc học thuộc lòng. Tự bản chất, việc học thuộc lòng là một quá trình nội tâm hoá những kiến thức từ bên ngoài. Trong việc nội tâm hoá như thế, chỉ có câu chữ là còn lại, còn nguồn gốc các câu chữ ấy, tức là xuất xứ của kiến thức, thì bị rơi rụng mất. Học sinh và sinh viên thường được điểm cao và tự hào về việc nhớ thật nhiều kiến thức nhưng lại không bao giờ bị đòi hỏi phải ghi nhận nguồn gốc của các tư liệu mình sử dụng, do đó, họ không có ý niệm rõ ràng về cái gọi là đạo văn. Trường hợp người bạn tôi kể, sau khi đã bị cảnh cáo về đạo văn, một số sinh viên vẫn tiếp tục vấp phải lỗi đạo văn trong bài viết lần thứ hai cho thấy rõ sự mù mờ trong nhận thức này.

Để kết thúc, có một điều quan trọng tôi xin được nhấn mạnh: nạn đạo văn chỉ xảy ra ở một số sinh viên chứ không phải là tất cả. Đó chỉ là một con số hiếm hoi, trong cả lớp 30-40 sinh viên, chỉ có một hai người mắc phải. Nhưng mỗi năm, chỉ cần một hai người như thế cũng đủ tạo nên một bức tranh không mấy đẹp đẽ cho sinh viên Việt Nam. Tôi viết bài này với ước mong làm cho các sinh viên nói chung có chút giật mình và nghĩ lại, từ đó, bỏ được tật đạo văn vốn là một thứ bệnh trầm kha về phương diện trí thức và đạo đức học thuật ở Việt Nam.

Nguyễn Hưng Quốc


Nhận xét

Bài đăng phổ biến